Xuất thế lại xuất cờ, khí phách của bậc trượng phu
Đấu trí không đấu sức, mong mỏi của người quân tử.
Đã từng có thời kỳ, cờ tướng là thú chơi của những bậc quân tử, những đấng trượng phu. Những vị quyền cao chức trọng sau một cuộc trà dư tửu hậu sẽ ngồi trước bàn cờ mà đối sát cuộc với nhau. Hẳn những bậc tiền nhân ấy sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng nổi hình ảnh những ông chú xe ôm, những bác nông dân sau một ngày lao động mệt nhoài lại bày bàn cờ ở bất cứ khoảnh đất trống nào đó rồi say mê điều quân tính nước, hòng đưa quân đối phương vào thế bí.
Xuất thân từ môn cờ Saturanga của Ấn Độ, du nhập sang phương Tây và được cải biên thành cờ vua hiện đại ngày nay. Ở một dòng chảy ngược lại sang phương Đông, cụ thể là Trung Quốc, nó được thay đổi cho phù hợp và sáng tạo thành cờ tướng. Một món ăn tinh thần vừa thanh tao vừa trí tuệ, khiến biết bao thế hệ sĩ phu, lẫn người dân phải quyến luyến, mê đắm.
Một ván cờ tướng cho người chơi cảm xúc như đang tái hiện lại một trận đánh trên chiến trường khốc liệt. Từng binh chủng tranh đoạt địa thế chiến trường, để khống chế, tiêu diệt đối phương. Tướng và Sỹ ở trong màn trướng mà quyết định thắng thua ngoài chiến trường, Tượng binh hộ vệ chủ tướng và quân sư. Trong khi những quân Xe, Pháo, Mã tung hoành khắp chiến trường hòng giành lấy từng miếng đất, tiêu diệt từng đội quân để tràn vào màn trướng bắt lấy kẻ cầm quân của đối phương. Tốt lại chỉ có thể tiến mà không được lùi, phản ánh chính xác vai trò thấp nhất của binh chủng này trên chiến trường cổ đại. Tuy nhiên, khi chơi cờ thực sự, người ta sẽ thấy rằng chỉ cần đứng đúng vị trí, mỗi quân chủng đều có tác dụng rất lớn đối với cục diện của cả bàn cờ. Thậm chí, có những lúc quân Tốt còn quý hơn cả Pháo, Mã. Có người gọi vui rằng Tốt là Xe con.
Có lẽ chính sự hấp dẫn trong cách chơi thiên biến vạn hóa của cờ tướng mà khiến người người say mê. Ở Việt Nam, cờ tướng thịnh hành tới mức được đưa vào lễ hội làng dưới ba hình thức chính là cờ bàn, cờ bỏi và cờ người. Thông thường, một hội làng kéo dài ba ngày thì môn cờ tướng cũng có thể kéo dài suốt cả ba ngày ấy. Làng sẽ tổ chức đấu loại trực tiếp tùy vào số lượng người chơi, có thể là 32 kỳ thủ hoặc 64 kỳ thủ bắt cặp với nhau thi đấu. Phần thưởng cho người chiến thắng thường không lớn, nhưng danh hiệu vua cờ của làng cũng đủ để các kỳ thủ làng dốc hết sức thi đấu.
Chùa Vua ở Hà Nội thờ thần cờ Đế Thích. Ngôi chùa được khởi dựng vào thời nhà Lý có tên là Hưng Khánh tự, xưa thuộc làng Thịnh Yên, huyện Thọ Xương. Làng Thịnh Yên nổi tiếng với truyền thống chơi cờ tướng lâu đời. Hội cờ của làng thường thu hút nhiều kỳ thủ danh tiếng khắp nơi tụ về tranh tài. Nếu ai ba lần đoạt giải nhất sẽ được khắc tên vào bia đá trong chùa Vua, theo ghi chép của Phan Cẩm Thượng trong cuốn Tập tục đời người.
Ngoài cờ bàn truyền thống, trong hội làng còn có cờ bỏi và cờ người. Cờ bỏi chơi ở sân đình, bàn cờ được kẻ trên sân đình, quân cờ làm bằng gỗ, có cán dài cắm vào các lỗ đào sẵn trên các nước đi. Những quân cờ bỏi thường được làm bằng khối gỗ có bốn mặt, có khắc tên quân cờ bằng chữ Hán rất đẹp. Người chơi phải tự mình cầm quân đi, cái khó là phải tập quan sát trên mặt sân rộng, khác hẳn với bàn cờ nhỏ thường ngày. Nếu không quen mắt, hoặc thiếu óc tưởng tượng thì kỳ thủ ấy có thể không phát huy hết được khả năng của mình. Ấy là chưa kể tới sự ồn ào của đám đông dân làng vây quanh bàn bạc, cãi cọ về các nước đi hay dở của người chơi.
Tương tự như cờ bỏi, cờ người cũng chơi trên sân đình, nhưng thay vì quân cờ gỗ, mỗi quân cờ sẽ là một đồng nam, đồng nữ cầm quân gỗ đứng theo vị trí của mình. Một bên sẽ có 16 đồng nam tượng trưng cho 16 quân cờ, bên kia là 16 đồng nữ cũng đại diện cho 16 quân cờ. Riêng tướng ông và tướng bà được sắp xếp ngồi trước thư án có bày biện nhiều đồ tế tự đẹp mắt. Các quân Tướng – Sỹ – Tượng hai bên thường lựa chọn những thanh niên có ngoại hình đẹp hơn chúng bạn. Tất cả đều được mặc đồ lễ trang trọng và đẹp mắt.
Bắt đầu là lễ rước cờ, ông tổng cờ sẽ cầm một là cờ lớn dẫn đầu quân nam, bà tổng cờ cũng cầm một lá cờ lớn dẫn đầu quân nữ. Theo nhịp trống chiêng, ông tổng cờ đánh trống, dẫn quân nam, bà tổng cờ đánh chiêng, dẫn quân nữ, hai hàng bước chân tế tiến vào gian chính giữa đình, làm lễ xin phép Thánh, để được chơi cờ. Sau đó, hai bên tiến hành rải quân, mỗi quân cờ sẽ đứng vào đúng vị trí của mình. Tiếp đến, hai kỳ thủ bước ra cầm cờ, mỗi nước đi thì phất một cái để ra lệnh cho quân cờ. Ai nghĩ quá lâu, sẽ có hai đứa trẻ cầm trống nhỏ, gõ sát tai kỳ thủ để hối thúc. Hễ ai ba lần giục trống mà đi không kịp thì coi như thua. Ngoài ra, trong sân còn có anh hề cờ với nhiệm vụ ngâm thơ vịnh từng nước đi và trêu chọc kỳ thủ.
Nhưng cờ tướng không chỉ đơn giản là một thú chơi lúc nông nhàn của người nông dân hay đấu trí của giới sĩ phu, mà đó còn là phép thử để xét đoán một con người, sâu xa hay nông cạn, bình tĩnh hay nóng nảy. Cứ sau mỗi ván cờ, người ta lại hiểu đối phương hơn một chút. Những bậc đế vương xưa kia, có lẽ cũng thông qua cờ tướng mà xét tài đoán tâm của những tể thần dưới quyền mình, rồi tùy nghi mà tận dụng tài trí của họ.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?