[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 2

Tác giả Huyết Vy
[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 2

Truyện ngắn phóng tác, lấy cảm hứng từ truyện Duyên Lạ Ở Hoa Quốc –
Thánh Tông Di Thảo.

Giấc mơ của bướm

Hồi 2. Sinh Trưởng

7.

Đông qua xuân ghé, khúc giao mùa rạo rực nhựa sống quấn quanh cành mai gốc mận. Sức sống mạnh mẽ tích tụ trong búp nụ mởn xanh, chỉ chực chờ ngón tay thời gian khẽ gảy qua là đua nhau bung nở. Mưa xuân bất chợt giăng, mơn trớn nụ non, thấm trong vạt yếm, khiến ý tình trong mắt kẻ đang yêu thêm phần ướt át.

Chàng kéo tay nàng chạy sâu vào rừng. Vũng nước đọng phản chiếu đầu mày cuối mắt, hàng xuân sơn quen thuộc nhưng đuôi mắt toát lên vẻ yêu mị phong tình. Giày thêu giẫm qua, nước văng tung tóe, phản ảnh vỡ tan, bướm bay rợp trời. Cả hai dừng lại dưới gốc cổ tùng, đưa tay phẩy nước trên người nhau, da chạm da râm ran, họ đối thoại chuyện trò không ngớt, tiếng cười khanh khách lả lướt của mỹ nhân vang mãi, chốn thâm lâm ám nhiễm sắc tình. 

Họ nói, quá nhiều điều kì diệu xảy ra trong khu rừng mưa này mà không đến nỗ lực. Như đóa xuân bừng nở, như chim gọi bạn tình, như nhan sắc của nàng. Như tình ý của ta. Hoa nở diễm lệ mà chẳng cần nỗ lực bởi vì nó dành toàn bộ năng lượng của mình mà nở, không hề phân tán vào việc gì khác. Bông hoa đó không lên kế hoạch cho tương lai, nó chỉ ở đây, vào lúc này.

Họ nói, con người đã mắc sai lầm ở đâu đó. Dù là một bông hoa, một chú chim, một thân cây, một dòng sông hay một đại dương cũng thuận theo tự nhiên mà hạnh phúc. Sự toàn vẹn của tự nhiên là một dòng chảy tuôn tràn của năng lượng ái ân. Chim réo gọi bạn tình, cây cối sinh trưởng bung hoa, tất thảy không phải là năng lượng ái tình đang bùng phát ấy sao. Toàn bộ ý nghĩa của Đạo không gì ngoài tự nhiên, hòa vào tự nhiên, trở thành tự nhiên.

Cơn mưa xuân qua vội để lại bầu không nóng ẩm, má ấp môi kề, tóc mai chạm vành tai. Những luận đàm hoang dại khiến không khí sau mưa càng thêm nóng bỏng. Chàng siết lấy eo ong của nàng, nhẹ nhàng xoa nắn như muốn lần tìm ấn ký riêng mình chàng biết. Nàng nhìn theo tay chàng, thấy một vết hằn hình tròn to bọc lại một hình tròn nhỏ.

Kỳ lạ, bụng nàng trước giờ trơn nhẵn, không hề có ấn ký như thế này. Nàng dọc theo bàn tay đang đặt trên người mình nhìn lên khuôn mặt lang quân. Lại là gương mặt mờ nhòe ngũ quan, gương mặt đã đánh mất dung mạo. Giây khắc đối mặt, không gian đổ vỡ.

Giấc mơ của bướm

8.

Chu Thiếp choàng tỉnh, hổ thẹn mộng xuân, mồ hôi rịn đẫm, bất giác xoa bụng. Nơi đó nhấp nhô, ẩn chứa một sinh mệnh đang thành hình, cái thai đã được 3 tháng. Từ lúc hoài thai, nàng dễ mệt, ham ngủ, mộng mị triền miên, hư thực khó phân. 

Người con trai không sao thấy nổi mặt liên tục xuất hiện trong mơ. Là Chu Sinh sao? Thư sinh ân cần trầm lặng, chăm chỉ bút nghiên, không mang thói xấu của đàn ông đương thời, cũng chưa từng nặng lời thiếp thất. Nhưng mà anh nguyên tắc và nghiêm khắc với bản thân, sống kìm nén như thể tù chung thân của cuộc đời. Định lực trong mắt mạnh mẽ, trái tim lại hun hút như giếng sâu không đáy. Anh khiến nàng tò mò, muốn tiếp cận để hiểu thêm, đồng thời lại e sợ bản thân chỉ là một kẻ ngu ngơ khờ dại. Một khi sa chân sẽ chìm sâu không ai cứu vớt. Chỉ là nỗi sợ bản năng của kẻ yếu, ý thức rõ ràng thân phận và hoàn cảnh của bản thân.

Một người như vậy nghĩ thế nào cũng không giống với chàng trai phóng khoáng như cỏ dại, tự do như mây trời trong mộng. Nếu chẳng phải Chu Sinh, lẽ nào là duyên âm, tiền kiếp? Chu Thiếp không cho phép bản thân suy nghĩ nhiều. Thời loạn, người ta tất tả ngược xuôi lo cơm ăn áo mặc, chỉ có nàng được chiều hư sinh nông nổi mà nhập nhằng mộng thực. Chính bản thân kẻ mất đi ký ức như nàng đã mang quá nhiều ẩn số rồi. Huống chi, thực tại đã gắn chặt nàng với nhà họ Chu, với cuộc nhân sinh cơm áo gạo tiền và những nhân thân hiện hữu bằng da thịt.

Khi lá tre ào ào rụng xuống ao cá, chiếc áo ấm cho Chu Sinh vừa được khâu xong, thì Chu Thiếp trở dạ. Tiếng khóc oa oa mạnh mẽ của bé trai khiến đất trời một sắc ngày thu được tiếp thêm sinh khí. Nàng rã rời nhìn chồng kích động bế con trai. Đây là lần đầu tiên anh lộ nhiều cảm xúc đến vậy. Trong niềm vui không kìm giấu còn ẩn chứa vẻ kinh hỉ như gặp được kỳ tích ở đời.

– Thằng bé không khác gì ông nội nó! Giống quá, giống quá. Anh Hai trên trời có linh. 

Chú Chu cũng không ngừng kích động. Nhà tranh vách đất bấy giờ hạnh phúc chẳng thua gì lầu tía gác son.

Giấc mơ của bướm

9.

Năm tháng thoi đưa, từ sau khi sinh con, Chu Thiếp bận bịu đến độ không còn thời gian mộng mị nữa. Em bé thật khỏe mạnh, đòi ăn sữa cả ngày, nếu đút cho chút mật thì sẽ cười toe nịnh bợ. Nhìn Chu Sinh ngớ ngẩn thầm thì trò chuyện với con, trong lòng nàng thiếp chợt dấy lên niềm hạnh phúc trước nay chưa từng. Kể từ giờ phút này, hai người trước mắt đã trở thành chủ đề sinh mệnh của nàng. 

Năm con trai lên 3, Chu Thiếp đã học được cách pha trà lài đúng ý chồng. Nhìn anh khẽ nhếch môi tỏ ý hài lòng khi nhấp ngụm đầu, nàng thầm phấn khởi trong lòng. Năm đó, hồng nhạn đưa tin, Chu Sinh dự thi Hội, xếp hạng có phân số nên được bổ làm Giáo thụ Thăng Long. Cả nhà ba lớn một nhỏ, thu dọn hành lý, cáo biệt đất tổ, theo Chu Sinh chuyển đến kinh kỳ lập nghiệp. Cuộc sống nhờ quan trạng của anh mà thay da đổi thịt, tương lai đầy mong đợi. Một đêm canh ba tỉnh giấc, bên giường trống trơn, khoác áo đi tìm, thấy anh bần thần nhìn trăng, trên mặt lệ rơi chan chứa.

Năm con trai lên 5, Chu Sinh làm việc thận trọng, được cất nhắc thăng chức. Thư sinh tuấn tú, tuổi trẻ nhiều tài khiến vị đồng liêu có con gái cập kê nhìn trúng chiếc ghế vợ cả còn trống trong nhà, thường xuyên ghé chơi. Chu Sinh hay sai Chu Thiếp pha trà, sẵn tiện kêu nàng cùng ngồi chơi với khách, sẵn tiện uống luôn ly trà dùng dở còn dính dấu son của nàng. Đồng liêu ngỡ ngàng, Chu Thiếp xấu hổ, Chu Sinh bình thản như không. 

Đêm đó nàng hỏi anh vì sao không muốn lấy vợ. Anh bảo mình chỉ là một kẻ đọc sách tâm cao ý ngạo, dù có ý với công danh nhưng vẫn nuôi chí tay trắng lập nên, không ham kéo bè kết cánh. Đã vậy còn thêm vợ làm chi để thêm người quản lý, vướng bận thông gia. 

Có đôi lúc thấy anh trong sạch như thể chẳng can hệ gì với trần đời ô trọc này. Nàng muốn chỉ muốn đè anh ra, rọi soi từng ngóc ngách người anh để hiểu anh đến tận cùng. Nhưng ngoài kia còn bao nhiêu người con gái nết na hiền thục muốn làm vợ anh, nàng không đủ can đảm để bất chấp khuôn phép, đành ủ ê phủ phục trước anh. Chu Thiếp tự dặn mình phải đè nén, phải giao nộp tất thảy bản thân, phải mãi mãi hiến dâng cán dao quyết định vào tay anh. 

Con trai lên 10, được cho đến trường học. Chu Sinh quan trường thuận lợi, thăng tiến không ngừng. Người đọc sách qua tuổi 30, công danh đã có, thêm nét phong trần, ra đường không ít ca nương mày qua mắt lại, nhưng trong nhà vẫn chỉ có một thiếp một con. Lúc đầu gối tay ấp, Chu Thiếp cũng từng khuyên anh, không muốn lấy vợ thì có thể lấy lẽ, thêm người chăm sóc, thêm con nối dòng. Nhà nay đã không thiếu áo mặc cơm ăn. 

Chu Sinh chỉ khẽ cười, bảo không cần, rồi dúi mặt vào hõm cổ nàng. Nàng quay qua nhìn chồng, tóc nàng xõa dài còn vương trên khóe mắt bờ vai anh. Gần gũi là thế, thân mật là thế mà nàng vẫn không sao chạm tới trái tim vời xa bí ẩn của anh. Chu Sinh không muốn nhắc tới chuyện lập thiếp nữa. Nhưng dẫu sao, chồng không lấy thêm ai đối với phụ nữ là tin mừng. Nàng cùng năm tháng sẽ từ tốn lấp đầy cuộc đời đơn bạc của anh bằng sự săn sóc và quy phục tận lòng.

10.

Năm thứ 15 cùng Chu Sinh kết duyên châu trần, chú Chu tuổi già sức yếu qua đời. Là người phụ nữ duy nhất trong nhà, nàng cùng Chu Sinh đứng ra lo liệu hậu sự cho trưởng bối. Huống hồ chục năm qua, Chu Thiếp luôn xem chú Chu là ân nhân, là phụ mẫu trong nhà mà báo đáp, tình cảm sâu sắc không thua gì ruột thịt. Đến khi tang chế vẹn toàn thì đổ bệnh, phần vì mỏi mệt, phần vì đau buồn. Uống bát thuốc Nam hầu gái sắc cho, nàng ngủ mơ hồ chìm vào giấc ngủ.

Đang thiêm thiếp thì nghe âm thanh lao xao hỗn loạn bên ngoài. Hầu gái hổn hển chạy vào báo tin giặc Ô Thước đang tấn công vào thành. Hai tháng nay, biên cương cáo cấp ngày đêm, giặc Ô kéo đến hàng ngàn hàng vạn, nay đã đến trước cửa thành. Quân số tiêu vong hơn một phần ba, triều đình quyết định dời đô lánh nạn ngay trong đêm. Hầu gái thúc giục nàng phải nhanh chóng thu dọn để lên đường chạy giặc. Tin dữ ập đến khiến đầu óc quay cuồng, thân tâm rã rời. Nàng vội vàng rời giường chạy đi tìm Chu Sinh.

Nàng chạy mải miết trong khói lửa hỗn hoạn, trong tiếng la hét và chém giết triền miên, tìm kiếm một bóng hình thân thuộc. Những đoàn xe bò chất đầy đồ đạc và người lánh nạn ngang qua chỉ có những đôi mắt âu lo, những gương mặt lem luốc. Nhà cửa cháy thành hàng, di dân tự đốt nhà, không để giặc cướp được hưởng lợi miếng nào. Loạn thế ắt sinh chia ly, buộc kẻ ở người đi. Buổi phân ly ngàn năm nay vẫn nhiều lòng đau ruột xé như vậy. Lời tiễn biệt chưa đến đã ong ong trong đầu. Nỗi bất an và đau buồn vì chia lìa xâm chiếm toàn bộ lí trí người thiếu phụ. Đau như thể nó đã từng xảy ra, găm sâu vào ký ức thành một vết thương mãi không lành.

Địa ngục can qua lưu lạc mười lăm năm trước lại tái hiện trước mắt nàng. Nhưng nàng không còn là kẻ trắng tay lang thang vô định ngày đó. Nàng đã có chồng, có con, có thân nhân nguyện cả đời kề vai sát cánh. Nàng không muốn lần nữa mất hết, nàng đã trở nên tham lam. Chạy mải miết, đến sức cùng lực kiệt ngã khuỵu, không cách nào đứng dậy nổi. Một bàn tay thon dài đưa ra trước mặt nàng, nàng vươn tay nắm chặt như thể nắm chặt sợi dây giữ mạng. Ngẩng mặt nhìn lên, là khí tức quen thuộc, gương mặt nhèm nhòa dần rõ. Là ngũ quan quen thuộc đêm đêm cận kề. Chu Sinh mỉm cười, trìu mến nhìn nàng, địa ngục can qua sau lưng chàng vụn vỡ.

Giấc mơ của bướm

11.

Khi không gian tan vỡ, Chu Thiếp ý thức mình lại nhập mộng. Mê man tỉnh dậy, ngoài hiên cờ tang phướn trắng phất phơ, tịch tà nhuốm bầu không một màu tĩnh mịch. Nhìn xuống tay mình, trống không, nỗi hoang vu tê tái xâm chiếm thâm tâm. Nàng bần thần ngồi dậy, cảm giác quyến luyến và bất an trong mộng chưa tan hết, thôi thúc nàng đi tìm Chu Sinh. Lúc này nàng cần nhìn thấy Chu Sinh để khỏa lấp nỗi trống rỗng bị con ác mộng đục khoét trong lòng.

Chu Thiếp lê bước đến thư phòng, đèn đuốc lạnh tanh, Chu Sinh vắng nhà. Thư phòng vốn là chốn riêng tư của nam nhân, nơi chứa đựng tư tưởng cũng như công vụ của họ. Nhưng trời xui đất khiến, nàng vén váy bước vào. Căn phòng gọn gàng tinh sạch, không hề bài trí tranh ảnh và vật phẩm phong thủy thường thấy. Đơn giản đến mức âm u tĩnh mịch. Anh đọc rất nhiều thể loại sách, ngạc nhiên là huyền học cùng tư tưởng Lão Tử, Trang Tử chiếm phần nhiều. Một Nho sĩ theo vòng cương tỏa như Chu Sinh cũng nghiên cứu đạo “vô vi” hay sao? 

Chu Thiếp dạo một vòng quanh phòng, định bước ra thì ánh mắt chợt dừng nơi giá treo bút. Giữa hàng tá bút cọ, một quản bút ánh lên sắc bạch ngọc phát quang dưới ánh đèn cầy. Nàng nhận ra đó là thanh ngọc chồng vẫn thường đeo bên người, kể cả khi động phòng cũng không tháo, không nén nổi tò mà tiến đến cầm lên soi xét. 

Đó là một miếng ngọc dài độ hai tấc, dày ước nửa phân, cuộn tròn hình quản bút, được luồn vào một dây đeo đỏ. Vật ấy tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng tựa phấn hoa sớm mai, trắng như hoa mai, vân như gấm vóc, sáng bóng đáng yêu, mềm dẻo khác thường. Đương hè cầm vào thấy mát rượi, dường như không phải là một chất liệu thuộc về thế tục. Nàng phát hiện một bài thơ được khắc lên ngọc, nét chữ nhỏ nhắn tinh xảo. Như dồn cả tình ý mà nắn nót điêu khắc:

Nhất kiếm hoành thu lịch giải tuyền,

Nghĩ tương nhị tiểu thiếp song thiên.

Hoa cương đối ngạn ưng đông thượng,

Hồ Thủy lâm lưu thả hữu tuyền.

Nhất thập nhất triêu tiên túc hối,

Lục thiên thử dạ thoại tiền duyên.

Lương nhân vật tác mê hoa ý,

Điên đảo phùng quân thập ngũ niên.

Từ ngày về chung nhà, nàng được Chu Sinh cất công dạy cho không ít chữ. Dù không là tài nữ học cao biết rộng, nhưng chữ nghĩa kinh thư nàng cũng đọc được mấy phần. Lời này, ý này chẳng phải là lời đôi lứa tương tư hẹn thề đó sao? Phu quân có nhân tình sao không nạp vào phủ?

Không đúng, miếng ngọc này Chu Sinh đã đeo từ thuở hàn vi, là miếng ngọc anh mãi vân vê lúc canh thâu đọc sách, là miếng ngọc trượt mát lạnh trượt trên người nàng những đêm ân ái. Hẳn là tim anh giấu một hình xưa bóng cũ không cách nào quên. Trái tim nàng thiếp run rẩy, mặt nóng ran, tai ù đi. Ra là vậy, nàng đã có thể hiểu được sự cố chấp của Chu Sinh trong việc thành gia lập thất mười mấy năm nay rồi.

Cạch!

Chu Sinh đẩy cửa bước vào, thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy Chu Thiếp đang đứng bên trong. Ngàn vạn lời cuồn cuộn chực trào trong lòng nàng thiếp chợt nghẹn lại khi bắt gặp đôi mắt mỏi mệt của chồng. Sau một khắc đôi bên thinh lặng, Chu Sinh mở lời, không hề tỏ ra giận dữ khi có người vô phép bước vào thư phòng:

– Khi nãy em ngủ, ta được triệu kiến vào cung gặp quan gia. Đạo Tuyên Quang có giặc Vũ Văn Hối, dựa vào thế núi hiểm trở, không nộp cống thuế, triều đình đã nhiều lần đánh nhưng không dẹp được. Nay được quan gia phong làm Bình Man đại tướng, mang hai vạn quân viễn chinh dẹp giặc. 

Anh nói:

– Việc quân khẩn cấp, phải khởi hành ngay trong đêm. Trở về ta sẽ cùng em nói chuyện.

Giấc mơ của bướm

12.

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,

Xin vì chàng rũ lớp phong sương,

Vì chàng tay chuốc chén vàng,

Vì chàng điểm phấn đeo huơng não nùng…

Liên ngâm đối ẩm đòi phen,

Cùng chàng lại kết mối duyên đến già…

Gió Đông về cắt da xé thịt, đã nửa năm sau từ ngày Chu Sinh treo ấn ngư phù, cầm cờ vũ tiết, dẫn quân lên đường. Chu Thiếp tìm được trong thư phòng anh một cuốn Chinh Phụ Ngâm, khi nhàn rỗi vẫn lấy ra đọc mà rớt nước mắt. Cả ngày nhốt mình trong phòng, khóc không thể kìm nén, cũng không tự mình hiểu được lý do, như một gốc hoa đang lặng lẽ chết đi rồi mục rữa.

Nửa năm qua, nỗi nhớ và khúc mắc nghẹn lại trong lòng thành một khối u, chèn ép hơi thở nàng ngày đêm. Nàng thiếp đi và tỉnh dậy với một trái tim nặng nhọc u sầu. Những giấc mộng nhập nhòe, nhân duyên phu phụ, người con trai đánh mất dung nhan ái ân trong mộng, cuối cùng hiện thành gương mặt Chu Sinh. Tất cả chỉ là trùng hợp hay là một kịch bản đã được viết trước, một câu chuyện đã xảy ra mà nàng đã quên đi phần nhiều tình tiết. Mù mờ chẳng thể liên kết giữa mộng và thực, nhưng nàng linh cảm những bí mật Chu Sinh chôn vùi cùng thanh bạch ngọc chính là chìa khóa mở ra giấc mộng và quá khứ của mình.

Đem ngày nhớ đêm mong bước vào đại yến mừng công, nhạc vũ xôn xao, tán tụng rầm rì. Nàng mượn rượu thêm gan, nhìn ngắm phu quân nay đã ra dáng ông tướng ưng vút hổ gầm, nét phong trần thêm phần uy nghi lẫm liệt. Bao ngày xa cách, một buổi trùng phùng, phú quý nhà trời, thần tiên quyến thuộc, tình nồng rượu nhạt, mắt liếc mày đưa. Thỏ lặn ác tà mà tiệc yến vẫn chưa tan, nhân lúc mọi người phân tâm, Chu Sinh lén lút kéo nàng vào buồng sau. Rèm buông trướng rủ, tiểu biệt thắng tân hôn, chàng nhung nhớ xoa nắn khoanh bụng nàng, bắt nàng bật thốt những tiếng rên xiết. Cảm giác chân thực đến độ, đêm đông tỉnh mộng, chăn đơn gối chiếc, cơ thể râm ran, mồ hôi mướt thân.

Nỗi nhớ đêm ngày hóa thành cơn mơ. Mộng mị càng nhiều, trạng thái tinh thần càng tệ, hư hư thực thực như kẻ mộng du. Nhưng chí ít giấc mơ này báo nàng biết Chu Sinh sắp trở về rồi. Nhiều lần nhập mộng, cuối cùng Chu Thiếp cũng phát hiện những tình tiết trong mộng có mối tương kết ít nhiều với thực tế. Quả nhiên, vài ngày sau, tin báo đại quân khải hoàn đã về đến thành. Nàng vội vã chấn chỉnh tinh thần, sửa sang quần áo, ra tận đầu ngõ ngóng chờ.

Tướng quân cưỡi tuấn mã, râu ria xồm xoàng, ngũ quan hốc hác nhưng không phủ lấp nổi đôi mắt sáng quắc như pha lê. Phu quân xuống ngựa bước vào nhà, vắng vẻ những cái ôm siết nhớ nhung trong tưởng tượng, nhìn nàng hồi lâu bằng một ánh mắt khó lòng mà tả nổi. Anh ghé thăm con trai, rồi vào thư phòng nhốt mình ở đó. Đèn dầu thắp sáng đêm.

Mấy ngày sau, anh tất tả vào triều báo công. Nghe nói chuyến này đại công cáo thành, bắt sống được Vũ Văn Hối. Anh cho niêm phong kho tàng, biên sổ dân đinh, đốt hết đồn lũy của giặc, bàn giao ổn thỏa cho quan chức địa phương rồi khải hoàn hồi kinh. Ngỡ lần này trở về chiến công hiển hách, tiến chức thăng quan, nhưng anh lại xin quan gia cho từ chức hồi hương. Chu Thiếp nghe tin chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ chờ.

13.

Sớm cuối đông, gió lạnh lướt qua, cây cỏ thản nhiên lay động. Sương giăng đẫm lá, cơn mưa nửa đêm qua để lại trên sân gạch những vũng nước đọng, lấp lóa dưới nắng mai. Trong một ngày đẹp trời như thế, Chu Sinh cuối cùng cũng đến tìm Chu Thiếp nói chuyện. Ánh mắt anh vẫn trầm mặc kiên định như buổi đầu, nếp nhăn nơi khóe mắt tích đầy trầm luân. Đó là vết tích mà cuộc sống lưu lại nơi anh.

Hai người mãi ngồi lặng lẽ trong vườn, mặc nhiên để sương mai thấm lạnh, không ai biết phải mở lời từ đâu. Chu Thiếp nhìn đăm đăm những nụ xanh ti tí nhú lên từ thân cành trơ trụi. Đông chưa qua mà sức xuân ẩn ức trong hoang hoải điêu tàn đã không thể kìm nén nảy nở. Dẫu sao, vạn vật có hư hoại thì mới có cái mới tốt đẹp được sinh ra. Thiên nhiên bốn mùa trước giờ vẫn trật tự nguyên tắc như thế.

Giấc mơ của bướm

– Chu Thiếp, em muốn sống một cuộc đời thế nào? –  Chu Sinh thốt nhiên cất tiếng.

– Em muốn pha cho anh tách trà ấm trong đêm đông, đầu xuân lên chùa cầu gia đạo bình an, ngày hạ quạt hết oi nồng cho anh thoải mái đọc sách, thu về may cho anh tấm áo ấm. Chu Sinh, bao năm nay tâm ý của em chưa từng thay đổi.

– Chu Thiếp, anh hiểu những lặng lẽ và cam chịu của em. Nhưng em thực sự không có mong mỏi hay ước nguyện gì cho chính thân mình sao?

Nàng thiếp sụp đổ, nàng không trả lời được. Câu hỏi của Chu Sinh như tấm gương bạc, rọi thấu lỗ hổng toác hoác trong sinh mệnh của nàng. Người con gái không có ký ức, rơi rớt bản tâm, liên tục lấy việc thờ chồng chăm con chắp vá lỗ hổng sinh mệnh của mình. Nửa đời nhìn lại, nàng chỉ có thể lấy chồng con để định nghĩa chính mình mà không thể tự ý thức, tự nhận biết. Nàng là ai, nàng thích gì, đã từng nguyện cầu điều gì cho chính thân mình? Nàng sống đời thực mà mơ màng với đời chẳng khác gì nằm mộng.

– Chu Thiếp, anh thì luôn biết mình là ai, luôn có ước nguyện hừng hực trong lòng. Nhưng thế gian này không phù hợp với giấc mộng của anh. Anh luôn mâu thuẫn, luôn tranh đấu. Nhưng hơn nửa đời nhìn lại, tất cả những gì anh có được bây giờ đều không phải là mong mỏi tận sâu trong lòng. Nên anh chẳng khác nào kẻ trắng tay.

Buổi sớm cuối đông hửng nắng ấy, trong tiếng lời kể trầm ổn thanh tỉnh của Chu Sinh, lần đầu tiên Chu Thiếp tiệm cận trái tim chồng đến thế. Anh nói, Chu Thiếp, trước khi gặp em anh đã từng lấy vợ sinh con. Đời anh là một cơn mộng dài.

Chia sẻ câu chuyện này
Giấc mơ của bướm
Giấc mơ của bướm
Share