Huyền thoại cọp Đông Dương

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Huyền thoại cọp Đông Dương

Năm 2015, tôi đi du lịch Thái Lan. Tại quầy vé của Tiger Kingdom Phuket, trước khi bước vào chuồng để “vui đùa” cùng cọp Đông Dương (Panthera Tigris Corbetti), họ phát cho tôi tờ giấy:

“Bạn hoàn toàn ý thức được việc bạn đang làm. Cọp là thú săn mồi nguy hiểm ở cấp độ cao nhất. Nếu bạn vẫn muốn đi vào chuồng cọp thì đó là quyết định của bạn, và nếu bạn có bị cọp vồ thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm. Đồng ý thì ký vào đây.”

Cọp càng bự thì giá càng rẻ. Tiếp xúc với 5 con cọp trưởng thành to ngang con trâu, tôi tự cảm thấy bản thân rất may mắn khi không sứt mẻ gì. Đó là lý do người ta buộc phải cho du khách ký “án tử” nếu quyết định vào chuồng cọp, bởi vì chuyện nó nổi điên lúc nào là điều không lường trước được.

Nếu nghĩ rằng cọp được nuôi hoàn toàn vô hại thì bạn nhầm. Cảm giác căng thẳng và tù túng do điều kiện sống nuôi nhốt được xem là nguyên nhân khiến lũ cọp tấn công du khách. Khi sống trong các công viên, chúng phải từ bỏ rất nhiều thói quen theo bản năng vốn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tự nhiên. Dù được nuôi nhốt nhưng chúng vẫn là dã thú, hung tính bản năng luôn tiềm tàng. Tôi cũng sợ nhưng vẫn quyết định “thử sức”, vì sẽ rất khó có dịp nào được vuốt ve cọp như thế nữa. Phải nói là cảm giác rất mạnh khi đứng trước một con cọp trưởng thành đang trừng mắt mà xung quanh không có rào chắn.

Là người rất quan tâm đến loài động vật này, tôi thấy rằng việc vồ người bắt nguồn do tập tính của chúng. Cọp là loài sống đơn độc với đặc trưng là tính hung hãn, tính gây hấn rất cao và dễ bị kích động. Cho nên nếu một người đến quá gần và làm bất ngờ một con cọp đang ngủ hoặc đang ăn. Đặc biệt, nếu là một cọp cái với đàn con của mình thì nó có thể tấn công ngay lập tức và giết chết tươi kẻ bất cẩn đó. Cọp là mãnh thú rừng sâu chứ không phải thú cưng để con người nuôi nhốt và nựng nịu. Chỉ cần ăn một cú tát của nó vào má là bạn sẽ không còn cơ hội làm lại cuộc đời. 

Mặc dù là một con thú mạnh mẽ và táo bạo nhưng tính khí của cọp lại ưa sự trầm lặng. Trái với sư tử vốn tập hợp theo bầy, cọp lại thích sống một mình và đi khắp giang sơn của nó. Điều đó đã trau dồi cho cọp trở thành một sát thủ lành nghề đơn độc. Chúng ít tấn công người vì không hiếu chiến như báo hoa mai, nhưng về bản chất thì cọp rất dữ tợn, có tập tính lãnh thổ cao và là động vật vô cùng nguy hiểm, đứng đầu trong chuỗi thức ăn sinh học (apex predator). Đặc biệt cọp rất thính với mùi máu. Chúng tỏ ra phát cuồng khi chúng ngửi mùi của một hợp chất hữu cơ trong máu.

Tiếng gầm của cọp mang theo sóng hạ âm. Khoa học chứng minh sóng hạ âm kích thích khu đồi não, gây bồn chồn lo lắng sợ hãi và ảo giác, khiến cơ thể tạm mất khả năng hành động. Điều đó lý giải nhiều trường hợp gặp cọp mà không thể chạy được hoặc gây ảo giác khi thấy những đốm xanh mà dân gian gọi là ma trành xung quanh con cọp. 

Những thống kê cho thấy cọp là con vật tấn công và gây thiệt mạng cho loài người nhiều hơn bất kỳ loài mèo lớn nào khác. Người ta ước tính rằng ít nhất đã có 373.000 người bị thiệt mạng do cọp vồ trong khoảng 200 năm trở lại đây. Những số liệu đó đã khiến cho cọp được coi là loài giết người ghê rợn nhất. Thế nhưng không giống như những loài khác, cọp hiếm khi đi vào lãnh địa con người. Hầu hết các vụ tấn công đều xảy ra khi nạn nhân lỡ bước vào lãnh địa của chúng. Đa phần các trường hợp bị cọp vồ là do nạn nhân đi lạc. 

Việt Nam là quốc gia nhiều cọp Đông Dương, từ Bắc tới Nam, đâu đâu cũng có. Trong lịch sử không hiếm sự kiện ghi lại việc cọp mò vào tận kinh thành Thăng Long. Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh hóa hổ trên hồ Dâm Đàm là một chuyện hư cấu nhưng không phải là thiếu cơ sở. Bạn tôi kể rằng ngày trước lên núi Yên Tử thăm thiền viện Trúc Lâm phải có các anh biên phòng xách súng kè kè theo để hộ tống. 

Thời Gia Long, vua cho xây con đường thiên lý với 98 nhà trạm từ ải Nam Quan đến Bình Thuận, từ đó vào Hà Tiên đi đường thuỷ. Tuy nhiên, hành trình trên bộ rất rùng rợn. Chính quyền nhà Nguyễn cũng khuyến cáo nhân dân qua lại những vùng có cọp cần hết sức cẩn thận kẻo chết oan mạng. Không khác gì đồi Cảnh Dương trong Thủy Hử.  

Miền Trung nổi tiếng với câu “cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận“. Cọp dữ ăn thịt người đất Khánh Hòa xưa nhiều thật chứ không chỉ là lời đồn đại, nhất là ở Cam Lâm, Dục Mỹ,.. Bằng chứng còn được ghi nhận không ít trong sách vở cũng như trong các câu chuyện truyền khẩu của dân gian. 

Khánh Hòa được mệnh danh là Vùng hổ. Thời Pháp thuộc, bác sĩ Yersin trên đường tìm kiếm Đà Lạt đã đi ngang đây và ghi chép:

Ở Đá Bàn, tôi gặp một cánh rừng thưa lớn, một kiểu rừng dưới chân những ngọn núi ngày càng cao bao quanh thung lũng. Đêm dần buông, tôi vừa lòng đã đến nơi, hoàng hôn rất nguy hiểm trong xứ sở đầy cọp này. Ngựa và những người phục vụ đã đến đây trước tôi một giờ.

Chúng tôi đi ngủ, giường chỉ là một tấm ván cưa thô sơ, đồ đạc duy nhất trong trạm, nhưng ngủ rất ngon, không cần mùng. Tuy nhiên, đêm tối thường bị tiếng cọp gầm trong khu vực phục vụ và chuồng ngựa khuấy động. Lửa được đốt suốt đêm để đuổi cọp vì vùng đất này cũng như cả Nam Trung Kỳ có rất nhiều cọp. Vừa qua, ở Cù Mông, gần Quy Nhơn, không thể nào bảo những người phục vụ đi cắt cỏ ngựa khi đêm xuống, tôi chỉ cho ngựa ăn một ít mía.

Độ vài mươi năm trước, cứ ra khỏi thị xã Nha Trang một chút, chiếu đèn xe đã thấy ánh mắt sáng quắc như hai đốm lửa bên vệ đường. Vú nuôi tôi kể rằng năm 1978, cô đi kinh tế mới ở Đất Sét, cách Nha Trang khoảng 30 cây số. Hồi đó, dân chúng về khá đông nhưng nơi này vẫn là rừng rậm. Mọi người cùng nhau lợp nhà và làm nông, thỉnh thoảng có người vào rừng cắt tranh nhưng không trở về. Nhà vú ngoài rìa làng, cũng cỏ tranh đơn sơ thôi.  Vú cùng chồng đi làm về cũng bị cọp bám theo, nghe tiếng ràn rạt trong đám lau sậy. May mà nó sợ lửa nên không xuất hiện.  

Rồi có đêm khác, đang ngủ thì nghe tiếng động, trong làng hét lên:

– Cọp về!

Thế là bà con đổ ra ngoài đốt lửa, khua chiêng đánh trống ầm ĩ. Sáng trời, đi kiểm tra thì thấy khoảnh sân đầy vết máu. Con cọp rượt mồi tới tận khu dân cư và lượn lờ quanh nhà cô. Vài năm sau, thanh niên xung phong lên phạt cỏ khai quang thì cọp dạt về Hòn Dữ, dần dần biến mất hết. Đến những năm 1990 cọp Khánh Hoà chỉ còn là huyền thoại. 

Tại miền Nam, vùng Bến Tre nhiều cọp đến mức có hẳn một địa danh là đìa Cứt Cọp vì xưa cọp ăn no tụ tập đi vệ sinh ở đây. Thậm chí, cọp còn liều lĩnh mò vào tận Sài Gòn. Năm 1770 nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã tử chiến với một con ở đình Tân Kiểng (nay nằm tại đường Trần Hưng Đạo, quận 5). Hậu quân phò mã Võ Tánh, anh rể vua Gia Long, thời trẻ từng giết chết cọp ở Thập Bát Phù Viên. Hồi đó dân Hóc Môn muốn vào Sài Gòn buôn trầu phải đi theo đoàn chứ đâu ai dám đi lẻ?

Miền Đông Nam Bộ đặc biệt khét tiếng là cọp ba móng ở Đồng Nai từng ăn thịt rất nhiều người, nguy hiểm hơn một đại đội biệt kích Pháp. Còn nếu đi sâu vào những cánh rừng âm u ở miệt dưới Tây Nam Bộ, ta còn nghe văng vẳng những câu ca dao:

U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua

Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um

Giờ đây, có lẽ cọp Đông Dương đã hoàn toàn tuyệt chủng trong tự nhiên ở Việt Nam. Sự biến mất của chúng không chỉ là tổn thất lớn cho hệ sinh thái, mà còn cho cả văn hóa nước ta. Thế hệ ngày sau sẽ chẳng bao giờ có cơ hội chiêm ngưỡng chúa tể rừng già, một sinh vật đã cùng tồn tại với người Việt suốt hàng ngàn năm họ dựng nước.

Chia sẻ câu chuyện này
Share