Đào nương ca trù, phía sau nhịp phách hương đàn – Kỳ 1

Tác giả Huyết Vy
Đào nương ca trù, phía sau nhịp phách hương đàn  – Kỳ 1

Đào nương – danh từ chỉ người ca nữ. Trong thế giới của ca trù, nàng không chỉ là nhân vật chính, mà còn như một bảo tàng chứa di sản đồ sộ các thể cách và câu từ được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nàng là chứng nhân, cùng nghệ thuật ca trù thăng trầm biến đổi qua trăm năm lịch sử.

Danh từ ả đào đã xuất hiện trong lịch sử từ khoảng thế kỷ 14. Nhưng phải đến thế kỷ 15, cùng với sự có mặt và phổ biến của ca trù, bóng dáng đào nương mới nở rộ trong tâm tư người đương thời, khiến lối hát này còn được gọi là hát ả đào. Trong tên gọi của lối hát đã bộc bạch được vị thế linh hồn của người ca nương gõ phách, góp giọng.

Ở góc độ nghề nghiệp, nàng sống một đời khác biệt với những người phụ nữ phong kiến quanh mình. Không xét tính phù phiếm của đời sống riêng tư, ca từ và phổ luật nàng mang trong mình là kết tinh tài năng và giá trị của người phụ nữ trong xã hội cũ. Trong thời đại người phụ nữ nặng nề tam tòng tứ đức, không được học hành, xây dựng cơ đồ cho riêng mình, hành lang văn chương và nghệ thuật của ca trù cho phép đào nương bộc bạch tài năng. 

Những người con gái theo nghiệp cầm ca, đã lần hồi qua biết bao ca quán phồn hoa, danh gia quyền quý. Tiếng hát nỉ non hòa trong tiếng đàn nhịp phách đã quyến rũ biết bao khách nghe sành điệu. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất ý tứ mà văn nhân thi sĩ gửi gắm qua thơ. 

Nàng mang chất giọng trời phú bộc bạch cái hay cái đẹp của Tiếng Việt. Nàng lưu giữ vốn văn học cổ phong phú được đúc kết từ mối giao tình với văn nhân. Thuộc nhiều thơ, hiểu nhiều văn, nàng hát thay nỗi lòng người thi sĩ. Nàng tái sinh những câu thơ tưởng chừng đã ngủ yên trên mặt giấy, đưa ý thơ hào hoa sống động nhập chốn nhân gian. 

Còn được biết đến với tên gọi cô đầu, nhưng tôi vẫn thích hai từ đào nương. Cái danh xưng ấy bộc bạch được sự tươi mới, nữ tính của người con gái chỉ xuất hiện lúc lễ tiệc mừng vui, dù có khi ở cửa quyền cửa đình hay lúc đã sa chân vào phồn hoa phố thị. Tuy vậy, mỗi lần nhắc nhớ đến đào nương lại gợi lên ít nhiều hình dung mâu thuẫn. 

Những nàng đào luôn có một cốt cách khác biệt người thường, vừa đài các bởi những lời ca thanh nhã thấm sâu tận chân tơ kẽ tóc, lại vừa phong trần sau những đoạn trường của đời sống thực tại. Nàng mỹ lệ mà sa đọa, nàng tài hoa mà lạc loài. Sinh ra bởi thời thế nhưng lạc loài giữa thời thế. Nên bất luận cố gắng nhường nào, nàng đào cũng chỉ uổng công vì cuộc vui của người khác. Một đời chìm nổi cùng những định kiến và biến dời của ca trù.

Đào nương - Người hát tế lễ

Tự thuở xa xưa, khi nước non thuộc về thiên tử, nhã nhạc cung đình lo việc tế tự ở giao miếu xã tắc; còn khi khánh hạ đại điển, những vị đế vương phong lưu thường dùng nhạc nữ để tỏ đức giản dị, tình thân ái, sự thái bình của cuộc vui chung với quần thần bá tánh. Lệ ấy khiến việc tuyển ca nhi trong dân gian, biên ca khúc vào nhạc phủ, ca múa chốn cửa quyền trở thành lịch triều cố sự. 

Buổi thời quân quyền cai trị bằng thần quyền ấy, thành hoàng được sách phong ngự ở đình làng chính là đại biểu của đế vương để cai quản thiện ác, họa phúc muôn dân. Dân gian cũng học theo đế vương cố sự mà tuyển kỹ, trưng ca, đưa cuộc hát ả đào ở cửa đình cũng thành một cuộc đại điển tế lễ. Xuất phát từng mảnh đất Thanh Hóa rồi lan ra khắp nẻo đến chốn kinh kỳ, đào nương trong buổi ban sơ của ca trù cùng cất chung một khúc tế ca: 

“Một nén hương thơm thấu chín lần, kính trời kính đất kính linh thần; chữ rằng nhất niệm thông tam giới, mừng vua muôn tuổi trị muôn dân.”

Lúc cực thịnh, để hành nghề, đào nương phải trải qua mấy phen tuyển lựa, học tập và rèn luyện vô cùng công phu. Một đào nương thực thụ phải hội tụ nhiều tố chất, như ngoài đức hạnh còn cần chất giọng và thiên tư cảm thụ. Các nàng phải có thêm phẩm chất đoan trang, một lòng với đàn phách, sở hữu giọng kim hay giọng thổ đồng, để cùng đàn tôn nhau. Nàng còn phải có duyên với văn chương để bắt được “nhãn tự” mà bộc bạch hồn thơ. 

Học hành vẹn tròn thành thục rồi, nhưng muốn góp mặt trên chiếu hoa cửa đình, thì đào nương phải thông qua cuộc sát hạch của giáo phường, gọi là Lễ mở xiêm áo. Nàng đào chọn một ngày lành tế lễ tổ nghề, rồi mời một quan viên có danh vọng, sành sỏi thưởng thức đến nghe và cầm chầu (1). Từ đó, đào nương mới chính thức bước vào đường cầm ca. Dư âm của buổi lễ mở xiêm áo này còn vọng trong bài hát nói lưu truyền đến nay:

Vẻ áo xiêm rực rỡ buổi đầu tiên
Dù chẳng đẹp chẳng nền nhưng vẫn quý
Giờ hoàng đạo nay vừa đúng tý
Hội khai thiên tịch địa có chờ ai?

Tặng cô đầu Dần 14 tuổi ra hát, Nguyễn Văn Bình

Phải chăng tác giả chính là quan viên được mời cầm chầu trong buổi hát đầu tiên của nàng đào trẻ, xúc động mà thành thơ? Những lời ca trân trọng gợi lên một buổi lễ trọng đại, là khởi đầu nghề nghiệp và cuộc đời của một ả đào.

Tranh vẽ đào nương hát ca trù

Những buổi lễ dưới bóng cổ thụ, trên sân đình là lúc chúng dân được kết nối và tỏ bày thành kính với thần, đào nương với tư cách là người hát tế lễ, cất giọng để mở đường cho hai cõi thông nhau, cũng phải mang thân thanh sạch. Trước đó, đào nương phải kiêng kỵ gối chăn để giữ mình thanh thịnh trước thần linh. Nàng phải tránh những ca từ tình tứ lãng mạn mà chuẩn bị những bài hát mang nội dung trang nghiêm như sử sách, danh nhân, non nước. 

Làm bạn với ngũ âm, nên để giữ được tiếng hát đẹp màu âm sắc và giữ được tiếng thơm của con nhà nề nếp, đào nương xưa cũng lắm điều kiêng khem. Lúc tại gia thì không uống rượu, ăn chua cay, dầu mỡ; thậm chí các nàng có có những món ăn và bí thuật riêng trong việc giữ giọng hát đẹp. Khi cất giọng trên chiếu hoa thì phải kỵ húy các vị tổ nghề và thần làng mà hát trệch đi. Vô hình trung, những lần hát trệch lại khiến ca từ vô nghĩa, lâu dần không còn ai nhắc nhớ mà thất truyền.

Thuở ấy, nghiệp cầm ca cũng thi thố thứ bậc như ai. Nếu là đào nương vang danh, giáo phường nổi tiếng thì sẽ có cơ hội được vời về kinh biểu diễn trong đại lễ cung đình hoặc đón tiếp sứ giả. Các đào nương phải trải bao phen luyện rèn khổ ải và sát hạch gắt gao của quan tỉnh mới có thể cất giọng dưới gót rồng. 

Giữa muôn hồng nghìn tía, chỉ có những nàng đào nhan sắc hơn người, hát múa đúng điệu, lễ nghi đủ độ, thông hiểu chữ nghĩa mới là người được chọn. Nàng nào may mắn trúng tuyển vào kinh, được hát cho vua nghe thì được gọi là ả đào hát ngự hay ngự ca. Từ đó tiền đồ thênh thang, đình đám trọng vọng, thù lao gấp bội. Nhưng ý trời cũng khéo dàn xếp, thế nhân cho rằng ngự ca đã là người của vua mà khiến tình duyên lắm nàng truân chuyên dang dở.

Nếu vô duyên với sân rồng, đào nương cũng có thể bộc bạch biệt tài trong các cuộc hát thi. Nhân ngày nhập tịch, lúc xuân về hay khi thu sang, nhiều làng tổ chức các cuộc hát thi lựa đào kép giỏi để đám hội thêm vui. Một cuộc vui chung chốn dân gian, mà qua đó đào nương cũng được công nhận và khẳng định danh giá. 

Tục truyền rằng, ai đoạt giải trong cuộc thi hát đầu năm thì cả năm sẽ làm ăn may mắn, vì thế phần thưởng cho đào nương cũng mang nhiều ý nghĩa tinh thần mà không trọng vật chất. Cuộc thi hát dẫu có gọi người đầu bảng là hoa khôi thì tiêu chí chấm giải cũng cho nhan sắc là điều thứ yếu, khả năng đàn hát luôn được trọng làm đầu. 

Giọng vàng cất lên, không cỏ hoa mà ngửi được sắc xuân, không lá rơi mà cảm được thu lạnh, không rừng cây mà ngỡ đứng chốn non cao, không sóng gợn mà thấy mình hòa cùng sông suối. Ấy là sức mê hoặc của ca trù, cũng là sức mê hoặc của đào nương. 

Trong tiếng trống chầu, trong cung đàn nhịp phách, nàng ứ hự thốt nên bao hỉ nộ ái ố bằng hết thảy tâm tư. Giai điệu mênh mang ấy là thanh âm thuộc về tự nhiên, thuộc về tính tình dân tộc. Len lỏi vào tai, thấm sâu vào tâm tính, không rượu mà chuốc say những người nghe xứ sở. 

Rồi đi qua những cuộc hát hò, hội tan người tản, các nàng đào lại trút bỏ phấn son, cất đi đàn phách, trở lại làm bình dân bách tính. Về lại mái sân nhà, vẫn có thể thoăn thoắt tay gặt, tay đan. Dẫu mộc mạc dịu dàng như bao nông phụ nhưng không giấu nổi vẻ sắc sảo mặn mà của người làm bạn với thi ca, như Nguyễn Đôn Phục tấm tắc:

Tóc không phải là không biết bỏ đuôi gà, răng không phải là không nhánh hạt dền, má không phải là không có đồng tiền núng nính, ăn nói không phải là không mặn mà, con mắt không phải là không biết đưa tình vậy.” (2)

Đào nương - Lưu lạc phồn hoa

Minh họa đào nương ca trù và quan lại

Nhân gian xoay vần xuân hạ thu đông, biến đổi từng giây, vương triều còn đổi chủ huống chi một hình thức nghệ thuật nên hình hài trong nhân gian như ca trù. Dẫu sự đổi thay âm ỉ và không còn gì lưu lại để diễn tả chính xác những gì đã xảy ra nhưng dễ nhận thấy trong khoảng thế kỷ 18 – 19, cùng sự phát triển cực thịnh, ca trù đã biến hóa nên một gương mặt khác. Chốn nông thôn, ca nương vẫn duy trì nề nếp truyền đời, cất giọng nơi tế lễ cửa đình hay hát chơi nhà dân khi khoa cử. Trong khi một số đào nương từ biệt cây đa, mái đình mà khăn gói ra thị thành mưu sinh. 

Chốn phồn hoa thị thành đã dung dưỡng nên một thứ nghệ thuật giải trí phục vụ riêng dành cho nam nhân thượng lưu. Nàng đào xa rời khung cửi đồng áng mà ngày ngày nhịp phách hương đàn, đem tiếng hát làm kế sinh nhai. Cùng sự ra đời và hoàn thiện của thể cách hát nói (3) cả trong âm nhạc, văn chương và thưởng ngoạn, ca trù trở thành loại làn điệu để tôn lên những vần thơ chất chứa tâm tình nhà Nho tài tử trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến cố. 

Thơ nương vào nhạc và nhạc là để phục vụ cho thơ, khiến người tìm đến ca trù để thưởng thơ là chính. Cũng là chìm đắm trong khúc ca, nhưng cảm xúc cộng đồng đã nhường chỗ cho cảm xúc cá nhân. Rồi trong một xã hội nam quyền, do đàn ông vận hành và lấy đàn ông làm chủ, không lạ gì khi xuất hiện những đào nương trở thành vật sở hữu, được nuôi riêng trong các gia đình giàu có của quan lại, quý tộc, thương nhân. Từ đó, nhân sinh của các đào nương gói gọn trên chiếc chiếu hoa, giọng oanh chỉ biết thảng thốt nỗi niềm muôn vẻ của thi sĩ.

Chuyện nuôi ca nhi, con hát trong gia đình quyền quý không mấy hiếm lạ ở láng giềng phương Bắc. Ở đó, ca nhi trong nhà được gọi là gia kỹ, thường được nuôi từ tấm bé, được dạy đàn hát ca múa để phục vụ những chủ nhân phong lưu. 

Điểm lại truyền kỳ tự cổ chí kim cũng không thiếu những đại mỹ nhân xuất thân như thế. Bế nguyệt Điêu Thuyền xuất thân ca nhi trong phủ Vương Doãn đã thành công ly gián cha con Lữ Bố – Đổng Trác, Triệu Phi Yến trước khi làm lung lạc cung nhân Hán từng là ca cơ trong phủ công chúa Dương A.

Thời Ngụy Tấn, Nam Bắc Triều là lúc phong trào nuôi gia kỹ thịnh nhất, quan lại ít thì nuôi vài mươi người, nhiều thì có đến cả hàng trăm hàng ngàn. Gia kỹ chẳng khác nào một tài sản vật chất để làm tiêu chí khoe khoang, gianh đua giàu có, quyền thế. Thời Đường, hòa trong phong khí ưa chuộng cái đẹp và mỹ nhân, không những quý tộc, đại phu mà các văn nhân tài tử cũng nuôi dưỡng ca kỹ trong nhà.

Hiện tượng ấy có lẽ ít nhiều những ảnh hưởng sang phương Nam, thấp thoáng dấu tích trong những dòng sử của Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê Hiến Tông:

Năm Tân Dậu (1501), Cảnh Thống năm thứ 4, mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng Một, vua ngự về Tây Kinh, cấm các quan theo hầu không được sai quân cờ chở vợ con hoặc kỹ nữ đi theo, bừa bãi tình dục”.

Tuy có lẽ đã xuất hiện từ xưa, nhưng đến thời Lê – Trịnh, trong không khí yêu chuộng ca trù, thì việc nuôi ca nhi trong nhà mới thực thịnh. Tư gia nuôi ả đào còn lưu lại nhiều tích truyện trong ghi chép của Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục, Hoàng Lê nhất thống chí,… Ở đó ta có thể bắt gặp  Nguyễn Hữu Chỉnh – một “tay phong lưu bậc nhất đất Trường An hồi ấy” – với tính tính hào hiệp, ngao du khắp thiên hạ, trong nhà nuôi mười mấy ca nhi và vũ nữ, đêm ngày diễn xướng những bài hát do chính tay ông soạn phổ để mua vui. 

Nguyễn Khản – anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du –  cũng là một bậc phú quý phong lưu hết mực. Khản thích hát xướng, sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ ra làm điệu hát nói, được các giáo phường tranh nhau truyền tụng, là người cầm chầu mỗi bận chúa Trịnh nghe hát, trong nhà “không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc”.

Những đào nương trong phủ các bậc quyền quý ấy ngỡ được ăn sung mặc sướng, nhưng thực chất phải tập luyện ca vũ đêm ngày để làm vừa lòng đẹp ý chủ nhân. Tòa nhà lớn trở thành nơi khóa chặt tài năng và tự do của những ca nhi này. Linh hồn họ bị thế nhân quên lãng, thân thể và giọng ca trở thành tài sản có thể đem cho, biếu tặng, bán mua bất cứ lúc nào.

Không đủ cơ duyên với tư gia quyền quý hoặc muốn được sống là chính mình, đào nương có thể tự bán giọng cho đời trong các nhà hát. Nàng cất giọng cho đông đảo khách nhân say mê hát ả đào mà không có điều kiện nuôi riêng ca kỹ. Cuộc đời phong trần lưu lạc của những người con gái ấy thấp thoáng trong bóng dáng cô Cầm ở Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du. 

Nàng vốn là ngự ca trong cung vua Lê, vua bỏ nước rồi, vương triều tan tác rồi, nhưng ngón đàn tuyệt kỹ và giọng hát hay của nàng vẫn được người đời hâm mộ. Nàng tư dung tươi trẻ, mày mắt phong lưu. Nàng phóng khoáng nói cười, uống rượu say khướt. Nàng cất giọng vàng chuốc say các tướng lĩnh Tây Sơn, đem về bạc tiền, lụa là không ngớt: “Quăng lụa thưởng tây đông tíu tít/ Vàng tựa bùn cứ việc vung tay”. 

Nhưng soi gương điểm trang, phong tư tươi đẹp chẳng qua cũng chỉ là vẻ đẹp trong khoảnh khắc. Năm tháng trôi qua tóc mai, tiếng đàn trác tuyệt còn đó, nhưng đã sớm “Mình gầy võ mày thưa duyên nhạt/ Ai biết nàng oanh liệt xưa kia”. Được mấy ai nghe hát chỉ chú tâm đến tiếng đàn như Nguyễn Du, nàng Cầm đánh mất hào quang ngày cũ trong dung nhan tàn tạ và sự hời hợt của người nghe. Cuộc đời nàng cũng là một cuộc chung của vô vàn đào nương bấy giờ. 

Trăm năm qua đi, các đào nương đều đang diễn một tình tiết giống nhau. Họ bán giọng cho đời, phong lưu hay nghèo khó đều phó mặc cho tiếng hát và nhan sắc, những thứ đem đi đổi chác với bạc tiền nam nhân.

Sớm sớm chiều chiều làm một đào nương, thời gian lâu dần, thật thật giả giả khó phân. Khó ai trút bỏ xiêm áo là lượt và ánh mắt si mê ngất ngưởng của người nghe để trở lại làm một nông phụ chân lấm tay bùn, cả đời bưng trà rót nước cho một trượng phu tầm thường. Đêm ngày nỉ non túy lúy cùng cung đàn nhịp phách, người hát cất lên cái tình, cái nỗi của người nghe. Người nghe thấu được cái tình, cái nỗi của mình qua giọng ca nỉ non của người hát. 

Cùng đồng cảm, cùng thưởng thức nhau, khó tránh lửa tình nhóm lên, tạo thành những dây dưa tình cảm phức tạp, âm ỉ bi kịch. Những cuộc tình say đắm mà tự do không ràng buộc ấy tạo đà cho thế nhân lợi dụng cũng như dè biểu, dần hình thành nên cái nhìn tiêu cực đối với đào nương, vốn từ trước đã mang phận “xướng ca vô loài”.

Đào nương - Hoa trôi lỡ làng

Bỏ qua những ý tình hư hư thực thực sau mành, vốn chỉ làm tăng thêm hứng thú của người nghe – chủ yếu là khách nam – đối với ca trù. Bản thân ca trù đã là một thứ thưởng thức thời thượng, bởi làn điệu được hình thành từ sở thích xứ sở và ca từ rút lòng thốt ý người nghe. Sáu trăm năm chìm nổi, từ phong thái thượng lưu của văn nhân quý tộc, trải dài cho đến phố thị dân gian, ca trù mê đắm không xuể người nghe. 

Trăm ngàn thế thái được văn nhân viết vào ca từ, rồi nhờ miệng ngọc đào nương thảng thốt, bày cùng đàn phách, đưa lên chiếu hoa, khiến những linh hồn phong lưu tìm được nơi tạm nghỉ. Họ thả hồn mình vào lời ca phong tình đẹp đẽ được ngân nga trong nhịp phách cung đàn. Để rồi cùng với những biến cố đổi dời non sông vào thế kỷ 20, ta lại lần nữa thấy một gương mặt mới của ca trù thành thị, như một lẽ thịnh cực tất suy ở đời. 

Bấy giờ, nhiều đào nương đã theo các giáo phường nông thôn di chuyển ra nhiều đô thị phồn vinh và dọc các trục đường giao thông để mở nhà hát. Những nề nếp giáo phường chốn thị thành theo sức mạnh kim tiền đẩy đưa mà dần phai nhạt vai trò, nhường quyền quản lý đào nương và tổ chức cuộc hát cho chủ nhà hát.

Minh họa đào nương hát ca trù

Mang tính chất thương mại rõ rệt, các chủ nhà hát trăm phương ngàn kế cạnh tranh để thu lợi nhuận, đưa “cô đầu rượu”chào sân. Những cô gái trẻ không xuất thân xướng ca, xa lạ với đàn phách được tuyển vào để tiếp khách, hầu rượu, phục vụ ái tình. Sự xuất hiện của họ đã làm méo mó hình ảnh thuần nhất “chỉ bán nghệ không bán thân” của các đào nương, phân thành cô đầu hátcô đầu rượu

Sự nhập nhằng này khiến các đào nương vốn đã chịu nhiều thiệt thòi duyên phận trong xã hội xưa lại mang thêm tiếng oan mà cô đầu rượu đổ sang. Để rồi hễ nhắc đến đào nương, thiên hạ lại kháo nhau dè bỉu: “Lấy khách – khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu – nhà giàu hết của”.

Không chỉ tại cô đào rượu làm ô uế chốn thi ca, mà các đào nương chuyên ca hát cũng nhiều thoái bộ, thiếu tài tình mà dư vẻ lẳng lơ. Như Nguyễn Đôn Phục có nhận xét: “Lối hát học tập đã không bằng người trước, bài hát quanh đi quẩn lại chỉ mấy bài thương thường nghe đã quen tai, mà những bài hát cao thượng, hay hớm lại lùng, người đào già thuộc mà người đào non không mấy người thuộc, ý nghĩa cũng không mấy người hiểu, chỉ giọng hát có pha lối thời trang, nghe ra cũng có vẻ bát ngát, có màu lẳng lơ, là hơn lối cổ một chút.” Tài không bằng, mà tình cũng kém hẳn người xưa. 
Truyện Kiều đủ tình, đủ cảnh, đủ văn chương, tâm lý, tính tình cho cuộc chuyện trò phong lưu, mà nàng đào chỉ lõm bõm đôi câu nhằm khi đưa đà chén trà thìa rượu; Khúc Tỳ bà là một khúc kinh điển mà các cô đào lẫn lộn ngắc ngứ, chỗ nhớ chỗ quên. Vì đâu nên nỗi, chẳng tại người nghe chỉ trọng cười hoa cợt nguyệt mà người hát cũng chỉ là phàm nhân nương theo phong nguyệt đó sao. Đàn phách tấu ngân, mà khách nhân chỉ bận khướt say da thịt, còn mấy ai trọng những thanh âm dặt dìu, ca từ trang nhã trên chiếu hoa. Cuộc hát ả đào khi đó, bề ngoài thì sầm uất mà bên trong đã lắm nỗi tiêu điều.
Dẫu lẽ thường tình là vậy, nhưng ở một góc nhìn khác các đào nương cũng nhận được tấm lòng cảm thương của nhiều văn nghệ sĩ yêu thích ca trù, thể hiện trong các bài thơ Lời kỹ nữ của Xuân Diệu, Bên sông đưa khách của Thế Lữ, Nghe hát của Vũ Hoàng Chương, hay những áng văn tuyệt phẩm Đới roi, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Nơi đó, những đào nương là hiển hiện của một kiếp tài tình mà bạc mệnh, đêm ngày đem nước mắt hồng nhan vùi trong nhịp phách cung đàn:

Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mông trời đất vẫn không nhà
Người ơi, mưa đấy? Hay sênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa”
(…)
“Thôi khóc chi ai kiếp đọa đầy
Tỳ bà tâm sự rót nhau say
Thơ ta gửi tặng người ngâm nhé
Cho vút giọng sầu tan bóng mây

Sầu chung, Trần Huyền Trân
Vũ Bằng thậm chí còn nhìn nhận các nhà hát cô đầu Khâm Thiên, Vạn Thái, Thái Hà, Gia Quất… là cái nôi văn nghệ của Hà Nội thuở ấy. Thay vì tỏ lòng cảm thông thê thiết, nhà văn lắm tài nhiều tật đã ngạo nghễ đặt các đào nương lên một vị trí mới – những người nuôi dưỡng nghệ thuật:
Chẳng có cách gì làm sống lại được xóm Khâm Thiên ngày trước và gây lại được cái không khí văn nghệ bàng bạc trong cung đàn, tiếng phách, trong khóe mắt, trong nụ cười, trong giọng hát buông lơi của các em Đào, Hoa, Thu, Cúc đã đem tình thương yêu và tiếng hát ý nhị đậm đà ra bú mớm, cho các văn nghệ sỹ, thay vì sữa… ” (4)
Để rồi ngần ấy thiết tha da diết cũng không giúp nàng đổi mệnh, tình cảm của nàng vẫn đi vào ngõ cụt với bến đợi mênh mang, nức nở sầu thương như các tiền bối trăm năm trước:

Người giai nhân: Bến đợi dưới cây già
Tình du khách: Thuyền qua không buộc chặt

 Lời kỹ nữ, Xuân Diệu
Minh họa đạo cụ ca trù của đào nương

Ca trù, khởi phát từ thời Tiền Lê, đi qua cuộc phân ly Trịnh – Nguyễn, hứng hết khói lửa can qua, kinh trải trần thế loạn lạc, biến chuyển không ngừng, phát triển cực thịnh rồi dần dần hao gầy. Ả đào nương theo ca trù mà cũng thay hình đổi dạng, từ cửa đình trang nghiêm đi vào nhà cao quyền thế, sau đó lại luân lạc quán hát lả lơi, vô tình, hữu ý, vượt khỏi ranh giới truyền thống. 

Ngọn gió tháng năm thổi tan hết những phong hoa ngày cũ, chút cảm thông của những tâm hồn đa tình cũng bị ánh mắt khắc nghiệt của thế nhân chiếm cứ. Đào nương như bèo trôi giữa dòng, xoay vòng trong những quan điểm và định kiến trái ngược. Dẫu thế gian nhiều kẻ khinh chê, nhưng giá trị thực sự của một con người luôn nằm ở cốt cách thẳm sâu, tỏa ra dáng dấp, lưu lại truyền kỳ, mà không một danh phận nào có thể khỏa lấp. Như Nguyễn Xuân Khoát có miêu tả hình ảnh một cô đào đầu thế kỷ 20 bằng những câu từ trân trọng:

Một người đàn bà rất Việt Nam, nền nã, tóc đuôi gà, răng đen, không đánh phấn bôi son, và có thể nói là một người đàn bà rất đoan trang, nhu mỳ, nên thỉnh thoảng đôi mắt đưa đẩy ý tứ. Chẳng như những cô “ca-va-li-e” ở các tiệm nhảy, mặt bự phấn, áo lòe loẹt, dáng điệu đú đởn hơn ai hết. Nàng ngồi xếp bằng bên góc phản phía ngoài, chiếc phản kê sát cửa sổ trông ra ngoài đường, nhẹ nhàng đặt cỗ phách trước mặt, vừa thử gõ mấy tiếng, vừa xoay đi xoay lại bàn phách mấy lần, đoạn kín đáo liếc nhìn về phía ông kép đàn, ngồi ở góc trong cỗ phản, mà ung dung gieo những khổ phách mở đầu…” (5)

Ngẫu nhiên nhớ đến kết cục của nàng đào họ Nguyễn trong Lan Trì kiến văn lục, lỡ làng nhân duyên vì định kiến xã hội, đến khi tái ngộ cố nhân Vũ Khâm Lân, được hậu tặng vàng bạc, vẫn một mực chối từ mà ra đi: “Thiếp không có phúc được làm vợ tướng công, thì những thứ tiền bạc này đâu có phúc mà tiêu nhận.” 

Một đời gió sương cũng không cam lòng vô danh vô phận nấp dưới bóng tùng, là nàng một lòng giữ tâm tính cao ngạo hay tâm ý đã sớm biết buông lơi. Hết thảy hư danh, bạc vàng thế gian cũng trả lại cho cố nhân hữu duyên vô phận, duy khí khái ấy vẫn còn ngạo nghễ với thế nhân. Gió sương nào đã tôi luyện nên một ca nữ lưu lạc giang hồ mà lòng tràn thiền ý đến vậy?

Tham khảo:
– Ca trù, phía sau đàn phách  của Nguyễn Xuân Diện, Nhà xuất bản Phụ nữ.

Chú thích:
(1) Cầm chầu:  Đánh trống trong hát ca trù. Trống ca trù có vai trò giục hát, ngắt câu và phẩm bình khen chê với đào kép.
(2) Khảo luận và tư liệu về ca trù buổi giao thời – Nguyễn Đôn Phục.
(3) Hát nói: Một thể cách ca trù ra đời khoảng đầu thế kỷ 19, đặc biệt văn nhân trí thức ưa chuộng vì phần lời là một thể thơ đặc sắc. Thể thơ hát nói là một sáng tạo riêng của văn học chữ Nôm, thường có 11 câu những có thêm phần mở đầu bằng 1 hoặc 2 cặp lục bát, giữa bài thơ là hai câu chữ Hán. Bài thơ hát nói có vần và vận chặt chẽ những chấp nhận những biến cách, để làm tăng khả năng phô diễn thể hiện cảm xúc.
(4) Xóm Khâm Thiên: Cái nôi Văn Nghệ của Hà Nội ba chục năm về trước – Vũ Bằng
(5) Vài nét về nền ca nhạc cổ truyền – Nguyễn Xuân Khoát.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share