Nhớ lại chuyến vào rừng vừa rồi, trong cơn mưa, thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng thủ thỉ của trẻ con. Tôi đứng lặng người, cố lắng nghe thêm lần nữa. Nhưng chỉ có tiếng gió.
Tôi nhún vai, trút tiếng thở dài rồi lặng lẽ đi ra. Thật tội nghiệp cho những sinh linh nhỏ bé này.
Quãng đường vòng lại cũng không có gì đặc biệt. Khoảng mười phút chạy xe, né những hố sình khổng lồ, tôi cũng đến nơi. Trước mặt tôi là tấm bảng ghi chữ:
“Độ sâu nguy hiểm 17m. Cấm vào!”
Bên trái tấm biển có ngôi nhà gỗ hai gian. Những tấm ván ép thấm màu thời gian mang sắc nâu ngả đen. Những cây cột dầu loang lỗ tổ ong bầu. Và một người đàn ông trung niên đung đưa trên cái võng trước hiên nhà.
– Chú ơi – Tôi gọi lớn – Tấm biển này…
Chưa đợi tôi nói hết câu, người đã ông đã vẫy vẫy cánh tay của mình trên không trung, có ý bảo tôi rằng cứ việc đi vào. Tôi không thấy mặt nên cũng chẳng biết ông ta đang cười hay khóc. Tôi thả lại tiếng “Con cám ơn” rồi cho xe chạy tiếp. Sao cánh tay người đàn ông này lại có thể vẫy mạnh như vậy, quan trọng hơn, sao vẫy mạnh như thế mà không hề sống động? Có lẽ tại ông ta đã quá quen với việc người ta hỏi về tấm biển báo, chắc vậy.
Tôi chạy xe trên con đường dốc và đầy đá. Vừa lên tới đỉnh đèo, cảnh vật của vùng Bảy Núi lại hiện hết sức choáng ngợp và huyền diệu. Nhìn sang trái, tôi trông dãy Cô Tô hiện lên sừng sững giữa đất trời. Nhìn sang phải, tôi thoáng thấy mặt nước màu xanh ngọc lấp lánh như bầu trời đầy sao. Cảm giác rạo rực, tôi cho xe thả xuống dốc núi, tiến vào hồ Tà Pạ. Vừa đậu xe, tôi liền tức tốc chạy lên chỗ cao nhất để ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây.
Mỏm đá mà tôi chọn nằm phía bên trái của căn chòi bán nước. Tôi không biết mẹ tự nhiên đã tạo nên chỗ này như thế nào, chỉ thấy bà thật vĩ đại. Bàn tay của bà khéo léo khoét một cái lỗ sâu hoắm rồi rót vào đó những giọt nước tinh khiết nhất. Ấy vậy mà vẫn chưa chịu dừng, bà lại tiếp tục chơi đùa với cảnh vật, kỹ càng lựa chọn những hòn đá, bụi cây rồi gói gọn chúng vào, thổi hồn vào chúng, không quên căn dặn rằng hãy tồn tại với tất cả những gì bà đã ban cho chúng: trở thành một ánh mắt đẫm lệ, mang một sự xúc động bất tận với nguồn thơ của mênh mông ruộng đồng.
Tôi đứng trên mỏm đá khá lâu, thấy hơi tiếc vì không chạy xe lên đây được. Lúc leo xuống, tôi nhìn đồng hồ vừa đúng bốn rưỡi. Sẵn tiện có cái chòi nước, tôi bước vào gọi lon bò cụng, ngắm nhìn mặt hồ cho thư giãn rồi năm giờ đi ra cũng được. Chợt tôi nghe một tiếng “Ùm” như có vật gì vừa rơi xuống nước. Quay đầu về hướng tiếng động, tôi thấy ba đứa trẻ mặc quần thun màu đỏ đang đùa giỡn trên mỏm đá ở giữa hồ. Một trong ba đứa vừa nhảy xuống nước. Vì hồ khá trong nên tôi có thể thấy rõ tay và chân nó đang vùng vẫy. Lạ nhỉ, tôi thấy cả ba đứa đang cười đùa vui lắm, nhưng tôi không nghe thấy gì cả ngoài tiếng vẫy nước.