Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 6: Bóng hình câm lặng

Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 6: Bóng hình câm lặng

Cửu Long Quái Sự Ký – Ngôi chùa Khmer kỳ lạ ở An Giang

Lại nói kỳ trước, tôi nhìn thấy ba đứa nhỏ nhảy xuống hồ bơi đi. Bảo với chị bán nước thì thấy sắc diện chị khác lạ. Rồi chị hí hoáy lấy giẻ lau bàn trong mới lau rồi.

Không để ý nữa, tôi hút cạn lon bò cụng, tôi tiến lại phiến đá phẳng gần bờ hồ, ngắm nhìn tuyệt tác của mẹ thiên nhiên thêm một lần nữa trước khi ra về. Giờ mới thấy bờ đá cao nhất ở phía bên kia cũng chính là nơi nâng đỡ mỏm đá tôi đứng lúc nãy. Nước phản chiếu ánh sáng lay lắt cuối ngày, long lanh soi lên đó những đường lân tinh. Nhìn kĩ mới thấy, vách đá khá phẳng phiu nhưng lại có những đường thẳng song song cao bằng đứa trẻ. Tôi đếm có khoảng hơn hai chục đường như vậy, không biết chúng có kéo dài đến tận đáy hồ không. Bất chợt những đốt ngón tay tôi run nhẹ, ngón trỏ và ngón giữa động đậy trong vô thức. Tôi ém bàn tay lên vách đá, tự nhủ sao những đường thẳng kia trông giống vết tay cào quá. Không biết ai rảnh vậy?

Tôi lên xe ra về, lòng vẫn còn lâng lâng đầy luyến tiếc. Chạy qua con đường đá, tôi thả dốc xuống đèo. Cái biển báo lúc nãy không biết ai đã xô ngã. Trong nhà chỉ còn chiếc võng đong đưa. Chắc ông chú đi ăn rồi.

Tôi kể đến đó thì liếc nhìn Hùng, gã vẫn giữ ánh mắt đầy tâm sự nhưng điệu bộ thì pha lẫn giữa giấu diếm và cười cợt. Anh Tuấn thì tỏ vẻ hào hứng ra mặt. Mấy câu chuyện của tôi kiểu như úp úp mở mở, thấy mà không thấy nên anh khoái lắm. Ực một cái hết ly cà phê, anh kéo ghế sát hơn về phía tôi, nói: 

– Rồi sao nữa? Xuống hồ rồi mày đi đâu tiếp?

Tôi cười, bảo: 

– Dạ em đi leo Núi Két, nghe nói cảnh trên đó nhìn xuống thị xã Nhà Bàng. Buổi tối lên đèn đẹp lắm nên em lên thử coi sao.

Anh Tuấn ngạc nhiên: 

– Cái gì, gần tối rồi mà mày còn leo núi?

– Dĩ nhiên rồi anh, phải lên đó chứ. Trên đó êm lắm. Nghe nói được nhậu thoải mái, miễn sao đừng làm ồn là được.

Anh Tuấn nói, giọng lấc cấc: 

– Núi Két anh mới nghe lần đầu. An Giang thì chắc anh chỉ biết Núi Cấm.

Tôi bảo: 

– Em cũng chưa từng leo Núi Két, leo lên rồi mới gặp chuyện kỳ lạ lúc đang ngủ…

núi Két

Tôi thấm giọng, kể tiếp. Lúc tôi dừng xe dưới chân núi là đã sáu giờ kém. Trời tháng Tám nên tối chậm hơn, nhờ vậy mà còn thấy đường leo lên. Lý do tôi chọn ngọn Núi Két là vì nó ít nổi tiếng, kiểu như không có mấy bạn phượt thủ chuyên nghiệp với nón full đầu, áo dạ quang, giày hiệu, đến và xả rác rồi đi. Nó trong lành, cảm nhận của tôi thì đúng là vậy thật. Điều này tôi được một người chị kể cho nghe. Chị ấy đi núi này một cách vô tình khoảng ba tháng trước. Kiểu như bả đến lộn chỗ nhưng vẫn leo lên, rốt cuộc thấy đẹp quá nên về khoe. Tuy nhiên điều hấp dẫn nhất từ những tấm hình chị khoe cho tôi là trên đỉnh núi nhìn xuống. Cách không xa lắm có một ngọn đồi nhỏ kiểu như đã bị khai thác đá, lộ ra vách đá hình vòng cung khá đẹp mắt. Theo miêu tả, nó y chang vách đá tôi thấy trong tấm hình nọ. Bởi vậy nên tôi mới quyết định leo lên coi sao. 

Gửi xe dưới núi, tôi nhanh chóng tiến hành leo lên, không quên hành trang là ít thịt bò để nướng và bếp than vốn được chuẩn bị từ trước chuyến đi. Và tất nhiên là không thể thiếu rượu.

Sáu giờ. Mây trên cao đã chuyển sang ửng hồng. Ráng chiều làm không khí trở nên buồn man mác. Núi này không cao, ước chừng hơn hai trăm mét lên. Tuy nhiên, đường đi lại có độ dốc cao và chiều cao bậc thang không đều nhau, khiến tôi leo khá vất vả.

Độ dốc có những đoạn tôi ước chừng phải hơn năm mươi độ. Nếu không có những thanh sắt lan can, chắc tôi té cả chục lần rồi. Đường đi dốc, quanh co và lắm côn trùng. Trời lúc đó đã bắt đầu nhá nhem. Gió thổi mạnh làm cây rừng kêu xào xạc. Tôi mới để ý là chỉ mỗi mình mình leo lên thôi, chẳng có ai xung quanh cả. Cảm giác rất thoải mái, tự tại. Nếu là người khác, có khi họ lại tưởng tượng ra những ánh mắt trong lùm cây hay hốc đá đang dõi theo, cùng tiếng thì thầm trên những khoảng không hay con gì đó đang bay qua lại.

Trên đường đi có rất nhiều miếu. Loại miếu nhỏ hay thờ thổ thần, nằm rải rác. Có cái ngay đường đi. Có cái tôi vô tình liếc ngang thì thấy nó nằm ở xa, cách đường lên vài chục mét, ẩn dưới một tảng đá to. Tuy nhiều miếu, nhưng cái nào cũng được thắp nhang, hoặc có ánh đèn cháy trong đó, tạo cảm giác đây như là nơi tu hành của các đạo sĩ vậy. 

Leo chừng bốn mươi phút, tôi ngồi dựa lưng vào một ngôi miếu như vậy. Nhìn lên trên thì thấy còn chút xíu nữa là tới rồi. Hít mạnh bầu không khí mát lạnh, tôi phấn khởi bước tiếp. Đường lên có một đoạn gấp khúc. Do dốc cao, trời hơi tối và bậc thang không đều, tôi phải cúi đầu xuống. Vừa qua khúc ngoặt, đường thoải hơn, tôi ngẩng đầu lên để đi thì giật cả mình vì có một người đứng bên đường, cầm khẩu súng chĩa vào tôi.

bức tượng nữ du kích

Hết hồn. Thì ra đó là một bức tượng nữ du kích, cao chừng hai mét, mặc áo xanh, quấn khăn rằn, đội nón tai bèo. Đối diện với tượng là tôi. Sau lưng tôi là lan can. Sau lan can có một tảng đá to. Dưới tảng đá có một ngôi miếu khác. Miếu này to hơn những cái tôi thấy bên dưới một chút. Ngộ là những ngôi miếu bên dưới đều hướng mặt xuống núi thì cái này lại hướng mặt lên trên. Chính xác hơn là hướng về phía bức tượng. Nhờ ánh đèn trong miếu, tôi lại nhìn rõ hơn. Tượng kiểu này gặp đầy trong các khu du lịch ở miền Tây. 

Tôi rất chán cách làm du lịch ở miền mình. Làm cẩu thả, các bức tượng đắp lên cho có, nhìn không cân đối và thiếu thẩm mỹ tệ hại. Về cơ bản, tượng nữ du kích này cũng vậy. Khá xấu. Nhưng khi bước đến gần hơn, tôi lại thấy nó khá sống động. Màu sơn trên tượng còn mới. Các chi tiết như khăn hoặc nón nếu nhìn riêng thì cũng chấp nhận được, khá thực. Mặt tượng tô một lớp sơn hồng. Các chi tiết mắt mũi miệng được vẽ bằng sơn đen khá là trớt quớt, nếu không muốn nói là kinh dị. Bức tượng này tôi nhớ là đã gặp ở đâu rồi. Quen lắm. Nhìn tượng nữ du kích, tôi liên tưởng đến tượng kia ngay, nhưng ngặt nỗi không nhớ được là gặp cái còn lại ở đâu cả. Với lại, tượng này cao to quá, gì mà tới hai mét. Dưới chân còn có một lư hương rất cũ. Có ba cây nhang mới cháy được một nửa.

Nhìn kỹ rồi, cũng tranh thủ để nghỉ mệt, vừa lấy hơi lại là tôi đi lên luôn. Trời tối, ánh đèn trong miếu hắt ra vàng vọt chiếu lên mặt bức tượng, trông như nó đang quay đầu theo nhìn tôi vậy. Một ảo giác khá thú vị. Leo lên đến đỉnh, trời trên cao còn chút ánh sáng để tôi ngắm nhìn vùng núi non hùng vĩ. Ngay dưới chân núi là thị trấn Nhà Bàng, ban đêm lên đèn tựa như ngôi sao năm cánh sáng rực. Phía xa xa là dãy núi bên đất Campuchia, thấp thoáng ánh đèn trên triền núi. Ngăn cách giữa nước ta và nước bạn là một vùng mênh mông toàn nước là nước, là những cánh đồng đón lũ về. Nhìn về hướng Đông là Châu Đốc, đèn đô thị như những ánh nến lung linh giữa đất trời. Đắm mình trong khung cảnh đó, tôi quên đi hết cặp giò đang run lên bần bật do mỏi, quên luôn cái áo ướt đẫm mồ hôi.

thị trấn Nhà Bàng
thị trấn Nhà Bàng

Đứng hút thuốc một hơi, trời lên gió mạnh làm tôi thấy lạnh, bèn đi xuống ngôi nhà mà theo chị tôi nói có thể ngủ đêm ở đó. Đường dẫn đến ngôi nhà khá đẹp, với hai tảng đá to dựa vào nhau, để lộ ra một khe trống. Lách người qua khe là một cây cầu gỗ sơn đỏ. Tuy trời tối, nhưng vẫn thấy nó nổi bật giữa khung cảnh núi rừng. Tôi nôn nóng đến sáng mai để ngắm nhìn vẻ đẹp kiến trúc nơi này. Qua cây cầu, tôi đi xuống chừng chục bậc thang để dẫn đến gian nhà chính.

Chỗ ngủ nền lát gạch men, mắc tám cái võng trong đấy cho khách. Xung quanh không có cửa, thoáng gió, chỉ có mái che bằng tôn nhìn khá cũ, vì mỗi khi gió lên, tôi lại nghe những tiếng kêu răng rắc. Nhìn chung chỗ ngủ cũng tươm tất và sạch sẽ. 

Tranh thủ tắm rửa, tôi dựng ngay cái bếp dã chiến lên nướng thịt. Qua làn khói và hơi ấm, tôi và chú chủ nhà được dịp trò chuyện với nhau. Chú ăn chay, độ ba mươi lăm tuổi, dáng người mảnh khảnh, nói chuyện rất thoải mái. Sau một số câu chào hỏi đơn thuần, tôi có hỏi về những ngôi miếu nằm rải rác khắp núi. Chú trả lời rằng không phải miếu có trước đâu. Ngày xưa, nơi này còn nhiều đá hơn. Những vị đạo sĩ đầu tiên lên đây tu hành cũng đã phát hiện những hốc đá hoặc chỗ thích hợp để tọa thiền. Qua quá trình sống ở đây, họ đi và để lại những lư hương. Có chỗ lư hương tượng trưng cho chỗ họ từng ngồi. Có chỗ người đời sau đặt lư hương vì thấy cặp rắn thần, ông Hổ hay đi lại chẳng hạn. Càng về sau thì họ càng thấy linh thiêng nên không để lư hương riêng nữa mà xây miếu, hình thành nên một quần thể những miếu nhỏ như bây giờ. Khách hành hương lên núi để trải nghiệm tâm linh thường thắp nhang trên các miếu đó. Lúc tôi leo lên tầm sáu giờ, lượt khách cuối cùng vừa về, chắc nhang đó do họ đốt.

Tôi nhớ lại bức tượng du kích nên hỏi: 

– Ủa sao con thấy một chỗ có lư hương mà không có miếu vậy chú?

– Chỗ nào con?

Tôi chỉ tay ra lối đi lên rồi ước chừng: 

– Chỗ cái tượng nữ du kích. Đường quẹo lên chỗ này nè chú.

Chú hơi ngơ ra: 

– Ý con là cái tượng đầu hổ dưới chân núi hả?

– Dạ không, cái tượng nữ du kích cầm súng, đặt ngay khúc quẹo cuối cùng để lên điện thờ Quan Âm đó chú.

Chú ra vẻ đăm chiêu.

miếu thờ

Tôi không hiểu tại sao chú lại như vậy. Mời các bạn xem tiếp kỳ sau sẽ rõ.

Art Director Lê Minh
Artist Minh Thảo Võ
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share