Số tượng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay cho thấy chỉ phụ nữ là đeo bận chuỗi trên cổ, vòng trong cùng sát cổ, vòng ngoài cùng chấm đến bụng. Khuyên tai dành cho nữ to, nặng, dài chấm vai, có loại còn gồm nhiều chiếc móc vào nhau thành chuỗi lục lạc. Trong khí đó, đàn ông đeo khuyên nhỏ hơn, nhìn nghiêng mới phát hiện. Trước ngực thường mang một miếng hộ tâm kính chạm hoa văn. Cánh tay có vòng lớn có chỗ cài dao găm, cổ tay đeo ống bảo vệ, hông có thắt lưng khắc linh vật, chân mang thố lớn, thường gắn lục lạc.
Nhìn nhiều vật cổ, tâm tưởng vô thức hồi khứ, tìm kiếm câu chuyện lưu lạc ngàn năm miên viễn. Những món trang sức này cũng từng có những năm tháng thanh tân, phô bày hết phong quang phồn thịnh của thời đại nó thuộc về. Sau này chìm vào bãi bể, phong hóa trong tháng năm, hoang phế dưới đất sâu, chúng vẫn bền bỉ tồn tại, đến một ngày được xẻng, cọ phủi hết cát bụi, một lần nữa được trở lại nhân gian, một lần nữa phô bày phong quang quá vãng cho người đời chiêm ngưỡng. Đối mặt chúng, cách một lớp kính ngăn, cô gái vẫn chăm chú viết, vẽ, phiêu du rất sâu trong những suy tưởng riêng mình. Chăm chú phân tích từng món đồ, cô đang tìm nghe lời tự sự sâu kín trong từng chất liệu và dáng hình.
Trong khu trưng bày hiện vật Đông Sơn, trang sức bằng đá tồn tại đa dạng loại hình như hoa tai, vòng tay, hạt chuỗi… Trong đó bật lên loại hoa tai hình vành khăn dạng dẹt, mỏng, đường kính dao động từ 2 đến 12 cm. Loại đá ưu mỹ trong mắt người Đông Sơn là các loại đá trắng, xanh, có vân, xám, vàng nâu, thi thoảng bật lên sắc đỏ của mã não, xanh mát của đá ngọc hay trong suốt của thạch anh. Nhưng rồi, bước vào thời đại kim khí, khi kỹ thuật luyện kim, đặc biệt là hợp kim đồng đạt đỉnh, trang sức bằng đá Đông Sơn lụi dần vẻ trau chuốt tỉ mỉ, nhường chỗ cho sự lên ngôi của trang sức đồng.