Để làm ra chiếc bánh Châng Can Pa cho kịp cúng ông Trăng vào 15/8 âm, người Tu Dí đã phải chuẩn bị từ sớm. Cùng với gạo tẻ, gạo nếp là thành quả của một năm quần quật là thức quà chủ yếu của người dân tộc nơi đây. Từ hạt thóc còn nguyên cám đến khi thành cây lúa nếp trổ đòng đòng rồi thành gạo nếp trắng tinh, được để dành từ mùa vụ năm trước rồi thành món bánh Châng Can Pa đem dâng lên cúng thần.
Bà má lấy gạo nếp ra đãi sạch, xay thành bột trộn lẫn với nước. Trộn bột là công đoạn khó nhất. Người ta phải tính toán lượng nước sao cho khéo, vừa đủ để bột không bị khô hay ướt quá. Nếu bột khô, khi hấp sẽ dầy, khó chín, còn bột ướt sẽ làm món ăn bị nhão.
Đôi tay người con gái Tu Dí nhào bột cứ thoăn thoắt trong chiếc váy áo sặc sỡ màu xanh thiên thanh, chen vào những sọc ngang màu đen với những họa tiết sặc sỡ. Dịp đặc biệt, nên người thiếu nữ cố tình lựa chọn bộ trang phục đẹp nhất trong tủ áo. Vừa làm bánh, cô vừa líu lo kể về họa tiết trên chiếc áo. Cô nói cô mất 1-2 tháng mới xong bộ họa tiết cho váy áo. Cô chỉ vào những trang sức bằng bạc, dạng xích và khăn đội đầu màu đen, viền thêu hoa văn đi kèm với bộ trang phục cô đang mặc. Những trang sức này đều có hình con bướm. Cô kể rằng hình con bướm là do xuất phát từ truyền thuyết về một đôi nam nữ yêu nhau, sau khi qua đời đã hóa thành cặp bướm bay đi.
Thì ra, những trang sức này đều có hai con đính với nhau, một con to tượng trưng cho người đàn ông, một con nhỏ tượng trưng cho người phụ nữ. Thỉnh thoảng, trong lúc xoay người đi làm công việc khác, tiếng trang sức va vào nhau kêu leng keng như tiếng chuông gió trong buổi chiều lộng cũng làm cho tâm trạng của người đứng bếp bớt đi phần nào cộc cằn.
Nhào bột xong thì cho một gạo nếp vào chõ, đồ cho chín thành xôi rồi mới thả từng lớp bột bánh vào, lớp bánh này chín xong mới thả tiếp lớp bột bánh khác vào cho chín dần. Thỉnh thoảng, có đứa con gái vụng, chất bánh thành nhiều lớp cao quá, hơi không lên được nên bánh ở trên miệng chõ không chín thì bị người mẹ rầy.