Tết Trung thu: Từ quý tộc truyền đến dân gian

Tác giả Wong Trần
Tết Trung thu: Từ quý tộc truyền đến dân gian

Trung thu là một lễ hội truyền thống ở các nước Đông Á, được tổ chức vào ngày 15 tháng Tám theo lịch cổ truyền. Mặc dù các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều tổ chức đón mừng tết Trung thu, nhưng mỗi nước đều có những đặc trưng riêng biệt… Bài viết đi vào tìm hiểu về nguồn gốc tết Trung thu trên đất Việt.

Lịch sử Tết Trung thu: Từ thú vui quý tộc đến ngày hội dân gian.

Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121 thời Lý có nhắc đến nguồn gốc Tết Trung thu qua việc Lý Nhân Tông nhân lúc: “Trung thu cảnh đẹp, muôn việc nghỉ ngơi. Mở hiếu thành sửa soạn cỗ bàn, bày lễ thịnh cúng dâng hoàng khảo”. Lê Tắc thời nhà Trần viết trong An Nam chí lược rằng: “Trọng thu, Trùng cửu là ngày mà quý tộc chơi bời 仲秋重九貴族賞之”. Điều này dường như cho thấy trong suốt thời Lý cho đến đầu thời Trần, Trung thu là dịp để giới quý tộc thưởng thức, chứ chưa lan xuống thành sinh hoạt cộng đồng.

Thời Lê sơ, ngày Trung thu, nhà vua thường cùng các quan ngắm trăng, làm thơ. Như triều Lê Thánh Tông, nhân đêm Trung thu, các quan vào chầu. Đêm đó mặt trăng mờ tối. Vua Thánh Tông ra đề bài Trung thu vô nguyệt (Trung thu không trăng), sai các quan làm thơ dâng lên. Triều Lê Hiến Tông, năm 1500, nhân ngày 15 tháng Tám, vua làm bài thơ Quan Giá đình Trung thu ngoạn nguyệt (Ngắm trăng Trung thu ở đình Quan Giá) gồm 15 vần, sai các quan Đông các và Hàn Lâm viện họa lại.

Nguồn gốc Tết Trung thu thời Lê Trung hưng, theo Lịch triều hiến chương loại chí, mỗi tiết Trung thu và các tiết khác trong năm, bộ Lễ làm bản kê, rồi bộ Hộ chiếu theo đó phát tiền công cho các thự Thần Trù, Thái Quan, Thần Cung, Lương Uẩn soạn lễ cúng. Tuy nhiên, chính văn bản Lê triều hội điển thời Lê Trung hưng lại không nhắc gì đến việc cúng tiết Trung thu. 

Trung thu vẫn là dịp để giới vua quan quý tộc và nhân sĩ trí thức ngắm trăng, uống rượu, làm thơ. Đến năm 1651, từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes đã ghi nhận từ “ăn trũ thu” (ăn Trung thu). Năm 1659, Bento Thiện cũng xác nhận rằng: “Đến tháng tám lại có Tết Trung thu, thì thiên hạ cùng ăn cùng hát chơi vậy”.

Trung thu cung đình thời chúa Trịnh Sâm

Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án chép:

Mỗi năm, trước tết Trung thu độ vài tháng, Chúa truyền lấy gấm ở trong kho ra, giao cho các cung nữ làm đèn lồng, hàng trăm nghìn chiếc rất tinh xảo, mỗi chiếc có thể đáng giá đến vài chục lạng bạc.

Đúng hôm rằm, Chúa ngự ra chơi Bắc cung. Cung này có cái ao gọi là Long Trì, rộng độ nửa dặm, trồng nhiều hoa sen, hoa súng v.v.. Bên bờ ao đắp đất, chồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt mặt trước mặt sau, trông đường nào cũng có thế đẹp. Bên phải để riêng một chỗ ngồi dành cho việc đàn hát. Trên bờ ao có giống mấy trăm gốc phù dung, treo đèn ở trên, ánh soi xuống nước, lấp lánh như muôn vàn ngôi sao.

Các quan Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo đàn bà, ngồi bán hàng ở bên lề đường, đủ thứ hàng hóa Nam Bắc. Cho đến cả hoa, quả, rượu, chè cùng các món thực phẩm, không thiếu thứ gì, chồng chất cao như núi. Các cung nữ đi lại mua bán, tha hồ tự do, vừa mua vừa tranh cướp, bất cứ giá cả bao nhiêu. Lại bắt chước những tiếng thường dùng ở nơi chợ búa thôn quê, để thách thức trêu cợt nhau, tiếng nô đùa vang suốt trong ngoài.

Đến nửa đêm, Chúa ngự kiệu xuống thuyền rồng, các quan hầu và phi tần đều gõ ván thuyền, hát khúc đò đưa [nguyên văn là: Thương Lương, một bài ca của Khuất Nguyên]. Thuyền chợt bơi qua bơi lại, trôi theo làn sóng, bỗng nhiên tiếng đàn, tiếng sáo, lời ca cùng hòa nhau, thanh âm lanh lảnh tựa khúc nhạc trời hòa tấu trên cung Quảng Hàn.

Chúa ngắm cảnh, lòng vui vẻ, mãi khi có tiếng gà gáy, mới trở về cung

Trung thu dân gian thời Tây Sơn

Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cũng kể chuyện trải nghiệm chơi Trung thu của mình: 

Tôi trọ ở Khánh Vân một năm. Mùa thu năm Kỷ Mùi (1799), sắp trở về kinh đô sống. Đêm mười lăm tháng Tám, cùng Tô nho sinh ở Khánh Vân, Hoàng nho sinh ở Đại Áng hội nhau ở một cái quán trơ trọi trên gò làng. Gần đến nửa đêm, có một hai bạn tương tri từ Nhị Khê tới thăm, pha trà nói chuyện. Khi đó Hà Hán không mây, bóng cây soi đất, trông ra xa thấy các ấp Dưỡng Hiền ở bên sông Nhuệ có người đốt pháo thăng thiên, sao băng lấp lánh trên khoảng tầng trời. Mọi người nhìn nhau cười lớn”.

 Thời Nguyễn, năm 1835, vua Minh Mạng dụ bộ Lễ rằng tiết Trung thu và một số tiết khác “người xưa cũng dâng tiến lễ; nhưng quốc tục triều ta còn chưa cử hành”. Nhà vua ra lệnh bộ Lễ bàn bạc cách cúng. Bộ Lễ đề nghị tiết Trung thu “nên giảm bớt sự sát sanh”, “dùng trà quả, chân phẩm để tế”. Vua Minh Mạng còn hạ lệnh “các tiết Thượng nguyên, Trung thu, đều phải đốt đèn suốt đêm, để bày tỏ giai tiết”.

Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn kể phong tục tỉnh Hà Nội “tiết Trung thu thắp đèn chơi trăng”; tỉnh Quảng Yên “tiết Trung thu, có bánh Trung thu để thưởng trăng”; tỉnh Biên Hòa “tiết Trung thu và Trùng cửu thỉnh thoảng có nhà bày tiệc thưởng”; tỉnh Hà Tiên “tiết trung thu mời bạn hữu chung thưởng trăng thu”.

Đó là những ghi chép về nguồn gốc tết Trung thu theo từng địa phương, tỉnh lị. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi tỉnh không thấy nhắc phong tục đón Trung thu, mặc dù những lễ khác như Đoan Ngọ vẫn được kể đến. Ở Huế, năm 1937, Tràng An báo nhận xét rằm tháng Tám năm nay có vẻ rộn ràng hơn nhiều, đồng thời than phiền rằng: “Huế năm nay đã lây Hanoi về cái mốt ăn Tết Trung Thu, nhất là ăn … bánh Trung Thu”. Trẻ em Huế cũng họp nhau “múa kỳ lân” ở đường Gia Long. Nhưng chỉ mới gõ vài tiếng đã bị phu-lít (cảnh sát) tới đánh cho và tịch thu cả đầu lân. 

Theo Địa chí Phú Yên, trước năm 1975, tết Trung thu không được đông đảo người dân chú ý. Song từ năm 1975 đến nay thì Trung thu “đã trở thành một ngày tết lớn trong năm”.

Bày cỗ ngắm trăng ăn tết Trung thu

Thưởng trăng dịp Trung thu là hoạt động cơ bản của tết Trung thu. Chí ít từ thời Lý – Trần, giới quý tộc Đại Việt đã tổ chức cỗ bàn để cúng gia tiên và thưởng trăng. Theo mô tả của Edmond Nordemann vào năm 1898: 

Hôm tết ấy, nhà ai cũng làm cỗ cúng ông vải; đến tối thì uống riệu, trông giăng, để nghiệm mùa làm ruộng. Hễ giăng trong thì được lúa mùa, đục thì được lúa chiêm; mà ngộ không có giăng thì mất cả hai vụ. Vì thế tục cũng gọi tết ấy là tết “trông giăng”.

Ở huyện Sơn Động, Bắc Giang, kinh nghiệm dân gian đúc kết rằng nếu hôm đó trời trong, trăng sáng thì cả năm sẽ nhiều giá lạnh; nếu trời nhiều mây, trăng u ám thì trong năm sẽ nhiều nóng nực. Ở Lạng Sơn cũng có ghi lại kinh nghiệm trông trăng rằm tháng Tám: “Quầng lếch phạ noòng, Quầng tòng phạ lẹng” (Vòng sắt trời mưa, Vòng đồng trời hạn).

Việc bày cỗ trông trăng chủ yếu dành cho trẻ con. Alfred Bouchet cho biết: 

Nhà giầu nhà nghèo cũng phải theo tục mà bày cỗ cho con, cũng có người hiếm hoi, chưa có con thì cũng bày để đỡ buồn

Vào đầu thế kỷ 20, việc chuẩn bị cỗ bàn trông trăng hết sức cầu kỳ và công phu. Alfred Bouchet tả cách bày cỗ rằng: 

Làm các thứ bánh mùi, nặn các thứ hoa quả và sâu bọ bằng bột, tỉa các thứ hoa giả, với bánh nướng, bánh rẻo với một cái bánh mặt giăng; đèn xẻ rãnh, với đèn chạy quân, là có ý muốn khoe tài mình”.

Thực Nghiệp Dân Báo năm 1923 tả về cỗ trông trăng ở Hà Nội rằng: 

Những nhà giầu thì bốn năm bàn kê nghênh ngang ở giữa nhà, các thứ bánh giẻo, bánh khét, bánh ông giăng,… bánh bò mùi, sôi [xôi] ngũ sắc, sâu dâu ổ mối, con giống, cành hoa, sáng hôm rầm [rằm] rước ở chợ về…

Lại còn các thứ quả lê, táo, hồng, na, bưởi, bòng, dừa, mía, không thiếu thứ gì. Trẻ túc tắc ăn và được một điều thích gọi là phá cỗ…

Lại còn các thứ hoa, đi quanh các làng, tìm mua đu đủ, đem về trổ ra hoa trà, hoa cúc, mẫu đơn, phù dung, thủy tiên, phi [nếu không] bày ra các đĩa, thì buộc lên các cây, sáp ong nhuộm mùi chế ra hoa mai, hoa lan, hoa đào, phần thì cắm vào lọ, phần thì giồng [trồng] ra chậu, bầy chung quanh bàn dả [giả] làm vườn cảnh.

Lại còn gà uốn làm con ếch bảo là “thiềm thừ vọng nguyệt”, con vịt dựng đứng, măng làm áo tơi, mộc nhĩ làm nón dả làm ông Lã-vọng đi câu…”.

Bày cỗ trông trăng

Tư liệu địa phương chí của các tỉnh cho thấy sự khác nhau trong phong tục cỗ bàn Trung thu tùy theo mỗi vùng miền.

Ở Thái Nguyên, Tết Trung thu (bát nhịp xập ửng) còn được gọi là Tết Trung nguyên (phân biệt với tết Trung nguyên ngày 15 tháng 7). Lễ cúng chính thường vào ban đêm, khi trăng lên. Đồ cúng gồm nhiều bánh nướng, bánh dẻo, và các loại đồ chơi, đèn lồng bằng giấy đỏ, giấy bóng kính. Ở Lạng Sơn, dịp này có nơi cũng là tết cơm mới. Dân chúng làm nhiều món đặc biệt như bánh trung thu, xôi trám đen, thịt gà, vịt. Một số nơi có tục ăn cá gỏi. 

Đây cũng là dịp các bà Then làm lễ “khao mã”, “bày cỗ gồm các thứ bánh nặn hình hoa lá, con giống màu sắc sặc sỡ”. Ở Nam Định, vào ngày rằm tháng Tám “bày cỗ bàn, bánh trái, bưởi, chuối … cho trẻ trông trăng, thắp hạt bưởi, nến lấp lánh trong những loại đèn giấy, đèn kéo quân”.

Ở Tiền Giang người dân cúng thần Thái Âm vào đêm trăng tỏ. Người Việt cúng trăng vào đêm 14, người Hoa cúng vào đêm 15. Người Việt thì dùng “lễ vật hương hoa, các loại trái cây và bánh trung thu”; còn người Hoa dùng “hương, hoa, nguyệt bính (bánh trung thu), thêm hai món khoai môn và đậu phộng luộc, được chế biến khá cầu kỳ”. 

Ở Bạc Liêu, lễ cúng Trung thu có hai phần: ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, đất đai; ban đêm cúng trăng. Lễ vật bao gồm bánh trái, hoa quả. Ngoài ra còn có đốt đèn cầy. Bánh cúng trăng phổ biến là bánh in. Bánh in loại lớn gọi là bánh mặt trăng.

Tết Trung thu ăn gì? Những thực phẩm đặc trưng trong mâm cỗ Trung thu.

Tò He

Tò he được nặn bằng bột tẻ pha một phần bột nếp, rồi nhuộm màu tự nhiên từ quả giành giành, gỗ cây vang, v.v..; đem hấp cách thủy, đồ chín thành từng cục bột màu dẻo. Người thợ dùng bàn tay khéo léo với con dao tre và hàng răng lược thưa để tạo thành nhiều hình dạng. Tượng tò he để lâu cũng không vỡ nát, biến màu hay mốc. Mỗi dịp Trung thu, người dân thường mua tò he về bày trên mâm cỗ.  

Con giống

Con giống là những hình tượng con vật được cắt tỉa từ hoa trái vườn nhà. Người ta làm con thỏ bằng múi bưởi trắng, con kỳ lân bằng múi bưởi đào, bóc lộn tôm ra rồi ghép với nhau, cho đủ mắt đủ tai; hoặc lấy mía mật chẻ ra từng đoạn, tách khéo thành hình mũ ông Công, ông Táo. Làm xong thì tô phẩm màu tự nhiên, rồi cho vào hấp cách thủy với vài giọt nước hoa bưởi. 

Bánh Trung thu

Bánh Trung thu là món ăn đặc sản của người Hoa, còn gọi là nguyệt bính (bánh mặt trăng). Nguyệt bính được nhắc đến trong sách vở từ thời Nam Tống. Mộng lương lục của Ngô Tự Mục có kể tên nguyệt bính cùng với các món bánh khác, đồng thời cho biết chúng là “điểm tâm ở chợ búa, bốn mùa đều có”. Nhưng ghi chép về thức ăn đêm Trung thu ở thời Tống hoàn toàn chưa thấy nhắc đến nguyệt bính. Việc nguyệt bính trở thành lễ phẩm đêm Trung thu thì phải đến thời Minh mới thấy. Điền Nhữ Thành (1503-1557) viết trong Tây Hồ du lãm chí dư

Ngày 15 tháng Tám gọi là Trung thu. Dân gian đem nguyệt bính tặng cho nhau, lấy ý nghĩa là đoàn viên. Đêm đó mọi người có tiệc thưởng trăng”.

Việc ăn bánh Trung thu đêm rằm tháng Tám ở nước ta đã thấy chép trong phần phong tục tỉnh Quảng Yên thời nhà Nguyễn. Ở miền Nam, vào cuối thế kỷ 19, bánh Trung thu còn được dùng trong lễ cưới. Việc làm bánh Trung thu ở Nam Kỳ ban đầu do người Hoa nắm giữ hoàn toàn. Họ giấu kín bí quyết. 

Đến đầu những năm 1930, bà Lê Thị Ngọc chủ tiệm Đức Thành Hưng có người làm công là Võ Văn Thêm – lúc trước làm với người Hoa ở Phan Thiết, nên học được nghề làm bánh. Bà Lê Thị Ngọc bèn cho làm bánh trung thu hiệu Đức Thành Hưng để bán. Từ đó người Việt cũng có thể làm và bán bánh trung thu trong dịp này, bánh đã trở thành một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Trung thu ngày nay. 

Bánh Trung thu là dạng bánh nướng. Vỏ bánh được nhào từ bột mì, nước đường đun với mạch nha và dầu ăn. Dùng bột đã nhào bọc quanh nhân bánh, rồi dùng khuôn ép thành hình dạng, đem nướng chín vàng. Trong quá trình nướng thì quét thêm lòng đỏ trứng. Quảng cáo bánh của Triệu Xương Hiệu ở chợ Bến Thành năm 1932 thấy liệt kê đến 25 loại bánh trung thu với các loại hỗn hợp nhân bánh khác nhau.

Bánh dẻo

Bánh dẻo thường làm có hình dạng tương tự như nguyệt bính. Nhưng đây là loại bánh của người Việt. Vỏ bánh được nhào từ bột nếp, bọc nhân bánh đã nấu chín; sau đó bỏ vào khuôn bánh để ép thành hình dạng. Năm 1967, người Hong Kong phỏng theo bánh dẻo Việt Nam để làm ra loại bánh dẻo lạnh, cũng dùng trong dịp Trung thu.

Bánh in

Tương truyền nguồn gốc bánh in bắt nguồn từ Huế vào thời Minh Mạng, về sau được truyền bá khắp nơi. Bánh in được làm từ bột nếp và bột năng đã rang chín, trộn với hỗn hợp nước đường, nước chanh và nước hoa bưởi; nhân đậu xanh hoặc mứt dừa. Tất cả được nén chặt vào khuôn bánh có in hoa văn để tạo hình cho bánh, sau đó gõ cho bánh rời khỏi khuôn. Vì cách làm này nên bánh có tên là bánh in. Loại bánh này cũng có mặt trên mâm cỗ Trung thu ở nhiều địa phương.

Rước đèn và các thứ đồ chơi trẻ em ngày tết Trung thu

Tục rước đèn được giải thích là bắt nguồn từ điển tích thời Đường, Tống. Edmond Nordemann cho biết thời Đường Minh Hoàng, một đêm Trung thu, nhà vua được đạo sĩ đưa lên mặt trăng chơi, thấy các nàng tiên múa rất đẹp, lúc trở về bèn chế ra điệu múa Nghê Thường. Nordemann nói rằng điệu múa ấy “bây giờ gọi Nôm là Múa bài bông”. Dân chúng phỏng theo tích này “làm ra những thức đèn cù, đèn máy bằng giấy, theo các tích ngũ lão, bát tiên, vân vân”. 

Việc treo đèn cá chép thì lấy tích thời Bắc Tống, có con cá chép vàng thành tinh. Hễ đêm rằm tháng Tám thì hiện ra dỗ bắt phụ nữ và trẻ em. Vì vậy Bao Công bèn tâu vua, xin hạ lệnh cho dân gian đều làm đèn hình con cá bằng giấy treo trước cửa, để cá chép trông thấy là đồng loại sẽ không quấy phá nữa. Rồi sau dân chúng học theo, “hễ đến tết ấy, thì bồi giấy làm ra voi, ngựa, rồng, long-mã, kì-lân, xư-tử [sư tử], vân vân, mấy [với] các thức đèn tôm, cá, cho trẻ cầm đi hồ khoan chơi. Hóa ra tục cũng gọi là “tết trẻ con””.

Làm đèn Trung thu Hà Nội.

Alfred Bouchet ghi lại rằng tết Trung thu ở Hà Nội là vui nhất. Ở Hà Nội có hai phố bán đồ chơi cho trẻ con là phố Hàng Thiếc và phố Hàng Gai: 

Ở phố Hàng Gai thì bán những đồ bồi bằng giấy dày: như là người, ngựa, voi và đồ dùng; còn ở phố Hàng Thiếc, người ta cũng bán đồ chơi như là ở phố Hàng Gai, song tất cả đều làm bằng sắt tây và sơn mùi”. 

Thực Nghiệp Dân Báo viết: 

Đèn cù bằng giấy đã đành, lại có cái quấn bằng ngà áo bằng vóc, dùng máy đồng hồ để chuyển động; đình chùa bằng giấy đã đành, có cái bằng gỗ, tượng thờ, đồ thờ, câu đối, biển, hoành cho chí lộ-bộ bát-bửu, tàn, tán, cờ, quạt hết thảy là đồ thật cả,… Cái đèn đến dăm bảy chục, cái đình đến 5, 6 chục, chả những cho con mình chơi, lại còn đèn thắp sáng trưng, cửa mở rộng toang cho người xa gần đi lại túm tụm mà xem”.

Rước đèn Trung thu.

Bắt cái hồ khoan

Việc bày cỗ và ngắm trăng được thực hiện vào ngày rằm, nhưng sinh hoạt đường phố đã bắt đầu trước đó. Alfred Bouchet cho biết: “Còn trẻ con thì từ cuối tháng bảy sang đầu tháng tám giở đi, hoặc năm đứa, hoặc ba đứa một bọn múa sư tử, đi hồ khoan”. Huình Tịnh Của giải thích “hò khoan” là “Tiếng hò chấm câu, một người xướng dọc một câu ca vè, các người khác hò trả lại”; còn “bắt cái hò khoan” là: “Xướng nói một đoạn ca vè, cho kẻ khác lên tiếng hò khoan”. 

A. Chéon cho biết lối hát hồ khoan thì một đứa trẻ xướng trước lên rằng: “Bắt cái! Bắt cái! Này!”, rồi hát lên một câu, hoặc nửa câu. Những đứa trẻ đi sau cùng đồng thanh hồ khoan. Lời hát “nhiều câu hoa tình”. Chẳng hạn:

1- Bắt cái! Bắt cái! Này: hồ khoan!
Hoa lý lịch là hoa lý linh – Hồ khoan!
Con gái Hàng Trống vừa xinh vừa giòn – Hồ khoan!
2- Bắt cái! Bắt cái! Này: hồ khoan!
Tôi là con gái Kẻ Mơ – Hồ khoan!
Tôi đi bán rượu tình cờ gặp anh – Hồ khoan!
3- Bắt cái! Bắt cái! Này: hồ khoan!
Tôi là con gái Tràng Sinh – Hồ khoan!
Tôi đi bán rượu trong dinh ông Nghè – Hồ khoan!
4- Bắt cái! Bắt cái! Này: hồ khoan!
Ai đem tôi đến chốn này? – Hồ khoan!
Bên kia thì núi bên này thì sông – Hồ khoan!
5- Bắt cái! Bắt cái! Này: hồ khoan!
Đi đâu mà chẳng lấy chồng – Hồ khoan!
Người ta lấy hết, đứng không mà gào – Hồ khoan!

Hát trống quân

Hát trống quân được tổ chức chủ yếu tại Bắc Bộ vào mùa thu, khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, nhân dịp nông nhàn. Hát trống quân chỉ được tổ chức vào đêm trăng sáng, mà sôi nổi nhất là đêm rằm tháng Tám. Người ta hát từ lúc trăng lên cho đến lúc trăng tàn. Vì vậy, hát trống quân còn gọi là hát trông trăng hoặc hát thưởng trăng. 

Đặc biệt như ở làng Phú Mẫn (Hàm Sơn) huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hát trống quân được tổ chức thành hội thi hàng năm; hát trống quân ở Nhã Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cũng có quy mô rộng lớn và có treo giải. Ở các vùng có người Kinh sinh sống tại các huyện Phổ Yên, Phú Bình tỉnh Thái Nguyên (giáp với xứ Kinh Bắc xưa) cũng có hát trống quân.

Phan Kế Bính (1915) cho rằng tục hát trống quân bắt đầu từ thời Nguyễn Huệ. Khi đem quân ra Bắc, quân sĩ nhớ nhà. Nguyễn Huệ bèn sai quân sĩ giả làm trai gái hát đối đáp làm vui, để tạm nguôi nỗi nhớ nhà. Vì có đánh trống làm nhịp, nên gọi là trống quân. Còn Georges Cordier (1920) lại cho rằng hát trống quân thực tế là hát tống quân (送君 – tiễn bạn). Ngày xưa khi một viên quan được điều từ tỉnh này đi tỉnh khác, những bạn bè thân hữu sẽ đi tiễn. Lúc sắp chia tay, họ đặt một cái trống xuống đất rồi hát bài hát tiễn bạn. Trong đó có câu: “Tống quân nam phó thương như chi hà” (Tiễn ngài về Nam, đau đớn làm sao). 

Sau này chữ “tống” bị nhầm thành chữ “trống”, chữ “quân” là ngài bị nhầm thành chữ “quân” là quân đội. Về nguồn gốc và ý nghĩa của hát trống quân cũng có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng hát trống quân mà ta thấy hiện nay là một hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ.

Tục hát trống quân ngày Trung thu đã được A. Chéon nhắc đến từ năm 1905. Lối hát trống quân thì con trai con gái đến một chỗ ngồi, chia ra hai bên; và treo giải thưởng trên cây hoặc trên mái nhà. Giải thưởng là một quan tiền (600 đồng) hoặc vài vuông khăn mặt. Đào dưới đất một cái lỗ, giăng dây ngang lỗ. Bên trai vừa hát vừa lấy que đánh vào sợi dây ấy cho kêu thành tiếng “bình, bình” như tiếng trống để làm nhịp. Bên nữ cũng gõ sênh kêu cách cách làm nhịp để đối lại bên trai. Bên nào hết câu để hát thì thua, và bên kia thắng giải. Câu hát trống quân đại để:

Bên trai hát:
Đôi ta như cái đòng đòng
Đẹp đôi nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha.

Bên gái hát:
Tiếng ai như tiếng chuông đồng
Tiếng ai như tiếng vợ chồng nhà ta.

Bên gái hát:
Cất lên một tiếng mà chơi
Cất lên tiếng nữa ăn cơi giầu đầy.

Bài hát trống quân của Đỗ Văn Thâm thu âm năm 1931
(Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp).

Nhạc cụ chủ yếu của hát trống quân là cái trống đất. Người ta đào một lỗ tròn sâu xuống đất khoảng 50cm, đường kính 50cm; trên miệng đặt một cái mâm đồng hay mâm gỗ. Lại đóng hai cái cọc cách mỗi bên miệng hố khoảng 70cm; dùng dây thừng bằng đay buộc vào hai đầu cọc. Sau đó dùng một đoạn cây dài gần bằng cái tay néo đập lúa, một đầu đặt lên tâm mặt mâm, một đầu chống lên dây thừng cho dây căng ra. Mỗi khi hát xong một câu thì đánh lên dây thừng để phát ra âm thanh “thình-thùng-thình” theo nhịp gõ. Hiện nay trống đất đào lỗ có khi bị thay thế bằng trống thật hoặc một số dụng cụ khác có thể phát ra âm thanh như chum sành, vò, vại sành.

Có thể thấy Tết Trung thu không chỉ là tết trông trăng, tết thiếu nhi, trẻ con, mà còn là dịp tết giao duyên đôi lứa. Ở Lạng Sơn, nam nữ thanh niên Nùng Phàn Sình cũng nhân ngày này đi chợ Kỳ Lừa hát đối đáp và mua bánh trung thu tặng nhau.

Art Director Lê Minh
Minh hoạ Mythz
Editorial Director
Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share