Thế chiến thứ Hai: Liên Xô đại chiến Đức Quốc Xã

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Thế chiến thứ Hai: Liên Xô đại chiến Đức Quốc Xã

Trong Thế Chiến thứ hai, Xô và Đức là kỳ phùng địch thủ, điều đó là không phải bàn cãi. Các chiến dịch quân sự của hai bên nhằm ăn miếng trả miếng lẫn nhau đã đẩy mức độ thương vong cao chưa từng thấy trong lịch sử giao tranh của nhân loại.

Để nhắc đến Thế chiến thứ Hai, nhất thiết ta phải quay ngược thời gian trở lại hơn 30 năm trước. Tác giả sẽ kể sơ lược Thế chiến thứ Nhất:

Áo – Hung là một đế quốc rộng lớn nhưng bất ổn vì nó có quá nhiều sắc tộc muốn ly khai. Cuối cùng, Thái tử Áo – Hung bị sát thủ thuộc tổ chức Bàn Tay Đen ám toán. Áo – Hung tuyên bố nước Serbia chủ mưu và tiến hành động binh.

Nga không thể đứng yên nhìn Serbia bị đánh nên nhảy vào can thiệp. Đức cũng bênh Áo Hung nên đấm Nga. Đức cho rằng cần phải diệt Pháp đồng minh của Nga nhanh gọn lẹ trước rồi tính sổ Nga sau. Thế là Bỉ bị đánh vì nằm trên đường tiến quân tới Pháp. Để rồi, Anh vì bảo vệ Bỉ nên cũng bị kéo vào cuộc chơi. Thời điểm đó, Mỹ không quan tâm tới chuyện bên châu Âu.

Anh và Pháp đào chiến hào rất dài để ngăn quân Đức tiến sâu vào nước Pháp. Đức lấy tàu ngầm bao vây đảo Anh và tuyên bố bắn bỏ bất cứ tàu thuyền nào tiếp tế, mục đích là khiến Anh chết đói Trong quá trình bao vây, tàu ngầm Đức lỡ tay bắn chìm hai tàu Mỹ. Mỹ đe dọa nếu xảy ra lần nữa thì ông chết với tôi. Đức cũng rén nên đã cẩn thận hơn trong việc chọn mục tiêu.

Các nước giờ đây đánh nhau loạn xạ. Một cuộc chiến đáng lẽ kết thúc rất chóng vánh, bây giờ lại kéo dài tới không biết khi nào mới hết khi nhiều anh tài cũng tham gia cho thêm phần sôi động như Ottoman, Ý, Nhật… Cuối cùng sau 3 năm chiến tranh khốc liệt, dân Nga chịu đựng không nổi nên làm cách mạng lật đổ hoàng gia. Nga rời cuộc chơi.

Sau mấy trận khủng khiếp như Somme và Verdun, bộ đôi Anh và Pháp tin rằng cứ cái đà này thì Đức sẽ nướng hết sạch quân trước mình. Đức trong cơn tuyệt vọng đã chơi đòn cảm tử: bất cứ tàu thuyền nào lảng vảng ở nhà bọn Đồng minh sẽ bị bắn. Tao phải làm cho thằng Anh chết đói thật sự! 

Cuối cùng, Đức lại tiếp tục bắn chìm… tàu Mỹ. Chưa kể, Đức còn âm mưu đi đêm với Mexico để đâm sau lưng Mỹ một nhát. Mỹ quyết định phải dạy cho Đức một bài học. Và sau đó, à, không có sau đó nữa, Thế chiến thứ Nhất kết thúc với sự sụp đổ của bốn đế quốc: Áo – Hung, Ottoman, Nga và Đức.

 

AnhPhápMỹ hả hê lắm, họ bàn nhau nên “xử” Đức ra sao. Mỹ thì chỉ chờ đón những người lính trở về, không muốn liên can tới châu Âu. Anh thì muốn giải quyết hòa bình, để Đức trở thành đối tác thương mại. Riêng Pháp thì quá cay cú vì bị tàn phá nên muốn trả thù, phải trừng phạt và biến Đức thành một quốc gia nghèo mạt rệp để không còn lộng hành được nữa.

Họ họp tại Versailles, bản đồ châu Âu được vẽ đi vẽ lại liên tục trong 3 tháng. Cuối cùng Đức bị cắt xẻ rất nhiều đất, trong đó Ba Lan cũng được phần. Đây là điều khiến Đức vô cùng phẫn nộ vì  họ luôn khinh Ba Lan là loài hạ đẳng. Chưa hết, Đức phải bồi thường tiền bạc cho phe thắng cuộc, đợt đầu tầm 5 tỷ đô. 

Quân Đồng minh bắt Đức chia tay với Áo, ngăn biên giới của đôi tình nhân thất thế. Giải tán bộ tổng tham mưu chiến tranh. Quân đội Đức bị giảm xuống còn 10 vạn người. Không cho phép sở hữu máy bay, xe tăng, tàu ngầm. Nói chung là nhổ bỏ nanh vuốt của con cọp dữ để nó không làm càn được nữa.

Đức vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ bồi thường xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay toàn bộ châu Âu. Nhưng cả châu Âu ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào đòi tiền bồi thường Thế chiến thứ Nhất. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí lời không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào nghĩ ra cái hòa ước Versailles cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra cái hòa ước khốn nạn đấy.

Nếu Đức nhân hóa thành Chí Phèo, chắc suy nghĩ cũng sẽ như trên. Người Đức vô cùng ức chế vì những điều khoản chèn ép nặng nề như vậy. Họ đã cố tạo ra lạm phát nghiêm trọng tới mức con nít cũng có thể dùng tiền làm diều để né bồi thường. Thế nhưng nỗ lực đó là vô ích. Bởi họ hiểu rằng nếu chống lại quân Đồng minh thì đồng nghĩa với án tử cho nước Đức.

Và gã họa sĩ người Áo Adolf Hitler xuất hiện như một cứu tinh. Anh binh sĩ may mắn sống sót sau Thế chiến thứ Nhất ngày nào đã xoay sở để bước lên từng nấc thanh danh vọng. Ngay khi trở thành Quốc trưởng nước Đức, Hitler đã xé hòa ước Versailles như một tờ giấy nháp, hủy bỏ tất cả các khoản bồi thường. Anh và Pháp phải nín thở mà lùi bước. Hitler xây dựng nên Đệ Tam Đế Chế (Third Reich) với một quân đội hùng mạnh chưa từng thấy, sẵn sàng trả món nợ nhục nhã mà dân tộc Đức phải gánh chịu.

Olympic năm 1936 do chính Adolf Hitler xắn tay áo lên tổ chức. Kỳ thế vận hội đó xém bị thế giới tẩy chay vì dám cấm người Do Thái thi đấu, đến nỗi Hitler phải xuống nước cho phép vì không muốn bể show. Tiền bán vé cũng khá, nhưng ngài Quốc trưởng  quan trọng gì tiền lẻ, chủ yếu anh muốn cho công chúng toàn cầu thấy oai phong của Đệ Tam Đế Chế thôi. Năm ấy thì Đức chủ nhà nên huy chương vàng nhiều nhất là dĩ nhiên, xếp sau là Mỹ, còn Liên Xô nghỉ chơi nên không tính. 

Dĩ nhiên Anh, Pháp, Nga, Mỹ là bốn người “nhột” nhất trước sự trỗi dậy của tên đồ tể châu Âu. Nhưng Mỹ thì đỡ vì ở tuốt một mình một cõi bên kia đại dương, ba người còn lại mới mệt với gã hàng xóm Chí Phèo. Tất cả đã thấy được Đức hồi sinh mạnh mẽ thế nào. Chỉ trong vòng ít năm đã có được sức mạnh xoay chuyển càn khôn.

Sự thực nước Đức Quốc Xã đầy mâu thuẫn. Một quốc gia với tư tưởng vô cùng độc ác với đồng loại và mang tham vọng xâm chiếm thế giới, lại có các “mặt trái” kỳ lạ trong chính sách của họ. Bản thân Hitler cực kỳ căm ghét Do Thái cũng như nhiều sắc dân mà ông ta cho là “hạ đẳng” khác như Slav, nhưng lại say mê động vật và yêu thiên nhiên vô cùng. Ông ta thường dẫn chú chó Blondi đến những nơi tuyệt đẹp của nước Đức để chụp hình kỷ niệm. Lúc Nazi trở thành đảng cầm quyền, Hitler ngay lập tức duyệt luôn đạo luật Tierschutzgesets, tuyên bố rằng cấm tuyệt đối ngược đãi động vật trong lãnh thổ của Đức Quốc Xã. 

Khi Đức quốc xã đang chuẩn bị đi những bước đầu tiên của cuộc báo thù, lúc đó ở phương Đông xa xôi, mặt trời Nhật Bản cũng nổi lên đỏ rực, thu hút sự chú ý của ngài Quốc trưởng. Chúng ta quen gọi là phát xít Ý, phát xít Đức, phát xít Nhật. Chứ thật ra chính xác phải là phát xít Ý, Đức quốc xã và quân phiệt Nhật. Phe Trục ma quỷ đã được thành lập. Bóng ma của Thế chiến thứ Hai dần lộ diện.

Để trì hoãn cuộc chiến không thể tránh khỏi, Anh và Pháp rất phũ phàng khi chấp nhận ký với Đức hiệp ước Munich bán rẻ đồng minh Tiệp Khắc, đổi lại lời hứa về một nền hòa bình mong manh. Đức không bỏ lỡ thời cơ nuốt trọn Tiệp Khắc, rồi sáp nhập Áo. Bằng việc nhượng bộ Đức, Anh và Pháp đẩy Liên Xô vào hai lựa chọn khó: chiến tranh hoặc ký hiệp ước để đổi lấy hòa bình

Tất nhiên, chiến tranh chưa bao giờ là lựa chọn, nhất là khi đối thủ là một tên điên. Tổng Bí thư Liên Xô Stalin chọn hòa hoãn với Hitler thông qua hiệp ước Molotov – Ribbentrop. Giờ đây, đã tạm yên mặt phía Đông, Hitler quyết định đi một nước táo bạo trên bàn cờ.

Người ta nói Thế chiến thứ Nhất nổ ra vì một người Áo bị bắn, còn Thế chiến thứ Hai nổ ra vì một người Áo không bị bắn. Câu ấy quả thật có lý.

Ngay khi hiệp ước Molotov – Ribbentrop còn chưa ráo mực, Hitler ra lệnh tiến hành xâm lược Ba Lan. Ba Lan chống trả rất ngoan cường trước quân Đức. Thế nhưng, Stalin bất ngờ ra lệnh quân Liên Xô tấn công từ phía sau. Bị hai nước mạnh đánh kẹp cùng lúc, Ba Lan vỡ trận. Anh và Pháp lúc này buộc phải tuyên chiến với Đức vì gã Quốc trưởng đã bước qua lằn ranh đỏ rồi. 

Hấp hối được vài tuần, Ba Lan tắt thở và bị chia đôi. Đức và Nga thuận nước đẩy thuyền, càn quét quyết liệt nhiều nước lân cận. Nga đánh lên vùng Baltic, nhưng không ngờ Phần Lan quyết liệt kháng cự và gây thiệt hại đáng kể cho Hồng quân. Đức thì hằm hè với Anh và Pháp, hai bên nín thở nhìn nhau say đắm mấy tuần nhưng vẫn chưa ai dám nã phát súng đầu tiên. Cả hai chỉ thực sự động binh khi cùng muốn chiếm Bắc Âu, Đức chiếm Đan Mạch và Na Uy, rồi gầm lên tiến quân hùng hổ về phía Tây bằng Blitzkrieg – thứ chiến tranh chớp nhoáng trứ danh, cuốn phăng Hà Lan, Bỉ, Lục Xâm Bảo và cuối cùng là Pháp.

Có lẽ anh đã Anh bật khóc khi Pháp lịm dần trong vòng tay mình. Nên nhớ Pháp từng tổ Hội chợ đấu xảo Paris năm 1937. Sự kiện hoành tráng này được tổ chức với hy vọng thắt chặt tình hữu nghị của nhân loại. Bên trái là gian hàng Đức Quốc Xã với biểu tượng đại bàng cắp chữ Vạn, bên phải là gian hàng Liên Xô với biểu tượng đôi nam nữ cầm búa liềm, ở giữa là tháp Eiffel. Hai năm sau, chiến tranh thế giới chính thức bắt đầu tại châu Âu và cuối cùng… chủ nhà bị chiếm.

Đức tiếp tục vượt biển và dùng không quân đánh phá dữ dội. Anh phải nói là tối tăm mặt mũi luôn, nhưng nhờ hải quân mạnh và không quân có radar nên vẫn trụ được. Radar thật sự quan trọng lắm. Tại vì sao? Nếu không có radar thì máy bay phải bay vòng vòng trên trời để tuần tra, tốn xăng và mệt mỏi, có radar rồi chỉ việc chờ địch tới là chơi thôi.

Đức ra sức bao vây cô lập quần đảo nước Anh để không ai cứu viện được, nhưng hải quân của họ không mạnh, còn tàu ngầm U-boat lừng danh thì không xài được trong biển Manche vì quá cạn, chật chội mà lại đầy thủy lôi. Hạm đội Pháp cực xịn và nếu Đức chiếm được số tàu ấy thì chưa biết đời Anh sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, rốt cuộc vẫn không hạ nổi Anh, Đức phải rút gấp nhằm dồn lực cho mục tiêu mới.

Nếu Pháp là kẻ ăn hại của phe Đồng Minh thì Ý là đứa tốn cơm của phe Trục. Ý bị Anh đập te tua ở Bắc Phi, buộc Đức phải chia quân ra cứu. Mặc dù “Cáo sa mạc” Erwin Rommel tài năng lừng lẫy ra sức gồng gánh nhưng không thể gánh nổi vì Hitler từ chối cấp thêm quân để lo cho chiến dịch sắp tới của ông ta, và cũng vì không đủ nguồn tiếp tế lương thực, vũ khí. Phe Trục rút khỏi Bắc Phi, và phe Đồng minh mở chiến dịch tiêu diệt Ý thành công. Thanh niên Ý vô dụng  đã chính thức dừng cuộc chơi. Lúc này, bên kia đại dương, Nhật đang bạo hành các nước châu Á.

Còn Mỹ, anh ta mặc kệ tất cả. Phó tổng thống Truman thật thà:

Nếu thấy Đức chiến thắng thì chúng ta phải giúp người Nga, và nếu Nga chiến thắng thì chúng ta phải giúp người Đức. Theo cách đó, cứ để bọn chúng giết nhau càng nhiều càng tốt. Mặc dù tôi không hề muốn nhìn thấy Hitler chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cả.

Sau này bị Nhật oanh tạc tan tành Trân Châu Cảng thì Mỹ mới nóng máu mà tham gia cuộc chơi đầy kịch tính này. Nhưng thôi, chúng ta hãy quay trở lại chiến trường châu Âu. 

Stalin cứ nghĩ mình ký với Hitler cái hiệp ước chia đôi Đông Âu đó thì Hitler sẽ hài lòng, nên chuyện Đức tấn công Nga là vô cùng hư cấu. Nhưng cũng như các lãnh đạo khác, Stalin hoàn toàn không hiểu hết dã tâm của Hitler và mặc dù được cảnh báo rằng binh lính Đức đang tụ tập rất đông ở biên giới, Stalin vẫn không nghi ngờ gì cả.

Ngày nọ, Stalin nhận được lá thư từ Đức:

Gửi ngài Joseph Stalin,

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh, mong ngài nhận ở nơi tôi lời chúc mừng chân thành nhất cùng những điều tốt lành. Xin chúc ngài luôn mạnh giỏi, chúc nhân dân Xô Viết có một tương lai hạnh phúc.

Adolf Hitler

Kỳ thực, mọi thứ đều là trá ngụy. Trong thâm tâm, Hitler luôn xem Stalin là đối thủ và sớm hay muộn gì cũng sẽ tấn công Nga. Gã Quốc trưởng xác định rằng đất Nga là không gian sinh tồn của chủng tộc thượng đẳng Aryan và phải diệt bằng sạch loài Slav để đoạt lấy. Chưa kể, hệ tư tưởng của Liên Xô là kẻ thù của Đức Quốc Xã. Đó chính là lý do tháng 6 năm 1941, Hitler tổ chức chiến dịch lớn chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới: Barbarossa! 

Chinh phục Liên Xô chính là mục tiêu tối thượng trong đời Hitler, là tham vọng lớn nhất. Mùa hè năm đó, Đức khởi hùng binh tiến về phương ĐôngThực tế trong những ngày đầu quân Đức tràn vào lãnh thổ Liên Xô, Stalin vẫn tự nhủ rằng hình như có gì đó sai sai và nghiêm cấm Hồng quân phản công vì lo sẽ chọc giận Hitler. Chính vì sự quan ngại có phần hơi sâu sắc quá mức của Stalin mà Nga thiệt hại vô cùng khủng khiếp chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi. 

Đệ Tam Đế Chế làm hai cánh quân:

Cánh quân thứ nhất tiến thẳng xuống phía Nam Liên Xô để “ăn” những giếng dầu tại Baku. 

Còn cánh quân thứ hai có mục tiêu là Stalingrad. 

Stalingrad là một thành phố mang rất nhiều kỷ niệm với Stalin. Đồng thời, đây là một thành phố công nghiệp lớn và chiếm được Stalingrad còn khống chế đường vận tải trên sông Volga. Thực ra Hitler chỉ muốn sỉ nhục Stalin nên mới đánh chỗ này, chứ vốn dĩ ông ta đánh chỗ nào trên sông Volga chả được.

Chỉ huy Đức là tướng Paulus – một người đàn ông khá yếu đuối – và trong tay ông ta là Tập đoàn quân số 6 lừng lẫy của Đức. Trong khi ngược lại, chỉ huy Nga là Chuikov – một tướng rất thiện chiến và kiên cường.

Lấy lại tinh thần sau cú sốc, Stalin lãnh đạo Liên Xô trong một cuộc chiến dữ dội đến mức chấp nhận cùng Đức xuống địa ngục. Stalin đã chuyển hết các cơ sở công nghiệp về dãy Ural, cả nước sẵn sàng đứng dậy kháng chiến, không ai được phép lùi một bướcToang cỡ nào thì toang chứ để mất Stalingrad thì gần như Liên Xô xong phim, vì bên kia sông Volga không còn đường lui nữa. Kể cả người dân Stalingrad cũng không được phép rời bỏ thành phố, phải tử thủ tới cùng!

Quân Đức rất thiện chiến ở khoản đánh nhau tầm xa và chiến tranh chớp nhoáng. Cách thực hiện lần lượt như sau: Không quân Đức sẽ dội bom điên cuồng xuống, trong khi thiết giáp sẽ ào ạt xông lên và pháo binh bắn mở đường cho bộ binh cùng tiến.

Stalingrad thành đống gạch vụn trước mưa bom bão đạn. Thế nhưng, điều này vô tình tạo thành một lợi thế kỳ lạ: xe tăng Đức không thể chạy ngang dọc trong thành phố. Địa hình lởm chởm của Stalingrad cũng tạo điều kiện để một binh chủng lợi hại tung hoành: lính bắn tỉa. 

Tướng Chuikov làm hạn chế khả năng tác chiến tầm xa của Đức bằng cách tổ chức Hồng quân thành những nhóm nhỏ và áp sát quân Đức để chúng không thể bắn pháo vào, kiểu “ôm thắt lưng địch mà đánh”. Quân Liên Xô liên tục được bổ sung, nhưng thường người ta sẽ không sống sót quá 24 giờ tại Stalingrad.

Quân Đức rất bất ngờ khi chứng kiến các nữ Hồng quân chiến đấu vì đối với người Đức, phụ nữ là để nội trợ chứ không phải ra trận. Họ cũng biết rằng mình không chỉ chiến đấu với quân đội Liên Xô mà là toàn bộ dân chúng. Quân Đức chiếm được 90% thành phố. 

Hồi nhỏ chơi Call of Duty, tác giả nhớ có một chiến dịch mình trở thành Hồng quân đang ngồi trên thuyền vượt sông Volga và đổ bộ Stalingrad. Chứng kiến cảnh thành phố đổ nát, bom đạn quân Đức dội ầm ầm, rồi anh chỉ huy hô lên “Victory or Death“, “For the Motherland!!!“, xong vác cờ Liên Xô chạy thí mạng lên phía trước, mình cùng đồng đội vác súng chạy sau, cảm xúc dâng trào. Tới giờ vẫn còn nhớ mãi không khí tại Stalingrad. 

Nói về trận Stalingrad có lẽ bao nhiêu từ ngữ cũng không đủ. Trận đánh rung chuyển trái đất, nơi mà khoảng cách giữa trần gian và địa ngục chỉ mỏng như cánh hoa tuyết.

Và sang tháng 12, đồng minh cổ xưa và quan trọng nhất của nước Nga đã đến: Mùa đông.

Trong thành phố đổ nát điêu tàn, tướng Chuikov cố gắng cầm cự và tử thủ hết cỡ. Bất ngờ, 1 triệu quân Liên Xô từ thinh không xuất hiện, tạo thành hai gọng kìm tiến thần tốc về Stalingrad. Hóa ra đây chính là quân tiếp viện của Nguyên soái Zhukov. Ông đã chuẩn bị 1 triệu quân trong lúc Stalingrad chống trả.

1 triệu Hồng quân âm thầm di chuyển và mô phỏng lại chiến tranh chớp nhoáng từ chính người Đức. Trong vòng 4 ngày, hai gọng kìm này khép lại ở Kalach và nhốt toàn bộ 30 vạn quân Đức thiện chiến ở trong lồng sắt.

Sở dĩ Hồng quân khép gọng kìm ở Kalach vì đây là phần phía sau của quân Đức, gồm rất nhiều lính Romania và Ý được trang bị kém hơn. Về sau mấy khứa này bị đổ thừa là do tụi mày dở quá nên Đức mới thua, nhưng kỳ thực mấy khứa đã cảnh báo rằng cho đại ca Đức rằng đồ mình được trang bị yếu lắm và vẫn không được quan tâm.

Từ đấy, pháo binh Hồng quân tha hồ bắn phá. Quân Đức bị bao vây bên trong chịu cái lạnh âm mấy chục độ và không còn đồ ăn. Hitler lại không cho Paulus lùi mà thậm chí còn thăng lên làm Thống chế để đảm bảo ông này không thể đầu hàng. Bởi vì chưa từng có Thống chế Đức nào đầu hàng!

Hitler bảo rằng cố gắng cầm cự đi và không quân sẽ tiếp tế đồ ăn cho. Tuy nhiên, 30 vạn quân Đức cần ít nhất 800 tấn thực phẩm mỗi ngày, trong khi máy bay chỉ có thể thả xuống 10 – 15 tấn thôi.

Quân đội Đức đang trên đường “ăn” mấy giếng dầu ở Baku phía Nam buộc phải quay ngược lại để cứu. Một sĩ quan cấp thấp khuyên Paulus đừng nghe lời anh họa sĩ nữa, mặc kệ đi. Hãy đột phá phòng vây Stalingrad và hội binh với quân cứu viện từ phía Nam.

Paulus vẫn nghe lời Hitler, án binh bất động. Đây là chiến trường duy nhất quân Đức bị chết đói hàng loạt. Cuối cùng, Paulus cũng không chịu nổi và làm một việc chưa ai làm: Đầu hàng. 

Thế là Chuikov đã bắt được Paulus vào chính ngày sinh nhật của mình. Trong số tù binh Đức bị bắt, chỉ còn 5000 người trở về. Một thời tấn công chiến thắng của Đức đã kết thúc. Đây là lần đầu tiên họ bắt đầu chuyển sang thế thủ. Kể từ trận Stalingrad, Hitler đã trở thành Napoleon.

Để giã nhau những đòn trí mạng, hai bên huy động một số lượng choáng ngợp xe tăng, máy bay, nhân lực. Thương vong nhiều đến nỗi hiện tại nước Nga vẫn còn mất cân bằng do nam giới đã nằm lại chiến trường ngày ấy. Chỉ riêng Liên Xô (chưa tính Đức) qua chiến dịch Barbarossa đã chết 10 triệu lính và 20 triệu thường dân. Và trận Stalingrad chính là chóp của đỉnh cao khốc liệt đó.

Diện tích khổng lồ của Liên Xô đã chữa cháy kịp thời cho sai lầm của Stalin, thêm Anh và Mỹ ra sức hỗ trợ từ bên ngoài. Liên Xô dần lấy lại thế thượng phong. Chưa bao giờ cộng sản và tư bản xích lại gần nhau như thế để chống lại một kẻ thù chung trong một cuộc Thế chiến. Gió đã bắt đầu đổi chiều.

Mặt trận phía Đông của Đức hoàn toàn tan vỡ khi thua Liên Xô tại Stalingrad và trận đấu tăng ở Kursk. 

Xin nói thêm, tăng Đức trong Thế chiến nhìn dũng mãnh uy lực như con báo con hùm, tăng Liên Xô đặt cạnh trông như con mèo. Có điều tăng Đức chế tạo theo kiểu nhà giàu đắt quá, còn tăng Liên Xô thì nhà máy sản xuất máy cày cũng làm được. T-34 của Liên Xô bắn đã mạnh, chạy còn nhanh, đẻ liên tục. Dù hy sinh 7 8 chiếc để diệt 1 tăng Đức vẫn lời. Chưa kể còn dễ lái và dễ sửa, bị bắn bay mất tháp pháo thì đưa vào xưởng là ít bữa sau chiến tiếp được. 

Sau nhiều thất bại liên tiếp, Đệ Tam Đế Chế đã hoàn toàn kiệt sức và chỉ còn có thể phòng thủ. 

Trong Thế chiến thứ Hai, Rumani là đồng minh cực kỳ quan trọng của Đức  Quốc Xã. Tháng 11 năm 1940, Rumani gia nhập phe Trục, cung cấp dầu cho cỗ máy Đức chinh chiến cùng 1 triệu quân tham gia chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô. Sang đến 1944, Rumani đảo chính lật đổ chính phủ thân Đức và vội vàng… chuyển sang phe Đồng minh, kịp thời nằm trong hàng ngũ thắng cuộc 1 năm sau đó.

Không còn nhiều xăng dầu để vận hành cỗ máy chiến tranh nữa, người Đức thậm chí đã phải huy động một lượng lớn ngựa để vận tải. Nền kinh tế và công nghiệp chiến tranh Đức sụp đổ. Dân chúng thiếu lương thực trầm trọng. Các mục tiêu kinh tế và quốc phòng của Đức bị không quân Đồng minh tàn phá rất nặng nề không còn cơ hội khôi phục để theo đuổi cuộc Thế chiến. 

Cần biết rằng từ năm 1943, Đồng Minh đã bắt đầu nhất trí về điều khoản đầu hàng vô điều kiện, rằng không chỉ tiêu diệt quân đội Trục mà còn phải diệt tận gốc tư tưởng của Đức và Nhật. Chẳng ai biết nên tiến hành cụ thể thế nào, nhưng không loại trừ khả năng loại bỏ vĩnh viễn Đức khỏi Trái Đất.

Stalin đề xuất chia tách Đức ra hàng loạt vùng đất nhỏ yếu khác nhau. Pháp thì muốn vùng Rhineland và Saarland đặt dưới sự kiểm soát của mình, khu công nghiệp Ruhr trở thành vùng kiểm soát của quốc tế, và phần còn lại thì xé vụn ra chứ không cho hợp nhất nữa. Nhìn chung, phe Đồng minh cho rằng ngay khi thắng cuộc là phải tước bỏ mọi tiềm lực công nghiệp của Đức, đưa nó về lại trạng thái lạc hậu thời Trung cổ để diệt trừ hậu họa.

Và họ quyết tâm chiến thắng rất cao độ. 

Liên quân Anh – Mỹ đổ bộ Normandy hồi sinh nước Pháp, rồi tiến thần tốc về biên giới Đức. Tại đây họ phải dừng lại để chờ tiếp tế nên cuộc đua đến Berlin họ đã chậm hơn người Nga.

Máy bay Liên Xô diễu hành trên tòa nhà Reichstag

Quân Đức chống cự tuyệt vọng khi Liên Xô đánh vào đầu não. Vì Đức Quốc Xã tử thủ rất lì lợm nên dù là trận đánh cuối nhưng không hề là một trận dễ dàng cho Hồng quân. Mưa bom bão đạn bay ầm ầm bầu trời thủ đô nước Đức. Stalin đã ra chỉ thị hãy chiếm lấy Berlin vào trước ngày Quốc tế lao động nên Hồng quân đã cố gắng hết sức chiếm tòa nhà Quốc hội Reichstag nhằm tăng tinh thần cho anh em binh sĩ. 

Chiến sự cực kỳ ác liệt và không khoan nhượng khi hai bên giành giật từng căn phòng, từng đoạn cầu thang, từng tầng lầu. 

30 tháng 4, Hồng quân chỉ kịp cắm lá cờ đỏ búa liềm trên nóc Reichstag, chụp nhanh tấm hình kỷ niệm rồi rút khỏi tòa nhà để tiếp tục chiến đấu. Hitler tự sát và 2 ngày sau Berlin hoàn toàn thất thủ. Thế chiến kết thúc ở châu Âu.

Lại nói, sau khi Berlin thất thủ, lính Đồng minh đã vẽ graffiti đầy lên tường Reichstag để vinh danh những đồng đội đã hy sinh hoặc chỉ đơn giản là:

Tao đã đến tận đây mà vẫn còn sống!
Berlin, 1945

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Văn Hậu

Share