Vieseries Hồ Sơ W

Làn mây mờ che phủ vụ án giết vua Đinh – Kỳ 2

Tác giả Đỗ Minh Nhật
Làn mây mờ che phủ vụ án giết vua Đinh – Kỳ 2

Đã hơn một nghìn năm trôi qua, vẫn còn làn mây mờ che phủ quanh vụ kỳ án này. Tuy nhiên, giả sử hai cha con vua Đinh còn sống, lịch sử nước Việt sẽ ra sao? Chúng ta hãy xem xét thêm một vài giả thiết.

Lê gia xuất thánh minh

Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau:

“Năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua [Lê Hoàn]. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. 

Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong châu có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: 

“Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Liễn, phóng khoáng, có chí lớn.”

Như vậy, Lê Hoàn không phải thuộc hạ của Đinh Bộ Lĩnh mà là bộ tướng theo phò Đinh Liễn. Thuộc tướng của con nhưng lại nắm binh quyền cả nước, trong khi đó, bốn người bạn từ thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh, có công dựng nghiệp nhà Đinh lại nắm những chức vụ có quyền lực hết sức hạn chế. Lưu Cơ giữ chức Đô hộ phủ sĩ sư – là chức quan thẩm phán xử kiện; Nguyễn Bặc làm Định Quốc công – đây là tước hiệu không phải chức vị; Đinh Điền nắm chức Ngoại giáp – chức vụ không rõ là đảm trách công việc gì; Trịnh Tú dường như chỉ được biết đến khi đi sứ nhà Tống.

Có thể nói, Nam Việt vương Đinh Liễn bấy giờ quyền hành trong triều đã áp đảo cả vua cha. Một bằng chứng khác cho thấy rõ điều đó, chính là việc kết hiếu với nhà Tống của nhà Đinh.

Ngoại giao với nhà Tống

Trong những sự kiện ngoại giao với nhà Tống, có rất nhiều điểm đáng ngờ, nhầm lẫn trong sử liệu của Đại Việt. 

Đại Việt sử lược chép: 

Năm Canh Ngọ [970], tức là năm thứ ba đời Đinh Tiên Hoàng, vua đổi niên hiệu là Thái Bình năm thứ nhất. Nhà Tống phong cho vua là An Nam Quận Vương”. 

Xét năm 970, nhà Nam Hán vẫn còn tồn tại, làm thế nào mà nhà Tống lại vượt qua Nam Hán để phong vương cho Đinh Bộ Lĩnh? Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận hơi khác một chút trong năm này: 

“Sai sứ sang Tống giao hảo. Bấy giờ nhà Tống sai Đại tướng Phan Mỹ dẹp yên Lĩnh Nam (chỉ Lưu Xưởng), cho nên mới có mệnh ấy“. 

Phan Mỹ đúng là năm 970 nhận lệnh đi bình Nam Hán, nhưng phải tới tận năm 971 thì Lưu Xưởng mới đầu hàng, nhà Nam Hán mới bị diệt. Làm thế nào mà sứ thần Đại Cồ Việt có thể vượt qua vùng chiến sự để giao hảo với nhà Tống thì Ngô Sĩ Liên lại không đề cập tới. 

Theo Đại Việt sử lược, năm 971 nhà Tống sau khi bình định Nam Hán đã gửi thư sang đe dọa nhà Đinh, trong thư có đoạn như sau:

“Cõi Giao Châu nhỏ bé lại ở xa xôi mãi cuối trời mà cuối đời nhà Đường thì nhiều hoạn nạn nên chưa kịp phân xử. Nay thánh triều che chở cho muôn nước được an lành. Công nghiệp đã thành rồi. Giờ đợi nhà ngươi đến để cho yên lòng trẫm. Nhà ngươi chớ nên quay đi khác, gây cái lo lắng nhỏ cho ta, khiến ta phải dùng cái kế là dứt tình dứt nghĩa mà kéo binh sang làm thịt nước nhà ngươi. Lúc ấy hối lại thì biết chạy đi đâu?”

Đây chính là chỗ bất hợp lý trong những ghi chép của Đại Việt sử lược. Nếu năm 970 nhà Tống đã kết hiếu và phong vua Đinh Tiên Hoàng làm An Nam Quận Vương thì sao lại có chuyện một năm sau, Tống Thái Tổ gửi thư đe dọa như trên? Như vậy, nhà Đinh bắt đầu ngoại giao với phương Bắc từ khi nào? 

Tân ngũ đại sử do Âu Dương Tu soạn năm 1053, phần Nam Hán thế gia viết: 

Năm [Đại Bảo] thứ tám [965], Ngô Xương Văn ở Giao Châu tốt [chết]. Phụ tá của y là Lữ Xử Bình cùng Thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh lập. Giao Chỉ loạn to. Người trong châu là Đinh Liễn cử binh đánh phá chúng. [Nam Hán] cho Liễn nhận chức Giao Châu Tiết độ

Như vậy, theo ghi nhận của sử liệu này thì nhà Đinh đã sớm đặt quan hệ ngoại giao với nhà Nam Hán, nhưng người đứng ra giao thiệp lại là Nam Việt vương Đinh Liễn chứ không phải Đinh Tiên Hoàng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 972, vua sai Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ sang Tống. Năm 973, Đinh Liễn trở về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương, Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ. Cùng một sự kiện, nhưng Tống sử lại ghi nhận sự khác biệt rất lớn:

“Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem quân đánh bại bọn Xử Bình, đảng giặc tan vỡ, trong địa bàn đều yên, dân Giao Châu cho là có ơn đức, bèn suy tôn Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng vương, đặt con trai là Liễn làm Tiết độ sứ. Được ba năm, thì nhượng vị cho Liễn. Liễn lập được bảy năm, nghe tin Lĩnh Biểu đã bình định, bèn sai sứ đến cống phương vật, dâng biểu nội phụ. 

Triều đình xuống chỉ lấy Quyền Giao Châu Tiết độ sứ Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Lại chiếu lấy Tiến phụng Trịnh Tú, Vương Thiệu Tộ cùng làm Kiểm hiệu Tả tán kỵ thường thị kiêm Ngự sử đại phu”.

Qua những ghi chép của Tống sử, chúng ta có thể phân tích được những điểm đáng chú ý. Thứ nhất, phải chăng Đinh Tiên Hoàng sau ba năm làm vua đã nhường ngôi cho con là Đinh Liễn, còn mình làm Thái thượng hoàng? Thứ hai, đối với nhà Tống thì lúc này Đinh Liễn mới là người đứng đầu Giao Châu, vì vậy nên họ chỉ phong cho một mình Đinh Liễn. Thứ ba, người đi sứ Tống hoàn toàn không phải là Đinh Liễn như Ngô Sĩ Liên đã ghi chép mà là Trịnh Tú và Vương Thiệu Tộ.

Tống sử tiếp tục chép vào năm Khai Bảo thứ tám [975], Bộ Lĩnh sai sứ đến cống tê, voi, hương liệu. Triều đình bàn chuyện tăng sủng Bộ Lĩnh, ban cho Khai phủ đồng tam ty, Kiểm hiệu Thái sư, phong Giao Chỉ quận vương. Vậy là sau khi phong cho con là Đinh Liễn làm Tiết độ sứ vào năm 973, thì tới tận 2 năm sau nhà Tống mới phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Cách nhà Tống tăng sủng cho Đinh Bộ Lĩnh, cũng tương tự như các triều đại phong kiến phong chức hàm cho cha mẹ của các quan. Nghĩa là phong chức cho cha để làm đẹp mặt, vẻ vang thêm cho người con. Nói trắng ra là “hữu danh vô thực“.

Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ đưa ra giả thuyết trong cuốn Mật bổn rằng Đinh Bộ Lĩnh đã nghĩ ra thể chế chính trị đặc biệt như sau: Đinh Bộ Lĩnh xưng là Vạn Thắng vương, rồi sau đó là Đại Thắng Minh hoàng đế với dân trong nước, sau đó lại cho Đinh Liễn làm Giao Châu Tiết độ sứ để đối ngoại xưng thần với nhà Tống. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nhận xét về việc này trong Quốc sử huấn mông như sau: 

“Nước ta khai đế nghiệp, kể từ vua Đinh là đầu; nhận phong ở Tầu, cũng kể từ vua Đinh là đầu. Song xem như sau đây, Tống liền có sứ sang phong Liễn làm Giao Chỉ quận vương mà từ đấy sứ mạnh của ta sang Tầu, cũng đứng tên Liễn làm chủ. Vậy thời vua Đinh dẫu nhận phong ở Tầu mà trong bụng không yên chịu. Chỗ đó cũng nên biết”. 

Vấn đề này lại kỳ lạ ở chỗ, rõ ràng là hành động của vua Đinh từng bước nâng cao địa vị chính trị cho Đinh Liễn, nhưng quan hệ giữa Đinh Bộ Lĩnh và con trưởng dường như lại không hề êm đẹp như vậy.

Tình cha "ấm áp" như tảng băng trôi

Quay ngược lại năm 951, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép Đinh Bộ Lĩnh chiếm động Hoa Lư, không giữ chức phận làm tôi. Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn muốn cất quân đi đánh. Đinh Bộ Lĩnh bèn sai con là Đinh Liễn vào triều làm con tin để ngăn việc xuất quân. Liễn đến, hai vương trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu nên bắt Liễn rồi đem quân đi đánh. Đánh hơn một tháng không hạ nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào để uy hiếp. Đinh Bộ Lĩnh nổi giận, sai hơn mười tay nỏ nhằm vào Đinh Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ, nói: “Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì“. Bèn không giết Liễn mà đem quân về.

Tình nghĩa cha con họ Đinh quả thật vô cùng “cảm lạnh”. Cho dù có thể biện hộ rằng đó là thuật quyền biến, nhưng sao Đinh Bộ Lĩnh dám khẳng định lòng dạ của hai vị Ngô vương như thế nào mà đem tính mạng con trai trưởng ra đánh cược. Chỉ có thể khẳng định rằng tình nghĩa cha con giữa hai người sớm đã “tan thành mây”. Cho nên mới có chuyện Đinh Bộ Lĩnh phong Đinh Hạng Lang làm Thái tử vào năm 978. Thì chỉ một năm sau [979], Đinh Liễn bất bình, sai người ngầm giết Hạng Lang. Cuối năm đó thì xảy ra đại án Đỗ Thích giết vua, rồi Đinh Toàn lên ngôi hoàng đế. Sau cùng, Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh, lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Tiền Lê.

Vĩ thanh

Giả như năm đó, đại án Đỗ Thích không xảy ra. Vua Đinh Tiên Hoàng lẫn Nam Việt vương Đinh Liễn đều còn sống khỏe mạnh. Vậy thì với tình thế nước lửa khó dung giữa hai người, một cuộc nội chiến hoàn toàn có thể xảy ra trên đất Đại Cồ Việt.

Chúng ta thử phân tích cán cân giữa hai bên. Người chiếm thế áp đảo khi đó, chính là Đinh Liễn khi binh quyền cả nước đang ở trong tay Lê Hoàn, thuộc hạ của Liễn. Thế nhưng đối với người dân Đại Cồ Việt, Đinh Bộ Lĩnh mới là hoàng đế. Việc Đinh Liễn xuống tay giết Thái tử Hạng Lang khiến ông ta chính thức trở thành phản thần, mất đi chính danh. Chỉ cần Đinh Bộ Lĩnh xuống chiếu cần vương, kêu gọi người dân cả nước diệt trừ kẻ phản cha, giết em để cướp ngôi. 

Đến lúc đó, kẻ thức thời như Lê Hoàn chưa chắc đã chịu mang cái danh phản thần mà tiếp tục phò tá Đinh Liễn. Vậy thì trong tình thế ngột ngạt chuẩn bị chiến tranh giữa hai cha con, Lê Hoàn sẽ có hành động gì để không bị cuốn vào cuộc chiến đó? Làm việc ít tốn công nhất, nhưng lại có lợi ích tối thượng nhất. Đó chính là khiến cha con họ Đinh lưỡng bại câu thương, hoặc cả hai người đó đều mất mạng là tốt nhất. Khi đó, Lê Hoàn nghiễm nhiên trở thành đại thần mạnh nhất triều đình nhà Đinh. Trong trường hợp Lê Hoàn chọn một trong hai phe thì cho dù phe nào thắng cuộc chiến, ông ta cũng trở thành đại công thần. Sau đó, chỉ cần kiên nhẫn chờ thời cơ lật đổ nhà Đinh mà xây dựng nhà Tiền Lê là việc trong tầm tay.

Tóm lại, nếu xem xét kỹ thì có thể nói cái chết của Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn vô tình lại giúp cho Đại Cồ Việt tránh được một cuộc nội chiến, hoặc chí ít là một cuộc chính biến giành ngôi. Nhưng việc Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh lại dẫn tới một cuộc chiến khác với nhà Tống như ta đã biết.

HẾT

Nếu hứng thú với các âm mưu đen tối chốn triều đình, Phản gián là trò chơi dành cho bạn. Đặt mua tại đây.

Chia sẻ câu chuyện này
Share