Nước mía, đường cát và sự hình thành nước Việt Nam

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Nước mía, đường cát và sự hình thành nước Việt Nam

Ở Việt Nam, chắc chắn là bạn từng đi uống nước mía và thấy cô Mía huyền thoại trên các xe nước mía khoảng những năm cuối thế kỷ 20. Thậm chí, xe nước mía này còn được đưa vào trưng bày trong bảo tàng Pháp. Nghệ sĩ graffiti Liar Ben đã mở một cuộc điều tra rằng tại sao lại chọn cô gái với mái tóc bồng bềnh sang chảnh này làm đại diện cho xe nước mía. Tuy nhiên, kết quả là con số 0 tròn trĩnh vì những nghệ nhân đẻ ra cô chết hết rồi. Trước người ta nghĩ là người đẹp Bình Dương, sau thì nghệ sĩ Hồng Vân lên tiếng tự nhận. Không biết thế nào, cứ để là một nghi vấn vậy.

Cây mía là nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên nước mía, một món đồ uống ngon miệng nhưng không thể bình dân hơn. Ai cũng có thể uống nước mía. Đây là món được bày bán ở mọi tỉnh thành trên Việt Nam. Nói chung, chỉ có giới nghệ sĩ mới kiêng kỵ uống nước mía trước khi diễn thôi, như NSND Hồng Vân bộc bạch:

Cái này không tin không được. Các nghệ sĩ ngoài Bắc hình như không biết giai thoại này. Nhưng ở miền Nam, ai cũng biết cả. Cây mía là cây gậy của ông tổ nghề, tổ nghiệp nên nghệ sĩ mà ăn mía là lấy đi cây gậy của ông tổ. Thành ra, nghệ sĩ rất kỵ ăn mía” 

Nghệ sĩ họ có vấn đề tâm linh như vậy, còn người thường thì uống tẹt ga. Dù bạn nghèo đến đâu, việc mua một ly nước mía hoàn toàn nằm trong tầm tay (uống nhiều quá mất công ngán thôi). Hình ảnh xe bán nước dán hình Cô Mía và người chủ hàng cần mẫn đưa mía vào máy ép trở thành một nét văn hóa rất quen thuộc của đời sống đường phố Việt Nam. 

Giá rẻ chính là một trong những đặc điểm quan trọng khiến thứ nước giải khát ngọt ngào này trở nên đại chúng. Như đã nói trên, đường cát trắng cũng rất rẻ. Nhiều khi đi siêu thị không có tiền thối, nhân viên bán hàng còn dùng một bịch đường nhỏ hoặc viên kẹo thay tiền lẻ để đưa bạn.

Thế nhưng, lùi về Việt Nam trong quá khứ, đường cát trắng được sản xuất từ cây mía là một món xa xỉ phẩm. Bởi vì để tạo ra được thứ này, người thợ phải dùng phương pháp cực kỳ thủ công. Thời điểm đó lại chưa ai biết đóng gói bảo quản ra sao. Do đó sản lượng đừo rất ít. Dân chúng dùng mật mía hoặc đường đen chứ còn đường cát trắng chỉ dành cho đại gia hoặc để làm tặng phẩm ngoại giao với nước khác. Giờ con cháu toàn uống sữa tươi trân châu đường đen sang chảnh. Đúng là thời thế.

Chúa Nguyễn Phúc Ánh khi từ Xiêm trở lại Gia Định đã kiếm thêm nhiều tiền nhờ sản xuất đường vùng Biên Hòa, và cũng gửi cho vua Xiêm thứ này.

“Tặng Phật vương một đôi lồng đèn pha lê, hai tấm gương lớn, một cây hoa vàng, một cây hoa bạc, một chiếc thuyền lê đại. Cho vua thứ hai một đôi lồng đèn pha lê, hai tấm gương lớn, 500 cân đường cát, 500 cân đường phèn, 500 cân sáp ong.”

Đường cát có liên quan đến sự hình thành nên nước Việt Nam. Chính nhờ phần tiền bán đường và gạo, chúa Nguyễn Phúc Ánh mới có tài chính đánh bại được nhà Tây Sơn rồi tiếp nối sự nghiệp dở dang của vua Quang Trung, cai trị một quốc gia trải dài từ Lạng Sơn xuống Cà Mau:

“Đặt mua đường cát ở Trấn Biên, cứ 100 cân đường giá 9 quan. Dụ quan công đường rằng:

Đường cát dùng để đổi mua binh khí, đương cần, không bắt sản xuất không được, cho nên phải phát vốn trước để trưng mua. Thế là công tư đều tiện lợi, không phải vét lợi của dân mà làm lợi cho nhà nước đâu. Nên thông dụ cho các đường hộ biết”.

“Sai dinh Trấn Biên đặt mua đường cát, mỗi năm lấy 10 vạn cân làm hạn, cứ số đường 100 cân thì phát trước tiền công cho 10 quan. Đến ngày nộp đường cho nhà nước thì theo giá chợ mà cấp thêm, để sẵn mà đổi cho người Tây Dương lấy đồ binh khí.

Thật ra người châu Âu đã biết về đường từ lâu rồi, khi các hiệp sĩ Thập Tự Chinh mang nó về từ vùng đất Hồi giáo. Tuy nhiên, họ không sản xuất được. Đường hiếm tới mức một lượng nhỏ cũng ngang với lương của một người lao động, chắc còn đắt hơn ma túy. Nó chỉ được dùng trong việc hồi sức bệnh nhân và để giới thượng lưu thết đãi yến tiệc.

Tại sao thực dân Pháp nó nhiều tiền để đi quậy phá như vậy? Nhờ đường (chủ yếu để sản xuất rượu Rum). Thuộc địa giàu nhất của Pháp và có lẽ trên toàn địa cầu này là Saint Domingue, viên ngọc trai vùng Caribbean, bây giờ là nước Haiti bên Tân Thế giới.

Nô lệ mía đường
Nô lệ mía đường

Saint Domingue nhỏ chỉ bằng Thanh Hóa cộng với Nghệ An, nhưng 30% lượng đường50% lượng cà phê trên toàn thế giới đến từ đây, chưa kể còn sản xuất được thuốc nhuộm, cacao và bông. Việc này đòi hỏi rất nhiều nhân lực nên đường cát cũng đẩy mạnh việc mua bán nô lệ từ châu Phi qua châu Mỹ. Sau này mất cái kho tiền Saint Domingue rồi Pháp mới tìm cách múc luôn Đông Dương chứ không thôi chắc vã lắm. Pháp chày cối không chịu buông tha cho Đông Dương độc lập, khiến cả nước phải mất thêm 9 năm ròng rã mới đuổi được nó đi là vì thế.

Bạn luôn có giá trị riêng của mình, chỉ là ở đâu và lúc nào mà thôi. Giống như Tinh Thiều qua nhà Lương xin việc bị nó cho làm chân gác cửa, tức quá trở về thì được thăng lên Thái sư cho Lý Nam Đế. Tôm hùm từng được xem như gián, là thứ rác rưởi, chỉ dành cho tù nhân, nô lệ và tầng lớp dưới đáy xã hội, dư thì đem cho heo ăn. Giờ giá gần 500 nghìn/kg, chấp luôn giải cứu. Hạt tiêu từng là thứ sánh ngang với vàng. Một thuyền tiêu ngang một thuyền vàng. Giờ giá 38 nghìn/kg. Tiêu được gọi là Vàng Đen (Black Gold) thì Đường cũng là Vàng Trắng (White Gold).

Nếu hôm nay các bạn có ăn một tô phở nhiều tiêu, sau đó ra làm một ly cà phê đen đá hoặc một ly trà sữa nhiều đường, hãy phấn khởi vì khẩu phần của bạn tương đương giới quý tộc mấy trăm năm trước: Một bữa ăn toàn là vàng.

Chia sẻ câu chuyện này

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share