Con vật lạ vừa lôi ra ngoài chưa được vài giây đã khô đét lại rồi rã ra như cát bụi. Trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người lúc đó, thằng bé tỉnh dậy như chưa từng trải qua cơn thập tử nhất sinh. Sinh đứng dậy phủi tay, ra vẻ như chuyện này hết sức cỏn con, kiểu như nếu không vì mục đích nào đó sâu xa khác thì đừng mơ cậu nhúng tay vào làm. Đoạn, Sinh quay sang nói với gia đình đứa bé:
– Xong rồi đó, giờ theo đúng cam kết, tui nhờ thằng nhỏ này dẫn đường cho tui. Xong việc ông bà đến rước nó!
Cha mẹ đứa bé gật đầu, Sinh dặn họ đứng ở Bắc đảo đợi dưới chân núi, chuyện sẽ xong sớm thôi. Không được phép đi theo Sinh, nếu không thì tự rước họa vào thân.
Tới lúc theo chân Sinh đi lên lưng chừng Ma Thiên Lãnh, dừng trước một hốc đá nhỏ, tôi vẫn chưa thể hiểu nổi tất cả những chuyện vừa mới xảy ra. Chính xác chúng tôi vừa đặt chân lên đảo được bốn mươi phút và Sinh vừa thu phục được một con yêu, còn hiện giờ thì chuẩn bị đánh trọn ổ của nó. Đứa bé được Sinh cho về, nó tuy vẫn còn mệt sau chuỗi ngày bị vật nhưng vẫn ráng ù té chạy một mạch xuống chân núi. Nó quá sợ cái hang đá này rồi. Lúc này, Sinh mới quay sang nói với Hùng:
– Thằng đó sau này có thể là dân đập miễu tiềm năng đó anh, sinh giờ Dần, ngày Dần, tháng Dần, tam muội chân hỏa được đốt bằng ba mắt hổ, vía nó nặng như núi, vậy mà… vậy mà nó chỉ cầm có một cái đồng xu ở trước cái hang này về thì bị vật. Nghe thú vị chưa?
Sinh đến lúc này mới móc chai Gò Đen trong túi quần ra, làm một hơi rồi nói ngồi nghỉ chút, sẵn cậu kể chuyện cho nghe. Anh Hùng và Tú Linh vẫn bình thường, có lẽ họ hiểu được câu chuyện Sinh vừa gặp. Cho nên khi Sinh nói cậu ta sẽ kể chuyện, anh Hùng cho rằng người nghe nên là tôi thôi.
Bốn ngày trước, Sinh nhận được cuộc gọi của mẹ thằng bé, bà ta lại biết Sinh qua một người bạn đã từng nhờ Sinh đập miễu, mà người bạn đó lại có mối quan hệ nhờ Sinh đập miễu thông qua lời giới thiệu từ một người bạn khác nữa. Thằng bé từ nhỏ đến giờ, vía phải nói mạnh đến át cả tổ tông, có nó trong nhà đôi khi cúng ông bà còn không về được.
Buổi chiều nọ, nó dẫn một đoàn khách tham quan lên đỉnh Ma Thiên Lãnh. Lúc đi xuống, trong khi khách nghỉ mệt, nó nghe có tiếng động ở bụi cây phía sau, nghĩ là có thú rừng cho nên định rượt bắt. Đoàn khách chỉ thấy nó lủi vào trong đó chừng mười lăm phút, khi quay ra thì không thấy có con thú nào cả, trên tay là một đồng xu như tiền cổ, màu đen nhánh, nhưng nhìn nó có vẻ phờ phạc đi lắm. Chưa đến được chân núi thì nó đã bị vật đến ngất đi, tay chân co quắp lại y như lúc nãy, chỉ ú ớ không ra tiếng, gia đình ập tức nhờ thầy – Thạch Sinh!
Sinh sau khi nghe kể xong, đoán được khu lưng chừng núi Ma Thiên Lãnh ắt có mộ huyệt bị trấn yểm. Tuy nhiên, lúc này nhìn quanh thì không thấy. Chắc kẻ yểm cũng sử dụng một loại kỹ thuật tương tự như Tiêu Đồ Hống tại Vách Ma Giấu, ảo giác che mắt không cho người khác xâm nhập. Thằng bé này do vía nặng quá, phần nào áp tỏa được trận yểm bên ngoài nên vượt qua được. Đến trước cửa hang này đây thì gặp được đồng xu, còn gặp như thế nào thì nó không tài nào nhớ nổi.
Sinh lại cho rằng, khả năng cao sẽ có một bà lão ngồi ở cửa hang, thấy nó đến thì cho đồng tiền – đây gọi là Quỷ đút cơm, Ma cho tiền mục đích để vật chết những kẻ xâm phạm đến khu vực được yểm. Nốc thêm một hơi rượu nữa, Sinh quay sang nói với anh Hùng:
– Tới khúc này mới hay nè anh…
Anh Hùng cũng thấy cậu ta nghiêm túc, cho nên cũng giả vờ chăm chú lắng nghe:
– Đồng tiền thằng bé cầm được chính là vật tùy táng theo nghi thức Quỷ Reahu, có một cái ấn bằng đồng đen!
Nghe tới đó, anh Hùng chú tâm hẳn về cục đồng đen. Sau đợt quay về từ Núi Két, Sinh tu ở chùa cũ không được bao lâu thì chuyển đi. Trước khi chuyển đi, có một người bạn lâu năm của sư trụ trì đem đến gửi chùa một bộ kinh thư, ghi chép lại đời sống vùng Thuỷ Chân Lạp lúc trước. Khoảng cuối thế kỷ mười tám, tình hình bên đấy hết sức rối ren. Một vị hoàng thân tên Lạp Nel, sau khi mưu sát vua không thành, dẫn theo một số tuỳ tùng trốn ra biển Tây, không dám lên bờ mà cũng không dám sang Xiêm La do sợ bị bắt lại. Sử ghi chép lại chỉ biết ông ta trú thuyền tại các đảo nhỏ thuộc địa phận Kiên Giang ngày nay, chờ ngày nội công ngoại kích tái chiếm kinh thành.
Không bao lâu sau, tàn dư của Lạp Nel bị triều đình tiêu diệt. Quan binh đem quân ra đảo bao vây, lúc tấn công lên định bắt nhưng chỉ thấy Lạp Nel trở nên điên dại, cả người bóng nhẫy, bốc mùi hôi thối. Số tuỳ tùng đi theo đều bị ăn thịt hết, để hạ được ông ta cũng phải mất đến hai mươi người.