Sau khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 25 năm, Nguyễn vương trở về lại Huế và như thế một triều đại mới nối tiếp những trang sử của nước ta. Vua Gia Long ngay sau khi lên ngôi đã nhanh chóng cho thực hiện công cuộc xây dựng kinh thành Huế, một công trình có thể coi là tân tiến và đồ sộ nhất nước ta từ trước đến thời điểm bấy giờ với kiến trúc Vauban mà ông học được từ phương Tây. Công trình được khảo sát từ năm 1803, đến năm 1805 thì bắt đầu xây dựng. Việc xây dựng kéo dài đến tận năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng thì hoàn thành.
Với lối xây theo phong cách Vauban, kinh thành có hệ thống phòng thủ là 4 mặt tường thành với tổng số 24 pháo đài được bố trí liền kề nhau kết hợp với hộ thành hà và hào nước xung quanh tạo thành lớp bảo vệ kiên cố cho tòa thành. Hệ thống pháo đài được đặt tên với chữ đầu là hướng của tường thành mà chúng đang đứng. Trong 24 pháo đài này, lớn nhất chính là pháo đài Nam Chính hay còn được biết đến là Kỳ Đài của kinh thành.
Pháo đài có hình tựa như ngũ giác, đã bố trí với 16 pháo nhãn hướng ra xung quanh để nhắm bắn dễ dàng. Mỗi pháo đài đều có Hỏa dược khố là nơi chứa thuốc súng để thuận tiện trong chiến đấu. Ở mặt trong pháo đài, nếu để ý kỹ sẽ thấy hệ thống dốc phân bố ở 2 bên. Đây là con đường để di chuyển pháo lên pháo đài.
Với pháo đài Nam Chính, hệ thống phòng thủ còn được bố trí đặc biệt hơn với tổng cộng 31 pháo nhãn và được chia làm 2 tầng. Tầng thứ nhất gồm 16 pháo nhãn, tầng hai gồm 15 pháo nhãn. Tất cả được bố trí xen kẽ để đạt được hiệu quả cao nhất trong chiến đấu.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là các pháo đài sẽ hoạt động như thế nào?
Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, các khẩu pháo sẽ được kéo lên đặt tại các pháo nhãn, tùy thuộc vào hướng tấn công của địch mà bố trí hướng của pháo. Với tầm bắn xa nhất khoảng 1000m, tầm bắn của hệ thống các pháo đài trải rộng tạo thành một mạng lưới bảo vệ tường thành khỏi sự tấn công từ phía quân địch.
Tuy nhiên địa thế của kinh thành lại tiếp giáp với hệ thống đường thủy là sông Hương ở 2 mặt phía Đông và phía Nam, vậy với hệ thống pháo đài tuy kiên cố nhưng lại chẳng thể linh động bằng các pháo hạm nếu chúng di chuyển liên tục trên sông thì phải làm cách nào để khắc chế lại?
Điều này phải kể đến nơi được mệnh danh là pháo đài thứ 25 của kinh thành – Trấn Bình Đài. Đây là nơi nắm giữ “cuống họng” của cửa ngõ vào kinh thành khi pháo đài này được xây để trấn giữa khúc sông này.
Đến đây ta có thể thấy hệ thống phòng thủ của kinh thành khá hoàn hảo về mặt chiến đấu và phòng thủ. Tuy nhiên có lẽ vẫn chưa đủ cho một kinh thành của triều đại thống nhất quốc gia sau hàng chục năm binh biến, hàng trăm năm chia cách.
Đúng như vậy, hệ thống này vẫn chưa dừng lại ở đó mà nó là một chuỗi các pháo đài kéo dài từ cửa Thuận An theo sông Hương trải dài đến kinh thành. Tổng cộng gồm 15 pháo đài cùng các đồn canh, pháo đội doanh trại, đập chắn kéo dài từ cửa Thuận An vào tới kinh thành.
Trấn giữ tại cửa Thuận An cũ, chính là Trấn Hải thành nằm ở phía Bắc và pháo đài Hòa Duân ở phía Nam. Đây là hai pháo đài nổi tiếng và kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ tại cửa biển. Đặc biệt là trong trận đánh cửa Thuận An giữa quân triều đình và hải quân Pháp vào năm 1883, Trấn Hải thành đã phát huy uy lực tối đa khi đã cầm chân hải quân địch trong một khoảng thời gian dài.
Tiếp đến là pháo đài Hạp Châu và pháo đài Cồn Sơn nằm giữa phá Tam Giang, hai pháo đài này như là phòng tuyến yểm trợ từ phía trong cho Trấn Hải thành và pháo đài Hòa Duân. Một khi tàu chiến địch lọt vào bên trong thì chúng sẽ tạo nên lớp lưới đạn nhằm chặn đường hoặc đánh đắm. Đặc biệt là pháo đài Cồn Sơn khi nó được đặt đối diện với cửa biển và đúng với tầm súng để hỏa lực phát huy tác dụng tối đa nhất.
Cụm phòng thủ Lộ Châu là hệ thống phòng thủ tiếp theo được đặt tại hạ lưu của sông Hương gồm hai pháo đài Lộ Châu Tiền và Lộ Châu Hậu. Cụm phòng thủ này có nhiệm vụ ứng trực để đánh tàu chiến địch khi chúng vượt qua cửa biển và tiến vào sông Hương. Đồng thời phối hợp với các đồn kế cận để bảo vệ cửa sông, đặc biệt là bảo vệ đập chắn Lộ Châu ở cửa sông.
Nối tiếp hệ thống đó là chuỗi các pháo đài Cồn Cỏ (Tân Mỹ), Hy Du, Phổ Lợi, Hải Trình, Quy Lai, Thuận Hòa, Đồn Trùng, Thanh Phước tạo thành mạng lưới pháo đài dày đặc đan xen nhau kết hợp cùng đập chắn Hy Du, đập Thuận An, đập Phổ Lợi tạo thành thế trận liên hoàn bảo vệ vùng hạ lưu cũng là cửa ngõ trọng yếu tiến vào kinh đô. Vậy các pháo đài và đập chắn khi kết hợp với nhau sẽ hoạt động như thế nào?
Để thấy rõ uy thế của hệ thống “liên hoàn trận” này, hãy cùng xem thử một phần của hệ thống này hoạt động như thế nào nhé. Cụ thể chúng ta sẽ xem về đập chắn Hy Du, con đập lớn nhất và kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ. Đập chắn Hy Du dài 400m rộng 30 mét, gồm 20 dãy cột đôi cách nhau 0,5m được nối lại bằng xích sắt, đồng thời được gia cố bằng đá và các thúng bằng tre đựng đầy đất.
Công trình khổng lồ này đựơc Tôn Thất Thuyết củng cố và xây dựng trong 2 năm, sử dụng gỗ lim từ các tỉnh phía bắc, đồng thời tháo dỡ 34 nhà kho từ 2 sở lương thực từ Quảng Trị xây dựng.
Cả con đập rộng lớn như vậy nhưng chỉ chừa 1 lối cho thuyền mành lớn và các chiến thuyền của triều đình đi qua. Trong trường hợp nguy cấp khi tàu địch tiến vào, con đập sẽ được niêm phong lại bằng 2 chiếc tàu lớn chở đầy đá tự đánh chìm nhằm chặn đường ra vào của con đập. Khi đó 4 pháo đài là Tân Mỹ, Lộ Châu Hậu, Hy Du 1 và Hy Du 2 sẽ cùng nổ pháo tiêu diệt tàu địch khi chúng đang bị cầm chân.
Phòng tuyến cuối cùng trước khi vào kinh thành chính là pháo đài Thủy Tú nằm ở bờ sông Hương và pháo đài Triều Sơn nằm trên hòn đảo giữa lòng sông. Hai pháo đài này có nhiệm vụ phối hợp với nhau đánh trực diện vào tàu chiến của địch khi chúng đến ngã ba Sình. Một khi vượt qua phòng tuyến cuối cùng này, kinh thành phải thực sự bị đe dọa.
Với hệ thống phòng thủ kiên cố như vậy, tuy nhiên với sự thua kém về công nghệ khoa học cùng hỏa lực của đối phương, Kinh thành Huế đã thất thủ 2 lần ở hải chiến Thuận An năm 1883 và trận kinh thành Huế 1885. Điều này thật sự đáng tiếc khi hệ thống này được bố trí tỉ mỉ nhưng chưa từng được sử dụng toàn bộ bằng hết tất cả năng lực của mình vì những nhược điểm khác nhau nên chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Mặc dù vậy, những nỗ lực quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thật đáng ghi nhận, điều này như ngọn nến thắp sáng lên những trang sử u tối gần đến hồi kết của triều đại cuối cùng của nước ta.
Chia sẻ câu chuyện này
Tác giả và minh họa Journeys in Hue Thiết kế và dàn trang Trần Văn Hậu