Nộ khí xung thiên, Chỉnh hét lên rồi lao đến tung đòn nhắm thẳng vào người đó. Không ngờ thân thủ ả ta quá nhanh nhẹn, lắc đầu nhẹ đã thấy vòng ra sau Chỉnh, bước từ từ đến phía cổng, chẳng thèm ngoái lại nhìn. Nghị thấy thế liền lao vào chặn lại, ả ta chỉ quay sang trừng mắt đã khiến cao thủ lục lâm Nguyễn Thanh Nghị nhũn ra như bột nhão, ngã quỵ xuống.
Chỉnh nhớ lại Tuyết Hoa và số phận bạc mệnh của người thương, phen này một là chết, hai là đem pháp bảo về, quyết không thể về tay không. Vừa nghĩ vậy thân thủ đã vận hết pháp khí, uốn người đá liền mấy tảng đá xanh lót sân thẳng về hướng người phụ nữ. Vốn dĩ đòn này cũng chẳng phải uy lực gì, ả ta dễ dàng né tránh. Chỉ thấy gạch vừa lao đến, liền theo sau là Chỉnh cùng thân thủ phi phàm và đôi quyền trảo vung tới, Ấn Chú khai triển trong Vong Hồn Gia Trú Thiên, quyết đoạt mạng kẻ xâm nhập!
Quyền trảo và sát Chú vừa vung tới, thoáng chốc đã áp sát đầu ả, tựa như trong sát na đã thấy cảnh hộp sọ vỡ tung, nhưng trái lại, cánh tay Chỉnh như cứng đờ, hoảng sợ tột độ, Chỉnh rụt tay lại, vừa may tránh được một cú chém từ ả. Tuy nhiên do đang ở trên không, lúc rụt tay về, Chỉnh tung chân ra trước, chân không tránh khỏi cú chém, bị phạt văng như dùng bảo kiếm chém chuối. Đến khi tỉnh ra, Chỉnh đã thấy chân đứt lìa ngọt xớt, văng ra phía xa!
Chỉnh nén đau, nhưng pháp khí tụt thảm hại, không thể vận công mà chỉ đành vận khí bế huyệt cầm máu, nhìn trừng trừng ả lạ mặt đó:
– Mi là ai?
Chỉ thấy người phụ nữ đưa viên ngọc lên nhìn ngắm rồi quay sang Chỉnh, hỏi tại sao Chỉnh cũng muốn hai pháp bảo này. Chỉnh kể lại sự tình của Tuyết Hoa. Người phụ nữ lạnh lùng nói:
– Tính ra ta và ngươi giống nhau. Hai vật này, ta chỉ cần Kim Ô Linh. Niệm tình ngươi cũng là kẻ đau đớn trong tình trường, ta giao người viên Xuyên Giang Thổ Long Ngọc nà.
Nói đoạn vứt viên ngọc về phía Chỉnh rồi bỏ đi, chừng chục bước chân mới cất tiếng trả lời:
– Cứ gọi ta là Bà Sò!
Phần Nghị dính phải thuật nhiếp khí từ ánh mắt của Bà Sò, ngã lăn quay ra đất, lục phủ ngũ tạng như rối loạn, thổ huyết đến mấy lần, nhất thời thân thể cũng mềm nhũn ra, nhưng cũng gom chút sức tàn, cõng Chỉnh rời khỏi Chùa Chìm. Vừa ra khỏi cửa thì ngũ tỏa dùng để tạo Thiên cũng bị vỡ tan tành, Chùa Chìm biến mất hẳn, chỉ thấy họ đang trong một vườn chuối, trước mặt là năm cái chum sành đựng tro cốt to bằng con gà, có thể đó là cốt của Phúc Nguyên Đại sư. Tuy không thể đem về Kim Ô Linh để hồi sinh Tuyết Hoa một ngày, nhưng ít ra cũng có ngọc. Cả hai quay về cứu được cha Tuyết Hoa, sau đó Chỉnh nhờ người cầu siêu cho Tuyết Hoa sớm ngày siêu thoát.
Riêng phần Nghị thì sau đó vẫn tiếp tục tham gia lục lâm, săn lan đập miễu kinh qua không ít, kết giao với cả thập đệ tử của Lý tổ sư, uy danh lừng lẫy. Chỉnh thì lui về định rửa tay gác kiếm, nhưng trước đó đã kịp hạ sát tên quan Pháp trả thù. Về sau, Chỉnh không còn đi nhiều như trước, lâu lắm mới làm một chuyến lấy tiền trang trải cuộc sống. Ông mua một chiếc ghe chở gạo, thực chất cũng dùng để đi vòng quanh miền Tây bằng đường sông mà thôi, vừa kiếm sống vừa an hưởng tuổi già, chuyện lục lâm từ đó không màng đến nữa.
Ông Chỉnh Cụt kể xong, ai nghe cũng ngậm ngùi. Sực nhớ lại chuyến đi Ca Lâu Thành vừa rồi cũng công cốc vào phút cuối, nhưng lần này tôi cảm giác mọi chuyện sẽ khác, nhìn anh Hùng cũng có thể cảm nhận được chuyện đó, giống như là nếu không cứu được Thông, anh thề không làm người vậy. Rượu thêm vài vòng nữa, ông Năm đánh khà một tiếng, bảo là đến giờ khai Phù, đám bọn tôi ai nghe cũng phấn khởi. Ông Chỉnh bảo để ông dọn khoang máy, lấy chỗ thực hiện. Tôi không giấu nổi tò mò, hỏi ông Năm:
– Ủa ông, Thiên Hổ khai Phù thì có gì ghê không ông?
Ông Năm nhìn tôi trân trân:
– Có chớ, lột da, nắn xương mày lại mà!
Nghe ông Năm nói, tôi thoáng giật mình kinh hãi. Mọi người ai cũng đổ dồn ánh mắt về phía tôi như xem thái độ tôi thế nào, hoặc sẽ cười nhạo tôi ghê lắm nếu tôi có sợ sệt. Nhưng đúng là sợ thật chứ chẳng đùa vì ánh mắt ông Năm nhìn vô cùng mãnh liệt. Thần trí tôi khi đứng trước ông tựa như chú thỏ con bị gãy chân nằm van xin chúa sơn lâm tha mạng vậy. Ông Năm đứng dậy, bảo mọi người có thể ở đây hầu rượu Chỉnh Cụt, trong khi tôi sẽ đi theo ông xuống khoang bên dưới để bắt đầu tiến hành nghi thức khai Phù.
Anh Hùng và Sinh gật đầu đồng ý, riêng Tú Linh thì năn nỉ xin đi theo để học hỏi. Ông Năm đưa mắt nhìn Tú Linh, suy nghĩ gì đó thoáng qua rồi cũng cho cô theo. Có thể vì Tú Linh là đệ tử chân truyền của Lục Tỷ, chuyện khai Phù này cô sẽ học hỏi nhanh, để sau này lục lâm không bị mai một thứ kỹ nghệ bí truyền uy dũng vô song. Trước khi đi, anh Hùng vỗ vai tôi một cái rồi nhìn bằng ánh mắt động viên, Sinh thì đưa thêm một ly rượu. Họ làm tôi có cảm giác mình sắp đi vào núi đao biển lửa hoặc kinh qua mười tám tầng địa ngục không bằng.
Bên dưới cabin có một căn phòng khác, thường thì căn phòng này là nơi sinh hoạt chính trong ghe, sàn lót bằng những tấm gỗ dày được phủ nhiều lớp dầu nên rắn chắc vô cùng. Phía dưới lớp sàn gỗ là nơi đặt máy, thường thì máy chạy sẽ rất nóng. Tuy nhiên, loại ghe chở gạo đặc thù của miền Tây được thiết kế đặc biệt để khi ghe chạy, các luồng khí nhiệt tỏa ra từ máy sẽ được đẩy hết ra ngoài, nên là dù có giữa trưa vẫn có thể nằm ngủ được ngay trên lớp ván đó mà không thấy nóng bức gì cả. Lúc nhỏ, tôi nhớ là có một số người bạn của nội tôi thời nội còn chạy ghe thỉnh thoảng ghé qua nhà chơi, tôi được dịp xuống ghe tham quan. Nay cũng gần hai mươi năm mới bước xuống khoang ghe một lần nữa, cảm xúc hết sức bồi hồi khó tả. Chỉ riêng việc chế tác gỗ, đóng những chiếc ghe như thế này cũng thấy cha ông ta đã nghiên cứu và hiểu rõ về gỗ thế nào. Huống hồ gì lục lâm còn nắm cả những bí kỹ khủng hơn nữa. Nghĩ tới thôi đã khiến da thịt tôi nóng ran lên vui sướng, vì có lẽ ngày mai thôi, tôi sẽ có một năng lực hoàn toàn khác lạ.
Khoang này rộng chừng chín mét vuông, chính giữa có một cái chiếu hoa mới, thêu hình bạch hổ rất bắt mắt, bốn góc chiếu để đèn cầy màu trắng, tỏa ra mùi hương nhè nhẹ. Cạnh chiếu có một cái nồi đất, bên trong đựng hỗn hợp gì đó có vẻ sền sệt như bùn nhão. Ông Năm quay sang tôi, bảo cởi hết quần áo ra, chỉ dùng cái khăn rằn che chỗ nhạy cảm rồi nằm ngửa ra chiếu. Tôi nghe xong mà điếng cả người, Tú Linh nhìn tôi xong thì lấy tay che miệng cười. Ông Năm thấy tôi ngơ ngác thì nghiêm mặt lại, bảo làm nhanh lên, thế là tôi cuống cuồng vớ lấy chiếc khăn, chui vào một góc “trút bỏ xiêm y”. Tú Linh tuy quay mặt đi nhưng vẫn cười lớn lắm, chắc cũng làm anh Hùng với Sinh đang ngồi trên kia cảm thấy khó hiểu. Tôi vừa đặt lưng nằm xuống thì ông Năm lôi ra một cái túi vải ngả màu xám, bên trong là lỉnh kỉnh dụng cụ dao kéo đục đẽo nhưng hình dạng rất khác, có lẽ được chế tác riêng cho chuyện khai Phù này mà thôi.
Tôi thấy ông đang sắp xếp lại thứ tự của đồ nghề, đặt chúng ngay ngắn bên phải và bên trái để lấy được một cách thuận tiện. Tú Linh nhìn không chớp mắt, có lẽ cô không muốn bỏ sót bất kỳ chi tiết nào trong nghi thức quan trọng này. Tôi hỏi ông Năm, có thật là sẽ lóc da xẻ thịt tôi không thì thấy ông chỉ trầm ngâm thở dài, mặt không cảm xúc. Sau khi sắp xếp mọi thứ vào vị trí, ông Năm đứng dậy, thắp nhang vào bàn thờ Bà Cậu trên ghe, sau đó khấn vái gì đó rất nhỏ mà tôi không tài nào nghe được, đoạn mới đem cả lư hương đó xuống, đặt bên sườn phải của tôi. Ông quỳ gối kế bên tay trái tôi, đối diện với lư hương. Lấy ra một ít rượu gốc rửa tay, lau sạch bằng khăn trắng, rồi ông nói:
– Khai Thiên Hổ Phù có bốn bước: Duyệt, Kích, Chỉ và Khai. Kích lại bao gồm bốn bước là Điểm Nhãn, Hoạt Cốt, Hoán Nhục và Xử Trảo. Các bước này ngoại trừ Khai đều tiến hành trực tiếp trên da thịt, cho nên người có Phù cần giữ tâm bình tĩnh, hãy cứ nghĩ về cảm giác Thiên Hổ ở bên như trước đây là được. Trong lúc tôi làm, cậu không được lên tiếng, hiểu chưa!
Tôi gật đầu không chút do dự. Thứ do dự duy nhất là cơ thể nằm lồ lộ trong một khoang ghe chở gạo. Người nào nhìn vào chắc tưởng tôi đang chuẩn bị làm bùa ngải gì đó chứ không đùa.
Sau này tôi thấy rằng, Phù của lục lâm không phải là một thứ gì đó huyễn hoặc ma mị, mà nó có những cơ sở khoa học nhất định. Hãy nhớ lại lần anh Hùng triệu hồi Hộ Pháp, anh ấy có nói về nguyên khí của một lục lâm. Nếu đủ trình độ thì có thể ngưng kết, cộng hưởng với sức mạnh tinh thần từ người thi triển mà Hộ Pháp tạo ra sẽ có những năng lực tương ứng. Lục lâm khá là kiêng kỵ khi sử dụng năng lượng của những thứ như linh hồn, ma quỷ, gọi chung là miễu biết hát. Vẫn có những lục lâm chuyên đi săn miễu về rồi bán lại, có thể dùng miễu để giữ nhà và một số công dụng khác, nhưng những người làm chuyện đó ít nhiều đều bị lục lâm xa lánh. Vậy một lục lâm không đủ nguyên khí thì cách gì để họ có được những năng lực như mong muốn? Thế là lục lâm tạo ra Phù.
Thành phần của Mộc Phù, tức là thứ để “đóng dấu” lên người, được tạo thành từ tinh khí của vật tạo Phù, ví dụ như Thiên Hổ này. Hình dung dễ hiểu là khi kết tinh cả một con hổ có cục cao to cỡ lòng bàn tay. Sau đó bằng một số cách thức bí truyền, người kết sẽ tạo ra sự liên kết giữa Mộc Phù và người được thụ Phù. Tinh túy từ Mộc Phù được chuyển qua máu huyết, dần lớn lên bên trong cơ thể người được kết Phù. Thú thật tôi chỉ tưởng tượng được, mình trông giống một siêu anh hùng có năng lực đột biến, kiểu kiểu vậy. Cho nên khi bị gọi là đạo sĩ thuật gia hay gì đó liên quan đến nhờ bùa ngải, tôi hơi khó chịu.
Quay trở lại nghi lễ khai Phù. Mặc dù cố gắng nghĩ về Thiên Hổ để giữ bình tĩnh nhưng tim tôi vẫn đập rất mạnh. Tú Linh cũng quỳ xuống kế bên ông Năm để ghi nhớ mọi thứ. Ông Năm nhìn thẳng vào mắt tôi như để chắc chắn rằng tôi đã sẵn sàng. Phần tâm lý thế là xong, giờ đến phần nghi thức.
Duyệt là bước đầu tiên. Như đã nói, Thiên Hổ Phù trên lưng tôi có kết cấu hoàn toàn khác biệt so với những Phù còn lại. Lý do là gì thì tôi chưa biết chính xác. Có thể là do năng lực của Thiên Hổ quá mạnh, ông bác tôi sợ là quá sức với một đứa yếu như tôi nên bày ra lắm công phu như thế chăng? Tú Linh có nói với tôi, kết cấu Thiên Hổ Phù có sáu lớp Chú, ba lớp Ấn rồi mới đến ba lớp Kết. Duyệt là nghi thức lần ngược lại cách làm của từng lớp đó, tựa như dùng đúng chìa khóa mới mở được ổ khóa. Hiểu nôm na là trên lưng tôi có mười hai lớp khóa, ông Năm khi tiến hành Duyệt sẽ lần mò qua từng lớp để mở từng chìa. Bắt đầu Duyệt, ông bảo tôi ngồi dậy, chân và tay thả lỏng, lưng thẳng, mặt cúi xuống, hít thở phải đều đặn.
Do sợ sẽ có bước làm tôi đau, ông sai Tú Linh xông lên một ít trầm, đưa một cái khăn cho cắn răng lại nếu có đau. Ông Năm ngồi phía sau, tôi thấy ông với tay lấy một cây dao nhỏ, dẹp, đầu lưỡi có móc câu nhỏ, mặc dù đã cố bình tĩnh nhưng tôi vẫn không thôi tưởng tượng cảnh ông ấy xộc dao vào da thịt tôi mà rạch. Phần lưng, chỗ vết bớt bắt đầu cảm nhận được lưỡi dao chạm vào, nhưng có một thứ tôi không ngờ, đó là trước khi dùng dao rạch, ông đã chuẩn bị sẵn vô số kim, châm vào một số huyệt vị nào đó khiến da tôi nóng nhẹ, dao rạch vào không thấy đau nhói mà chỉ như kiến cắn.