Anh Quốc: Hào quang rực rỡ

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Anh Quốc: Hào quang rực rỡ

Tại sao một số nước lại thành công hơn những nước khác? Tại sao có nhiều dân tộc phải chịu kiếp nô lệ, trong khi số ít các dân tộc khác chạm đến vị thế bá chủ? Nước Anh là một trường hợp rất thú vị.

Từ một đảo quốc nhỏ bé ở biển Bắc, Anh quốc vươn lên, áp đảo, trở thành kẻ thống trị thế giới suốt một thế kỷ. Mọi thứ bắt đầu từ vị trí địa lý đặc biệt của họ. Để hiểu về nước này, ta phải nắm cơ bản về địa lý và chính trị của họ trước:

Đảo Anh (Great Britain): Đảo lớn nhất trong quần đảo Anh (British Isles), trên hòn đảo này có Anh (England), Scotland và xứ Wales.

Quần đảo Anh (British Isles): Gồm đảo Anh, đảo Ireland và trên 6000 đảo lớn nhỏ khác.

Vương quốc Anh (United Kingdom): Gồm 4 xứ Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland. Còn Nam Ireland là nước Cộng hòa Ireland, không liên quan tới UK. Tổng diện tích UK chỉ bằng 2/3 nước Việt Nam.

Đế quốc Anh (British Empire): Gồm UK và toàn bộ các lãnh thổ của nó trên Trái Đất. Từng có thời, mặt trời không bao giờ lặn ở đế quốc này vì với diện tích 1/4 và 23% dân số địa cầu, lúc nào cũng có ánh sáng chiếu trên đất Anh.

Khối thịnh vượng chung Anh (British Commonwealth): Không phải khối thịnh vượng chung thành Manchester lừng danh thế giới bóng đá, khối thịnh vượng chung này gồm Anh và hơn 50 quốc gia thành viên. Nữ vương Anh là quân chủ chung của 16 nước.

p1_2_hao-quang-ruc-ro_khoi-thinh-vuong-chung

Từ một hòn đảo trở thành đế quốc lớn nhất lịch sử, địa lý góp phần rất quan trọng. Về cơ bản, thời tiết nước Anh tương đối khó chịu, số ngày nắng trong năm ít, mưa rả rích và sương mù dày đặc nên cứ âm u. Sông ở đây rất nhiều, tận 1500 hệ thống sông ngòi. Tổng diện tích lên đến 200,000km2. Tuy nhiên hệ thống sông không đẹp bằng hai nước Pháp và Mỹ, chúng rời rạc, ngắn và nông.

Bù lại, địa lý ban tặng cho nước này một điều kiện cực kỳ thuận lợi để khởi đầu cho hành trình thống trị thế giới: nhà bốn mặt tiền với rất nhiều cảng. Trừ một số mùa đông đặc biệt khắc nghiệt như năm 1947 và 1963, tuy nằm ở biển Bắc nhưng cảng của đảo rất hiếm khi bị đóng băng. Đây là điểm chiến lược giúp họ luôn ra khơi được quanh năm.

Cảng Aberdeen – Một trong những cảng trọng yếu của Scotland (Ảnh: vantaianpha)
Cảng Felixstowe – Một trong các cảng biển quan trọng nhất của nước Anh (Ảnh: vantaianpha)

Eo biển Manche (English Channel) là chướng ngại tự nhiên giúp họ chống ngoại xâm, đồng thời cũng là một tuyến đường thương mại nhộn nhịp. Điểm hẹp nhất trên eo biển Manche từ đảo qua lục địa châu Âu là 33km, ngang ngửa từ quận 1 Sài Gòn đi Củ Chi.

Tuy nhiên, vị trí của họ nằm giữa biển mà xung quanh toàn những cường quốc hàng hải như Tây Ban Nha, Pháp, sau là Đức cũng là một điểm chết người. Nếu đảo quốc bị bao vây phong tỏa thì coi như bị cô lập hẳn với thế giới bên ngoài và như cá nằm trên thớt. Rất may cho Anh, cũng nhờ địa lý là một đảo quốc, hải quân của họ thường giàu kinh nghiệm hơn đối thủ. 

Địa lý đảo quốc khiến đảo quốc này có thể thử nghiệm các mô hình chính phủ và thậm chí tôn giáo khác biệt so với châu Âu mà không sợ bị can thiệp. Có một giai đoạn ngắn Anh không còn là nước Quân chủ nữa mà trở thành nước Cộng hòa, do nhà vua bị chém đầu và Bảo hộ công Oliver Cromwell nắm quyền. Thậm chí nước này còn tự lập ra giáo hội riêng.

Cần nhớ thêm khi Cách mạng Pháp bùng nổ, cả châu Âu hùa nhau tuyên chiến với Pháp vì chẳng ông vua nào muốn mình rơi đầu như Louis 16. Nếu Cách mạng Pháp đặt tại đảo Anh, nhiều khả năng nó sẽ sống sót vì không phải nước nào cũng đủ năng lực tấn công đảo quốc này.

Đất đai của Anh phù hợp cả chăn nuôi và trồng trọt. Rừng Anh có những cây gỗ sồi lớn, là nguyên liệu rất cần thiết để chế tạo cột buồm. Thật sự nếu ban đầu đảo Anh không đủ gỗ lớn, họ sẽ không thể có hải quân mạnh để đánh chiếm thuộc địa. Dù phải nhập thêm gỗ từ Scandinavia, Baltic, Nga, vân vân, nhưng nhờ có thuộc địa, người Anh đã đủ sức đóng thêm tàu ở châu Mỹ, vùng Caribe, và Ấn Độ.

Gỗ quan trọng với hải quân thế nào? Ta có thể lấy một ví dụ:

Anh sản xuất hơn nửa lượng đồng của thế giới, cho nên các thuyền của hải quân đóng bằng đáy đồng nhằm tránh bị nước biển ăn mòn. Điều này dẫn tới thuyền Anh chạy cực nhanh. Trong chiến tranh nha phiến, thuyền họ cứ thoắt ẩn thoắt hiện khiến nhà Thanh không thể đỡ được.

Hạm đội Tây Ban Nha chiếm được gần hết châu Mỹ, tức một nửa Tân thế giới, nhưng bị Hải quân Hoàng gia (Royal Navy) đánh bại. Elizabeth đệ Nhất nói rằng:

Trẫm biết rằng mình chỉ là một cô gái chân yếu tay mềm, nhưng là một phụ nữ có trái tim và lòng can đảm của một đấng quân vương, của một hoàng đế. Trẫm dám coi thường cả Parma lẫn Tây Ban Nha, hoặc bất kỳ tên vua chúa châu Âu nào muốn xâm lăng bờ cõi của trẫm.

Sau Tây Ban Nha, Anh là chúa tể của bảy vùng biển (Seven Seas). Nên nhớ muốn trở thành bá chủ thế giới thì điều đầu tiên hải quân phải mạnh. Trong vòng 400 năm, hải quân Anh là thế lực vô đối, chi phối toàn cầu. Không những nhuộm đỏ trời Âu mà còn nhuộm luôn cả những trời khác.

Họ nắm lấy những điểm rất chiến lược như eo biển Gibraltar kiểm soát Địa Trung Hải, đảo Singapore cửa ngõ tiến vào Đông Nam Á, hay quần đảo Falklands ngay Nam Mỹ. Các đối thủ khác gặp họ đa phần là vào hang hết. Nhuộm đỏ là sự thực vì lính Anh mặc quân phục đỏ (Red Coat). 

Hải quân Hoàng gia kiểm soát các tuyến thương mại chính trên biển, tương đương với việc nước Anh kiểm soát thế giới. Bây giờ cả hành tinh mới cấm thuốc phiện, chủ yếu là từ Colombia với Mexico, chứ hồi đó trùm buôn ma túy là Anh. Anh cũng là trùm buôn nô lệ luôn. Đầu thế kỷ 19, đến 11% kinh tế đế quốc là nhờ buôn nô lệ.

Địa lý ban tặng nước Anh đầy đủ điều kin để trở thành nước công nghiệp đầu tiên trên Trái Đất: nhiều than, sắt, nước, sông ngòi, cảng biển và ngân hàng. Tất tần tật những điều kiện cần cho công nghiệp, họ đều sở hữu. Ví dụ như đất đai, nhân lực và tiền vốn. 

Ngoài ra, còn có cả khí đốt và dầu mỏ. Khi trở thành nước công nghiệp đầu tiên, rất nhiều yếu tố khác khiến Anh tiếp tục trở thành nước công nghiệp hàng đầu: sự thay đổi nông nghiệp, dân số bùng nổ, phát kiến kinh tế, các ý tưởng khoa học, cơ sở giao thông vận tải, chính phủ hỗ trợ, và mạng lưới thương mại dày đặc với vô số thuộc địa. Những yếu tố này giúp Anh ngày càng giàu có và hùng mạnh để trở thành một đế quốc vĩ đại.

Khi nhắc đến từ siêu cường (superpower), người ta nhắc đến Đế quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô. Lợi thế của Anh khi trở thành một đế quốc lớn với rất nhiều thuộc địa rải khắp Trái Đất là gì? 

Khi một nước tuyên chiến với Anh, không phải nước đó chỉ đánh riêng với mỗi vương quốc Anh, mà là cân luôn toàn bộ bầu đoàn thê tử của nó. Đức mà đánh với Anh thôi còn sáng cửa thắng, nhưng thêm một lô lốc nào là Gia Nã Đại, nào là Úc Đại Lợi, chưa kể còn Tân Tây Lan, Ấn Độ, và rất nhiều khả năng là Hoa Kỳ… bu vào đánh hội đồng nữa thì chịu. 

Đồng thời địa lý vừa gần gũi, vừa xa cách, khiến Anh và Pháp trở thành frenemy, vừa là bạn vừa là thù. Có lúc hai thanh niên đánh nhau cực căng, nhưng cũng có lúc lại chung lưng đấu cật để đánh với những đối thủ khác. Nước Anh đúng kiểu “ta không yếu và anh em ta cũng đông”

Thế nhưng không ai có thể đứng trên đỉnh thế giới mãi mãi. Tre già măng mọc, đó là quy luật xưa nay. Người soán chỗ nước Anh, trớ trêu thay lại chính là một thuộc địa ngày xưa của nó. Lợi dụng Anh suy yếu vì các cuộc chiến tranh châu Âu, Mỹ tìm cách chèn ép để buộc chủ cũ nhượng lại những điểm chiến lược trên bản đồ thế giới. Nước Pháp tích cực giúp nước Mỹ ra đời vì ghét nước Anh, để rồi bây giờ Mỹ mạnh hơn cả hai cộng lại. 

Hậu Thế chiến thứ Hai, đế quốc già cỗi này dần trả lại các thuộc địa. Đến 1997, Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc và thế lực thống trị địa cầu một thời chính thức cáo chung. Con sư tử già kiêu hãnh cũng đành chấp nhận rằng thời kỳ bá chủ của nó hết thật rồi. Mặt Trời đã lặn trên đế quốc Anh.

Share