Bão táp Tây Sơn – Kỳ 2: Hữu Chỉnh thất bại, Nguyễn Huệ ra Bắc

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 2: Hữu Chỉnh thất bại, Nguyễn Huệ ra Bắc

Hữu Chỉnh thất bại, Nguyễn Huệ ra Bắc

Đoàn người của vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy, nhưng họ không biết quân Tây Sơn đang đuổi theo sau.

Đi tới xã Mục Sơn huyện Yên Thế, họ lại trông thấy một đám quân chặn ngang con đường trước mặt. Người chỉ huy đám quân ấy là Nguyễn Thảng, đang giữ chức Tri huyện Yên Dũng. 

Nguyễn Thảng người xã Gia Thụy trấn Kinh Bắc. Con đường học vấn của Nguyễn Thảng khá lận đận. Ông ta thi Hội bảy lần, nhưng lần nào cũng chỉ đỗ tới trường thứ ba là thôi. Đến năm sáu mươi tuổi, Nguyễn Thảng mới được bổ làm Tri huyện Yên Dũng. Nguyễn Thảng biết tình cảnh của vua Chiêu Thống, mới dẫn dân trong hạt ra đón ở xã Như Thiết huyện Yên Dũng.

Nguyễn Thảng xin được giết tên phản thần Nguyễn Cảnh Thước, giữ Xương Giang để mưu đồ khôi phục. Chẳng phải năm xưa Thái Tổ Cao hoàng đế đã tiêu diệt tàn quân Liễu Thăng trên cánh đồng đó, mở ra thời kỳ huy hoàng của triều Lê sơ đó sao?

Chiêu Thống cảm kích trước sự trung thành của Nguyễn Thảng, liền phong Thảng làm Lại khoa Chưởng ấn Cấp sự trung. Tất nhiên đó chỉ là danh hiệu suông, chẳng giúp cho vua tôi của họ mạnh lên chút nào. Hơn nữa, bọn họ cũng không đi về hướng thành cổ Xương Giang, mà rẽ qua ngã đường lên huyện Yên Thế.

Theo lời của Bùi Dương Lịch, vua Chiêu Thống trù tính đi giữ thành Lạng Sơn, sau đó sẽ nhờ “thiên triều” Đại Thanh giúp đỡ. Nhìn vào bản đồ có thể thấy, vua tôi Chiêu Thống không đi đường thẳng lên Lạng Sơn. Có lẽ là để tránh truy binh Tây Sơn. Họ muốn đi vòng theo sông Thương. Hành trình tuy dài hơn, nhưng hẳn là an toàn hơn.

Đoàn người đi tới xã Mục Sơn huyện Yên Thế thì có thổ hào Dương Đình Tuấn ra đón. Dương Đình Tuấn vốn là nhà phú hào ở phủ Lạng Giang, được các huyện xung quanh suy tôn. Nhiều kẻ trốn tránh thường tới nương nhờ ông ta. Triều đình cũng không đả động gì tới. Dương Đình Tuấn che chở bọn họ, nên thủ hạ dưới trướng cũng đông.

Dương Đình Tuấn là một kiểu Tống Giang, Sài Tiến của Đại Việt. Ông ta tuy làm nhiều việc ngoài vòng pháp luật, nhưng khi nhận được mệnh lệnh cần vương thì hăng hái hưởng ứng. Dương Đình Tuấn đem dân binh ra vệ đường, đón lạy vua Chiêu Thống. Chiêu Thống liền ban cho Đình Tuấn tước quận công để khuyến khích. Đoàn người của vua Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh tạm dừng lại ở chỗ Dương Đình Tuấn. Ông này cũng cho đắp lũy phòng thủ.

Lũy đắp chưa xong thì Đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa dẫn quân ập tới.

Nghe tin quân địch kéo tới, vua Chiêu Thống gọi em trai mình, sai đem Thái hậu, hoàng phi Nguyễn Thị Kim và con trai mình đi lên Lạng Sơn trước. Chiêu Thống đích thân ở lại chống cự. Chiêu Thống chia lực lượng của mình thành hai cánh, dựa núi chống địch.

Cánh quân của Nguyễn Hữu Chỉnh đóng bên trái núi. Cánh quân của Dương Đình Tuấn đóng ở bên phải núi. Vua Chiêu Thống bấy giờ hăm hai tuổi, cũng nổi máu anh hùng (tính ra ông ta nhỏ hơn Nguyễn Ánh ba tuổi). Nhà vua trẻ mặc giáp lên ngựa, định dẫn đầu binh sĩ. Các nội thị xúm nhau can ngăn. Chiêu Thống mắng họ là đồ hèn. Nội hàn Bùi Dương Lịch nắm cương ngựa lại, nói:

– Việc binh chiến khó lường. Xin xem xã tắc làm trọng, chớ có khinh địch.

Chiêu Thống lúc này mới đồng ý. Nhà vua trẻ dừng ngựa ở cách trận tiền ba dặm. Khá gần, chỉ cách chừng hơn… một cây số. Bùi Dương Lịch và Nguyễn Thảng được lệnh lên tiền tuyến xem hai bên đánh nhau. Quân Tây Sơn bày trận hàng ngang trên cánh đồng. Dương Đình Tuấn dẫn quân trèo lên phía bên phải núi, còn Nguyễn Hữu Chỉnh thì đóng quân dựa lưng vào bên trái núi.

Nhìn theo cách bày trận thì biết Nguyễn Hữu Chỉnh muốn làm chính binh, còn Dương Đình Tuấn là phục binh. Chỉ cần Đô đốc Nguyễn Văn Hòa đem quân Tây Sơn đánh Chỉnh, phục binh của Dương Đình Tuấn sẽ từ trên núi tràn xuống tập kích. Đọc Tam quốc diễn nghĩa quá 180 phút là có thể nhận ra mưu chước ấy. Đáng tiếc, thời của Tam quốc là thời đại vũ khí lạnh. Mười lăm thế kỷ đã trôi qua, chiến tranh đã thay đổi rất nhiều.

Con trai Nguyễn Hữu Chỉnh là Bái Đình hầu Nguyễn Hữu Du xin cha ra đánh. Nguyễn Hữu Chỉnh chấp nhận. Hữu Du kéo quân ra phía trước. Dàn trận chưa xong thì quân Tây Sơn đã ập đến, dập cho họ một loạt hỏa hổ. Bị ống phun lửa tấn công, quân Nguyễn Hữu Chỉnh rối loạn. Nguyễn Hữu Du cưỡi ngựa xông lên, bị quân Tây Sơn dùng giáo đâm bừa. Nguyễn Hữu Du lăn xuống ngựa chết.

Nguyễn Hữu Chỉnh cũng giục ngựa xông lên, định xông vào trong trận, nhưng trận quân Tây Sơn kiên cố, Chỉnh không vào được. Con ngựa Chỉnh cưỡi bị vấp, què chân. Chỉnh ngã lăn xuống đất, bị quân Tây Sơn xông tới bắt. Ngô Thì Du kể rằng lúc quân Tây Sơn định đâm thì Chỉnh đã hô lên:

– Xin bắt sống để đem dâng!

Quân Tây Sơn bèn bắt sống Chỉnh. Nhưng giáo sĩ Le Breton lại kể rằng vì Chỉnh thấy con mình bị giết ngay trước mắt, đồng thời còn bị thương nặng ở cánh tay, nên Chỉnh đã đầu hàng.

Cánh “phục binh” của Dương Đình Tuấn đổ ra, cũng bị Tây Sơn đánh cho thiệt hại nặng. Hai con trai và cháu của Dương Đình Tuấn đều tử trận. Vua Chiêu Thống nghe tin thua trận thì một ngựa chạy trước về hướng Bảo Lộc. Các bề tôi theo hầu đều không biết nhà vua đi đâu.

Trong số hai bề tôi nhận lệnh đi xem đánh nhau, Nguyễn Thảng già cả cũng trúng một mũi tên. Bùi Dương Lịch trẻ hơn một nửa so với Thảng, nhanh chân chạy về hướng thành Lạng Sơn, cũng không biết vua Chiêu Thống đi về hướng nào. Bùi Dương Lịch đi được vài dặm, bị mấy tên vô lại chặn đường, nên không đi tìm vua nữa mà trở ngược về Thăng Long. Nguyễn Thảng đem vết thương về nhà dưỡng bệnh, hơn tháng thì qua đời. Hôm đó là ngày mồng 4 tháng Chạp năm Đinh Mùi (1787). 

Nguyễn Hữu Chỉnh bị bỏ vào xe tù chở về Thăng Long. Giáo sĩ Le Breton nói rằng trên cái cũi của Chỉnh có buộc đầu của con trai ông là Nguyễn Hữu Du. Người ta kể khá nhiều chuyện khác nhau về kết cục của Chỉnh. Nguyễn Thu nói rằng Chỉnh được đưa tới trình cho Vũ Văn Nhậm. Vũ Văn Nhậm còn gọi Nguyễn Hữu Chỉnh là “anh” và hỏi tại sao lại chống cự. Chỉnh trả lời:

– Chỉ vì tình thế thôi. Cần gì phải nói!

Giáo sĩ Le Breton thì cho biết dân chúng kháo nhau rằng Vũ Văn Nhậm định giải Chỉnh vào Phú Xuân nộp cho Bình vương, nhưng lính kiêu binh Tam phủ cũ thời chúa Trịnh có thù với Chỉnh. Họ nằng nặc đòi giết Chỉnh. Nhưng chính Le Breton không tin câu chuyện đó. Ông cho rằng Vũ Văn Nhậm vốn muốn độc chiếm Đàng Ngoài và ly khai khỏi Bình vương, nên vội vàng giết Chỉnh.

Trước khi hành hình, Nhậm kể tội Chỉnh trái lệnh và phản bội, không chịu đến chầu Bình vương dù đã được gọi nhiều lần. Đáp lại lời buộc tội đó, Chỉnh nói:

– Ông tốt phúc mà bắt được tôi vì nếu không, chính ông sẽ mất đầu cuối năm nay.

Nguyễn Hữu Chỉnh bị xử tử vào ngày rằm tháng Giêng.

Bình vương Nguyễn Huệ biết làm thơ! Mặc dù không có thi tập để lại, nhưng Bình vương biết làm thơ. Chúng ta còn giữ được hai “bài” thơ của Nguyễn Huệ. Một bài được chép lại trong Lê quý dật sử. Bài kia được truyền tụng trong dân gian ở Tây Sơn. Nhưng cả hai bài đều có điểm chung: chúng đều là thơ bốn câu, chia thành hai cặp câu thơ đối nhau. Nói cách khác, chúng có cùng một phong cách.

Bài thơ của Nguyễn Huệ chép trong Lê quý dật sử được làm vào lúc ông nghe tin Nguyễn Hữu Chỉnh đã bị giết. Mặc dù không tin tưởng Chỉnh, nhưng Bình vương vẫn “tiếc tài trí của Chỉnh”, nên đã kể lại công lao của Chỉnh bằng bốn câu:

Gạo Phục Ba khéo chất hình non
Đường Thục đạo rõ bày nơi hiểm dễ
Dây Nhược Thủy hay dò đáy nước
Sông Nhĩ Hà tỏ mạch chốn sâu nông

Bắc Bình vương Nguyễn Huệ

Nguyễn Huệ ví Nguyễn Hữu Chỉnh như Phục Ba tướng quân Mã Viện. Mã Viện là người được Ngỗi Hiêu ở Lũng Hữu phái tới gặp Hán Quang Vũ đế, rồi sau đó lựa chọn theo Quang Vũ đế. Lúc Ngỗi Hiêu ra mặt chống Quang Vũ đế, Mã Viện lấy gạo ra làm ra bàn, chỉ vẽ hình thế Lũng Hữu. Đối với Bình vương mà nói, vai trò dẫn dắt của Nguyễn Hữu Chỉnh cũng tựa như vai trò của Mã Viện với Quang Vũ đế.

Sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh bị giết và Chiêu Thống rời bỏ kinh thành, tình hình Bắc Hà càng loạn. Các thế lực phò Lê, phò Trịnh và thậm chí phò… bản thân thi nhau nổi lên. Mặc dù Vũ Văn Nhậm vẫn thường chiến thắng kẻ địch, nhưng tình hình đó không khỏi khiến người ta lo lắng. Dù vậy, Bình vương còn một mối lo không kém là Nguyễn Nhạc ở phía Nam vẫn đang muốn động binh báo thù.

Giáo sĩ Le Breton nói rằng Nguyễn Huệ đã nhiều lần triệu hồi Vũ Văn Nhậm về Phú Xuân, nhưng Nhậm khăng khăng từ chối. Điều này càng tăng thêm nghi ngờ trong lòng Nguyễn Huệ. Tháng Hai năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ cử Đại tư mã Ngô Văn Sở đem 2.000 quân ra Bắc để “giúp đỡ” Vũ Văn Nhậm.

Ngô Văn Sở không thèm tới chào Nhậm dù chức vụ của Nhậm lớn hơn. Nguyễn Thu thì nói Nhậm không cộng tác với Sở, mà sai Sở ra đóng ở Phú Xuyên (ở ngoại ô Hà Nội). Mọi thứ như lương thực, tiền tiêu, quân nhu, Ngô Văn Sở đều phải tự lo lấy. Vũ Văn Nhậm không phát cho một thứ gì. Ngô Văn Sở buồn bã ra đi, trong lòng hết sức căm hận Nhậm.  

Vì hai bên mâu thuẫn nhau, Ngô Văn Sở thường tâu về nhiều điều bất lợi cho Vũ Văn Nhậm. Đến tháng Ba năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Duệ đem quân Bắc phạt. Nguyễn Duệ bị Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đánh bại. Duệ bị bắt sống. Tạm lui được mối lo ở phía Nam, Nguyễn Huệ liền lên đường giải quyết vấn đề ở phía Bắc.

Thư Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp

Ngày 18, Nguyễn Huệ dừng chân ở núi Nghĩa Liệt huyện La Sơn (Nghệ An). Ông dừng lại đây để được hội kiến với xử sĩ Nguyễn Thiếp – người mà ông tôn xưng là La Sơn phu tử. Trước đây Nguyễn Huệ đã không ít lần viết thư mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân, nhưng đều bị từ chối. Lần này, Nguyễn Huệ muốn gặp cho bằng được. Trong bức thư ngắn gửi Nguyễn Thiếp, ông nói:

Nay thiên hạ khốn khổ, không cùng phu tử cứu gỡ thì không biết cùng ai. Quả đức thân hành qua hạt… mời phu tử tới, ngõ hầu được nghe lời phu tử dạy bảo

Nguyễn Thiếp bất đắc dĩ phải xuống núi diện kiến Bình vương. Vị xử sĩ 65 tuổi và viên tướng trẻ 35 tuổi cuối cùng đã gặp nhau. Vừa gặp mặt, Nguyễn Huệ đã tấn công trước. Ông nói như trách cứ Nguyễn Thiếp:

– Đã lâu nghe đại danh, ba lần cho tới mời, tiên sinh không thèm ra. Ý tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?

Nguyễn Thiếp không nao núng, đáp:

– Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính đáng thì là anh hùng, ai mà chẳng theo? Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì chỉ là kẻ gian hùng mà thôi.

Bình vương liền biến sắc mặt, đứng dậy nói:

– Người ta đồn rằng tiên sinh là kẻ sĩ trong thiên hạ. Danh tiếng ấy thật không ngoa!

Bình vương tiếp đãi Nguyễn Thiếp rất trọng hậu. Hai người nói chuyện rất lâu. Nguyễn Huệ gửi gắm việc chọn đất định đô ở Nghệ An cho Nguyễn Thiếp, rồi lên đường tiếp tục ra Bắc.

Vũ Văn Nhậm ra đón Bình vương từ xa. Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ cho biết Vũ Văn Nhậm tỏ ra nể sợ, nhưng thực ra là có ý muốn chặn đường và tấn công Nguyễn Huệ. Hai bên cuối cùng đã gặp nhau ở chợ Bằng (tức chợ Bình Vọng ở huyện Thường Tín, Hà Nội). Rốt cuộc thắng bại thế nào? Hồi sau sẽ rõ.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share