Bão táp Tây Sơn – Kỳ 11: Quân Thanh xuất quan

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 11: Quân Thanh xuất quan

Tháng Mười năm Mậu Thân (1788), những cơn mưa dầm đã tạnh. Đường sá ở Quảng Tây đã trở nên khô ráo. Kỳ thi võ cũng đã kết thúc. Nhưng lúc này trong tay Tôn Sĩ Nghị chỉ mới có một nửa quân số. Ông ta chỉ có thể điều động 5000 quân Quảng Tây, còn 5000 quân Quảng Đông vẫn còn đang trên đường đi. Quân Quảng Đông chia thành 10 ngả, bắt đầu lên đường từ hôm mồng 1. Bộ phận tiên phong của nó mới đến được địa đầu Quảng Tây và đến ngày 11 thì các cánh quân này mới hoàn toàn rời khỏi Quảng Đông. Tính theo lộ trình thì phải sau ngày 20 tháng Mười, lực lượng này mới đến biên giới. Nhưng Tôn Sĩ Nghị không đợi được nữa.

Lúc đầu Tôn Sĩ Nghị trù tính sau khi kéo vào nước ta thì sẽ để 2.000 quân Quảng Tây ở lại trấn giữ Lạng Sơn. Nhưng vì lực lượng Quảng Đông không tới kịp, ông ta quyết định dùng toàn bộ quân Quảng Tây làm lính chiến đấu. Còn về lực lượng giữ Lạng Sơn sẽ lấy từ ba cửa ải Nam Quan, Bình Nhi và Thủy Khẩu, tổng cộng chừng 2.000 quân.

Vì Tổng binh Thượng Duy Thăng cũng đang ở Nam Quan, Tôn Sĩ Nghị xin vua Càn Long cho đem Thượng Duy Thăng đi cùng. Về lực lượng pháo binh, do phải hành binh vượt núi, Tôn Sĩ Nghị không đem theo đại pháo, mà chỉ điều động 20 cỗ phách sơn pháo để dùng. Ngoài ra, để chuẩn bị đánh giáp lá cà, Tôn Sĩ Nghị còn cho rèn 500 thanh đao thép để trang bị cho quân lính.

Ngày 24, Tôn Sĩ Nghị rời Thái Bình đi Trấn Nam quan. Đề đốc Hứa Thế Hanh và quân lính Quảng Tây đã tập hợp. Giờ Mão (5-7 giờ sáng) ngày 28, quân Thanh làm lễ tế cờ. Cửa Trấn Nam mở ra. Quân Thanh dàn hàng tiến vào lãnh thổ nước ta.

Trấn Nam quan cách trấn lỵ Lạng Sơn chừng 18km. Trấn lỵ Đoàn Thành nằm phía Nam sông Kỳ Cùng. Trấn thủ Lạng Sơn là Phan Khải Đức đã chuẩn bị sẵn bè tre, kết làm cầu nổi để đón quân Thanh qua sông. Trong hồi ký chính trị của mình, Lê Quýnh cho biết ngày mồng 1 tháng Mười Một quân Thanh “ra khỏi Trấn Nam quan, lấy thành Lạng Sơn”.

Tôn Sĩ Nghị sẽ nhận được một tin không vui. Trần Danh Bính một lần nữa lại phản, đã quay về với quân Tây Sơn.

Trong tờ tâu của mình gửi cho vua Càn Long, Tôn Sĩ Nghị nói về vụ phản bội lần hai của Trần Danh Bính rằng: “Cứ lời bẩm xưng của Phan Khải Đức thì Trần Danh Bính ở xứ Bắc, nhận được thư của Ngô Sơ [tức Ngô Văn Sở], sợ hãi thế giặc, nói dối là cả nhà bị bắt giữ nên đã quay trở lại Lê thành để cho họ dùng”. Nhưng nếu so sánh với tài liệu của Tây Sơn, dường như Tôn Sĩ Nghị đã che đậy một sai lầm của bản thân.

Trong lá thư của Ngô Văn Sở (lúc này xưng tên là Ngô Hồng Chấn) gửi cho Tôn Sĩ Nghị để xin hoãn binh, Ngô Văn Sở cho biết Trần Danh Bính nhận lệnh mang hịch dụ của nhà Thanh tới trao cho mình. Trần Danh Bính không phải Từ Thứ, mẹ của ông ta cũng không ở chỗ quân Thanh, thế tất nhiên ông ta sẽ một đi không trở lại.

Ngô Văn Sở chẳng những không trách tội Trần Danh Bính, mà còn giao cho ông này chỉ huy một lực lượng ở hướng Kinh Bắc để đón đánh Tôn Sĩ Nghị. Mặc dù vậy, phía Tây Sơn vẫn tìm cách tránh né chiến tranh với nhà Thanh.

Hai ngày trước khi Tôn Sĩ Nghị rời phủ Thái Bình đi Trấn Nam quan, Ngô Văn Sở đã thiết lập một phái đoàn đi lên Lạng Sơn để trình bày sự tình. Ngô Văn Sở chuẩn bị ba văn thư: một cái đứng tên Sùng Nhượng công Lê Duy Cận và tông tộc họ Lê; cái kia đứng tên các quan văn võ Bắc Hà và cái thứ ba đứng tên dân chúng Bắc Hà.

Trong thư trình bày đầu đuôi tình hình Nguyễn Huệ phục quyền cho nhà Lê, Lê Chiêu Thống phản bội, các lực lượng tông thân và bề tôi nhà Lê phải theo về với Nguyễn Huệ. Phái đoàn gồm có hai tông thất nhà Lê là Lê Duy Phùng, Lê Duy Trọng; ba quan văn là Nguyễn Quý Nha, Vũ Huy Tấn, Trần Bá Lãm; ba võ thần là Nguyễn Đình Khoan, Nguyễn Đăng Cai, Lê Huy Tán.

Lúc đó có nhóm 40 người của Bả tổng Hứa Xương Nghĩa tỉnh Quảng Đông bị gió dạt đến địa phận Nghệ An. Trấn thần Nghệ An đưa nhóm này ra Bắc Thành. Ngô Văn Sở cho thủy quân thao luyện ở sông Hồng, cố tình cho bọn Hứa Xương Nghĩa xem, rồi cho dẫn họ về nước Thanh. Ba văn thư được trao cho Hứa Xương Nghĩa đem đi làm tiền trạm. Phái đoàn Tây Sơn đi theo sau.

Nhóm Hứa Xương Nghĩa đi rồi thì Trần Danh Bính mới tới đưa hịch văn của nhà Thanh. Lúc này Ngô Văn Sở mới biết tin tức Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào nước ta. Ông ta liền soạn một văn thư thứ tư, đứng tên là Ngô Hồng Chấn. Trong thư, Ngô Văn Sở đề nghị: “Những người và ngựa đã qua cửa ải, hãy tạm dừng lại ở trên biên ải, để cho thần dân nước tôi đến cửa quan tâu bẩm”.

Đến tận những thời khắc cuối cùng, phía Tây Sơn vẫn cố tránh né chiến tranh. Nhưng quân Thanh đã quyết tâm dùng biện pháp quân sự. Hứa Xương Nghĩa được phía Tây Sơn cứu giúp, nhưng hoàn toàn không làm được gì để cứu vãn hòa bình. Ngược lại, ông ta sẽ đi cùng Tôn Sĩ Nghị quay trở lại Thăng Long, và sẽ chết như một tên xâm lược.

Theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị, lực lượng quân Thanh tụ tập ở Lạng Sơn được 4.300 người – tương đương khoảng 5 tiểu đoàn trong biên chế hiện đại. Trong số đó gồm có 3.800 quân Quảng Tây và 500 quân Quảng Đông. Ngoài ra còn lực lượng thổ binh và nghĩa dũng của một số tù trưởng địa phương, phu mỏ người Thanh và lực lượng do Phan Khải Đức chiêu mộ ở Lạng Sơn. Sử gia Ngụy Nguyên cho biết: “Khi đó thổ binh, nghĩa dũng cũng đi theo. Đánh tiến đại quân vài mươi vạn”. Thông tin này là một đòn tâm lý chiến có hiệu quả. Bản thân Tôn Sĩ Nghị cũng nhận định: “đã định chờ thêm [quân tiếp viện] rồi cùng tiến lên nhưng dường như giặc đã khiếp rồi nên lập tức tiến gấp để cho giặc mất vía”.

Từ trấn thành Lạng Sơn xuống đến Kinh Bắc chủ yếu đi bằng đường trạm. Đại khái gần với tuyến quốc lộ ngày nay. Trấn thành Lạng Sơn có trạm Mai Pha, đi về nam qua trạm Nhân Lý, rồi lại dẫn tới trạm Hòa Lạc ở địa đầu Kinh Bắc. Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh bàn nhau chia quân thành hai đường.

Nhánh thứ nhất từ bên trái Lạng Sơn theo đường Mai Pha tiến lên. Cánh quân này do Tri huyện hàm Lâm Tế Thanh chỉ huy các phu mỏ người Thanh và nghĩa dũng làm tiên phong dẫn đường. Vì con đường này nhỏ hẹp, chỉ vừa lọt một bàn chân, nên Tôn Sĩ Nghị chỉ cho 1000 quân đi theo hướng ấy.

Nhánh thứ hai từ bên phải Lạng Sơn theo đường Giang Hán tiến lên. Cánh quân này do Trấn thủ Lạng Sơn là Phan Khải Đức dẫn thổ binh dẫn đường. Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy cánh quân này.

Tôn Sĩ Nghị vẫn còn thời gian để thưởng thức cảnh đẹp dọc đường. Trong vòng 100 dặm quanh trấn thành Lạng Sơn khi đó thường có sương mù. Từ giờ Dần [3-5 giờ sáng] đến trước giờ Ngọ [11-13 giờ trưa], sương mù giăng kín. Người địa phương bảo rằng sương mù đó là do một giống ngao, sò nhả ra. Ra khỏi giới hạn đó, sương mù tan dần. Thấp thoáng hình bóng dân chúng cày ruộng ở giữa làn sương. Người địa phương gọi cảnh tượng ấy là cày sương.

Đường Giang Hán mà Tôn Sĩ Nghị chọn trước đây là đường của thương nhân hay đi lại. Nhưng từ 10 năm trước, đường này đã bị bỏ hoang. Dọc đường có nhiều cỏ lau, cỏ quỷ và dây leo chằng chịt. Từ đó lại đi qua núi Kháo Con, Kháo Mẹ. Chỗ này có quân Tây Sơn mai phục, nhưng họ đã rút đi từ mấy ngày trước. Quân Thanh vượt qua chỗ này, tới được trạm Nhân Lý.

Có lẽ tới khoảng này, Tôn Sĩ Nghị lại chia đội chính binh của mình ra làm hai: một cánh theo đường núi tiến lên, một cánh theo đường Thiều Cao và Cúc Thung. Các cánh quân hẹn gặp nhau ở Gia Quan. Địa điểm này có lẽ là xã Chi Quan thuộc châu Ôn, là địa đầu trấn Lạng Sơn giáp với Kinh Bắc.

Quân Tây Sơn chủ trương rút các lực lượng chủ lực về phía nam để thiết lập một phòng tuyến. Tôn Sĩ Nghị tâu về với Càn Long rằng:

Bọn giặc ở xa xa nhìn xuống, thấy quan quân đầy các sơn cốc, không biết cả thảy bao nhiêu nên kinh hồn chạy trốn cả, không dám nghinh chiến”.

Kỳ thực thì tình hình của thê đội tiên phong phức tạp hơn nhiều. Đội tiền quân của Mãn Thanh đi trong mưa dầm lầy lội, sương mù dày đặc, lại bị lực lượng Tây Sơn quấy rối. Quân nhân Quảng Tây là Trần Nguyên Nhiếp sau này có tả lại tình hình của đội đi đầu:

Trên đường tiến thường có tặc phỉ ẩn hiện, lúc ban đêm trời tối lẻn đến bắn súng, cướp trại. Mỗi ngày có khoảng vài chục người đến dò xét, hoặc một hai trăm người chọn chỗ cây cối rậm rạp, núi non khúc chiết để dẫn dụ binh của ta, không ngày nào không đụng độ với địch”.

Mặc dù rút lui, quân Tây Sơn vẫn để lại một phần vũ khí cho các lực lượng thổ hào bản địa giữ đất. Nhưng rất nhiều người trong nhóm này lại quay ra đầu hàng quân Thanh. Đồn Cúc Thung ở địa phận Mai Sao (nay là Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) thấy đội tiên phong của địch liền đầu hàng. Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo vào lúc canh hai, liền sai bề tôi nhà Lê là Lê Duy Đản đi trước để tiếp nhận quân đầu hàng đó.

Tôn Sĩ Nghị tiếp tục tiến quân qua Quang Lang, tới ải Chi Lăng. Chỗ này năm xưa là mồ chôn của Liễu Thăng, nhưng ngày nay chẳng có trận đánh nào diễn ra ở đó. Đường này cũng bị hoang hóa. Cây cối mọc che trời, cơ hồ không còn đường đi.

Sau Chi Lăng là tới Gia Quan. Quân Tây Sơn tuy rút lui, nhưng đã để lại súng, đao và hỏa dược cho các thổ quan Phan Khâm Doãn, Hoàng Ngọc Bá. Hai người này nghe quân Thanh kéo tới, liền đem vũ khí và trăm lính dưới quyền đầu hàng. Tiến quân đến đây, Tôn Sĩ Nghị dừng lại. Phía trước đã là phòng tuyến Tây Sơn. Những cuộc giao tranh lớn sắp sửa bắt đầu. Nhưng phía Tây Sơn vẫn còn tìm cách hóa giải cuộc xung đột. Phái đoàn Tây Sơn cuối cùng cũng đã bắt liên lạc được với Tôn Sĩ Nghị.

Mọi chuyện rồi sẽ ra sao, xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share