Vì sao vó ngựa Mãn Châu hai lần khuất phục Trung Quốc?

Tác giả Đông Nguyễn
Vì sao vó ngựa Mãn Châu hai lần khuất phục Trung Quốc?

Người Mãn Châu đã dựng nên đế quốc Thanh ở thế kỷ 17 và thống trị Trung Quốc trong gần 300 năm. Trước đó, tổ tiên họ là người Nữ Chân cũng đã dựng nên nước Kim ở thế kỷ 12 và thống trị miền Hoa Bắc trong hơn 100 năm. Vậy nguyên cớ nào khiến họ có thể tiến chiếm và thống trị người Hán những hai lần, kéo dài gần nửa thiên niên kỷ?

Tranh vẽ thương nhân người Nữ Chân.

Về kinh tế, cần nhấn mạnh rằng truyền thông lâu nay vẫn mô tả những nhóm dân ở Mãn Châu khác xa so với hiện thực lịch sử. Trên phim ảnh, tiểu thuyết, người Nữ Chân/Mãn Châu được thể hiện là một dân tộc thiểu số du mục hoang dã với trình độ phát triển kém xa người Hán. Tổ tiên người Mãn Châu là dân Mạt Hạt đã sống định cư, trồng trọt, chăn nuôi và làm muối từ rất sớm, muộn nhất là từ thế kỷ 6.

Sách Tùy thư cho biết, họ “đắp đất như đê, đào huyệt để ở, mở cửa phía trên, dùng thang ra vào. Nước đó không có bò, nhưng có ngựa. Xe thì đi bộ đẩy, như người ta dùng cày hai phạt. Đất đai nhiều thóc lúa, rau cỏ thì có hoa hướng dương. Hơi nước mặn, sinh muối trên cây. Cũng có ruộng muối. Gia súc nhiều lợn, không có dê”.

Sách Tinh Minh cửu biên khảo thế kỷ 16 ghi lại rằng: “Kiến Châu, Mao Liên là bè đảng tàn dư tộc lớn Bột Hải, ưa cư trú, gieo trồng, giỏi dệt vải, xe sợi, ẩm thực, áo quần đều như người Hoa”. Kiến Châu chính là bộ tộc của Nỗ Nhĩ Cáp Xích – Thái Tổ nhà Thanh. 

Đồng ruộng ở Bột Hải.
Phỏng đựng nhà của người Nữ Chân ở Bột Hải, Trung Quốc.

Từ đó suy ra nếu xét về sinh kế, họ không khác gì các dân tộc định cư như người Hán hay người Triều Tiên. Hơn nữa, đất đai họ sở hữu có thể sản sinh ra nhiều vật phẩm có giá trị cao như nhân sâm, da và thịt thú lớn như gấu, hổ cũng như nhiều loại gỗ quý, khoáng sản (cho đến nay vùng Đông Bắc vẫn là “vựa khoáng sản” lớn của Trung Quốc). Những yếu tố trên cộng lại giúp họ sở hữu một nền kinh tế mạnh mẽ và bền bỉ.

Càn Long săn hươu, nhà truyền giáo Ý Giuseppe Castiglione.

Về lịch sử, người Mạt Hạt/ Nữ Chân/ Mãn Châu đã có ít nhất ba lần dựng nước, bắt đầu từ quốc gia Bột Hải rồi đến Kim và kết thúc là nhà Thanh. Trong hơn một ngàn năm dựng nước, họ đã chủ động tiếp thu văn hóa và cập nhật những tiến bộ từ Trung Quốc cũng như học cách quản lý nhà nước Nho giáo, dùng văn tự Hán ghi chép.

Quốc gia Bột Hải đã từng tồn tại một tầng lớp Nho học, tinh thông điển lễ và văn chương không thua gì Trung Quốc hay Triều Tiên. Nỗ Nhĩ Cáp Xích – Thái Tổ nhà Thanh, vốn đã làu thông Tam quốc diễn nghĩa và Đông Chu liệt quốc khi còn là gia tướng của tướng nhà Minh – Lý Thành Lương. Như vậy, những người hai lần thống trị Trung Nguyên không phải là những kẻ dã man, mà ngược lại họ là một dân tộc có học thức với trình độ phát triển cao và lâu đời.

Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích

Về chính sách, ngay từ buổi đầu dựng nước dưới triều hai vua Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực, nhà Thanh đã lôi kéo sĩ phu và di dân người Hán. Ở đây, họ được trọng dụng, biệt đãi, thậm chí được “nhập tịch” vào dân tộc Mãn Châu thống trị mà không bị phân biệt đối xử bất cứ thứ gì. Hệ quả là khi tiến quân vào Trung Nguyên, đa số người Mãn Châu trong Bát Kỳ quân thực ra là người gốc Hán. Như vậy, cuộc “xâm lược” của người Mãn Châu về bản chất là một cuộc nội chiến của người Hán, được tiến hành bởi người Hán dưới sự dẫn dắt của một nhóm thiểu số Mãn Châu mà thôi. Điều đó khiến sự bất mãn của dân Trung Nguyên đối với triều Thanh thấp hơn rất nhiều so với các triều đại du mục như Khiết Đan hay Mông Cổ.

Về quân sự, như đã trích dẫn Tùy thư ở trên, vùng Mãn Châu từ sớm đã có rất nhiều ngựa và điều này đã tạo tiền đề cho việc xuất hiện một lực lượng kỵ binh hùng hậu. Bên cạnh đó từ thời Hắc Thủy Mạt Hạt, người dân vùng này đã là những thợ săn cự phách: “Người người giỏi bắn, lấy săn bắn làm nghiệp. Cung sừng dài 3 thước (90cm), tên dài 1 thước 2 phân (38cm), thường đến tháng 7, tháng 8 chế tạo độc dược, bôi lên tên để bắn cầm thú, trúng phải thì lập tức chết”.

Tinh Minh cửu biên khảo cho hay: “Các man di này đều giỏi cưỡi ngựa bắn cung”

Bởi vậy qua nhiều đời, người dân vùng Mãn Châu đã phát triển thành một dân tộc thượng võ và vũ dũng, một điều vô cùng hiếm thấy ở các nền văn hóa định canh, định cư.

Mặc dù thôn tính Trung Quốc là một nhiệm vụ cực khó, đòi hỏi cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tuy nhiên, với một nền kinh tế hùng hậu, biết cách lợi dụng mâu thuẫn người Hán, cùng bản chất chiến binh của mình, việc người Nữ Chân chinh phục lãnh thổ Trung Quốc 2 lần không phải hoàn toàn bất khả thi.

Cung sừng Nữ Chân.
 
Trận Oroi-Jalatu 1758, nhà Thanh đánh bại người Dzungar.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share