Bão táp Tây Sơn – Kỳ 19: Bàn cờ thế

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 19: Bàn cờ thế

Hạ tuần tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), hoàng đế Quang Trung tới Tam Điệp gặp Đại tư mã Ngô Văn Sở.

Thật khó biết chắc thái độ của ông trước quyết định rút quân khỏi Bắc Hà. Hoàng Lê nhất thống chí của văn nhân nhà họ Ngô Thì nói rằng hoàng đế Quang Trung khen ngợi kế sách đó, đồng thời nhận định rằng chỉ có Ngô Thì Nhậm nghĩ được mưu này. Nhưng Nguyễn thị Tây Sơn ký lại nói khác hẳn. Khi Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân lạy mọp bên đường để đón nhà vua và thỉnh tội, hoàng đế trách ngay:

– Các ngươi tội đáng muôn chết! Cô niệm tình Bắc Hà chưa yên định, lòng người chưa theo về, các ngươi có thể bảo toàn quân đội để tránh mũi nhọn của địch, bên trong khích lệ sĩ khí, bên ngoài làm kiêu lòng địch. Đó cũng là kế dụ địch. Nay cô chuẩn cho đái tội lập công, để xem sự báo hiệu sau này. 

Đoạn rồi, hoàng đế Quang Trung mở tiệc lớn khao tướng sĩ. Ông nói:

– Nay hãy làm lễ Tết Nguyên đán. Đợi đến lúc khai xuân, ngày mồng bảy vào thành Thăng Long sẽ lại mở tiệc yến. Các ngươi hãy nhớ lấy lời ta xem có phải là nói khoác hay không?

Tuy nhiên, theo lời các giáo sĩ thừa sai lúc đó, một số tín đồ vốn là thủ hạ của Đại tư mã có kể rằng hoàng đế Quang Trung đã ra lệnh cắt lương của Ngô Văn Sở. Trong lúc ăn yến, Ngô Văn Sở không được tham dự mà phải quỳ gối. Sau bữa tiệc đó, hoàng đế Quang Trung bắt đầu điều phối tướng sĩ.

Bắc Hà lúc đó như một bàn cờ lớn, với phía Bắc là quân Thanh và quân nhà Lê, còn phía Nam là quân Tây Sơn. Quân Thanh và quân Lê bố trí thành một vòng tròn xung quanh kinh thành Thăng Long. Trên tuyến đường thiên lý dẫn về kinh đô, quân Thanh-Lê lập ba đồn trọng yếu là đồn Gián Khẩu, đồn Hà Hồi và đồn Ngọc Hồi. Ngoài ra, ở các hướng ngoại vi thứ yếu cũng có đặt đồn trại. Trên hướng Tây Nam kinh thành, có các đồn Khương Thượng, Nam Đồng; ở phía tây có đồn Yên Quyết; ở phía Bắc, lực lượng quân Thanh trú đóng dọc theo bờ Bắc sông Hồng. Đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long nằm ven phía Nam sông Hồng. Một chiếc cầu phao được bắc ngang qua sông để dễ bề liên lạc.

Hoàng đế Quang Trung quyết định một mẻ tóm gọn lực lượng quân Thanh. Muốn như vậy thì phải tung ra một kế hoạch hợp vây quy mô lớn. Ông chia quân của mình ra thành năm ngả như thể một bàn tay mở ra rồi nắm chặt lại.

Tiền quân do Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân chỉ huy sẽ đánh dọc theo đường thiên lý tiến về kinh thành. Nhiệm vụ của họ là đánh quân chủ lực nhà Thanh và thu hút địch về phía Nam.

Hữu quân do Đại đô đốc Bảo và Đô đốc Mưu chỉ huy, có lực lượng tượng binh và kỵ binh phối thuộc. Tuy là Hữu quân nhưng hướng tiến công của họ lại là cánh trái. Lợi dụng một con đường cổ từ Thanh Hóa dẫn ra Bắc, cánh quân này đóng vai trò kì binh hết sức quan trọng. Đại đô đốc Bảo dẫn theo quân lính và voi chiến từ Sơn Minh kéo ra Đại Áng, giúp quân Tiên phong đánh tạt sườn quân Thanh trên hướng chính. Đô đốc Mưu dẫn quân từ Chương Đức vọt tới Nhân Mục, đánh vào hướng Đống Đa. Nếu đọc Tam quốc diễn nghĩa, mọi người sẽ thấy đây là một mưu mẹo phổ biến: dụ địch rời thành, rồi cho quân đánh úp. Nhưng hoàng đế Quang Trung đã thực hiện nó với quy mô cực lớn, ở cấp chiến dịch.

Tả quân do Đại đô đốc Lộc và Đô đốc Tuyết chỉ huy. Đây là cánh quân thủy. Từ đường biển, họ sẽ kéo vào sông Lục Đầu. Đô đốc Tuyết sẽ bình định vùng Hải Dương. Chỗ này vốn là vùng đất quân Cần vương nhà Lê hoạt động mạnh. Còn Đại đô đốc Lộc sẽ vọt nhanh tới các huyện Yên Thế, Phượng Nhãn của trấn Kinh Bắc, để cắt đường lui của quân Thanh.

Hậu quân do Hô Hổ hầu chỉ huy, làm lực lượng dự trữ chiến lược. 

Theo lời các giáo sĩ, quân Tây Sơn đã hoạt động dọc sông Đáy ngay từ hạ tuần tháng Chạp. Họ tấn công một đồn nhà Lê ở Kẻ Vĩnh. Đinh Nhạ Hành – người hăng hái kêu gọi đánh Tây Sơn nhất bên phía nhà Lê – vẫn còn đậu binh thuyền ở Nam Xang cách đó 40km về phía Bắc, chứ không có mặt ở trấn doanh Sơn Nam.

Quân Thanh cũng đã nghe tin “người nước Thanh Hoa” đem tượng binh tới giúp Nguyễn Huệ từ mấy ngày trước đó. Nhưng chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, quân Thanh cũng chỉ thao diễn. Các giáo sĩ thừa sai nói rằng quân Thanh lên tiếng thách thức quân Tây Sơn tới đánh một trận. Họ được thỏa mãn kỳ vọng. Đêm 30 Tết, quân Tiên phong của Tây Sơn vượt sông đánh úp đồn Gián Khẩu. Trấn tướng nhà Lê là Hoàng Phùng Nghĩa thua tan tác. Chiến dịch Kỷ Dậu mở màn. 

Một số tư liệu Việt Nam đề cao tính bí mật của cuộc tiến công này. Nhưng ngược lại, tin tức về nó đã lộ từ sớm. Đô ti Trần Nguyên Nhiếp cho biết quân Thanh đã bắt đầu giao chiến với quân Tây Sơn từ ngày mồng một Tết. Có lẽ đó là các lực lượng đồn trú tiền tiêu của quân Thanh.

Giờ Mão ngày mồng hai Tết, tức khoảng 1 đến 3 giờ sáng, Lê Chiêu Thống đã đem tin tức báo cho Tôn Sĩ Nghị. Quân nhà Lê đã bị Tây Sơn đánh lui. Sau này Tôn Sĩ Nghị tâu rằng Chiêu Thống rất xuống tinh thần. Ông ta khẩn cầu đem mẹ mình chạy sang nước Thanh, chứ không mong gì làm vua nữa. Thái hậu nhà Lê mới vừa từ nước Thanh về mấy hôm trước, giờ sắp sửa phải chạy trốn tiếp.

Tôn Sĩ Nghị kể rằng ông ta “đem đại nghĩa trách mắng”. Chiêu Thống “nuốt lệ ra về”. Chiêu Thống về rồi, Nghị liền họp các tướng bàn cử quân tăng viện cho mặt trận phía Nam. Tổng binh Thượng Duy Thăng được lệnh đem thê đội một đi ngay ngày mồng hai. Hứa Thế Hanh và Tôn Sĩ Nghị chia nhau chỉ huy hai cánh quân còn lại; kẻ trước người sau sẽ kéo nhau đi tiếp ứng. 

Nửa đêm ngày mồng ba Tết, quân Tây Sơn vượt qua quãng đường 60km tới vây đồn Hà Hồi. Quân Tây Sơn bắc loa gọi hàng. Binh sĩ dạ ran để hưởng ứng, tiếng vang như sấm. Quân trong đồn khiếp vía, liền đầu hàng. Trên con đường thiên lý dẫn về Thăng Long chỉ còn lại hai đồn đáng kể: đại đồn Ngọc Hồi và đồn Văn Điển. Nhưng quân Thanh đã đến tăng viện kịp thời cho đồn Ngọc Hồi. Thắng bại sẽ ra sao?

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Dàn trang: Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share