Cuộc sống thế tục xứ Đàng Ngoài qua ghi chép của người châu Âu

Tác giả Tường Vân
Cuộc sống thế tục xứ Đàng Ngoài qua ghi chép của người châu Âu

Vào thế kỷ 17, do những biến động chính trị giữa các dòng họ, nước Nam ta chia thành hai xứ riêng biệt là Đàng Ngoài và Đàng Trong, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến. Đây cũng là thế kỷ chứng kiến cuộc tiếp xúc ban đầu giữa người Việt và các giáo sĩ, thương gia châu Âu.

Trong bài viết nhỏ này, người viết tóm lược lại một số miêu tả của người Tây dương về khí hậu và sản vật xứ Đàng Ngoài vào thế kỷ 17, bởi đây là những phương diện lý thú khi được nhìn qua con mắt người ngoại quốc.

Thời tiết xứ Đàng Ngoài

Trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron – một thương gia có cha là người Hà Lan, mẹ là người Đàng Ngoài – thì nơi ông sinh ra có khí hậu tương đối ôn hòa vào mùa thu và đầu xuân, còn mùa đông thì trời trở lạnh nhưng không bao giờ đổ tuyết. 

Những tháng mùa hạ tiết trời không được thuần hậu bởi “mưa mù trời và mặt trời chói lọi”, có những ngày nắng nóng đến cực điểm, hoặc xảy ra giông bão. Nhưng đây cũng là mùa đẹp nhất trong năm, “khi cây cối sum suê, ruộng đồng tươi tốt, phong cảnh trông thật đẹp mắt”.

Ở xứ Đàng Ngoài, gió thổi theo hai hướng Bắc – Nam rồi lại đổi chiều nam – bắc, luân phiên sáu tháng một lần đều đặn. Những trận gió lớn tạo thành bão được người bản xứ gọi là tanffoons, xảy ra không tuân theo một chu kỳ nào có thể được dự báo trước. 

Ông Baron so sánh sức tàn hủy dữ dội của loại bão này với bão Tượng phong (Elephant wind) vùng vịnh Bengal ở mức độ thảm khốc mà nó gây ra cho các thủy thủ và người dân ven biển. Những cơn bão này thường xuất hiện tại xứ Đàng Ngoài khoảng năm đến sáu năm một lần, hoặc lâu hơn, có khi phải gần đến một thập kỷ mới quay trở lại.

Sinh hoạt thế tục xứ Đàng Ngoài qua miêu tả của Samuel Baron
Sinh hoạt thế tục xứ Đàng Ngoài qua miêu tả của Samuel Baron

Tuy mang một nửa dòng máu bản địa, nhưng Samuel Baron không mấy ấn tượng hay tỏ ra mặn mà với các sản vật của vương quốc Đàng Ngoài. Lương thực chính của người dân xứ sở này là lúa gạo, ngoài gạo để ăn họ còn chưng cất rượu, nhưng ông Baron cho rằng thứ rượu này không ngon bằng rượu cốt, và lấy làm tiếc khi dân xứ Đàng Ngoài không biết trồng lúa mạch hay nho để làm rượu vang. 

Ông miêu tả khá kỹ các loại hoa quả xứ Đàng Ngoài, không hẳn vì hứng thú đặc biệt mà bởi mục đích của cuốn sách là giới thiệu vương quốc này tới các độc giả người Anh.

Một cô gái trẻ thuộc tầng lớp khá giả đang nấu cơm ở xứ Đàng Ngoài
Cánh đồng lúa mới cấy ở xứ đàng ngoài

Ảnh của Léon Busy chụp phong cảnh thế tục xứ Đàng Ngoài. (Lần lượt từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)
Ảnh 1: Một cô gái trẻ thuộc tầng lớp khá giả đang nấu cơm ở xứ Đàng Ngoài
Ảnh 2: Cánh đồng lúa ở xứ Đàng Ngoài
Ảnh 3: Phơi lúa, sấy lúa

Trái cây, rau quả xứ Đàng Ngoài

Với Baron, hoa quả tại đây cũng ngon như tại bất kỳ đất nước phương Đông nào khác, chỉ riêng “cam là ngon hơn hẳn các loại cam khác mà tôi từng thử”. Đồng thời, ông cũng cải chính lại nhiều sai lầm mà thương gia người Pháp Jean-Baptiste Tavernier viết trong cuốn Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài của mình. 

Chẳng hạn như loại cây mà Tavernier gọi là cọ thực chất là cây dừa, được ép làm dầu thắp và được buôn bán khắp các xứ Đông Nam Á; hay quả sung Adam thực ra là quả chuối, dài xấp xỉ một gang tay. Baron cũng nhắc tới ổi, đu đủ, chanh và dứa, nhưng không nhận xét nhiều về những loại quả này; thay vào đó ông tập trung miêu tả nhãn, mít và vải là những loại trái cây nhiệt đới rất hiếm thấy ở phương Tây.

Vải trong con mắt vị thương gia Baron là giống quả “trông như hằng hà vô số trái tim mọc trên cành, độ to nhỏ khác nhau nhưng trung bình như quả trứng. Vải chín có màu đỏ thẫm, vỏ xù xì nhưng mỏng và dễ bóc, cùi mọng có nước trắng. Vải chín có vị ngon tuyệt, chính vụ vào tháng Tư và không kéo dài quá bốn mươi ngày”.

 Thứ quả mùa hạ này cũng được Alexandre de Rhodes hết sức khen ngợi trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài rằng chúng “có mùi vị như trái đào và trái lê của ta (…) không những chỉ ăn vì mùi vị và để giải khát mà còn bồi bổ sức khỏe, nên ăn bao nhiêu cũng không sao, có lần tôi dùng tới mười hay mười hai trái một lúc”.

Quả nhãn thì có “cùi trắng và vị dịu, quả tròn và nhỏ hơn quả mận bé, vỏ không xù xì và có màu ô-liu nhạt tựa lá úa”. Tuy thơm ngọt và được trồng nhiều như vải nhưng người xứ Đàng Ngoài ít chuộng nhãn vì tính nóng của nó. 

Còn mít lại là thứ quả Đông phương được Baron yêu thích nhất. Theo lời ông thuật lại, “khi còn xanh vỏ mít rất rắn, nhưng khi chín vỏ ngả màu vàng và có thể dễ dàng cắt bằng dao. Mít cũng có vài loại, nhưng loại ngon nhất là loại có múi khô, khi ăn không bị nhựa dính vào tay và vào môi. Phần lớn mít có nhựa dính, cùi màu vàng bọc hạt, hạt nằm trong lỗ nhỏ. Những người nghèo luộc hạt hoặc rang mít để ăn, vị gần như hạt dẻ ở ta, nhưng nghe nói vô cùng có hại cho phổi”.

Người bán trái cây xứ Đàng Ngoài
Vận chuyển chuối trên thuyền tam bản trên bờ sông Hồng xứ Đàng Ngoài
Người bán rau xứ Đàng Ngoài

Ảnh của Léon Busy chụp phong cảnh thế tục xứ Đàng Ngoài. (Lần lượt từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)
Ảnh 1: Người bán trái cây.
Ảnh 2: Người bán rau.
Ảnh 3: Vận chuyển chuối bằng thuyền tam bản trên sông Hồng.​

Động vật và các loại sản vật khác xứ Đàng Ngoài

Bởi nước ta trước đây có tục ăn trầu cau, nên Baron cũng viết tương đối tỉ mỉ về loại cây này và giới thiệu thêm tục nhai trầu của dân xứ Đàng Ngoài với một số dân tộc Nam Á khác: “Cau (…) là giống cây mọc thẳng đứng, không có cành, ngọn trùm ra như vương miện, quả cau to như quả trứng bồ câu. 

Phần lớn người Ấn nhai cau với một thứ lá mà người Bồ Đào Nha gọi là beetle (trầu) còn người Mã Lai gọi là sera. Thức nhai này làm dịu hơi thở, chắc răng, phấn chấn tinh thần; nhai rồi nước trầu có vị đỏ. Trầu phổ biến đến nỗi người ta không thể tiếp đón bạn bè mà không có đĩa trầu để mời. Dân xứ Đàng Ngoài cũng như người Xiêm và người Mã Lai, sẵn sàng nhịn một phần ba bữa ăn để mua trầu”.

Ngoài các loại quả miền nhiệt đới, Baron cũng đề cập tới cách nấu yến sào – một thức ăn hiếm quý vốn chỉ dành cho các bậc vương giả nơi đây. Theo Baron, để sơ chế, người ta sẽ ngâm tổ yến vào nước ấm chừng hai tiếng đồng hồ rồi xé nhỏ và đem hầm cùng vịt, chim câu hoặc các loại thịt khác. Khi chín, yến sào “tan ra thành một thứ nước sền sệt, không mùi không vị”. 

Về các loại thịt, dân xứ Đàng Ngoài chủ yếu ăn các loại gia súc, gia cầm; ngoài ra họ cũng săn bắn vài giống chim trời. Cha cố de Rhodes viết kỹ hơn Baron về các súc vật nơi đây, ví như ngựa được nuôi nhiều, khỏe đẹp và dễ thuần; bò thì “to lớn và vạm vỡ, thịt rất tốt và ăn rất ngon”; trâu dùng để kéo cày còn lợn nuôi lấy thịt cúng tế trong các dịp lễ lạt.

Một con trâu và người chủ của nó ở xứ Đàng Ngoài
Một con trâu và người chủ của nó ở xứ Đàng Ngoài

Ảnh của Léon Busy chụp một con trâu và chủ nhân của nó xứ Đàng Ngoài. 

Trong các loại gia cầm, gà chiếm số lượng lớn mà giá lại thành rẻ, trừ những con gà chọi; ngoài ra, người Đàng Ngoài cũng có nhiều chim câu và chim gáy, “chỉ cần năm xu là mua được mười lăm hai mươi con”. 

Tuy thế, theo ghi chép của cha cố, thức ăn chủ yếu ở xứ sở này lại là cơm gạo và cá, bởi cá rất nhiều, “rẻ mạt mà lại rất tươi và to”, còn ngư phủ và các bến thuyền có mặt khắp toàn cõi. Theo thống kê của riêng cha, có tới năm mươi hải cảng và mười ngàn thuyền đánh cá hoạt động những ngày trời yên biển lặng.

Người đơm cá xứ Đàng Ngoài
Một con cá vẹt xứ Đàng Ngoài

Ảnh của Léon Busy chụp phong cảnh thế tục xứ Đàng Ngoài. (Lần lượt từ trái qua phải)
Ảnh 1: Một người đơm cá.
Ảnh 2: Một con cá vẹt

Xứ Đàng Ngoài không có nhiều hổ và hươu đực, nhưng lại có vô số khỉ. Nơi thượng du, thi thoảng người ta săn được tê giác và mèo rừng để dâng tiến vua chúa và các quan lớn. Cũng như các nước lân cận, voi được dùng vào rất nhiều việc ở xứ này. Cha de Rhodes kể lại rằng:

 “Chúa Đàng Ngoài nuôi chừng ba trăm con (…) để thêm lộng lẫy khi chúa ngự ra khỏi kinh thành. Nhưng khi thao luyện một đạo bộ binh thì cho tất cả voi đi diễu (…) chúng rất ngoan và dễ dàng để tập nói chuyện với người, thường đi rảo khắp kinh thành mà không làm hại ai hay phá phách gì”. 

Trong những dịp hỏa hoạn – nạn này xảy ra rất thường xuyên bởi nhà cửa nơi đây toàn làm bằng gỗ – voi được đem tới và theo lệnh của quản tượng, chúng khéo léo dỡ mái nhà, rồi lật đổ tường của những ngôi nhà cạnh đám cháy để lửa khỏi lan xa hơn. Voi được mua từ Lào với giá rất đắt, và số tiền bỏ ra để chăm sóc và huấn luyện chúng còn tốn kém hơn bởi “một con voi phải đủ lương thực bằng nuôi mười người”. 

Tranh của Samuel Baron tả cảnh đoàn rước vua Lê Trung Hưng xứ Đàng Ngoài năm 1684-1685

Chú thích:

(1) Trong tiếng Anh là Typhoon, là tên một loại bão nhiệt đới thường xảy ra ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Phiên âm Hán – Việt là Đại phong.

(2) Tên gốc là Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin.

Tài liệu tham khảo

Samuel Baron, Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, Hoàng Anh Tuấn dịch, NXB. Khoa học xã hội, 2019.

Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch, Tủ sách Đại Kết - Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

Chia sẻ câu chuyện này
Share