Bão táp Tây Sơn – Kỳ 3: Thiên mệnh về ai? Thiên triều chọn ai?

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 3: Thiên mệnh về ai? Thiên triều chọn ai?

Thiên mệnh về ai? Thiên triều chọn ai?

Vũ Văn Nhậm ra đón Nguyễn Huệ từ xa. Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ cho biết Nhậm tỏ ra nể sợ, nhưng thực ra là có ý muốn chặn đường và tấn công Bình vương.

Hai bên cuối cùng đã gặp nhau ở chợ Bằng (tức chợ Bình Vọng ở huyện Thường Tín, Hà Nội), nhưng sự việc không nằm trong dự tính của Vũ Văn Nhậm khi Nguyễn Huệ dẫn theo một đoàn hộ giá lớn gồm 150 con voi và rất nhiều tùy tùng.

Thấy Bình vương được quân Tây Sơn bảo vệ kỹ lưỡng, Vũ Văn Nhậm lại tỏ ra vui vẻ như không có chuyện gì. Nguyễn Huệ cũng dùng lời lẽ ôn tồn và ngọt ngào để an ủi Vũ Văn Nhậm. Ông còn nhường lọng che và con ngựa mình đang cưỡi cho Vũ Văn Nhậm để tỏ ra ưu ái. Hai người cùng đi vào thành Thăng Long

Nguyễn Huệ và Vũ Văn Nhậm

Đêm đó, Vũ Văn Nhậm tưởng như không có chuyện gì, vào yết kiến Bình vương. Bình vương truyền ám hiệu. Vũ Văn Nhậm liền bị bắt trói. Ngày hôm sau, Vũ Văn Nhậm bị dẫn ra pháp trường và bắt quỳ ở đó suốt một ngày. Hôm sau nữa, Vũ Văn Nhậm bị xử trảm. Khi sắp bị hành hình, Vũ Văn Nhậm than thở:

– Ta diệt nước người, phá nhà người, làm vợ người góa bụa, con người mồ côi. Tội ta to thật! Chết còn có gì đáng phàn nàn.

Bình vương Nguyễn Huệ tiêu diệt Vũ Văn Nhậm nhanh gọn đến mức có tác giả đương thời như Ngô Thì Du cho rằng ông đã tới Thăng Long vào buổi đêm, lúc Nhậm còn ngủ say chưa biết gì. Bình vương sai võ sĩ Hoàng Văn Lợi đâm chết Nhậm ngay trên giường ngủ. Đến sáng, mọi người mới biết tin. Câu chuyện này xem ra là không xác thực.

Quân Tây Sơn chém đầu

Tiêu diệt Vũ Văn Nhậm chỉ là bước đầu tiên để ổn định tình hình nội trị ngoài Bắc. Lê Chiêu Thống từ sau khi thua trận ở Mục Sơn đã chạy trốn sang miền Đông. Các hào mục Hải Dương đua nhau hưởng ứng khiến Vũ Văn Nhậm phải vất vả đánh dẹp. Lê Chiêu Thống lại dạt xuống mạn Sơn Nam, đi theo một thuộc tướng cũ của Nguyễn Hữu Chỉnh là Hoàng Viết Tuyển.

Tuy nhiên, vào lúc Bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc, đại đội thuyền chiến của Tuyển cũng đã đổ vỡ tan tành ở Quần Anh. Chiếc thuyền vua Chiêu Thống ngự bị quân Tây Sơn bắn chìm nghỉm. Tung tích Lê Chiêu Thống lại một lần nữa mờ mịt.

Vũ Văn Nhậm và Trần Đình Khôi

Để vỗ yên lòng dân ngoài Bắc, Vũ Văn Nhậm đã nghe theo kiến nghị của Thiêm sự nhà Lê cũ là Trần Đình Khôi, đưa Sùng Nhượng công Lê Duy Cận làm Giám quốc. Lê Duy Cận là con trai của vua Lê Hiển Tông. Thời bấy giờ gọi là Ông hoàng Tư. Người anh trai khác mẹ của Duy Cận là Thái tử Lê Duy Vĩ – chính là cha của vua Lê Chiêu Thống.

Thái tử Lê Duy Vĩ có hiềm khích với Thế tử Trịnh Sâm. Vì vậy, sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm đã tìm cách phế bỏ và sát hại Thái tử. Ngôi vị Thái tử được trao lại cho Lê Duy Cận, còn ba người con của Thái tử Duy Vĩ bị Trịnh Sâm giam cấm. 

Năm Nhâm Dần (1782), kiêu binh nổi dậy lật đổ Điện Đô vương Trịnh Cán. Để tăng thêm uy thế cho mình, họ cũng kéo nhau đi giải cứu hoàng tôn Lê Duy Kỳ và ép vua Lê đưa Duy Kỳ lên ngôi Thái tôn. Lê Duy Cận cũng đành nhường lại ngôi thừa kế. Thái tôn lên ngôi, tức là vua Lê Chiêu Thống.

Giờ đây Chiêu Thống đã mất ngôi, Vũ Văn Nhậm lại đưa Duy Cận lên làm Giám quốc. Thế nhưng Duy Cận cũng không có năng lực hay quyền lực gì, chỉ ngồi trơ trong điện. Người đương thời gọi Duy Cận là Đề lại Giám quốc, nghĩa là ông Giám quốc chỉ như một thư lại bình thường.

Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ cho biết vào ngày 6-5-1787, Vũ Văn Nhậm bị xử tử. Đến ngày 11-5, Bình vương Nguyễn Huệ vào ngự trong điện vua Lê và thiết lập một nhóm cai trị gồm 4 – 5 viên quan Cochinchine (Đàng Trong). Cũng chính trong ngày này, các quan văn võ Đàng Ngoài tới yết kiến Nguyễn Huệ và “đệ đơn xin tha cho hoàng tộc Lê và tôn thất chúa Trịnh”.

Bình vương Nguyễn Huệ buộc phải đưa ra quan điểm ứng xử với di sản cũ của triều Lê – Trịnh. Ngọn cờ phù Lê diệt Trịnh đã không còn tác dụng. Mối quan hệ giữa Tây Sơn và nhà Lê đã thành ra dùng gươm giáo đánh nhau. Rốt cuộc phải làm thế nào? Giữa lúc này, một văn thần Bắc Hà mạnh dạn đề ra tư tưởng “đại nhất thống”.

Nguyễn Huệ gặp Ngô Thì Nhậm

Viên văn thần mạnh bạo đó chính là Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Nhậm người Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, đỗ Tiến sĩ năm 1775. Ông là một nhân vật quan trọng trong vụ án năm Canh Tý (1780), dẫn tới việc Thế tử Trịnh Tông bị chúa Trịnh Sâm phế làm con út.

Người ta đồn đại rằng Ngô Thì Nhậm đã tố cáo Thế tử âm mưu khởi binh tạo phản. Cha Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ đã cố can ngăn con trai, thậm chí còn lấy cái chết của mình ra đe dọa, nhưng Nhậm vẫn không theo, quyết đi tố cáo. Ngô Thì Sĩ buồn bực vì việc đó, nên uống thuốc độc tự tử. Nhậm thì được thăng Công bộ Thị lang.

Thế nhưng gia phả họ Ngô Thì lại nói rằng người tố cáo đầu tiên là tiến triều Nguyễn Huy Bá, còn Ngô Thì Nhậm muốn cứu gỡ nhưng lại bị chúa Trịnh Sâm sai điều tra vụ án. Không may giữa chừng Ngô Thì Sĩ mất, Ngô Thì Nhậm phải về chịu tang. Vụ án bị giao lại cho Lê Quý Đôn. Nhưng sau khi vụ án kết thúc, kẻ thù của Ngô Thì Nhậm là Hoàng Đình Bảo lại muốn làm xấu danh tiếng của Nhậm, nên mới xin thăng cho Nhậm chức Thị lang. 

Dù sự thực là thế nào, người đời cũng gán cho Nhậm cái danh “sát tứ phụ nhi thị lang” (giết bốn cha để làm Thị lang). Có người giải thích tứ phụ bao gồm Trịnh Tông là bậc quân phụ; Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán là bậc phụ chấp (bạn của bố); cùng với thân phụ Ngô Thì Sĩ. Lại có người nói Nguyễn Lệ, Nguyễn Phương Đĩnh và Nguyễn Khắc Tuân đều là bậc phụ chấp, cùng với Ngô Thì Sĩ thành tứ phụ.

Sát tứ phụ nhi Thị lang, trung yên vấn hiếu” – Giết bốn cha để làm Thị lang, đã trung thì hỏi gì đến hiếu. Câu nói này đã đeo bám cuộc đời của Ngô Thì Nhậm. 

Ngô Thì Nhậm là người có sức sống mãnh liệt về chính trị. Sau khi Trịnh Tông lên ngôi chúa, Ngô Thì Nhậm phải trốn tránh một thời gian. Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, Lê Chiêu Thống lên ngôi. Ngô Thì Nhậm lại được vời ra làm Hộ bộ Đô cấp sự trung. Lê Chiêu Thống bị đánh bật khỏi kinh thành, Bình vương ra Bắc diệt Vũ Văn Nhậm. Ngô Thì Nhậm lại ra yết kiến Bình vương.

Ngô Thì Nhậm đưa ra cho Bình vương một giải pháp táo bạo. Khác với Ngô Thì Chí muốn cho “Hoàng Lê nhất thống”, Ngô Thì Nhậm đề xuất Bình vương hãy mở ra một nền “đại nhất thống mới”. Trong tờ biểu khuyên Bình vương lên ngôi hoàng đế, Ngô Thì Nhậm nói nghĩa lớn trong kinh Xuân Thu là “đại nhất thống”. Bậc vương giả nhận mệnh trời, hưởng lộc nước, thì phải “thể theo đạo trời, dựng nên ngôi báu”, rồi sau đó mới có thể khiến “mối giường mới thống nhất, chế độ mới phân minh”. 

Về mặt lịch sử, Ngô Thì Nhậm nói rằng nước Việt ban đầu gồm 13 thừa tuyên, giữa chừng cương giới bị chia cắt hơn 200 năm. Tuy lúc trước vua Thái Đức đã đặt niên hiệu, nhưng chỉ mới chiếm cứ một phương, chưa thể thống nhất thiên hạ. Ngày nay Bình vương Nguyễn Huệ lần nữa ra Trung Đô, đã có cả thiên hạ, nhưng vẫn dùng niên hiệu Thái Đức. Như vậy thì “sĩ dân ngơ ngác, không biết hướng vào đâu”. Ngô Thì Nhậm khuyên Bình vương Nguyễn Huệ:

“Ngẩng lên vâng theo ý trời, cúi xuống xét tình dân chúng, lên ngôi hoàng đế, xuống chiếu đổi niên hiệu, để thỏa tấm lòng suy tôn của thần dân”.

Bình vương Nguyễn Huệ hồi đáp hết sức thận trọng. Bình vương phê đáp đại khái nói mình “coi trọng sự nhún nhường”, vả chăng “việc lên ngôi là điển lễ lớn, thật băn khoăn khó nói”. Ngô Thì Nhậm liền đáp lại bằng một tờ biểu khuyên lên ngôi thứ hai. Trong đó, Ngô Thì Nhậm dùng ý trong Kinh Thư “thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư” (trời giúp dân chúng, mới đặt ra vua, đặt ra thầy), và kết luận rằng “kẻ có đức lớn ắt nhận được mệnh trời, trở thành người chủ của thần dân trong nước”.

Từ năm Giáp Ngọ (1774) đến nay, Nam Bắc giao tranh, sinh linh lầm than. Trời ghét cảnh loạn ly, muốn cho đất nước thống nhất. Bình vương là người “thuận theo lòng trời, thừa thời dẹp loạn, cứu vớt sinh dân thoát khỏi gian nan, thống nhất non sông”, cho nên mới “giữ được mệnh trời, thu về thần khí”.

Thần dân trong bốn biển đều dụi mắt đợi xem chính quyền mới. Ngô Thì Nhậm một lần nữa khuyên Bình vương Nguyễn Huệ “noi theo phép cũ của các triều trước, lấy năm đã định được thiên hạ, lên ngôi báu, chính danh vị, để trên nối lại giường mối lớn của trời Nam, sau đó lập lại kỷ cương, dựng nên phép tắc”.

Chúng ta không biết thái độ của Bình vương Nguyễn Huệ đối với tờ biểu lên ngôi thứ hai. Theo Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ, ngày 15-5-1788, Bình vương Nguyễn Huệ công bố hai lệnh chỉ. Lệnh chỉ thứ nhất giải thích những biến động chính trị ở Bắc Hà từ sau khi ông lật đổ họ Trịnh vào năm 1786, cho đến lý do ông ra Bắc lần hai để tiêu diệt Vũ Văn Nhậm.

Ông cũng hỏi thần dân Bắc Hà muốn sống dưới chế độ nào: dưới sự cai trị của một ông hoàng huyết thống nhà Lê, hay “khẩn cầu ông ở lại điều khiển quốc gia để được hưởng một sự thái bình hoàn toàn và vĩnh cửu, dưới sự bảo hộ, giúp đỡ của ông”. Kết thúc lệnh chỉ, Bình vương yêu cầu mọi người dân, không phân biệt phẩm cấp và tước vị, đều phải trình bày ý kiến về việc này.

Quân Tây Sơn

Trong lệnh chỉ thứ nhất, dù nhắc đến nền cai trị của một người huyết thống nhà Lê, nhưng Bình vương Nguyễn Huệ không đả động gì đến Chiêu Thống. Đó là bởi vì ông còn ra một lệnh chỉ thứ hai để lên án Chiêu Thống là kẻ “vô ơn bạc nghĩa, phản bội sự trợ giúp của Bắc vương”.

Đồng thời, ông phê phán Chiêu Thống là “gánh nặng cho quân đội và thần dân”, “không ngừng sách nhiễu họ”, và là kẻ “phạm trọng tội gian dâm và loạn luân ghê tởm với em gái ông và sát nhân vì ông đã cho giết một cách dã man cùng một lúc ba người chú (bác hay cậu) ông, và một người vợ của vua Cảnh Hưng, tổ phụ của ông”. Bình vương Nguyễn Huệ tuyên bố Chiêu Thống “không đáng sống chút nào” rồi ra lệnh truy nã Chiêu Thống cùng mẹ và các em trai của ông này.

Mặc dù không có những bằng chứng cụ thể về việc Chiêu Thống phạm tội loạn luân và giết hại các trưởng bối trong hoàng tộc, điều chúng ta có thể nhận ra là giữa Bình vương Nguyễn Huệ và vua Lê Chiêu Thống không còn có thể hợp tác được nữa. Nếu nền cai trị của hoàng tộc nhà Lê vẫn còn tồn tại, thì người ngồi trên ngai vàng chắc chắn không phải Chiêu Thống.

Chính phía Lê Chiêu Thống cũng hiểu rõ điều này. Sau này, các bề tôi nhà Lê cũng từng khai với vua Càn Long nhà Thanh rằng: “Nguyễn Huệ quay lại kinh đô giả tiếng cần vương, giết chết Nguyễn Nhậm (tức Vũ Văn Nhậm), sai người nghinh đón Tự tôn (tức Lê Chiêu Thống). Tự tôn biết rằng đó chỉ là ngụy kế nên không trở về”.

Câu chuyện sẽ diễn tiến ra sao? Những tính toán của Bình vương Nguyễn Huệ và số phận của Lê Chiêu Thống sẽ diễn ra thế nào? Xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Share