Chính vì tính cộng đồng gắn kết mà cách tổ chức theo phường, theo hội trở thành chỗ dựa cho cả người bán lẫn người mua. Người bán dựa vào nhau, san sẻ từng chút khó khăn: khi thì cùng định giá, lúc thì giữ giá, cần thì sẵn lòng vay mượn hàng, giới thiệu khách qua lại. Người mua dù phải cất công đi xa, nhưng đến nơi, lòng lại thấy an yên. Giữa cả dãy hàng san sát, họ có thể thoải mái khảo giá, lựa chọn kỹ càng, chẳng lo bị mua hớ hay gặp phải hàng giả, hàng dỏm.
Nhớ những ngày còn đi học, cứ qua trường của anh trên đường Nguyễn Chí Thanh mà lòng lại thấy thương cái sự giản dị của phố phường Sài Gòn. Trường anh đối diện là quán ăn tấp nập, còn trường mình thì khiêm nhường hơn, chỉ là một dãy cửa hàng sửa xe. Hôm nào mất chìa khóa hay xe hư, cũng chẳng bối rối. Chỉ cần ghé đại một tiệm, giá cả thì đâu cũng như nhau. Lỡ tiệm này thiếu món, chủ tiệm cười hề hề chỉ sang tiệm bên: “Qua chỗ anh Sáu đi, không thiếu thứ gì đâu. Ơn nghĩa gì, thôi mày ơi, giúp nhau là chính”.
Những câu nói nhẹ như làn gió thoảng, nhưng lại làm lòng thấy ấm áp đến lạ. Một chút chân tình của người bán, một chút sẻ chia giữa phố phường, để cái hồn cộng đồng nơi đây cứ thế mà bền bỉ, mà đẹp đẽ, lặng lẽ chảy trôi cùng thời gian.
Tính cộng đồng trong những phường buôn bán ở Sài Gòn từ lâu đã len lỏi vào thói quen mua sắm của người dân, như một điều hiển nhiên, tự nhiên mà thành. Đó là niềm tin mộc mạc nhưng sâu đậm: chỉ cần nghĩ đến một món đồ, bạn đã biết phải đi đâu để tìm. Những con phố chuyên bán từng loại hàng hóa trở thành điểm tựa, nơi mà chỉ cần bước chân đến, lòng đã thấy yên tâm vì biết mình đến đúng chỗ rồi.