Chiêm tinh học của người An Nam – Kỳ 1: Nhìn nhân tướng để xây quân

Tác giả Omega+
Chiêm tinh học của người An Nam – Kỳ 1: Nhìn nhân tướng để xây quân

Chiêm tinh học của người An Nam - Đặc biệt là các ứng dụng trong quân sự

Phong thủy và chiêm tinh học ứng dụng trong quân sự, đã dẫn đến sự ra đời ở Trung Hoa và Đông Dương một số cuốn sách mà theo chúng tôi là đều bắt nguồn từ cuốn Yên Thủy Thần Kinh, được cho là của một nhà thông thái tên Lưu Cơ sống dưới triều Minh, với những biến tấu không ít thì nhiều.

Một trong những cuốn sách này, là cuốn sách chúng tôi diễn giải sau đây được tìm thấy nhiều nhất ở Bắc Kỳ và do đó có ảnh hưởng lớn nhất về mặt quân sự. Cuốn sách được gọi là Thần sách, theo lời tựa, cuốn sách do một vị thần hiển linh truyền lời cho các chủ tướng tài ba trong cuộc họp nhằm soạn thảo một hiệp ước quân sự. Vì vậy, đó quả là một sự khai sáng.

Trong lời nói đầu, cuốn sách cho rằng một chủ tướng phải có bảy phẩm chất sau:

1. Biết phân biệt những người đủ khả năng và không đủ khả năng tham gia quân đội; thu hút những người có đạo đức, người tài, người dũng cảm và trung thành; biết lắng nghe ý kiến.

 

Nghiêm khắc với bản thân và tướng lĩnh; biết phân biệt thật giả, che giấu tâm tình. Bình tĩnh khi thất bại cũng như khi chiến thắng; không tàn sát vô cớ; cứu giúp nạn nhân chiến tranh khi có thế. Phải chiến đấu vì hòa bình. Luôn chuẩn bị cho chiến tranh, huấn luyện binh lính và xây thành, đắp lũy nhằm đảm bảo hòa bình, hạnh phúc của các dân tộc.

 

2. Biết nhìn người mà hành xử và phải thấu hiểu, có chính kiến. Đối xử lịch thiệp, hào phóng với quý tộc và người giàu; nghiêm khắc với kẻ ác, tử tế với người tốt. Với người nước ngoài, phải luôn giữ thái độ phòng bị; khiêm tốn với người tài, ngạo nghễ với kẻ nhút nhát, giả ngu với bậc đại trí. Không bao giờ tiết lộ sự thật.

 

3. Luôn tìm kiếm nhân tài, những người dễ bảo để thu phục và đưa vào hàng ngũ. Biết thuyết phục những bậc tài trí lánh đời ẩn cư nơi rừng sâu.

 

4. Biết tận dụng thời cơ và ra quyết định nhanh chóng, vừa táo bạo vừa thận trọng, khéo léo lợi dụng mâu thuẫn, khuyết điểm của địch và những lúc chúng mệt mỏi.

 

5. Tổ chức tình báo một cách có phương pháp, biết chính xác số lượng, vị trí và ý đồ của địch, khi bị tấn công ở hướng Bắc, không được lơ là việc phòng giữ phía  Nam, phía Đông và Tây.

 

6. Biết cân nhắc sự đa dạng của các địa phương và các mùa, vệ sinh của doanh trại và tinh thần của binh sĩ.

 

7. Cuối cùng, thấu hiểu binh pháp, biết tiên đoán các sự kiện theo dấu hiệu thời tiết và các chòm sao.

 

Gustave Dumoutier Essais sur les Tonkinois - 1908

Chủ tướng phải được lựa chọn cẩn thận, người này không chỉ biết chữ mà còn phải sở hữu những phẩm chất nói trên: dũng cảm, thận trọng, táo bạo và khoa học.

Binh lính phải được huấn luyện thường xuyên. Binh lính phải trung thành, phục tùng, tôn trọng và được việc. Phải quy định trước về giờ huấn luyện để chuẩn bị cung, giáo, súng và kiếm. Giao cờ cho người dũng cảm nhất và cồng lệnh cho người cường tráng nhất. Huấn luyện binh lính trong mưa xuân, nắng hè, gió thu và đông lạnh. Cứ 10 quân binh có một viên huấn luyện.

Hồi cồng đầu tiên trước trận đánh yêu cầu binh sĩ chuẩn bị vũ khí. Hồi thứ hai là tín hiệu tập hợp, hồi ba là tín hiệu xuất phát. Đội hình hành quân phải giữ vững khoảng cách: tiền quân, trung quân và hậu quân phải có quân số như nhau tại địa bàn của địch. Phải cách nhau 115 bước ở điều kiện bình thường và dồn lại thành một khi cần vượt qua một khu vực nguy hiểm, sau đó lại tách ra.

Một binh đoàn phải có cờ gồm năm màu khác nhau. Những người cầm cờ đi kèm nhau và báo hiệu cho binh lính một số điểm đặc biệt trên đường. Khi gặp nguồn nước, vẫy cờ vàng. Gặp sông, vẫy cờ đen, đến vùng gập ghềnh và có rừng, vẫy cờ xanh và khi qua vùng đồng bằng hoang vu và có có dại, vẫy cờ trắng.

Mỗi màu cờ tượng trưng cho một tín hiệu

Khi quân tiến vào rừng, chủ tướng phải yêu cầu đóng trên các đỉnh núi và quan sát hướng bay của chim. Chim chóc sợ hãi khi thấy quân đội đều trốn chạy trước tiên.

Trên đường hành quân, chủ tướng phải bố trí hợp lý, cho lính nghỉ khi trời nóng, trời quá lạnh, gió và dông.

Nơi đóng quân phải được bảo vệ bằng thành lũy và hào đất, nằm trên đỉnh đồi, núi và các ngã ba sông. Nếu đồng bằng đủ lớn, có thể cho xây thành.

Phải giám sát binh sĩ giữ gìn vũ khí. Người tham chiến phải nhân đạo và không bao giờ giết hại tù nhân hay dân thường.

Một chủ tướng giỏi phải nắm được mọi thông tin về địch và không để địch đoán được tình hình bên mình. Phải vận dụng mọi mưu lược để ngụy trang tình hình và lực lượng thực tế. Nếu quân đông, phải tránh để địch trông thấy và ngụy trang cẩn thận. Nếu quân ít, phải lừa địch rằng quân đông. Cho cắm nhiều cờ, tăng cờ của các đội lên nhiều lần, kéo cành cây ở một số nơi để gây bụi mù mịt như thế rất đông quân đang di chuyển. Nếu không đủ người để đóng giữ các đồn binh, tạo hình nộm bằng cỏ khô và đặt ở những vị trí dễ thấy ở khoảng cách xa để không bị địch phát hiện.

Với những điểm khó công, chỉ tấn công ở ba mặt, chừa lại đường lui cho địch. Nếu vây cá bốn mặt, địch biết không còn đường lui sẽ liều chết tự vệ, cuộc chiến có thể kéo dài, gây thương vong lớn cho phe mình.

Sách Binh pháp nói, phải chăng sự cẩn trọng và mưu lược quan trọng hơn so với quân đông? Khi đánh trận vào ban ngày, các hướng di chuyển được ra hiệu bằng cờ. Tiếng cồng kim loại là tín hiệu lui quân còn tiếng trống là tín hiệu tiến quân.

Phải giả dùng binh sĩ đau yếu trong trận chiến để đánh lừa địch. Làm bụi hoặc tập trung cờ tại các điểm đánh lạc hướng khiến địch tưởng rằng rất đông quân đang tụ tập. 

Khi đánh trận vào ban đêm, phát tín hiệu bằng cồng, trống hoặc kèn.

Sau tiếng kèn đầu tiên, binh lính sẵn sàng; tiếng kèn thứ hai, di chuyển; tiếng kèn thứ ba, bắt đầu tấn công. Khi đánh trận vào ban đêm, phải hô hào và đốt lửa để dọa địch. Nếu bị tấn công trong đồn lũy phải tìm cách thoát ra và ẩn nấp sau hào, phải dùng cờ ngụy trang để địch tưởng chỉ có ít quân hộ thành, lừa chúng tấn công và đồ sát chúng dễ dàng hơn.

Các trận đánh trên sông lại có quy tắc riêng. Phải có thuyền kiên cố, biết rõ bề rộng và độ sâu của dòng nước, độ cao của các địa phương so với mực nước để tùy trường hợp có thể nhấn chìm một địa phương hoặc tháo khô các hào nước hộ thành.

Cuối cùng, không được phát động chiến dịch nếu không biết rõ các điềm lành dữ, nếu chưa nghiên cứu và bình giải các luật chiêm tinh đã được thừa nhận của các nhà thông thái thuộc điện Bảo Huy, dưới triều Hồng Vũ, vị hoàng đế thông thái của triều Minh.

Gustave Dumoutier Essais sur les Tonkinois - 1908

Đọc thêm các câu chuyện lôi cuốn khác trong Nước Nam một thuở

Share