Đầu năm Bính Thân [1656], Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến phát ba đạo binh, đại phá quân Trịnh ở phía Nam sông Lam. Đồn thủ Nghệ An là Đào Quang Nhiêu toan trốn vào Ai Lao. Đào Quang Nhiêu cùng Ai Lao có mối quan hệ rất tốt, nên mới có ý nghĩ như thế. Ngày nay ở thị trấn Phố Châu, tỉnh Hà Tĩnh còn ngôi chùa Phúc Khánh thờ cha con Đào Quang Nhiêu. Chùa có nhiều nét kiến trúc và nghi lễ ảnh hưởng của Phật giáo Nam Tông. Tương truyền, khi nghe tin Đào Quang Nhiêu mất, vua Ai Lao đã sai người mang vàng bạc sang gửi con trai ông, để dựng chùa này.
Bấy giờ, Trấn thủ Vũ Văn Thiêm can rằng:
– Không nên. Một thắng một bại là việc thường của nhà binh. Chớ thấy thắng mà mừng, chớ thấy bại mà lo. Nguyên soái mau sai người mang biểu tấu tới vương đình xin tội, sau đó xin cứu binh. Đó là kế lưỡng toàn. Nếu trốn vào Ai Lao, thì mang tội bề tôi mà phản bội vua, sẽ khiến hậu thế chê cười.
Đào Quang Nhiêu nghe theo lời khuyên của Vũ Văn Thiêm, bèn soạn tờ khải báo tin bại trận. Hai tướng Đào Quang Nhiêu và Vũ Văn Thiêm không hề bị trách phạt gì cả. Ngược lại, triều đình chúa Trịnh xem trận sông Tam Chế như là một chiến thắng. Lê Sĩ Hậu được thăng chức Đề đốc, còn Đặng Công Quang được bổ làm Tham đốc, tước Trình Phú hầu.
Chúa Trịnh Tráng một lần nữa phái con trai là Thiếu bảo Trịnh Toàn vào Nghệ An để thống lĩnh các tướng. Đi theo Trịnh Toàn còn có Lại khoa Đô cấp sự trung Ngô Sĩ Vinh, Binh khoa Cấp sự trung Vũ Vinh Tiến làm Đốc thị.
Bấy giờ, Đô ngự sử Phạm Công Trứ còn tiến cử một người để làm thuộc tướng cho Trịnh Toàn. Đó là Lê Thì Hiến. Lê Thì Hiến người làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, là con của Đô đốc Lễ quận công Lê Thì Nghi. Thì Hiến tinh thông thao lược, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tham gia quân ngũ từ sớm. Năm 1637, lúc 28 tuổi, Lê Thì Hiến đã làm Chánh đội trưởng. Hai chiến dịch Nam chinh năm 1643 và 1648, Lê Thì Hiến đều lập được công trạng, được thăng Thự vệ sự, tước Hào quận công. Lúc trở về, Lê Thì Hiến lại coi cơ Tả Hùng, thuộc quyền điều động của Tiến quận công Lê Văn Hiểu. Vì Lê Văn Hiểu bại trận trước quân Nguyễn, Lê Thì Hiến cũng bị bãi hết chức tước, thu hồi dân lộc.
Phạm Công Trứ tâu với chúa Trịnh Tráng:
– Thì Hiến có tài làm tướng, có thể đương được một mặt. Không nên vì thất bại trước mà vứt bỏ.
Chúa Trịnh Tráng bèn sai dẫn 1000 quân, đi theo Trịnh Toàn. Bấy giờ là cuối mùa xuân năm Bính Thân [1656], niên hiệu Thịnh Đức thứ tư. Chúa còn cử các tướng Đinh Văn Tả (1602-1685), Hoàng Nghĩa Giao (1623-1662), Thái Bá Đào (1600-1656) đi theo quân.
Hoàng Nghĩa Giao người Hoàng Vân, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam, là dòng dõi công thần trung hưng, con trai cố Thái bảo Lan quận công Hoàng Nghĩa Phì. Hoàng Nghĩa Giao được khen là người dũng cảm có thừa, vì là con nhà tướng nên được cử đi theo.
Thái Bá Đào người huyện Đô Lương, trấn Nghệ An, là con Nam Dương hầu Thái Bá Phiên. Thái Bá Đào làm con nuôi Kiêm quận công Thái Bá Kỳ (Kỳ là anh của Phiên). Thái Bá Đào nổi danh vì tài cưỡi ngựa, đấu giáo, theo cha nuôi chinh phạt. Chúa Trịnh Tùng từng khen: “Cửa tướng xuất tướng, người thường không sao sánh nổi”. Thái Bá Đào nhiều lần đánh nhau với quân Mạc, có công, được thăng đến chức Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ, tước Diễn Nham hầu. Chúa Trịnh Tráng cho Thái Bá Đào làm Tham đốc, đi theo giúp đỡ Trịnh Toàn.
Cùng với Trịnh Toàn, họ sẽ trở thành những đối thủ khó nhằn của quân chúa Nguyễn.
Bấy giờ, Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật cũng đang bàn bạc về động thái của quân Trịnh. Nguyễn Hữu Dật nói:
– Bắc quân thua liên tiếp, không dám giao tranh. Thanh vương ắt sẽ thêm binh cố thủ, để đợi quân ta lâu ngày mỏi mệt, chờ ta hết lương ắt phát binh công kích. Đó là kế “dĩ dật đãi lao” (lấy nhàn đợi mệt).
Quả nhiên, khi đến Nghệ An, Trịnh Toàn không giữ phòng tuyến sông Lam nữa, mà cho đại quân tiến về phía Nam gần 50km, thiết lập phòng tuyến mới ở phía Bắc sông Rào Cái. Quân Trịnh lúc này đã lên tới con số bốn vạn quân thủy bộ. Chính binh của Trịnh Toàn đóng ở xã Đan Chế (nay là xã Thạch Long, Hà Tĩnh). Bộ binh của Đương quận công Đào Quang Nhiêu bố trí ở hai xã Đại Nại và Hương Bộc, đắp lũy để phòng ngự. Thủy quân của Thung quận công và Đề đốc Lê Sĩ Hậu đóng ở cửa biển Nam Giới (tức ngày nay là cửa Sót). Bản thân Lũng quận công Vũ Văn Thiêm còn chỉ huy một lực lượng thủy quân khác đóng lại cửa biển Đan Nhai trên sông Lam.
Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến của Nam Hà nghe được tin này, liền mời Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật tới bàn bạc. Hữu Dật đáp luôn:
– Trước tiên sai người mang tờ khải về bẩm ở vương đình, sau đó hội họp các tướng, chia đường phát binh phá địch. Có gì mà nghị luận!
Nguyễn Hữu Tiến cũng tán thành. Hai người cùng nhau soạn tờ khải trình cho chúa Hiền. Nguyễn Hữu Tiến hội các tướng ở xã Na Khố. Lần này Nguyễn Hữu Tiến chia quân mình thành năm cánh, cùng lúc đánh phá cả quân bộ và quân thủy của địch.
Trước tiên Nguyễn Hữu Tiến sai Trấn thủ dinh Bố Chính là Phù Dương làm Khán chiến, Phú Nham làm Tiên phong. Đích thân Nguyễn Hữu Tiến dẫn chính đội. Trấn thủ dinh Cũ là Tống Hữu Đại làm Tiếp ứng. Cánh quân này sẽ đánh vỗ mặt vào lũy Đại Nại.
Một cánh quân khác do các Quy Nghĩa tướng – tức hàng tướng của Trịnh chỉ huy sẽ vòng theo cánh trái đánh vào lũy Hương Bộc của Đào Quang Nhiêu. Chỉ huy cánh này gồm có hai tướng Đăng Doanh, Thọ Lộc làm Tiên phong. Hai tướng Tiếp Tài, Lưu Diên làm Tả, Hữu vệ trận. Phạm Tất Toàn làm Trung đội. Chưởng cơ Tống Phước Khang, Thị chiến Xuân Đài dẫn quân Chính doanh của Nam Hà làm Tiếp ứng.
Về cánh thủy quân thì Cai cơ Hoằng Vinh dẫn 15 chiếc chiến thuyền làm Tiên phong. Trấn thủ Dương Trí, Thị chiến Thuần dẫn 25 chiến thuyền làm Chính đội. Lực lượng này sẽ tiến vào cửa biển Nam Giới đánh thủy quân Trịnh.
Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật, Thị chiến Cống Giác dẫn 2000 bộ binh và 30 con voi lên núi Nam Giới, bắn vào thủy quân Trịnh để hỗ trợ thủy quân.
Nguyễn Hữu Tiến còn sai Tham tướng Nguyễn Phước Tráng chỉ huy 30 chiến thuyền làm Tiên phong. Trấn thủ dinh Quảng Bình là Nguyễn Phước Kiều và Thị chiến Quảng Xuyên chỉ huy 30 chiếc khác làm Tiếp ứng. Cánh quân này sẽ làm dự trữ để đánh thẳng vào cửa biển Đan Nhai ở sau lưng phòng tuyến Trịnh.
Giờ Dần [khoảng 3 đến 5 giờ sáng], các đạo quân Nguyễn nối nhau tiến lên. Bấy giờ là tháng Năm năm Bính Thân [1656].
Cánh thủy quân của nhóm Trấn thủ Dương Trí xuất phát muộn hơn một chút. Vào giờ Dậu [khoảng 5 đến 7 giờ tối], họ cho thuyền xuất phát. Bộ binh và tượng binh của Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật chiếm vị trí chiến đấu trên núi Nam Giới từ giờ Tuất [khoảng 7 đến 9 giờ tối]. Người dân xã Lạc Đạo ở gần đó trông thấy, vội đi báo cho quân Trịnh. Tướng Trịnh là Thung quận công cấp báo về chính doanh ở Đan Chế. Ninh quận công Trịnh Toàn liền sai Lý quận công đem 20 chiến thuyền đi tăng viện. Quận Lý nhận được lệnh bắn chặn quân bộ của Nguyễn Hữu Dật, đồng thời chiếm cao điểm bắn chặn chiến thuyền quân Nguyễn, không cho tiến vào cửa biển.
Quận Lý đưa thuyền tới Nam Giới, dàn hàng ở bờ bên kia bắn vào quân Nguyễn Hữu Dật. Quân Nguyễn bắn trả. Hai bên bắn nhau ba bốn lượt thì chiến thuyền của Trấn thủ Dương Trí kéo tới. Tướng Trịnh là quận Thung chuyển chiến thuyền của mình bắn chặn thuyền quân Nguyễn. Hai bên bắn nhau từ giờ Mão đến giờ Tỵ [khoảng 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa]. Thuyền của bọn Dương Trí không tiến vào được.
Nguyễn Hữu Dật thấy tình thế như vậy, liền chia một toán quân bày trận bên cạnh cửa biển, giương cờ lên làm hiệu, bắn vào đội thuyền của quận Thung. Ở ngoài biển, Dương Trí trông thấy ở trên bờ biển có một lá cờ trắng tâm màu đỏ, biết là quân Nguyễn Hữu Dật tiếp ứng, liền thúc chiến thuyền xông vào giáp chiến. Quân Nguyễn Hữu Dật ở trên bờ cũng bắn vào đội thuyền quận Thung. Quân Trịnh thương vong nặng nề, phải rút chạy. Một số bỏ thuyền lên bộ chạy trốn. Dương Trí đưa chiến thuyền đột nhập cửa biển Nam Giới, bắt sống quận Thung, thu được 36 chiến thuyền. Quận Lý chạy trốn về đại dinh ở Đan Chế. Các tướng thủy quân bên Trịnh giữ cửa Nam Giới là Đề đốc Lê Sĩ Hậu, Nguyễn Hữu Sắc, Bùi Sĩ Lương, Thái Bá Trật cũng vứt bỏ hết thuyền ghe, súng đạn, khí giới để chạy trốn. Bản thân Bùi Sĩ Lương sau đó cũng tử trận. Trịnh Toàn phái Phò mã Trình đưa thêm 40 chiến thuyền đi tăng viện, cũng bị thủy quân Đàng Trong đánh bại. Phò mã Trình chạy về đại dinh Đan Chế báo tin.
Trịnh Toàn nghe tin bại trận, liền ra lệnh cho quân mình rút về chiến lũy Điềm Độ để phòng ngự. Điềm Độ tên nôm là Đò Điệm, tức là sông Nghèn. Sông Nghèn từ phía Bắc đổ xuống, hợp với sông Rào Cái thành sông Hạ Vàng rồi đổ ra cửa biển Nam Giới. Trịnh Toàn lập chiến lũy ở đây để bảo vệ mặt phía Đông, đề phòng thủy quân địch từ cửa biển đánh vào.
Trịnh Toàn đưa quân tới lũy Điềm Độ. Quân thủy bộ của Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật lập tức ập đến, vây đánh rất rát. Tình thế hết sức nguy ngập. Trong lúc chiến đấu, Trịnh Toàn nhủ thầm:
– Quân Nam tinh nhuệ cường tráng, quân ta đơn chiếc yếu đuối. Ví như nước trong một gáo khó dập lửa trên vạn cỗ xe. Chi bằng hàng cho sớm, để mưu đồ kế sách về sau.
Chưa biết sự việc sẽ ra sao?
Chưa biết sự việc sẽ ra sao?
Chia sẻ câu chuyện này
Tác giả: Wong Trần Minh hoạ: Minh Thảo Võ Thiết kế và dàn trang: TRẦN VĂN HẬU