Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 2: Đại kế hoạch

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 2: Đại kế hoạch

Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đột nhiên trông thấy một ông già râu tóc bạc phơ xuất hiện. Ông già mặc áo bào đỏ, đầu đội mũ văn, tay cầm một mảnh giấy. Ông bước tới trước mặt chúa Hiền, rồi nói:

– Tướng quân muốn hưng binh thảo phạt kẻ tiếm loạn. Mỗ có tờ giấy này. Tướng quân xem cho kỹ, ắt sẽ chọn được người. Hà tất phải lo rầu như thế?

Chúa Hiền đón tờ giấy, mở ra xem. Trên đó viết một bài thơ gồm bốn câu:

Tiên kết nhân tâm thuận
Hậu thi đức hóa chiêu
Chi diệp kham tồi chiết
Căn bản dã nan dao

Tạm dịch:

Trước kết lòng người thuận
Sau ban đức sáng ngời
Cành lá dù xơ xác
Gốc rễ vẫn khó lay

Chúa Hiền xem xong, không hiểu bài thơ có ý gì. Chúa phật lòng, hỏi ông già:

– Ngươi là kẻ nào? Lại đem văn từ tới bỡn cợt ta? 

Ông già không đáp, chỉ gật đầu bảo:

– Tốt! Tốt!

Chúa Hiền bấy giờ đã nổi nóng. Chúa hét lớn:

– Hẳn là giống yêu ma, dám tới đây đùa bỡn ta!

Chúa Hiền rút thanh gươm ra, hét lớn một tiếng. Chợt chúa giật mình. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. 

Bấy giờ trời vẫn còn tối, ở lầu phía đông điểm ba tiếng cầm canh. Chúa lấy giấy bút, chép lại bài thơ, rồi đọc đi đọc lại. Đến lúc rạng sáng, chúa mới hiểu ra. Chúa nghĩ thầm:

– Ta vốn nghĩ đến việc chọn người, nên mới suy tư. Thần nhân cho ta mảnh giấy, lại bảo đọc nó sẽ chọn được người. Như câu thơ: “Tiên kết nhân tâm thuận”, thì “Thuận” ở đây là tên của người đó. “Hậu thi đức hóa chiêu”, thì “Chiêu” cũng là tên người đó. Trong triều hiện nay về võ thì có Thuận Nghĩa trí dũng gồm đủ, thực là tướng tài; văn chức Chiêu Vũ là con cháu danh tướng, hơi có mưu lược, những kẻ tầm thường không thể bì kịp. Hai người này ta vốn biết đã lâu rồi. Nay thần nhân đem tiến cử cho ta, ta còn nghi gì nữa. Còn như hai câu cuối chưa hiểu được ý nghĩa. Hãy đợi ngày sau kiểm chứng.

Thuận Nghĩa là tên gọi của lão tướng Nguyễn Hữu Tiến (1602 – 1666). Nguyễn Hữu Tiến người huyện Ngọc Sơn, trấn Thanh Hóa, cũng bỏ vào nam, ngụ ở huyện Bồng Sơn phủ Quy Nhơn. Thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên – ông nội của chúa Hiền, Nguyễn Hữu Tiến được Nội tán Đào Duy Từ phát hiện, tiến cử lên chúa Nguyễn. Chúa cử làm Đội trưởng coi thủy quân. Năm 1648, lúc đó chúa Hiền Nguyễn Phước Tần còn là Thế tử, làm Tiết chế đem quân chống cự quân Trịnh. Nguyễn Hữu Tiến đem đại đội tượng binh nhân đêm tập kích doanh trại Gia quận công Nguyễn Công Hiệp bên Trịnh. Trận này quân Nguyễn đại thắng, bắt được Nguyễn Công Hiệp cùng nhiều tướng lĩnh và quân lính của bên Trịnh. Sau trận chiến đó, Nguyễn Hữu Tiến được cử đóng quân ở Võ Xá, còn gọi là Dinh Mười hay đạo Lưu Đồn để bảo vệ lũy Thầy.

Chiêu Vũ là tên gọi của lão thần Nguyễn Hữu Dật (1603 – 1681). Nguyễn Hữu Dật cũng là dòng dõi công tộc của chúa Nguyễn, quê gốc ở Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hóa. Cha ông là Nguyễn Triều Văn dẫn gia đình vào Nam theo chúa Sãi. Nguyễn Triều Văn làm tướng quân, Nguyễn Hữu Dật làm văn chức. Nguyễn Hữu Dật là người học rộng, lại lắm mưu nhiều kế. Từ thời chúa Sãi sang thời chúa Thượng, ông nhiều lần bày kế giúp Nam Hà thoát cơn nguy cấp, chống cự quân Trịnh.

Để đối phó với quân Đàng Ngoài, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần quyết định tin dùng hai người Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến. Bấy giờ là tháng Ba năm Ất Mùi (1655), chúa Hiền vời Nguyễn Hữu Dật tới bàn bạc kế hoạch đối phó với Lê Văn Hiểu. Nguyễn Hữu Dật được lệnh đi thăm dò.

Nguyễn Hữu Dật ghé ngang Võ Xá, hội kiến với Nguyễn Hữu Tiến. Ông thông báo cho Hữu Tiến ý muốn của chúa Hiền. Nguyễn Hữu Tiến cả mừng, cũng tỏ ý tán đồng. Nguyễn Hữu Dật lại đi tiếp ra châu Nam Bố Chính, gặp Trấn thủ Phù Dương. Phù Dương kể hết tình hình Tiến quận công Lê Văn Hiểu ở Đàng Ngoài thường gửi quân quấy rối. Nguyễn Hữu Tiến đem hết tình hình về bẩm lại với chúa. Chúa Hiền nổi giận bừng bừng, đã toan cất quân ra tiêu diệt Lê Văn Hiểu. Nhưng Nguyễn Hữu Dật lại khuyên nên thong thả để hoạch định sách lược. Chúa Hiền đành nén lòng chờ đợi.

Đến thượng tuần tháng Tư, chúa Hiền lại truyền lệnh cho các quan bàn kế sách bắt Lê Văn Hiểu. Nguyễn Hữu Dật nhờ quan truyền lệnh tâu lại với chúa Hiền, xin ban lệnh cho các quan từng người một vào trình bày kế sách của mình. Buổi sáng một người, buổi chiều một người, chứ không cho bàn định chung, để khỏi lộ bí mật. Chúa Hiền y theo lời xin. Các quan lần lượt vào trình bày. Có người khuyên đem quân đánh ra Nghệ An để bắt Lê Văn Hiểu, lại có người khuyên dùng thích khách để ám sát. Lời bàn định còn phân vân chưa ngã ngũ.

Chúa Hiền thì chỉ trông chờ nghe kế sách của Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Dật từng có kinh nghiệm đối phó với tình huống như thế. Thời tiên vương Nguyễn Phước Lan, ông từng bày kế trừ thủ tướng châu Bắc Bố Chính của Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt. Lần này, Nguyễn Hữu Dật cũng chủ trương dùng binh lực bắt Lê Văn Hiểu. Nhưng chuyện đó không phải dễ.

Lê Văn Hiểu đóng ở Dinh Cầu tại Hà Trung (nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), phía Bắc dãy núi Hoành Sơn. Muốn tiến được tới Hà Trung, quân Nguyễn phải vượt qua phòng tuyến của quân Trịnh ở phía Bắc sông Gianh và phía Nam Hoành Sơn. Đầu tiên là lớp phòng thủ của Mậu quận công Phạm Tất Toàn tại Ba Đồn (nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Kế đến là lớp phòng thủ của Hữu Trấn quân doanh của Đông quận công Lê Hữu Đức. Quân Trịnh bố trí nhiều vị trí trú phòng làm thế ỷ giốc hỗ trợ cho nhau. Làm thế nào quân Nguyễn có thể vượt qua những trở ngại này, tiến tới Dinh Cầu để bắt Lê Văn Hiểu? Để giải quyết bài toán này, Nguyễn Hữu Dật đề xuất hai kế sách: điệu hổ ly sơn đuổi rắn vào hang.

Thế nào gọi là điệu hổ ly sơn? Nguyễn Hữu Dật chủ trương dùng hai cánh quân thượng đạo và trung đạo tấn công Phạm Tất Toàn ở Ba Đồn trước. Chỗ này ở gần sông Gianh, quân Nguyễn có thể dễ dàng tiếp cận. Khi Phạm Tất Toàn bị nguy, ông ta sẽ cầu cứu Lê Văn Hiểu. Khi đó Lê Văn Hiểu sẽ phải bỏ Dinh Cầu để xuống phía nam ứng cứu.

Thế nào gọi là đuổi rắn vào hang? Nguyễn Hữu Dật đề xuất bố trí thêm một cánh quân hạ đạo để tấn công Lê Hữu Đức, đuổi quân ông này chạy vào Lũng Bông trên dãy Hoành Sơn. Chỗ này cũng là đường mà Lê Văn Hiểu phải đi qua để vào cứu Phạm Tất Toàn. Những hoạt động quân sự này sẽ xua quân Trịnh ở Nam Nghệ An vào một chỗ, khiến Dinh Cầu bị bỏ trống. Quân Nguyễn sẽ thừa lúc trống rỗng kéo vào chiếm lấy, cắt đứt đường lui của Lê Văn Hiểu. Như vậy có thể bắt sống được ông ta. 

Chúa Hiền hết sức vui mừng. Chúa nói:

– Khanh bàn việc binh có vẻ mầu nhiệm bất trắc như quỷ thần. Dù Tử Phòng, Bá Ôn cũng không hơn được.

Để giữ bí mật cho cuộc hành quân, Nguyễn Hữu Dật bẩm xin đưa toàn bộ dân Nam Bố Chính đi sửa kho Trường Dục, không ai được ở lại nhà. Các đồn canh dọc sông phải tuần phòng nghiêm ngặt, không cho ai vượt sông sang phía quân Trịnh, để tránh lộ sơ hở. Kho Trường Dục sửa xong sẽ dùng làm nơi tích trữ lương thực. Về phần thủy quân thì phải bố trí chiến thuyền ngoài biển, rồi phao tin có tàu ngoại quốc đánh cướp lương dân, nên phải cho thuyền đi tuần. Nguyễn Hữu Dật còn xin đặt đài lửa hiệu từ cửa Nhật Lệ đến cửa Tư Dung để báo tin. Chúa Hiền đồng ý tất thảy. Chúa phong cho Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế – đóng vai trò tổng chỉ huy quân đội; Nguyễn Hữu Dật làm Đốc chiến.

Nguyễn Hữu Dật nhận lệnh, đi ngay ra đạo Lưu Đồn ở Võ Xá gặp Nguyễn Hữu Tiến. Hai người lập tức xúc tiến những chi tiết trong kế hoạch. Ngày 13 tháng Tư, hai người ra lệnh đặt đài hỏa hiệu ở các cửa biển, thúc dân Nam Bố Chính đi sửa kho Trường Dục, tăng cường canh phòng. Binh lính các dinh Quảng Bình, dinh Bố Chính và dinh Cũ cũng nhận được lệnh triệu tập. 

Ngày 14 tháng Tư, chừng giờ Mùi [01 đến 03 giờ chiều], Nguyễn Hữu Dật mật truyền cho Trấn thủ dinh Quảng Bình là Nghĩa Lâm lấy 100 chiếc thuyền câu ở các xã Thủ Cừ, Động Hải để chở quân bộ ở dinh Quảng Bình. Lính thủy dinh Quảng Bình được lệnh đem hai mươi chiến thuyền đầy đủ khí giới đậu sẵn ở cửa biển Nhật Lệ, đợi có hiệu lệnh sẽ thủy bộ cùng tiến.

Lê Văn Hiểu lúc này đang ở Dinh Cầu. Ba ngày nữa là ngày giỗ phụ thân của ông. Lê Văn Hiểu đang tất bật chuẩn bị lễ cúng. Bấy giờ có viên triều quan người xã Thổ Sơn là quận Trạc tới thăm. Hai người nhân đêm trăng sáng cùng ngồi nói chuyện. Giữa lúc đó có đám mây đen từ phía Nam hình như mũi dao, đâm vào mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng thoáng chốc mờ tối. Quận Trạc trong lòng nghi hoặc, bèn hỏi Lê Văn Hiểu:

– Sáng nay Tả đô đốc định làm việc chi, mà lại chuẩn bị đồ lễ như thế?

Lê Văn Hiểu đáp:

– Ngày mười bảy tháng này là ngày phụ thân của tôi lâm chung. Quan san xa cách, công vụ tại thân, nhưng cái tình cha con ở trong lòng thực khó buông bỏ được. Vì vậy mới tạm soạn một chút cỗ bàn nho nhỏ, đến ngày đó cử hành, để tỏ lòng hiếu thảo.

Quận Trạc nói luôn:

– Hôm ấy chính là ngày giặc kéo vào thành. Tả đô đốc sẽ gặp nguy to, chứ có tỏ được lòng hiếu thảo đâu.

Lê Văn Hiểu giật mình, lớn tiếng hỏi:

– Như lời thầy nói thì giặc từ đâu ra?

Quận Trạc đáp:

– Từ phương Nam tới thôi.

Thế mới biết Nguyễn Hữu Dật tính được thế đất, đoán được lòng người, nhưng quên nghĩ cách che giấu điềm trời. Sự việc cuối cùng lại bị phía Trịnh đoán trước. Rốt cuộc Lê Văn Hiểu sẽ đối phó ra sao?

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Thiết kế và dàn trang: Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share