Chuyện bánh Mặt Trăng của người Tu Dí

Tác giả xnghiem
Chuyện bánh Mặt Trăng của người Tu Dí

“Sâu bò lượn hàng, mùa lụi tàn,
Đồng xanh cúng nguyệt, nguyện yên hàn.
Thần ban phúc, lúa vàng ngọc,
Trời đất sáng, quê rạng ngàn.”

Gió thổi nhè nhẹ thổi mà rét đến độ cắt được thịt da của con người. Đêm về trả lại bản làng của người Tu Dí ở chỗ núi rừng Tây Bắc một vẻ gì đó ớn lạnh sống lưng: không biết bao giờ sẽ có con hổ nhào ra từ rừng sau để trêu con người rồi bỏ đi để lại là một bản làng hốt hoảng vì có người bị hổ vồ, hay không biết có ai bị lạc trong rừng nghe tiếng ai đó gọi tên. Sâu trong góc bản, có tiếng gia chủ của nhà nào đó đang đọc văn khấn thần mặt trăng

Nghe nói là con gái họ ra coi nương, thấy sâu bò thành hàng. Gia chủ tức tốc chạy sang nhà thầy Mo ở cuối làng. Ông thầy Mo ngồi lấy ngày sinh, so chiếu sổ sách, nói nhà con năm nay có hạn, về nhà làm Châng Can Pa dâng lên mặt trăng thì có cơ may thần không thả sâu xuống cho mùa màng bội thu.

Với người dân tộc Tu Dí, mặt trăng là ông (nên gọi là ông trăng Thải giẳng), quan niệm mặt trời là bà (bà mặt trời Dề làng cô cô). Một năm ông trăng và bà mặt trời chỉ gặp nhau một lần vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Do đó người Tu Dí làm một chiếc bánh to giống hình mặt trăng đặt trên mâm cúng ngoài hè hoặc trước sân của mỗi gia đình, trên mâm còn bày hoa quả, kẹo bánh, hương rượu. Châng Can Pa chính là lễ vật được người Tu Dí dùng để dâng lên thần mặt trăng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Về sau, bánh trở một thức quà được chế biến và dâng cúng mỗi dịp 15/08 âm lịch hằng năm. Từ đó, món bánh này trở thành thức quà đặc biệt ngày “trung thu” của đồng bào dân tộc Tu Dí.

Bánh Châng Can Pa (Nguồn: Đài truyền hình THLC)

Để làm ra chiếc bánh Châng Can Pa cho kịp cúng ông Trăng vào 15/8 âm, người Tu Dí đã phải chuẩn bị từ sớm. Cùng với gạo tẻ, gạo nếp là thành quả của một năm quần quật là thức quà chủ yếu của người dân tộc nơi đây. Từ hạt thóc còn nguyên cám đến khi thành cây lúa nếp trổ đòng đòng rồi thành gạo nếp trắng tinh, được để dành từ mùa vụ năm trước rồi thành món bánh Châng Can Pa đem dâng lên cúng thần. 

Bà má lấy gạo nếp ra đãi sạch, xay thành bột trộn lẫn với nước. Trộn bột là công đoạn khó nhất. Người ta phải tính toán lượng nước sao cho khéo, vừa đủ để bột không bị khô hay ướt quá. Nếu bột khô, khi hấp sẽ dầy, khó chín, còn bột ướt sẽ làm món ăn bị nhão.

Đôi tay người con gái Tu Dí nhào bột cứ thoăn thoắt trong chiếc váy áo sặc sỡ màu xanh thiên thanh, chen vào những sọc ngang màu đen với những họa tiết sặc sỡ. Dịp đặc biệt, nên người thiếu nữ cố tình lựa chọn bộ trang phục đẹp nhất trong tủ áo. Vừa làm bánh, cô vừa líu lo kể về họa tiết trên chiếc áo. Cô nói cô mất 1-2 tháng mới xong bộ họa tiết cho váy áo. Cô chỉ vào những trang sức bằng bạc, dạng xích và khăn đội đầu màu đen, viền thêu hoa văn đi kèm với bộ trang phục cô đang mặc. Những trang sức này đều có hình con bướm. Cô kể rằng hình con bướm là do xuất phát từ truyền thuyết về một đôi nam nữ yêu nhau, sau khi qua đời đã hóa thành cặp bướm bay đi. 

Thì ra, những trang sức này đều có hai con đính với nhau, một con to tượng trưng cho người đàn ông, một con nhỏ tượng trưng cho người phụ nữ. Thỉnh thoảng, trong lúc xoay người đi làm công việc khác, tiếng trang sức va vào nhau kêu leng keng như tiếng chuông gió trong buổi chiều lộng cũng làm cho tâm trạng của người đứng bếp bớt đi phần nào cộc cằn. 

Nhào bột xong thì cho một gạo nếp vào chõ, đồ cho chín thành xôi rồi mới thả từng lớp bột bánh vào, lớp bánh này chín xong mới thả tiếp lớp bột bánh khác vào cho chín dần. Thỉnh thoảng, có đứa con gái vụng, chất bánh thành nhiều lớp cao quá, hơi không lên được nên bánh ở trên miệng chõ không chín thì bị người mẹ rầy.

Người phụ nữ Tu Dí chuẩn bị làm bánh (Nguồn: Đài truyền hình THLC)

Bánh chín hết, bà chủ nhà lấy bánh đặt ra một chiếc mẹt rồi đặt trên mâm cúng. Mâm cúng bày ở ngoài sân nhà, vào khoảng 8 giờ tối mặt trăng đang lên, gia chủ tiến hành dâng lễ vật là đồ chay (không có đồ dính mỡ) gồm bánh mặt trăng, hoa quả, bánh kẹo và rượu, hương, tiền vàng.

Người đàn ông Tu Dí mặt đăm chiêu, ráng nhớ bài khấn để không đọc sai. Trong chiếc áo cổ viền và quần lá tỏa màu chàm bằng vải tự dệt, ông quỳ xuống trước bàn thờ, lầm rầm cầu khấn cho một năm mưa thuận gió hòa. Mỗi dịp lễ hội, mà dịp “trung thu” này cũng không ngoại lệ, người ta hay mời họ hàng, bạn bè các dân tộc ở xa đến để cùng giao lưu nói chuyện, hát đối, hát giao duyên. Thanh niên từ làng bên đến chơi sẽ được các cô gái đón ngay từ cổng làng. Muốn vào chơi thì các anh chàng phải hát đối lại được các cô gái:

Hôm qua nằm mơ hoa nở thắm,
Hôm nay mắt nhảy thấy anh về.
Mắt nhảy thấy anh đến gần kề,
Như thần tiên xuống đây một dặm.

Trước khi ăn, gia chủ dâng bánh cúng tổ tiên, mời tổ tiên chứng kiến lễ sinh nhật của con cháu. Tổ tiên được thưởng thức bánh trước, sau đó mới đến phần con cháu thụ lộc. Cái bánh tròn tròn, dẻo dẻo, nóng bỏng tay bởi mới ra lò thơm ngon mùi vị của gạo nếp. Lỡ mà có để bánh nguội cứng quá, mẹ mang đi nướng hay rán lên lại thơm ngon như cũ, mà có khi còn ngon hơn do có thêm cái mùi dầu mỡ, mùi gạo nếp cháy xém. Cái bánh nhỏ bé nhưng đã trở thành một phần ký ức của những đứa trẻ con người Tu Dí, cũng là nét đặc trưng của đồng bào dân tộc này.

Châng can pa không chỉ dùng để dâng lên mỗi dịp sinh nhật ông Trăng Thải giẳng, mà sau này còn dùng để dành ăn sinh nhật người. Phải chăng từ quan niệm sùng bái mặt trăng, người Tu Dí đã quay về với chính bản thân mình, con người cũng được nâng tầm lên ngang, nhập vào thiên nhiên, vũ trụ?

Chia sẻ câu chuyện này
Share