Cho đến khi những câu chuyện tưởng chừng như chỉ được nghe kể bất ngờ ập đến, ông tôi mới biết sợ ma là gì.
Chuyện là lần nọ có ghe chở gạo đi từ Tiền Giang về Năm Căn. Lúc chiều, ghe đến một ngã ba. Từ ngã ba đó đến sông Năm Căn còn chừng hơn ba mươi cây. Bỗng nhiên lúc đó nổi lên trận cuồng phong, mây đen kéo mù trời. Trong phút chốc, ông tôi đánh lái lộn vào hướng khác hướng định đi. Hai người trên ghe đều không biết mình lộn đường. Phần vì nhánh sông nào cũng đều toàn cây cả, phần vì đường này họ ít đi. Với lại, ông kể, khi đó có cảm giác như tâm trí mình bị tấm khăn trùm lên vậy.
Ghe chạy một đoạn khá dài họ mới thấy sai sai. Trời cũng đã tối. Khúc sông này quanh co hiểm hóc, dễ va phải cây hay mắc cạn nên đành dừng lại, đợi đến sáng đi sẽ tiện hơn. Đó là một đêm âm u, không trăng, chỉ có ánh sao le lói. Xung quanh chốc chốc vang lên tiếng con gì đi ăn đêm cùng ếch nhái vọng lại từ những hàng dừa nước mọc đầy hai bên sông. Lúc nhìn lên bờ, thấp thoáng sau rặng dừa nước, ông tôi thấy có ánh lửa. Có vẻ như ở đó là thôn xóm. Ông tôi bảo người bạn ở lại coi ghe, để mình đến hỏi đường. Trước khi lên bờ, bạn ông bảo:
– Làm nghề này chớ nên coi thường quỷ thần. Huống hồ nơi này còn là rừng, ma độc thú dữ chắc cũng không thiếu. Mày lấy chân nhang để vô túi áo, có chuyện không lành thì chạy nhanh về đây la lớn, tao sẽ biết!
Ông tôi tuy cả gan, nhưng phần nào lời người bạn kia nói cũng có lý. Ông ra sau lái, khấn vái vài câu rồi lấy một ít chân nhang từ lư hương. Trên các ghe loại này thường có một bàn thờ. Dân đi ghe gọi là bàn thờ Bà Cậu. Ông nhét chân nhang vào túi áo. Đoạn, ông lấy theo cây rựa, giắt bên người rồi cầm đuốc phóng lên bờ. Phía sau hàng dừa nước cũng có con đường mòn khá dễ đi. Đúng là phía xa thấp thoáng vài túp lều tranh. Một khoảnh sân rộng bày ra trước những túp lều, xung quanh là một nhóm người đang đốt lên đống lửa.
Càng lại gần, mùi thịt nướng càng đậm đà ngào ngạt khiến ông tôi rất thèm. Hình như mọi người đang lễ cúng gì đó. Thấy ông tôi tới, dân làng đồng loạt quay qua, vẻ mặt hết sức trang nghiêm. Ông vội xin lỗi, kể rõ sự tình rồi hỏi đường về Năm Căn. Lúc đó, trưởng làng hồ hởi ra tiếp. Làng này có tập tục thờ Kim Thử Quân, nghĩa là con chuột thần. Hôm nay là ngày vía của nó. Dân làng đang tụng kinh thì thấy ông đến, họ còn sợ là thổ phỉ. Lý do là những năm 40, từ vùng Vàm Rau Răm xứ Tiền Giang trở về sông Hậu, ai còn lạ gì tướng cướp Đơn Hùng Tín.
Lâu quá mới có khách ghé làng, họ tiếp đãi hết sức nồng hậu, rượu thịt ê hề. Chừng vài tuần rượu, cũng đã ngà say, ông tôi có kể là đi chung với một người bạn. Trưởng thôn hết sức khẩn khoản, kêu ông tôi mời bạn lên chơi cho vui. Ban đầu ông cũng năm lần bảy lượt từ chối, nhưng họ mời nhiệt tình quá, thấy ai cũng vui vẻ, ông tôi mới nói là để ra kêu người bạn ấy lên. Vị trưởng làng đạo mạo nói:
– Vùng này tối tăm, nhiều rắn rết. Bậu đi một mình qua không yên tâm!
Dặn vậy rồi liền cử thêm hai thanh niên hộ tống ông tôi ra ghe.
Đường ra lúc này hơi khó đi vì ông tôi đã say. Vô tình thế nào lại vấp té, chân nhang trong túi đâm vào da, rồi văng cả ra ngoài. Dù gì cũng là thanh niên trai tráng, da thịt rắn chắc, nhưng không hiểu sao cú đâm của mấy cái chân nhang lại làm ông tôi đau điếng, suýt nữa đã hét thành tiếng nếu không vì ngại hai cậu thanh niên đi theo. Lồm cồm bò dậy, khi nhìn vào hai người bên cạnh, ông mới phát hiện chẳng hề có thanh niên nào cả. Trước mắt ông là hai con chuột to như con trâu, đứng bằng hai chân sau, cái đuôi gớm ghiếc đang vẫy vẫy!