Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 1: Lò mổ của Lão Sái

Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 1: Lò mổ của Lão Sái

Cửu Long Quái Sự Ký 1 – Lò mổ của Lão Sái

cuu-long-quai-su-ky-than-ty-thin

Cuối thế kỷ 19, miền Nam đón một lượng khá đông người Hoa từ Trung Quốc sang định cư. Phần vì tình hình xã hội bất ổn bên Trung Quốc lúc đó, phần vì những người bà con của họ sang đất miền Tây Việt Nam có cuộc sống dễ chịu hơn nên biên thư về cố hương. Trong những người đi đợt ấy, có tổ nội của tôi. Họ đem theo phần nào đó văn hóa và cách sống quê cũ, hòa trộn nó với bản sắc địa phương, cho ra đời một nền lề lối đậm chất vùng đất mới.

Tôi có nguồn gốc từ những người được gọi là Minh Hương. Tuy nhiên, do thời gian chảy trôi không ngừng, đến lúc này trên chứng minh nhân dân, nghiễm nhiên tôi có quốc tịch Việt Nam, dân tộc Kinh, vẫn được gọi là hậu duệ của con rồng cháu tiên. Nói nào ngay, tôi rất tự hào vì chuyện đó.

Còn nhớ những lần tôi nghe ông nội kể về ngày tháng mới sang, rằng cuộc sống tuy hơi khó khăn, chủ yếu về mặt ngôn ngữ và văn hóa, nhưng cũng tạm gọi là thoải mái. Lúc ông còn nhỏ, cố nội của tôi – tức ba của ông – gửi ông học nghề từ một người bà con, làm việc chạy vặt trong lò mổ heo. Tiếng kêu la thảm thiết của những con vật đáng thương đó, buồn thay lại là một trang ký ức tuổi thơ của ông nội.

Từ sáng sớm, khoảng hai ba giờ, người ta chọc tiết heo để kịp thịt tươi cho phiên chợ sớm. Những lần đầu chứng kiến, ông rất sợ, thậm chí là ám ảnh nặng, bởi vì chúng cũng có cảm xúc, cũng vùng vẫy y hệt con người. Có khi, ông thấy chúng còn khóc lóc như van xin nài nỉ, nhưng cây dao bầu nặng trịch trong tay người đồ tể vẫn thọc thẳng vào cổ, huyết bắn ra tung tóe.

Rồi từ từ ông tôi cũng quen. 

Làm nghề chừng bốn năm năm, ông quyết định không làm nữa. Chuyện đó mỗi lần kể lại, ông vẫn còn sợ, một nỗi sợ miên man mang tên nhân quả báo ứng. Chả là trong lò mổ, có một ông đồ tể gọi là Lão Sái. Lão Sái hành nghề hơn ba mươi năm, đầu trọc lưa thưa vài sợi tóc, tai to mũi rộng, có người hay chọc ổng nhìn y như Trư Bát Giới

Lão Sái chọc tiết không dưới hai vạn con heo bằng đôi tay của mình. Lão ta lành nghề, đưa dao rất điệu nghệ, xả thịt nhẹ như không. Trong lò mổ, ai cũng khen tấm khen tắc. Khi làm việc, mặt lão không hề có chút biểu cảm, trơ ra trước tiếng kêu la và máu tanh. Với lại, lão cũng rất bặm trợn và cộc tính, có lẽ là do thói quen nghề nghiệp. 

Đến hôm nọ, mẹ nuôi lão qua đời. 

Lão Sái lúc nhỏ gia cảnh khó khăn, mất cha từ bé. Trong xóm có một người phụ nữ tuy không giàu có gì, nhưng thương tình đồng hương, góp tiền cho nhà lão sống qua ngày, rồi nhận lão làm con nuôi. Trước ngày mất ít lâu, người này có bảo lão thôi đừng làm nghề đồ tể nữa, nhưng lão nào có nghe. Đám tang, Lão Sái để tang vài ngày rồi cũng quay lại chọc tiết heo tiếp.

cuu-long-quai-su-ky-lo-mo-lao-sai

Bẵng đi vài tháng, đêm đó Lão Sái nằm mộng, thấy mẹ nuôi hiện về bảo ngày hôm sau hắn đừng thọc tiết con heo nào, kẻo giết ngay ân nhân. Vừa mơ tới đó thì vợ lão giục dậy để làm việc. Lão Sái như thường ngày, vào chuồng bắt một con heo. Hôm nay có người đặt heo sữa quay nên lão lựa ra một con béo tốt. Con vật xấu số kêu lên những tràng thảm thiết. Nó giãy hết sức, nhưng càng giãy thì Lão Sái càng siết chặt tay, đè nó xuống.

Cửu Long Quái Sự Ký – Quả báo của Lão Sái – Lò mổ heo

Máu trào ra. Tiếng rống của con heo giảm dần rồi tắt lịm. Lão Sái thấy con heo như trào nước mắt, đầy vẻ căm thù. Chiều hôm đó, trên lúc ngồi đò dọc đi ra chợ thì đò gặp tai nạn, tông phải một chiếc ghe chở lúa. Lão Sái cùng vợ bị hất văng xuống sông. Một chiếc ghe chở gạo đi ngang gần đó vô tình làm sao đúng ngay chỗ vợ chồng lão vừa rơi xuống. Chỉ nghe tiếng chân vịt kêu những tiếng lạnh ngắt, bọt nước từ bánh lái túa ra một màu đỏ thẫm…

Dân tình xúm lại xem thi thể hai vợ chồng lão. Ai nấy đều nhăn mặt đầy sợ hãi. Trước mặt họ là hai thi thể bị chân vịt chém, nhưng phải nói đúng hơn là giống như họ bị xả thịt. Một đường chém dài từ cuống họng đến tận hạ bộ, đồ lòng còn vương lại chút ít, giống như… 

Giống như những con heo đã bị lão Sái thọc tiết, treo lên trong suốt ba mươi năm hành nghề. 

Có người bảo con heo sữa đó là vong hồn người mẹ nuôi đầu thai. Lão đã giết đi ân nhân của mình nên lãnh hậu quả báo ứng, sinh nghề tử nghiệp. Tuy nhiên, con heo đó kiếp trước có là ai đi nữa, đối với ông nội tôi cũng không quan trọng. Ông sợ sẽ đi theo vết xe đổ của Lão Sái, sợ có ngày không vượt qua được hai chữ quả báo như vậy. Thế rồi từ từ ông nhát tay hơn, đến khi chịu không nổi nữa thì ông nghỉ. Ông cố tôi cũng không trách mắng gì cả.

Cửu Long Quái Sự Ký – tiểu thuyết tâm linh kinh dị – truyện ma – truyện phiêu lưu 

Cho đến khi những câu chuyện tưởng chừng như chỉ được nghe kể bất ngờ ập đến, ông tôi mới biết sợ ma là gì. 

Chuyện là lần nọ có ghe chở gạo đi từ Tiền Giang về Năm Căn. Lúc chiều, ghe đến một ngã ba. Từ ngã ba đó đến sông Năm Căn còn chừng hơn ba mươi cây. Bỗng nhiên lúc đó nổi lên trận cuồng phong, mây đen kéo mù trời. Trong phút chốc, ông tôi đánh lái lộn vào hướng khác hướng định đi. Hai người trên ghe đều không biết mình lộn đường. Phần vì nhánh sông nào cũng đều toàn cây cả, phần vì đường này họ ít đi. Với lại, ông kể, khi đó có cảm giác như tâm trí mình bị tấm khăn trùm lên vậy.

Ghe chạy một đoạn khá dài họ mới thấy sai sai. Trời cũng đã tối. Khúc sông này quanh co hiểm hóc, dễ va phải cây hay mắc cạn nên đành dừng lại, đợi đến sáng đi sẽ tiện hơn. Đó là một đêm âm u, không trăng, chỉ có ánh sao le lói. Xung quanh chốc chốc vang lên tiếng con gì đi ăn đêm cùng ếch nhái vọng lại từ những hàng dừa nước mọc đầy hai bên sông. Lúc nhìn lên bờ, thấp thoáng sau rặng dừa nước, ông tôi thấy có ánh lửa. Có vẻ như ở đó là thôn xóm. Ông tôi bảo người bạn ở lại coi ghe, để mình đến hỏi đường. Trước khi lên bờ, bạn ông bảo:

– Làm nghề này chớ nên coi thường quỷ thần. Huống hồ nơi này còn là rừng, ma độc thú dữ chắc cũng không thiếu. Mày lấy chân nhang để vô túi áo, có chuyện không lành thì chạy nhanh về đây la lớn, tao sẽ biết!

Ông tôi tuy cả gan, nhưng phần nào lời người bạn kia nói cũng có lý. Ông ra sau lái, khấn vái vài câu rồi lấy một ít chân nhang từ lư hương. Trên các ghe loại này thường có một bàn thờ. Dân đi ghe gọi là bàn thờ Bà Cậu. Ông nhét chân nhang vào túi áo. Đoạn, ông lấy theo cây rựa, giắt bên người rồi cầm đuốc phóng lên bờ. Phía sau hàng dừa nước cũng có con đường mòn khá dễ đi. Đúng là phía xa thấp thoáng vài túp lều tranh. Một khoảnh sân rộng bày ra trước những túp lều, xung quanh là một nhóm người đang đốt lên đống lửa.

Càng lại gần, mùi thịt nướng càng đậm đà ngào ngạt khiến ông tôi rất thèm. Hình như mọi người đang lễ cúng gì đó. Thấy ông tôi tới, dân làng đồng loạt quay qua, vẻ mặt hết sức trang nghiêm. Ông vội xin lỗi, kể rõ sự tình rồi hỏi đường về Năm Căn. Lúc đó, trưởng làng hồ hởi ra tiếp. Làng này có tập tục thờ Kim Thử Quân, nghĩa là con chuột thần. Hôm nay là ngày vía của nó. Dân làng đang tụng kinh thì thấy ông đến, họ còn sợ là thổ phỉ. Lý do là những năm 40, từ vùng Vàm Rau Răm xứ Tiền Giang trở về sông Hậu, ai còn lạ gì tướng cướp Đơn Hùng Tín

Lâu quá mới có khách ghé làng, họ tiếp đãi hết sức nồng hậu, rượu thịt ê hề. Chừng vài tuần rượu, cũng đã ngà say, ông tôi có kể là đi chung với một người bạn. Trưởng thôn hết sức khẩn khoản, kêu ông tôi mời bạn lên chơi cho vui. Ban đầu ông cũng năm lần bảy lượt từ chối, nhưng họ mời nhiệt tình quá, thấy ai cũng vui vẻ, ông tôi mới nói là để ra kêu người bạn ấy lên. Vị trưởng làng đạo mạo nói: 

– Vùng này tối tăm, nhiều rắn rết. Bậu đi một mình qua không yên tâm! 

Dặn vậy rồi liền cử thêm hai thanh niên hộ tống ông tôi ra ghe. 

Đường ra lúc này hơi khó đi vì ông tôi đã say. Vô tình thế nào lại vấp té, chân nhang trong túi đâm vào da, rồi văng cả ra ngoài. Dù gì cũng là thanh niên trai tráng, da thịt rắn chắc, nhưng không hiểu sao cú đâm của mấy cái chân nhang lại làm ông tôi đau điếng, suýt nữa đã hét thành tiếng nếu không vì ngại hai cậu thanh niên đi theo. Lồm cồm bò dậy, khi nhìn vào hai người bên cạnh, ông mới phát hiện chẳng hề có thanh niên nào cả. Trước mắt ông là hai con chuột to như con trâu, đứng bằng hai chân sau, cái đuôi gớm ghiếc đang vẫy vẫy!

cuu-long-quai-su-ky-lo-mo-lao-sai_vua-chuot_rat-collage
cuu-long-quai-su-ky-vua-chuot

Cũng may lúc đó chúng đang quay sang nhau cười, và còn ghê hơn khi bọn yêu tinh này còn nói được tiếng người. Con bên trái ông bảo:

– Lão thúc, chưa gì đã say, sao cùng chúng tôi uống đến sáng đây?

Con còn lại cũng cất lên tràng cười chít chít như chuột kêu, nói: 

– Hay là lão thúc mượn cớ để lên ghe ngủ khì một giấc vậy?

Nếu không có những ngày tháng làm đồ tể, có lẽ ông tôi đã run bắn người mà bại lộ rồi. Nhưng cũng may, khi đó ông hết sức bình tĩnh. Xác định mình đã lọt vào ổ yêu tinh, phen này muốn thoát chỉ có cách lừa bọn chúng để khỏi bị ăn thịt. 

Ông tôi cười khà, cố nén sợ, tỏ ra bình tĩnh và bảo: 

– Chư huynh chớ có đùa, mỗ tôi còn uống sung lắm, nhưng để mỗ tôi đi tiểu tiện cái đã, không thôi chưa ra đến nơi thì mỗ tôi chắc chết vì mót tiểu chứ chưa cần say!

Hai con chuột tinh không mảy may nghi ngờ, để ông tôi vô bụi rậm “hành sự”. Thấy thời cơ đến, ông vòng qua bụi rậm, chạy hết sức về bến ghe đậu. Vừa thấy hàng dừa nước, ông tôi la lên thất thanh. Không phải để làm ám hiệu với người bạn trên ghe, mà vì hai con chuột tinh lù lù đu trên đọt cây dừa nước, phóng xuống chắn ngang đường…

Trước tình huống thập tử nhất sinh này, liệu ông tôi sẽ làm cách nào để thoát thân khỏi ổ yêu quái? Mời bạn xem kỳ sau sẽ rõ.

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Artist Lê Minh & Minh Thảo Võ
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

 

Share