[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 13: Đêm hãi hùng trong ngôi cổ tự

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 13: Đêm hãi hùng trong ngôi cổ tự

Kỳ trước, sau một trận kịch chiến, cuối cùng chàng trai hạ được con Cự Tích Lĩnh, đã đến lúc thu hoạch chiến lợi phẩm.

Ban sáng khi lên núi xem xét, biết được trên này có một con Cự Tích Lĩnh, nhưng không biết nó trốn ở đâu, anh đành bày mưu kế bắt giết nó. Vì anh biết để một con Tích Lĩnh thường trở thành loài Cự Tích thì hẳn là nó đã nuốt được bảo vật. Vả lại lúc anh đi ngang đình, nhận thấy kiến trúc nơi đây rất khác lạ. Chỉ là một mái đình nhưng lại tuân theo phong thủy mộ táng bậc đế vương đến lạ lùng. Chàng trai kết luận rằng ngôi đình đó hẳn là nơi nằm lại của một cao nhân nào đó. Theo lý thuyết về các lăng mộ bình thường, vị trí vào huyệt tương ứng ở đình này chính là ở cái lư hương lớn. Anh đoan chắc dưới cái lư hẳn có thứ quý giá, cho nên một công ba việc, vừa trừ hại cho dân vừa có được hai bảo vật.

Chờ con quái chết hẳn, anh rạch phần bụng nó ra. Trong bao tử nó vẫn còn bầy nhầy thịt người chưa phân hủy, mùi hôi thối nồng nặc. Anh ta lấy gậy bới ra một hồi thì thấy có gì đó như cái kén, dính chặt vào thành bao tử con quái. Cắt lớp kén ra, bên trong nó có một lớp đá lấp lánh. Vừa nhìn thấy nó, anh ta hết sức ngạc nhiên, cực phẩm trong dân gian tên gọi đá Hổ Tủy. Nó kỳ thực là phần xương mọc thừa ở những con hổ lâu năm. Phần xương này lẫn vào các tinh thể lấp lánh trong suốt như thủy tinh nhưng cứng chắc vô cùng. Anh giơ viên đá ra, cẩn thận gói vào tấm da, rồi thản nhiên nằm đó ngủ.

Hôm sau đúng hẹn, giờ Thìn, dân làng đứng đầy cả sân đình. Đêm qua chắc ai cũng được một phen hú vía khi nghe tiếng gầm thét vang trời của con quái, họ cũng phần nào tin tưởng người tráng sĩ đã thành công vì sau đó không còn nghe tiếng hát nữa. Ba khắc vừa điểm, từ xa xa, dân làng đã thấy vóc dáng thư sinh của anh chàng nọ. Dù vác theo một vật to lù lù sau lưng, anh vẫn đi rất nhẹ nhàng. 

Anh đặt cái đầu của con quái giữa sân đình. Trẻ em khóc thét còn đàn bà không ai dám nhìn. Chỉ có mấy tay thanh niên tò mò đến gần xem xét kỹ. Thấy mọi người đông đủ, chàng trai trẻ kể lại chuyện diệt yêu quái trên núi ra sao. Ai cũng trầm trồ kinh ngạc. Vị quan trấn hết sức vui mừng, mời chàng trai trẻ ở lại làng ít lâu, nhưng anh ta nhất mực đòi đi, liền xin quan và làng lấy vật báu như ước hẹn. 

Họ kéo nhau vào sảnh. Nơi đặt chiếc lư đồng đường kính cũng phải năm tấc, vậy mà anh nhấc nó lên như không. Dưới cái lư đồng là một hốc đá. Bên trong chỉ có một khúc gỗ. Ông quan và mọi người tỏ ra khó hiểu lắm. Anh chàng nọ thì lại vui ra mặt, còn hơn nhặt được vàng, vội cáo từ mọi người. Trước lúc đi, vị quan có nói:

– Lý mỗ hết sức cảm tạ tráng sĩ. Nạn này không có tráng sĩ cứu giúp chẳng phải bá tánh phải lầm than hay sao. Công ơn của tráng sĩ, Lý mỗ không biết cảm tạ làm sao cho đặng! 

Vị tráng sĩ nói: 

– Gặp việc nghĩa thì nên ra tay cứu giúp, vốn là chuyện bình thường, quan ngài chớ nên suy nghĩ. Tuy nhiên, con quái này đã thành tinh. Ngài nên đem phần thân nó rồi làm thế này… 

Đoạn ghé tai nói nhỏ với quan trấn. Vị quan cung kính gật đầu, nói: 

– Chẳng hay cao danh quý tánh của tráng sĩ là chi?

Chàng trai trẻ đáp: 

– Tại hạ họ Võ, tên Kỳ Hưng, quan ngài chớ khách sáo. 

Nói rồi Võ Kỳ Hưng cầm khúc gỗ đi thẳng, thoắt cái đã chẳng thấy đâu. 

Sau đó, vị quan trấn theo lời của Kỳ Hưng xây một ngôi mộ nhỏ, dùng cọc kỳ nam chạm tượng Phật ghim vào tim, chôn chung với mèo để linh hồn con cự tích không quấy phá dân làng. Ở đó ông cho dựng một ngôi chùa Nam Tông vì lúc ấy bên Chân Lạp (Campuchia ngày nay) đang có chiến tranh, sư sãi di cư qua nhiều. Sau nhiều biến động thời cuộc, ngôi chùa ngày xưa không còn nữa. Trên phế tích của nó mọc lên ngôi chùa mới. Thế nhưng Thông và Hùng phán đoán phần mộ con thằn lằn kia hẳn vẫn còn bên dưới cùng với khúc kỳ nam.

Thông quay sang hỏi Hùng: 

– Rốt cuộc ông đạo sĩ kia tìm thấy vật gì nhỉ?

Hùng chỉ cười rồi nói: 

– Đợi đi, có dịp anh cho mày biết, chớ hiện giờ anh cũng không biết. 

Thông gật đầu rồi Hùng nói tiếp:

– Không ngờ chuyến này gom được nặng như vậy, nhưng không phải chuyện chơi. Giờ mà đào lên dễ gì người ta chịu. Với lại nhìn bùa với dây phép quấn thế kia anh cũng thấy rét quá. Đêm nay chắc đành phải tá túc ở chùa này rồi mới tính được. 

Thông đồng ý với kế hoạch này. Ngoài kia đã bắt đầu mưa. Trời này có khi mưa lớn đến sáng. Xung quanh là đồng trống thì biết đi đâu được. Hai người họ gom đồ đạc, nhắm hướng chánh điện mà đi.

Khu nghĩa địa sau chùa này không hiểu sao lại âm u hơn những khu nghĩa địa khác. Nó lạnh lẽo và ma quái với những tháp mộ Khmer xen lẫn mả kiểu người Kinh bình thường. Tất cả được phủ bởi lớp dây leo mỏng, dưới đất là cỏ rậm rạp chạy theo con đường nhỏ quanh co. Hùng quay sang dặn kỹ Thông lần nữa:

– Đêm nay mày phải để dao dưới gối. Giữa đêm dù có nghe thấy gì cũng không được quay lại nhìn, không ra khỏi chùa, khi đó cứ bình tâm niệm chú là được. Mày mà ra, tao có ba đầu sáu tay cũng không cứu mày được đâu

Thông tỏ vẻ nghi hoặc. Thấy vậy Hùng tiếp lời: 

– Lúc nãy tao nói chuyến này vô đậm, lý do là vì nếu tìm được cái mộ dưới kia, khúc kỳ nam đáng giá cả gia tài đó. Tuy nhiên, xung quanh khu này không phải là người âm đơn thuần đâu, mà là quỷ rồi, âm khí nặng dữ lắm nặng. Mình mà quyết đào lên, tụi nó dễ gì tha mình được.

Làn sương mờ ảo từ từ tan bớt khi cả hai đặt chân vào cây cầu dẫn vào sân chánh điện. Cầu làm bằng đá thềm, hai bên lan can tạc hình rắn thần Naga, dưới bệ là hình Kim Sí Điểu dang cánh dùng tay nâng hết sức tỉ mỉ và sống động. Chùa xây theo kiểu Tàm Thực, quyên góp được bao nhiêu xây bấy nhiêu. Có thể thấy, ngoài chánh điện có lẽ đang xây dở dang thì các khu khác của chùa khá đơn điệu, nếu không muốn nói là sơ sài.

Trước điện là khoảng sân xi măng rộng, được chống đỡ bởi những cột đá khổng lồ dựng trên triền núi, mà xen kẽ trong đám cỏ dưới chân cột vẫn thấp thoáng những mộ tháp. Bao quanh sân vẫn là lan can với họa tiết rắn thần Naga và quái điểu. Tường chánh điện đang vẽ dở dang những bức bích họa về sự tích trong Phật Giáo. Cửa chính được làm từ gỗ bên, chạm khắc tinh xảo các vị thần, hộ pháp theo lối Bà La Môn kết hợp Nam Tông Phật Giáo. Do còn dang dở nên chỗ này chưa có đèn đóm gì cả. Trời tối một màu âm u tĩnh mịch. Thông phải bật đèn pin lên mới thấy đường đi. 

Cả hai còn đang loay hoay thì nghe tiếng người phía sau: 

– Hai người là ai vậy? Ở đâu tới đây làm gì?

Hùng và Thông quay ra sau, thì ra là một vị sãi trẻ, tay cầm bó nhang, dáng người gầy guộc, mắt lõm sâu trông như cả ngàn năm canh gác khu mộ này chưa một ngày được ngủ. Hùng chắp tay thi lễ rồi thành thực đáp lại: 

– Hai chúng tôi đang đi du lịch ngang vùng này, đến chân núi thấy chùa đẹp quá, định trú mưa sẵn xin một chỗ ngủ qua đêm, mong sư thầy giúp đỡ.

Vị sãi tuy tuổi đời hãy còn nhỏ, cặp mắt kia cũng tiều tụy nhưng ánh lên sự sắc sảo. Anh ta nhìn ngang bọn Thông, Hùng một thoáng. Dường như đã hiểu ra nhiều thứ, anh bèn nói: 

– Nếu chỉ xin ngủ lại thì không sao, nhưng tôi khuyên hai người chớ nên suy tính chuyện sai trái. Tôi không đảm bảo được mạng của hai người đâu.

Hùng cảm thấy cậu trai trẻ kia có vẻ đã biết hai người họ thuộc loại gì, nên anh cũng không úp mở nữa mà hỏi: 

– Ba núi có năm thần, thần nào quản núi nấy. Bảy sông có chín bá, mỗi bá trị một đoạn. Núi liền núi, sông liền sông. Núi sông này có bao nhiêu miễu biết hát?

Vị sãi kia lạnh lùng đáp lại: 

– Dưới nguồn sạch, trên nguồn sạch, cả dòng nước mặt trong. Không thấy đáy bùn, đò chìm thì nhiều nhưng không thấy người. Miễu biết hát thì có, nghe tiếng hát chứ chưa thấy miễu. Chỉ biết nhà tôi có sáu cây cột đã chìm.

Hùng khẽ cười hỏi tiếp: 

– Khách đi đò qua sông sâu, biết sông sâu sao không bắc cầu, hà cớ còn đốt nhang cho miễu?

Cậu kia tiếp lời: 

_Vốn dĩ chỉ đợi gió, không phải vì qua sông nên không cần cầu. Với lại thấy sông nhỏ nhưng làm cầu mới khó. Đành ngồi bên sông mà coi nhang khói cho miễu.

Nói đoạn, cậu cắm nhang vào các hốc dưới lan can rồi quay đi, trước khi quẹo vào góc khuất còn nói vọng lại: 

– Đêm nay mưa lớn, trăng tròn, mèo kêu quạ khóc chớ ra ngoài. Hy vọng hai vị bình an. 

Vị sãi trẻ khuất bóng sau con đường bên phái chính điện, tức đối diện với đường băng qua nghĩa địa mà Hùng và Thông đã lên. Ở đó có một gian nhà gỗ, chắc là nơi ở của cậu.

Thông ngơ ngác hỏi hồi nãy hai người nói gì sao anh chẳng hiểu. Hùng trả lời đó là tiếng lóng trong giới lục lâmmiền Tây, gọi là lục ngữ. Đó giờ chỉ săn lan ở miền ngoài tất nhiên Thông không biết, còn Hùng thì học từ một người bạn cũng là dân trong nghề. Thứ lục ngữ này vốn dành cho nhiều trường hợp khác nhau. Hôm nào rảnh Hùng sẽ kể tỉ mỉ hơn. Còn lúc nãy, ban đầu Hùng hỏi, ý là ở đây có nó  đúng không, bao nhiêu con. Cậu kia trả lời không biết bao nhiêu, nhưng cậu ta có sáu vị sư huynh cùng tu tại chùa đã bị bọn nó vật chết. Hùng mới hỏi tiếp ý là: cậu cũng là dân trong nghề, sao không cùng hiệp sức tiêu diệt nó; cậu ta đáp rằng không đủ sức, đành chờ thời cơ thôi, sẵn tiện canh gác chỗ này để nó không thoát ra ngoài. 

Sở dĩ Hùng nhận biết được cậu kia là dân trong giới, vì trên cánh tay của y có hình xăm Phục Ma Ấn Chú. Hùng chỉ biết được hình dạng của nó chứ sâu hơn thì không rõ, chỉ nhớ rằng gặp người có xăm kinh văn phù chú mà lại biết lục ngữ tuyệt nhiên không phải hạng người tầm thường. Hùng lại nhắc đến người bạn trong nghề kia, anh nghĩ chuyến này nếu có cô ấy theo thì tiện biết mấy.

Cả hai lọ mọ mở cửa chánh điện, để đồ ra sàn, nhóm lửa lên nấu ít nước nóng và ăn lương khô. Bên trong chánh điện rất rộng rãi, trần cao hơn chục mét, tường vẫn là những hình vẽ sự tích đức Phật và các hoạt cảnh sinh hoạt. Chính giữa là một bức tượng Phật Tổ tọa thiền đắp bằng xi măng. Họ đốt lửa bằng bếp cồn ở ngoài chính điện. Ăn uống xong xuôi cũng đã hơn tám giờ tối. Trời lúc này đã bắt đầu mưa như trút kèm theo giông rất lớn tựa hồ muốn thổi bay cả tòa điện. Họ lui vào trong. Hùng cẩn thận và rất nghiêm túc, bảo Thông đi kiểm tra và khóa chặt các lối ra vào. Xong xuôi, cả hai trải bạt ra ngủ dưới bức tượng Phật. 

Nguyễn vương Ánh và các sĩ quan Châu Âu

Bên ngoài, giông gió vẫn không ngớt kêu gào. Thông bỗng mở mắt ra, không biết anh thiếp đi tự lúc nào, định lấy điện thoại ra xem mấy giờ thì anh nghe bên ngoài vang lên tiếng như vật gì đó rất nặng đang bị kéo lê trên nền xi măng, kèm theo đó là tiếng thở phì phò

Tiếng phì phò nghe rất rõ mặc dù mưa vẫn dội ầm ầm bên ngoài, tựa hồ như sát bên tai. Đột nhiên, xung quanh im bặt, mưa ngừng rơi, gió ngừng thổi, cây ngừng xào xạc, giống như có thế lực nào đó giấu chánh điện này vô một cái thau khổng lồ. Lo sợ bị “ám” giống lúc chiều làm Thông như bị bóng đè, không thể cử động được, mặc dù anh biết chắc rằng bên ngoài đang là cái miễu biết hát. Anh định hét lên để gọi Hùng dậy thì một bàn tay lạnh ngắt từ phía sau bóp chặt miệng anh lại.

Bàn tay lạnh ngắt là của ai? Không lẽ đã ngủ ngay dưới tượng phật mà Hùng và Thông vẫn đụng phải ma quỷ? Mời các theo dõi kỳ sau sẽ rõ.

Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron
Share