Đại Việt thắng Nguyên Mông: Chiến thắng kiểu Pyrros

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Đại Việt thắng Nguyên Mông: Chiến thắng kiểu Pyrros

Việt Nam có lẽ là quốc gia hiếm hoi trên thế giới thắng đế quốc Mông Cổ (nhà Nguyên Mông) cả trên bộ lẫn dưới nước. Tuy nhiên, thường ta chỉ thấy những lời ca ngợi tung hô nhà Trần chứ ít khi hiểu thấu những cực khổ mà họ phải gánh chịu.

Khi người La Mã tiến đánh đất Hy Lạp, một vị vua tài năng tên Pyrros đã cầm quân đương đầu với đại địch. Pyrros thắng La Mã hai trận đánh lớn, nhưng mỗi trận thắng lại hao binh tổn tướng nhiều hơn. Bản thân Pyrros cũng không tránh khỏi thương tích.

Thêm một chiến thắng như vậy nữa với bọn giặc La Mã, chúng ta sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Pyrros cảm thán 

Thực tế, quân La Mã chịu thiệt hại nặng hơn quân Pyrros, nhưng La Mã rất giàu mạnh. Năng lực sản xuất và bổ sung quân lính vẫn còn nguyên vẹn. Thua chỗ nào gấp đôi chỗ đó. Còn Pyrros không đủ sức làm được như vậy. Ông vua Hy Lạp như lấy trứng chọi đá vậy.

Chiến tranh ngoài thực tế rất khác những gì chúng ta chơi trên game dàn trận. Nó là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố chiến lược, chiến thuật, hậu cần, kinh tế,… vân vân. Quân của anh có thể chiến đấu rất hăng hái, địch đến là đánh, nhưng hậu phương của anh lại không đủ nhân lực để sản xuất và cũng không đủ nhân đinh để thay thế tử sĩ. Kết quả là dù anh có thắng được đi nữa, cái giá phải trả là quá kinh khủng nên nó gần tương đương với một thất bại. Chiến thắng kiểu Pyrros ám chỉ một trận chiến thành công nhưng vốn liếng kẻ thắng cuộc lần lượt đội nón ra đi. Đến một ngưỡng nào đó kẻ thắng cuộc sẽ sụp đổ tan tành.

Nhà Trần cai trị Đại Việt – một quốc gia nhỏ bé nếu so với diện tích khổng lồ của Đại Nguyên. Để chống lại một kẻ thù quá mạnh như vậy, Đại Việt phải thực hiện rất nhiều chiến thuật liều lĩnh, cộng thêm một phần may mắn. Ta có thể liệt kê ra một số nỗi khổ mà nhà Trần phải gánh chịu.

Trận thư hùng giữa Pyrros và quân La Mã. (Ảnh: Story of the Romans - Helene Guerber)

Tiêu thổ kháng chiến

Khi nhà Trần áp dụng kế thanh dã, nghĩa là họ chấp nhận bấm nút tự hủy. Ngoài chuyện quân giặc tàn phá, quân ta còn phải tự tay đốt đi của cải để đẩy quân giặc vào cảnh thiếu thốn. Đây là một biện pháp chống trả rất cực đoan, mang tính đồng quy vu tận, nhưng lúc ấy chẳng còn cách nào tốt hơn. Chưa tính đến những làng mạc trải dọc Đại Việt, hai kinh Thăng Long và Thiên Trường đều tan hoang.

Mùa hạ, tháng 4, Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị Vệ (vì cung điện bấy giờ đã bị giặc đốt hết), đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn giảm theo mức độ khác nhau.

Đại Việt sử ký toàn thư

Chạy đua với thời gian

Để đánh nhau với Nguyên Mông, nhà Trần đưa cả nước vào thời chiến, các hoạt động kinh tế và sản xuất đều bị ngưng trệ. Tình huống xấu nhất là chính bản thân họ lại hết lương trước quân địch hoặc sức chịu đựng của quân lính tới ngưỡng giới hạn, khi này mới thật sự là thảm họa.

"Lúc đó, vua ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông, chiều rồi mà vẫn chưa ăn cơm sáng. Có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung"

Đại Việt sử ký toàn thư

Trong tình cảnh phải lẩn trốn khắp nơi, nay đây mai đó không ở yên một chỗ, lúc thì trú trong những hang động ở Ninh Bình, lúc lại lênh đênh ngoài biển, hoàng gia nhà Trần vừa phải lo nghĩ kế đuổi giặc càng nhanh càng tốt, vừa phải đảm bảo nguồn lương thực của mình không bị đứt đoạn và tinh thần quân sĩ không dao động. Một khi họ cạn lương, lòng người chán nản, chuyện binh lính đào ngũ ồ ạt là khó tránh khỏi.

Kinh nghiệm

Nhà Trần trải qua hòa bình đã 30 năm. Thế hệ tiếp theo đối diện với thử thách cực lớn sắp tới toàn những gương mặt rất trẻ. Đây cũng là khoảng thời gian Mông Cổ dồn sức chiếm hết giang sơn mênh mông nhà Tống.

Thành thật mà nói kinh nghiệm thực chiến của nhà Trần với các ngài Hưng Đạo vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương lúc ấy chưa thể dày dặn như một cỗ máy chiến tranh với dàn hảo thủ khét tiếng đã góp phần tiêu diệt cả đế chế Nam Tống như Toa Đô, Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Khoan Triệt, A Lý Hải Nha…

Phản bội

Không phải ai cũng tin tưởng vào khả năng chiến thắng. Quân đội nhà Nguyên thật sự rất mạnh và rất đáng sợ. Chưa kể, đối phương luôn đưa bổng lộc chức tước ra dụ dỗ nên nhiều người không cầm lòng nổi. Thành ra nhà Trần ngoài việc đánh giặc còn phải đối phó với chính nội bộ của mình.

Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng.

Đại Việt sử ký toàn thư

Việc một quý tộc cao cấp như Trần Kiện đầu hàng rồi chỉ điểm cho quân Nguyên gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Xin nhấn mạnh, các quý tộc nhà Trần phản bội nguy hiểm hơn cả gián điệp giặc vì không ít kẻ trong số đó từng góp mặt ở hội nghị quân sự Bình Than, hiển nhiên là nắm được kế hoạch của quân Việt. Ngoài trình độ tình báo và lên chiến lược tuyệt vời của nhà Trần, ta không thể không cảm thấy có chút “tâm linh” theo kiểu tổ tiên phù hộ. Hãy nhớ vua tôi nhà Tống đã tuyệt vọng ôm nhau nhảy xuống biển trong Nhai Môn hải chiến thế nào.

Tái thiết đất nước sau chiến tranh

Sau chiến thắng, điều đầu tiên là những người dân còn sống sót phải trở về nhà, ổn định lại rồi mới bắt đầu sản xuất được. Thực tế, hai năm sau trận Bạch Đằng, Đại Việt trải qua một thảm họa kinh tế khác.

Đói to, 3 thăng gạo giá 1 quan tiền, dân nhiều người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi người giá 1 quan tiền.

Đại Việt sử ký toàn thư

Vết thương chiến tranh vẫn còn rỉ máu trong các trang sử mà nếu tinh ý ta sẽ nhận ra:

Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên, năm này, vết thương không thảm như năm trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó.

Đại Việt sử ký toàn thư

Cụm từ “không thảm như năm trước“, có nghĩa là đợt Nguyên Mông xâm lược lần 2 đưa nước ta vào cảnh vô cùng thê thảm. Sau khi Nguyên Mông xâm lược lần 3, nước ta rất khó khăn vì hai cuộc chiến liên tiếp:

Vua thân đi đánh Ai Lao. Triều thần can rằng: "Giặc Hồ vừa rút, vết thương chưa lành, đâu đã có thể dấy binh đao!"

Đại Việt sử ký toàn thư

Đại võ công của nhà Trần là chiến thắng kiểu Pyrros. Thắng nhưng phải chịu thiệt hại rất nặng nề vì chiến trường chính nằm ở ngay nhà ta. Cả nước trở thành một bãi chiến địa điêu tàn. Thực tế Hốt Tất Liệt đã muốn động binh đánh Đại Việt thêm lần nữa nhưng kế hoạch bị hủy bỏ vì Đại Hãn đột ngột qua đời.

Ta có thể liên hệ việc Miến Điện đánh thắng nhà Thanh thời Càn Long bốn lần, nhưng tướng Maha Thiha Thura vẫn phải nói sự thật:

“Các binh tướng, nếu chúng ta không cho giảng hòa, chúng sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc xâm lược nữa. Và một khi chúng ta đánh bại đạo quân đó, chúng sẽ gửi đến đạo quân tiếp theo.Nước ta không thể cứ đánh hết đạo quân Trung Hoa này đến đạo quân Trung Hoa khác, vì ta còn nhiều việc phải làm. Hãy ngưng cuộc tàn sát để dân họ và dân ta được sống trong thái bình”

Dù vậy, chuyện chàng David bé nhỏ đánh thắng được gã Goliath khổng lồ vẫn là một kỳ tích, vẫn xứng đáng để tự hào rằng nhà Trần là triều đại đệ nhất võ công của Việt Nam.

Nguyên Mông cố đổ xuống
Đại Việt quyết vùng lên
Một chí diệt quân Thát
Ba lần phá giặc Nguyên

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Lê Nhi
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share