Đế chế Khmer đạt đến thời hoàng kim dưới thời Suryavarman II và nhà vua bắt đầu cho xây dựng kinh đô Angkor.
Khi tìm hiểu về văn minh Khmer, tôi lại có cảm giác “người ngoài hành tinh” nhúng tay vào, giống như khi đọc về các nền văn minh Ai Cập và Nam Mỹ vậy. Nếu bạn không thể đi Ai Cập, cứ tới Campuchia để chứng kiến một nền văn minh cổ có một không hai.
Trước thời kỳ công nghiệp, không thành phố nào trên Trái Đất so sánh được với tầm vóc Angkor. Đế quốc Khmer sở hữu đô thị lớn nhất hành tinh từ thế kỷ 11 đến 13. Người ta không gọi Angkor là thành phố (city) mà là siêu thành phố (megacity). Diện tích của Angkor ngang ngửa Los Angeles của Mỹ và dân số đạt nửa triệu người. Chuyện bạn đạp xe 3 ngày 3 đêm quanh Angkor vẫn chưa xong thì đó là điều hoàn toàn bình thường. Đây có thể xem là nền văn minh vĩ đại nhất từng tồn tại ở Đông Nam Á, cả về diện tích lẫn di sản họ để lại.
Làm hướng dẫn viên khu vực Angkor thật sự không hề dễ dàng. Diện tích Angkor trải rộng đến 1000 km2, còn xếp sau nó, đứng nhì thế giới là Tikal thuộc nền văn minh Maya chỉ khoảng 100km2 vuông. Giữa thứ nhất và thứ nhì còn chênh lệch như vậy mới thấy sự phi thường của đế quốc Khmer. Chưa kể hệ thống kiến trúc chi chít chằng chịt, muốn nhớ hết đòi hỏi một lượng kiến thức khổng lồ.
Khu vực Angkor bao gồm hai di tích đáng chú ý:
Angkor Wat: Quần thể đền đài.
Angkor Thom: Kinh đô mới dưới thời Suryavarman VII.
Đầu tiên ta sẽ đề cập đến Angkor Wat. Người dân Campuchia thật sự tự hào với nền văn minh của họ, đặc biệt là di tích tôn giáo lớn nhất hành tinh: Angkor Wat. Ngôi đền này trải rộng đến 1,6km2. Ở vùng Đông Nam Á này, không một công trình nhân tạo nào đạt được tới tầm vóc của Angkor Wat dù nó đã được xây dựng hơn 900 năm trước.
Angkor Wat được mô phỏng dựa trên Meru trong thần thoại Ấn Độ. Meru là một ngọn núi có năm đỉnh nằm ở trung tâm vũ trụ, là nơi ngự trị của ba vị thần tối cao là Brahma (Sáng thế), Vishnu (Bảo hộ), Shiva (Huỷ diệt) và các bán thần Deva. Các vua Khmer đều mong muốn mình tạo dựng được thiên đường nơi trần thế., bởi một quân vương càng mang nhiều yếu tố thần thánh càng được dân chúng ngưỡng vọng. Lý thú ở chỗ, sau này Angkor Wat trở thành đền thờ Phật sau khi người Khmer đổi tôn giáo. Những bức tường của Angkor Wat như một cuốn truyện thần thoại khi nó khắc đầy những câu chuyện của cả Ấn giáo và Phật giáo.
Để xây dựng được Angkor Wat, nhân công phải chở đá từ núi Kulen về. Nếu Việt Nam mình có ngọn Tản Viên, thì Kulen cũng thiêng liêng như vậy với người Khmer. Lượng đá để xây dựng nên Angkor Wat lên đến 5 triệu tấn, nhiều hơn tất cả các kim tự tháp Ai Cập cộng lại. Mỗi khối đá nặng đến 1,5 tấn nên họ di chuyển chúng bằng thuyền bè, vượt hàng chục cây số kênh đào để đến địa điểm xây dựng.
Trước đó vua Suryavarman I đã lên trên đỉnh núi Kulen để ngăn nước lại. Ông ra lệnh tạo ra hàng ngàn chiếc Linga đều nhau tăm tắp dưới nước. Các nữ thần của Ấn Độ giáo cũng được chạm trổ đầy tinh vi. Nếu Angkor Wat cần 37 năm để hoàn thành, thì suối Ngàn Linga cần đến 1 thế kỷ. Người Khmer quan niệm rằng, nếu cho con nít tắm dưới dòng nước này, chúng sẽ rất mau lớn và khoẻ mạnh. Mọi so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên những khu vực nổi tiếng nhất hiện nay thuộc khu vực Đông Nam Á như quần thể kiến trúc cố đô Huế (Việt Nam), Borobudur (Indo), Bagan (Miến Điện), Wat Phra Kaew (Thái Lan), Phra That Luang (Lào),… cũng khó chạm tới được tầm vóc của quần thể Angkor Wat. Công trình gánh hơn 50% du lịch Campuchia hiện tại mất khoảng 35 năm để hoàn thành, với 30 vạn nhân công và hàng ngàn con voi.
Thiên văn học có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc Angkor Wat. Trên đền thờ chính có một đài quan sát Mặt Trời và Mặt Trăng. Trục tường ngoài xung quanh khu phức hợp chính xác bằng năm dương lịch tính và chu vi của nó bằng năm âm lịch, tính theo ngày. Tuy nhiên, Angkor Wat xoay mặt về hướng Tây. Đây là hiện tượng rất bất thường vì nó mâu thuẫn với văn hoá Hindu. Hướng Tây là hướng của cái chết. Các sử gia vẫn đang tranh cãi chí choé về vấn đề này nên tôi cũng chẳng dám kết luận.
"Ngôi đền [Angkor Wat] được hào nước bao quanh, và chỉ có thể đến đó qua một cây cầu duy nhất, hai bên có thần hổ bằng đá sừng sững hộ vệ khiến khách tham quan không khỏi tim đập chân run"
Nếu Angkor Wat được xây nên để tôn vinh thần Vishnu, thì Banteay Srei lại được dùng để thờ thần Shiva. Banteay Srei không to lớn nhưng đặc biệt. Nó là công trình nữ tính nhất và chỉ có phụ nữ mới được phép vào bên trong. Ngôi đền nữ tính ngay từ vẻ ngoài. Bạn sẽ có cảm giác tòa kiến trúc như được phủ một lớp son. Đó là vì nó được xây nên bằng sa thạch đỏ, quyến rũ như một món trang sức tô điểm cho kinh đô Angkor vốn đã lộng lẫy.
Tuy nhiên, thứ ấn tượng nhất mà bạn không thể bỏ qua chính là kim tự tháp Koh Ker. Nơi đây bạn phải dành hẳn một ngày để đi vì nó không nằm trong quần thể đền thờ. Koh Ker là cố đô trong thời gian ngắn trước khi trở lại Angkor và thứ đáng chú ý ở đây chính là ngọn kim tự tháp cao 40m.
Kim tự tháp ở những nền văn minh như Ai Cập và Maya đã quá nổi tiếng, nhưng Koh Ker là độc nhất vô nhị ở Đông Dương. Ngọn tháp này được xây dựng bằng đá núi lửa và sa thạch, chỉ có một cầu duy nhất dẫn lên đỉnh nhưng hoàn toàn không có lối vào. Nếu muốn thử vận may, bạn có thể đi vòng vòng để tìm một cánh cửa dưới lòng đất chẳng hạn. Kim tự tháp này để làm gì thì chẳng ai rõ, có thể là một hầm mộ, một nơi để thờ cúng, tế lễ hoặc thậm chí tập hợp năng lượng đất trời cho vua Khmer.
Mặc dù đã được nghe kể về sự đồ sộ của Angkor, nhưng khi tận mắt chứng kiến, tôi vẫn không khỏi choáng ngợp. Quần thể đền đài tọa lạc tại cố đô là một kiến trúc phi thường mà không giấy bút nào tả xiết, bởi vì nó không giống bất kỳ công trình nào khác trên thế giới. Khu vực Angkor rải đầy những tòa tháp, phủ lên trên nó là lối trang trí tuyệt mỹ và tô điểm thêm bằng tất cả sự tinh xảo mà con người có thể tưởng tượng ra.
Không phải đơn giản khi người Pháp biết đến sự tồn tại của khu đền tháp khổng lồ này, họ lại say mê nó như ngày đến vùng đất của Pharaoh. Dân Pháp với bản tính tò mò thì việc phát hiện một nền văn minh bí ẩn đồ sộ chìm khuất trong rừng thẳm có lẽ là một khoảnh khắc Eureka cực lớn.
Angkor phảng phất nét của thành phố vàng huyền thoại El Dorado mà người Tây Ban Nha đã xới tung châu Mỹ để tìm. Giả sử Angkor Wat vẫn còn nguyên vẹn lớp mạ vàng và những mảng màu sắc nguyên thủy thì nó còn đẹp tới cỡ nào. Thành phố vàng El Dorado chưa chắc có thật, chứ Angkor là thật 100%.
Với những gì tôi đã kể với bạn ở trên, chắc chắn ở thời hoàng kim của mình, Angkor là một nơi vô cùng tráng lệ. Nền văn minh của đế chế Khmer đủ sức sánh ngang với những gì nền văn minh phương Tây để lại cho nhân loại chúng ta, và thể hiện một sự tương phản đáng buồn cho lịch sử đẫm máu điêu tàn của đất nước này về sau.