Thời Phục hưng: Cầu nối đến thế giới hiện đại

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Thời Phục hưng: Cầu nối đến thế giới hiện đại

Thời Phục hưng là một giai đoạn mang tính bước ngoặt trong lịch sử loài người. Vậy bạn có thắc mắc tại sao nó mang tên Phục hưng và nó phục hưng điều gì không? 

Như đa số chúng ta đều đã biết, đế quốc nổi tiếng nhất phương Tây là La Mã. Ngày xưa La Mã là cường quốc cực mạnh, thống trị toàn bộ Địa Trung Hải. La Mã lần lượt thôn tính những nền văn minh cổ đại lừng lẫy như Hy Lạp và Ai Cập. Bên trong đế quốc này là gần hết châu Âu, một phần Trung Đông và vùng Bắc Phi. Tuy nhiên, La Mã không phải là vô đối.

Bản đồ La Mã ngày xưa.

Ở rìa ngoài đế chế là hàng trăm bộ tộc sinh sống. Người La Mã gọi họ là rợ Giéc-manh (Germanic). Tuy La Mã to lớn nhưng đó cũng chính là nhược điểm chết người của họ. Đến thời điểm quá khổng lồ, họ phân chia làm hai nửa là Tây và Đông La Mã. 

Khi Tây La Mã không thể quản lý được đất nước trơn tru, các bộ tộc rợ Giéc-manh lợi dụng thời cơ để xâm lấn ngày càng sâu vào lãnh thổ của đế chế. Cuối cùng, người rợ tấn công vào thẳng kinh đô Rome, chấm dứt cường quốc phương Tây lừng lẫy này. Giờ đây nửa phía Tây đã biến mất, chỉ còn nửa phía Đông tiếp tục giữ gìn di sản Hy – La.

Trên xác chết của Tây La Mã, những người rợ Giéc-manh phân chia nó ra làm nhiều vương quốc phong kiến. Phần lớn chúng sẽ hợp thành những quốc gia như Anh, Pháp, Đức về sau. Vấn đề khác biệt tôn giáo cũng gây nên những xung đột giữa các quốc gia non trẻ này và Đông La Mã già cỗi. Giai đoạn này được gọi là Trung cổ. Mãi gần 1000 năm sau, khi Đông La Mã bị đế quốc Ottoman tiêu diệt, một thời đại mới sắp sửa bắt đầu.

Bức tượng đồng La Mã mô tả một người đàn ông Đức với mái tóc thắt nút kiểu Suebian.
La Mã phân chia làm hai nửa là Tây và Đông La Mã.

Sự kiện kinh đô Constantinople của Đông La Mã bị một nước Hồi giáo chiếm đóng đã gây chấn động thiên hạ. Các học giả Đông La Mã chạy sang phương Tây tị nạn mang theo rất nhiều tàng thư bí tịch của La Mã và Hy Lạp. Giống như các đợt sóng lớn, những điều tưởng chừng thất truyền lại ào ạt tràn về phương Tây.

Thời Phục hưng đã nhen nhóm từ trước đó, nhưng sau sự kiện này, các học giả phương Tây được thỏa sức đắm mình trong nguồn tư liệu dồi dào về những kiến thức cổ xưa, khiến cho giai đoạn Phục hưng thật sự thăng hoa. Cho dễ hiểu, đó là phong trào tái sinh những giá trị cổ điển của các nền văn minh hàng ngàn năm trước, rõ nét nhất là các mảng kiến trúc, nghệ thuật và triết học.

Sự sụp đổ của Constantinople.

Thời Phục hưng bắt đầu tại Florence trên bán đảo Ý. Giả sử có dịp đến Florence, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy thành phố này mang đậm nét cổ điển phảng phất thời Hy Lạp – La Mã đến vậy. Đây là một thành phố giàu có được dòng họ Medici cai trị.

Đóng vai nhà đầu tư thiên thần, nhà Medici hào phóng vung tiền bảo trợ cho các tài năng. Họ giúp những người xuất chúng nhưng không đủ điều kiện tài chính có thể theo đuổi nghệ thuật. Trong số các thiên tài Phục hưng, nổi tiếng hàng đầu là Bộ ba thần thánh Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael. Dẫu tiền bạc không phải là tất cả, nhưng nếu đói quá thì cũng chẳng còn tâm trí đâu mà sáng tạo. Giống như nhà văn Vũ Trọng Phụng đã thốt lên đầy cay đắng trước khi mất: Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này.

Trước thời nhà Medici cai trị, Florence đã có truyền thống bảo trợ nghệ thuật. Dù vậy, ảnh hưởng của gia tộc hùng mạnh này đã tác động tích cực tới nhiều gia tộc khác, cùng với sự nở rộ của lớp người tinh hoa ngàn năm có một trên bán đảo Ý, đã tạo điều kiện cho quá trình Phục hưng bùng nổ mạnh mẽ như vậy. Nếu một nửa những công trình đỉnh nhất của nhân loại nằm ở Ý, thì một nửa trong số ở Ý lại nằm ngay Florence.

Nhờ thời Phục Hưng, Chủ nghĩa Nhân văn cũng nảy nở. Ta nên hiểu cụm từ này thế nào? Bán đảo Ý là nơi đặt trụ sở của Giáo hội Công giáo La Mã với quyền lực gần như vô hạn. Dưới ảnh hưởng của giáo hội, những điều xoay quanh tôn giáo mới là chính. Tuy nhiên, khi những giá trị cổ điển ngày xưa ùa về, người ta bắt đầu nhận ra nên tập trung nghiên cứu con người nhiều hơn. Do đặt con người ở vị trí trung tâm nên mới gọi là Nhân văn. Đó là lý do tại sao những bức tượng và tranh vẽ thời Phục hưng lại tôn lên hình ảnh con người cực kỳ sống động. Bạn thậm chí có thể nhìn rõ các đường gân tay hoặc sự mượt mà của mái tóc.

Chi tiết từ bức "Birth of Venus" - Sandro Botticelli.
Chi tiết từ Bức "Portrait of a Young Woman" - Sandro Botticelli.
Có thể nhìn rõ các đường gân tay trên những bức tượng thời Phục hưng.

Thời Phục hưng lại trùng hợp với sự ra đời của máy in cho nên ảnh hưởng của nó càng rộng khắp. Các ý tưởng khoa học và triết học theo sách vở lan ra mọi nơi. Nên nhớ trước đó sách vở rất hiếm vì toàn phải chép tay và không phải ai cũng tiếp cận được chúng. Thay đổi về lượng sẽ làm thay đổi về chất. Khi kiến thức càng phổ biến sẽ dẫn đến chuyện càng nhiều người tài giỏi xuất hiện để mở khóa thêm nhiều kiến thức mới hơn nữa. Thế giới đã vĩnh viễn thay đổi từ đó.

Thời Phục hưng là cầu nối quan trọng giữa thời Trung đại và thời Hiện đại. Phục hưng tái sinh các giá trị xưa nhưng kết hợp với những điều mới mẻ chứ không chỉ khư khư ôm lấy cái cũ. Nó thay đổi tư duy và quan điểm của người phương Tây, dẫn đến những cuộc Cách mạng Khoa học, Phong trào Khai sáng, Cách mạng Công nghiệp. Nhân loại là một giống loài thông minh và giai đoạn này đã làm chúng ta thông minh lên thêm một bậc nữa. Có lẽ thế giới ta đang sống sẽ rất khác hiện tại nếu thiếu vắng thời Phục hưng.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Lê Nhi

Researcher Hồ Đức 
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share