Đây chính là chỗ bất hợp lý trong những ghi chép của Đại Việt sử lược. Nếu năm 970 nhà Tống đã kết hiếu và phong vua Đinh Tiên Hoàng làm An Nam Quận Vương thì sao lại có chuyện một năm sau, Tống Thái Tổ gửi thư đe dọa như trên? Như vậy, nhà Đinh bắt đầu ngoại giao với phương Bắc từ khi nào?
Tân ngũ đại sử do Âu Dương Tu soạn năm 1053, phần Nam Hán thế gia viết:
“Năm [Đại Bảo] thứ tám [965], Ngô Xương Văn ở Giao Châu tốt [chết]. Phụ tá của y là Lữ Xử Bình cùng Thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh lập. Giao Chỉ loạn to. Người trong châu là Đinh Liễn cử binh đánh phá chúng. [Nam Hán] cho Liễn nhận chức Giao Châu Tiết độ“
Như vậy, theo ghi nhận của sử liệu này thì nhà Đinh đã sớm đặt quan hệ ngoại giao với nhà Nam Hán, nhưng người đứng ra giao thiệp lại là Nam Việt vương Đinh Liễn chứ không phải Đinh Tiên Hoàng.
Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 972, vua sai Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ sang Tống. Năm 973, Đinh Liễn trở về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương, Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ. Cùng một sự kiện, nhưng Tống sử lại ghi nhận sự khác biệt rất lớn:
“Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem quân đánh bại bọn Xử Bình, đảng giặc tan vỡ, trong địa bàn đều yên, dân Giao Châu cho là có ơn đức, bèn suy tôn Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng vương, đặt con trai là Liễn làm Tiết độ sứ. Được ba năm, thì nhượng vị cho Liễn. Liễn lập được bảy năm, nghe tin Lĩnh Biểu đã bình định, bèn sai sứ đến cống phương vật, dâng biểu nội phụ.
Triều đình xuống chỉ lấy Quyền Giao Châu Tiết độ sứ Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Lại chiếu lấy Tiến phụng Trịnh Tú, Vương Thiệu Tộ cùng làm Kiểm hiệu Tả tán kỵ thường thị kiêm Ngự sử đại phu”.
Qua những ghi chép của Tống sử, chúng ta có thể phân tích được những điểm đáng chú ý. Thứ nhất, phải chăng Đinh Tiên Hoàng sau ba năm làm vua đã nhường ngôi cho con là Đinh Liễn, còn mình làm Thái thượng hoàng? Thứ hai, đối với nhà Tống thì lúc này Đinh Liễn mới là người đứng đầu Giao Châu, vì vậy nên họ chỉ phong cho một mình Đinh Liễn. Thứ ba, người đi sứ Tống hoàn toàn không phải là Đinh Liễn như Ngô Sĩ Liên đã ghi chép mà là Trịnh Tú và Vương Thiệu Tộ.
Tống sử tiếp tục chép vào năm Khai Bảo thứ tám [975], Bộ Lĩnh sai sứ đến cống tê, voi, hương liệu. Triều đình bàn chuyện tăng sủng Bộ Lĩnh, ban cho Khai phủ đồng tam ty, Kiểm hiệu Thái sư, phong Giao Chỉ quận vương. Vậy là sau khi phong cho con là Đinh Liễn làm Tiết độ sứ vào năm 973, thì tới tận 2 năm sau nhà Tống mới phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Cách nhà Tống tăng sủng cho Đinh Bộ Lĩnh, cũng tương tự như các triều đại phong kiến phong chức hàm cho cha mẹ của các quan. Nghĩa là phong chức cho cha để làm đẹp mặt, vẻ vang thêm cho người con. Nói trắng ra là “hữu danh vô thực“.
Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ đưa ra giả thuyết trong cuốn Mật bổn rằng Đinh Bộ Lĩnh đã nghĩ ra thể chế chính trị đặc biệt như sau: Đinh Bộ Lĩnh xưng là Vạn Thắng vương, rồi sau đó là Đại Thắng Minh hoàng đế với dân trong nước, sau đó lại cho Đinh Liễn làm Giao Châu Tiết độ sứ để đối ngoại xưng thần với nhà Tống. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nhận xét về việc này trong Quốc sử huấn mông như sau:
“Nước ta khai đế nghiệp, kể từ vua Đinh là đầu; nhận phong ở Tầu, cũng kể từ vua Đinh là đầu. Song xem như sau đây, Tống liền có sứ sang phong Liễn làm Giao Chỉ quận vương mà từ đấy sứ mạnh của ta sang Tầu, cũng đứng tên Liễn làm chủ. Vậy thời vua Đinh dẫu nhận phong ở Tầu mà trong bụng không yên chịu. Chỗ đó cũng nên biết”.
Vấn đề này lại kỳ lạ ở chỗ, rõ ràng là hành động của vua Đinh từng bước nâng cao địa vị chính trị cho Đinh Liễn, nhưng quan hệ giữa Đinh Bộ Lĩnh và con trưởng dường như lại không hề êm đẹp như vậy.