Lĩnh Nam phúc thần lược biên – Kỳ 2

Tác giả Phan Thanh Nam
Lĩnh Nam phúc thần lược biên – Kỳ 2

Bộ tranh về các phúc thần ở vùng đất Lĩnh Nam (bao gồm miền Bắc Việt Nam ngày nay) từ kỷ Hồng Bàng đến thời nhà Nguyễn thống nhất của Họa sĩ Phan Thanh Nam (Ấm Chè).

4. Hiệp Chính Vương (俠正王)

Hiệp Chính Vương (俠正王) hay Hiệp Chính Hựu Thiện Trinh Liệt Chân Mãnh phu nhân, bà tên là Mỵ Ê không rõ họ, là người nước Chăm.

Triều vua Thái Tông nhà Lý, vua nước Chăm là Sạ Đẩu không chịu tiến cống, thất lễ phiên thần. Vua Thái Tông thân hành đưa quân Nam chinh. Sạ Đẩu mang binh voi ra cự chiến ở sông Bố Chính, nhưng đại bại và bị giết ngay giữa trận. Vua cho quân tiến vào thành thu hết vàng bạc. Các cung phi thê thiếp của Sạ Đẩu đều bị bắt sống đem về.

Trong đám bị bắt về ấy có nàng Mỵ Ê nổi tiếng nhan sắc làm vua say đắm. Thuyền về đến sông Lý Nhân ở Phủ Lý, đương đêm vua mật sai quan trung sứ bắt nàng đến chầu Ngự thuyền. Chẳng ngờ nàng là người trinh liệt, mắng vua rồi lấy một tấm vải lớn quấn chặt quanh người nhảy xuống sông tự vẫn. Vua kinh hoàng, hối hận thì đã muộn, kêu người tới cứu nhưng nước đã cuốn nàng trôi mất tích.

Sau này vua lại ngự tới sông Lý Nhân lần nữa, thì thấy bên bờ có một đền thờ. Hỏi ra thì biết nơi xác nàng dạt vào. Ở đó mỗi khi đêm vắng sông êm, trăng thanh sao sáng, thường nghe có tiếng đàn bà khóc than. Dân thấy sự lạ lập đền thờ thì việc ấy mới hết. Nhớ lại chuyện cũ, vua lặng thinh hồi lâu mới nói rằng: 

“Chẳng ngờ man nữ lại là bậc u trinh như thế, nếu quả thật linh thiêng thế nào cũng báo Trẫm.”

Đêm ấy chừng canh ba, hốt nhiên nghe một trận gió thơm, khí lạnh buốt người, thấy một người đàn bà vào lạy phân trần rằng chúa Sạ Đẩu tuy chẳng dám tranh xung với vua nhưng cũng là bậc nam tử, kỳ tài. Nàng chịu ơn chăn gối, không biết cách nào đền đáp. Nhân vua tạo duyên cớ để nàng được xuống tuyền đài gặp lại Sạ Đẩu là đã thỏa nguyện nên không đến báo vua nữa. Vua thất kinh bừng tỉnh dậy, truyền đem lễ vật và rượu đến đền cúng tạ, phong Hiệp Chính Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hiệp Chánh Hựu Thiện phu nhân, năm thứ tư thêm hai chữ Trinh Liệt. Năm Hưng Long hai mươi mốt, gia phong hai chữ Chân Mãnh, ngày càng thấy linh ứng vậy.

5. Hồng Lĩnh sơn thần (洪嶺山神)

Xưa ở huyện La Sơn (thuộc tỉnh Nghệ An) có bốn người lên núi đốn củi, thấy một cái hồ chung quanh toàn là cây quả quý. Trong hồ có một mỹ nhân đang tắm trên một tảng đá bằng phẳng. Mỹ nhân trông thấy bốn người liền nhảy xuống hồ. Bỗng một con ba ba khổng lồ nổi lên từ mặt nước. Bốn người đốn củi hốt hoảng hái vội những thứ quả quý quanh hồ mà đi.

Họ đi suốt ngày liền mà không tìm thấy đường ra khỏi núi, thì có một dị nhân đến nói rằng: 

“Vứt những thứ trái quý lại thì mới có thể thoát khỏi chốn này. Nếu về được đến nhà thì không được kể lại những chuyện trong núi cho ai hết.”

 Về sau có người trong đám tiết lộ chuyện này, liền hộc máu mà chết.

Đến đời Trần Thánh Tông(?), vua tới núi này, nghe chuyện liền cắm bảng nghỉ lại trên núi. Núi có 19 ngọn, xung quanh tìm không thấy hồ, khi nghe thấy tiếng sóng vỗ thì trời lập tức đổ mưa. Thấy thần rất là linh ứng, vua bèn ban phong điển lễ, thờ phụng truyền đời.

Núi đó là núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Sơn và Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh ngày nay).

5. Tỳ Sa Môn Thiên Vương (毘沙門天王)

Tỳ Sa Môn Thiên Vương (毘沙門天王) thường gọi là Tỳ Sa Môn Thiên (毘沙門天) hay Đa Văn Thiên (多聞天Vị nghe thấy tất cả). Vị thần này có thể đã hóa thân thành Phù Đổng Thiên Vương (扶董天王) trong thần tích về Thánh Gióng của Việt Nam.

Trong Ấn giáo, ông là một vị thần có tên gọi Kuvera hay Kubera (tiếng Sanskrit: कुबेर), ông là con trai nhà hiền triết Vishrava. Vì thế ông còn có tên là Vaiśravaṇa (tiếng Sanskrit: वैस्रवण) hoặc Vessavaṇa (tiếng Pali: कुवॆर), phiên âm Hán Việt là Tỳ Sa Môn. Theo truyền thuyết Ấn giáo, Kubera đã tu khổ luyện cả ngàn năm và vì vậy vị thần sáng tạo Brahma ban cho sự bất tử và giàu sang và trông coi kho tàng của Trái Đất.

Khi được du nhập vào Phật giáo, Vaiśravaṇa trở thành một vị Hộ thế (phiên âm Sanskrit: lokapāla), trấn giữ phương Bắc của cõi trời thứ nhất trong Dục giới, chế phục chúng ma, bảo hộ tài sản của nhân gian. Thường được mô tả người mặc giáp phục, thân hình lục với khuôn mặt vàng, mang mũ giáp, tay cầm lọng báu (chatra) che chở cho nhân gian. Được xếp trong Tứ Đại Thiên Vương sống ở lưng chừng núi Tô Mê Lư (núi trung tâm vũ trụ) và điều khiển các Dạ Xoa.

Theo sách Thiền uyển tập anh có chép truyện về Tăng thống Khuông Việt triều Lê Đại Hành:

Khuông Việt thường ngao du núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ và yêu thích phong cảnh u thắng. Sư định xây am và trụ trì ở đó. Một đêm sư nằm mơ thấy có một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải cầm thương vàng, tay trái cầm bảo tháp. Đi theo là hơn mười tùy tùng trạng mạo dữ tợn.

 

Thần nhân bước tới nói: "Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, các tùy tùng của ta đều là dạ xoa (yaksa). Thiên đế ra lệnh cho ta đến nước này để bảo vệ biên cương, khiến cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ông, cho nên ta đến đây để ủy thác cho ông."

Thiền uyển tập anh

Khuông Việt kinh hoàng tỉnh giấc, nghe thấy có tiếng gào thét trong núi, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sáng ra, Sư đi vào trong núi, thấy có một cội cây lớn cao hơn mười trượng với cành lá xum xuê, lại có một đám mây lành che phủ bên trên. Sư sai thợ đốn cây và tạc thành tượng thần đã thấy trong mơ và lập đền thờ. 

Vào năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống xâm nhập đánh phá. (Lê Đại Hành) Hoàng đế có nghe câu chuyện kia, sai Khuông Việt đến đền thờ cầu đảo. Quân Tống sợ hãi và bỏ chạy đến Ninh Giang ở Bảo Hựu. Lại thấy gió cuộn, sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn chồm tới. Quân Tống hoàn toàn tan rã.

Lĩnh Nam chích quái chép:

Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống xâm nhập đánh phá. (Đại Hành) Hoàng đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới sai Sư đến đền khẩn cầu. Lúc ấy quân Tống đang đóng ở thôn Tây Kết, quân hai bên chưa đụng trận, quân Tống hốt nhiên thấy một người hiện lên giữa sóng lớn, thân cao hơn mười trượng, tóc dựng ngược, trợn mắt giận dữ nhìn, hiển thánh thần quang!

 

Quân Tống trông thấy kinh hãi, lui về giữ trấn Kỹ Giang, lại gặp sóng lớn nổi lên, giao long rùa ba ra lồng lộn quái đản.Quân Tống thấy thế kinh hoàng tan vỡ. Tướng Tống là Quách Tiến đem quân về nước. (Đại Hành) Hoàng đế khen ngợi anh linh của thần, xây đền rộng thêm để thờ phụng.

Lĩnh Nam chích quái

Có một tình tiết thú vị, đó là tất cả các văn bản muộn gồm Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục đều chép lại câu chuyện về Khuông Việt, chi tiết không thay đổi, trừ tên vị thần. Cả 3 sách trên đều gọi vị này là Sóc Thiên Vương. Đáng chú ý là, địa danh Vệ Linh Sơn nơi Khuông Việt mộng thấy thần, và dựng đền thờ Tỳ Sa Môn chính là Sóc Sơn!

Ngoài ra Lĩnh Nam chích quái chép truyện Giếng Việt

Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân. Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên Vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc, tướng sĩ nhà ân đều bỏ chạy.

Giếng Việt - Lĩnh Nam chích quái

Vậy có thể đã có một mối liên hệ giữa Tỳ Sa Môn Thiên, Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương. Thậm chí có thể đặt giả thiết các vị này chẳng qua là một, nhưng trải qua thời gian tên họ đã bị biến đổi.

Art Director Lê Minh
Designer Tai Phan
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share