Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 1: Phí Phông và Người Lạo đầu bay

Tác giả Huyết Vy
Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 1: Phí Phông và Người Lạo đầu bay

Nhắc đến Ma Cà Rồng Việt Nam, có ai từng đến Tây Bắc và được truyền tai một lời dặn dò, tuyệt đối không được ra đường sau khi trời tắt nắng ?

Cách đây bốn năm, tôi tốt nghiệp đại học, tự thưởng cho mình một chuyến chu du Tây Bắc bằng xe máy với cô bạn thân. 

Bạn còn nhớ những cung đường Tây Bắc không? Những sơn đạo ngoằn ngoèo chen mình giữa núi cao chót vót và vực thẳm hun hút. Những thung lũng lọt thỏm giữa ngút ngàn quan san như vết chém sâu hoắm bởi thần khí thượng cổ. Đêm về, những thung lũng đen đặc được bao bọc trong hơi thở huyền hoặc của đại ngàn, mà ánh đèn nhân sinh và dương khí người sống chỉ rải rác chập chờn như đom đóm.

Giữa mênh mang sơn lâm, âm thanh duy nhất là tiếng động cơ và bánh xe chà xát lòng đường. Ánh sáng duy nhất là chiếc đèn xe chỉ chiếu tới 3 mét trước mặt, và không biết khi nào thì tắt ngúm vì hết xăng. Khoảnh khắc đó, tưởng như có gì từ rừng nhảy vồ ra, thì dẫu có là người hay không, chúng cũng sẽ dễ dàng khống chế hai cô gái, vốn đã sớm xỉu ngang vì hãi.

Rất may, chúng tôi cũng đến được thị trấn cổ khi trời ngót nghét khuya. Tốn gấp đôi thời gian dự tính, với một quả đầu đông đặc, không rõ vì cái lạnh của cao nguyên cuối năm hay vì nỗi sợ lấn át thần hồn. Đến homestay, chúng tôi ổn định chỗ ngủ rồi nhanh chóng tìm đến quây quần bên đống lửa được nhóm bởi những du khách đến trước.

Phải đến tận lúc đó, tôi mới lần đầu được nghe lời cảnh báo của chị chủ nhà người Thái: 

“Không biết à? Ở đây, người ta không ra đường khi trời tắt nắng.” 

Hơi ấm của lửa và sinh khí chưa kịp an ủi thân tâm, thì câu chuyện của các anh chị trong đoàn lại càng khắc sâu nỗi bàng hoàng mà hai cô gái trẻ cả gan vừa kinh trải. 

Họ kể về những con Ma Cà Rồng Việt Nam, ẩn khuất trong rừng rậm Tây Bắc, lẩn quẩn bên ngoài những căn nhà có đốm lửa đỏ đang nhen. Họ lại góp chuyện bằng những sinh vật hút máu lẩn lút trong xóm làng Việt nhiều đời.

Mà ở đây, tôi xin đem những gì còn ghi nhớ và cộng thêm chút kiến thức, kể lại đôi điều về Ma Cà Rông Việt Nam – những con ma hút máu ẩn ức trong tâm thức người Việt.

Ma Cà Rồng Việt

Phí Phông, một loài Ma Cà Rồng Việt Nam

Trong câu chuyện lúc tối đèn, rừng thẳm Tây Bắc không chỉ là địa hạt của cỏ cây và muông thú, mà còn là nơi trú ẩn của một gia tộc ma quái với tên gọi Phí Phông. 

Mỗi bản làng người Thái sẽ có ít nhất một gia tộc Phí Phông sống xen kẽ và thường chỉ truyền thừa dòng máu này cho con gái. Một sự truyền thừa không rõ là nghi lễ cổ xưa thuở làng bản còn nghiêm ngặt tuân theo chế độ mẫu hệ hay là một sự di truyền về gen mà giới nữ thừa hưởng nhiều tính trội hơn.

Khi đêm đen ôm choàng sự sống cũng là lúc Phí Phông trỗi dậy. Chúng dạo quanh từng ngõ ngách thôn bản, đánh hơi mùi máu tanh, rồi hút cạn sinh mệnh những nạn nhân xấu số, thường là trẻ sơ sinh, bà bầu, người bệnh mang vết thương hở. 

Những con quỷ khát máu này sở hữu tà phép khôn lường. Chúng có thể biến hóa thành chó mèo để tiếp cận con mồi và để lại những vết cắn chí mạng nếu không được thầy mo chữa trị kịp thời. 

Nghiệt ngã thay, loài ma quái nguy hiểm này lại lẩn lút dưới hình hài xinh đẹp, ban ngày vẫn làm nương lấy chồng như phàm nhân, đêm đến mới xuất hồn đi săn. Chúng rời hang ổ vào thời khắc chí âm trong ngày, rồi trở về rửa mặt bằng nước gạo để tẩy uế, đeo lại mỹ mạo loài người trước khi trời lên nắng. 

Cứ thế, những căn bệnh và cái chết không lời giải được đổ cho những cuộc săn đêm thần không hay quỷ không biết, đời đời phủ lên những bản làng người Thái làn sương liêu trai rùng rợn. 

Những truyền kỳ về Phí Phông như người chồng nửa đêm phát hiện vợ mình hiện hình yêu ma, hay chàng trai phát hiện ra điều kỳ lạ rùng rợn ở cô gái đẹp trong buổi tâm tình hò hẹn khiến những gái bản nhan sắc khó lấy chồng trong vùng mà phải tới làng khác bắt rể.

Ma Nữ Phi Phông, Ma Cà Rồng Việt Nam

Với bản năng khát máu và khả năng ngụy trang lẩn lút trong cộng đồng, Phí Phông còn được dân bản Tây Bắc ngày nay ví là Ma Cà Rồng Việt Nam. Nó khiến tôi nhớ đến loài ma chuyên hút máu người xuất hiện ở vùng Hưng Hóa trong miêu tả của các sử thần Việt.

Ma Cà Rồng Việt

Tài liệu về Ma Cà Rồng Việt Nam

Cũng xuất thân từ núi rừng Tây Bắc và rửa nước gạo để trở lại hình người như Phí Phông – Theo ghi chép của Trương Quốc Dụng trong Thoái Thực Ký Văn, nhưng Ma Cà Rồng Việt Nam hay còn gọi là Ma Cà Rằng hoặc Ma Cà Tưng chính hiệu trong ghi chép của các nhà Nho lại hiển hiện với ngoại hình khác lạ:

“Trấn Hưng Hóa từ sách Tường Phù đến Hạ Lộ, có dân ma gọi là "ma cà rồng". Người dân này, lúc ban ngày động tác phục dịch, ra vào như thường [...] Đến đêm thì xỏ hai ngón chân cái vào lỗ mũi, bay đi làm ma, thường vào nhà đàn bà đẻ để hút máu [...] Đến trống canh năm, giống quái vật ấy bay trở về, ngâm chân vào thùng nước tô mộc, tháo chân ở mũi ra, trở lại làm người, nếu hỏi đến việc đã làm ban đêm thì không biết gì cả.”

Trích Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn
Ma Cà Rồng Việt Nam

Con ma có kiểu la đà quái dị này còn xuất hiện trong Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng: 

“Ma Cà Rồng không khác gì người, chỉ có trán đỏ, mắt nhiều lòng trắng là khác biệt, thích ở một mình, ban đêm lấy hai ngón chân cái đút vào mũi, tay xách tai bay đi, thích ăn máu mủ, mụn nhọt và bà đẻ. Đến đêm phải phòng thủ, thấy đèn chuyển thành màu xanh thì là điềm ma đến, bấy giờ phải gõ vào vách tường, thành giường để đuổi nó, bằng không thì bệnh sẽ nặng”. 

Chút khác biệt trong diễn đạt câu từ là không đáng kể để kết luận các nhà Nho đều đang nói về một loài ma, ngày làm người, đêm về thì đút chân vào lỗ mũi bay đi hút máu. Cũng như Phí Phông, dân gian đồn rằng Ma Cà Rồng có khả năng cải trang thành những vật nuôi thân thương như chó mèo để tiếp cận con mồi. Chúng chỉ có thể bị phát giác qua sự khác lạ của ánh đèn dầu: “Chuyển đỏ sang xanh là điềm ma tới”.

Lý giải cách bay kỳ lạ của loài này, có lúc tôi hài hước cho rằng đây là một cách bế khí, khi hai tai và mũi đều được bịt kín, khí tụ khiến cơ thể nhẹ nhàng và giúp con ma cà rồng có thể bay được. Có lúc tôi lại liên tưởng đến một con dơi có quả đầu na ná con người đang dang cánh săn máu trong đêm.

Ma Cà Rồng Việt

Người Lạo đầu bay, một ghi chép khác về Ma Cà Rồng Việt Nam

Khi ngòi bút được chuyển đến tay các sử gia Minh triều trong An Nam Chí Nguyên thì:

“Châu Gia Hưng có giống người Lạo đầu bay. Tương truyền, ngày xưa, vì nhân lúc mưa to, sét lớn, rơi xuống một khối băng cao đến vài trượng, trong có con trâu đỏ, người trong hương thôn xúm lại xem, rồi phá vỡ khối băng, làm thịt con trâu, cùng nhau ăn. Về sau, những người ăn thịt trâu này đều hoá thành giống người Lạo đầu bay. Đêm đến, lỗ mũi tuôn ra luồng xanh, hai mắt lồi ra, biến mình qua khe vách, bay ra ngoài đồng, tìm giun dế mà ăn, hoặc rúc xuống mồ mả ăn thây người chết, hoặc đến nhà người ốm ăn tinh huyết người ta, đến sáng thì về, lại làm người y nguyên như cũ. Chính những người Lạo ấy cũng không tự biết rằng mình như vậy. Nay không còn thấy hạng người này nữa.”

Người Lạo Đầu Bay, Ma Cà Rồng Việt Nam

Người Lạo được tác giả của An Nam Chí Nguyên định nghĩa là ở “giáp với Lão Qua (Lào) và Quảng Tây (Trung Quốc)”, tức khu vực Tây Bắc nước ta. Như vậy, cùng không thời gian tồn tại của Ma Cà Rồng Việt Nam, lại xuất hiện thêm một cái tên người Lạo đầu bay. Cũng quả đầu dị dạng, lỗ mũi kỳ lạ, bay là đà trong đêm khuya săn tìm tinh huyết.

Tuy không hoàn toàn giống với Ma Cà Rồng trong ghi chép của người Việt nhưng những đặc điểm tương đồng về ngoại hình, dáng bay, thực đơn, thời gian và địa điểm xuất hiện cho phép chúng ta suy đoán hai bên sử gia Nam – Bắc đều đang nói về giống Ma Cà Rồng hút máu của Việt Nam. 

Huống chi, những nội dung về Ma Cà Rồng trong Thoái Thực Ký Văn của danh thần họ Trương triều Nguyễn còn mở đầu bằng việc trích dẫn những ghi chép về “người Lạo đầu bay” của Trung Quốc: 

“Bác vật chí chép: “Phương Nam có dân rụng đầu, đầu họ có thể bay, lấy tai làm cánh, gần sáng lại quay về gắn vào cơ thể.” Tây Dương tạp trở chép: “Người Man sống trong vùng khe động Lĩnh Nam thường có kẻ đầu bay, cho nên có tên là Phi Đầu Lạo Tử (người Lạo đầu bay).” Quế Hải ngu hành chí chép: Người Lạo có lũ đầu bay.”

Trích Thoái Thực Ký Văn

An Nam Chí Nguyên, không rõ là lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian tại xứ sở của chính người viết, hay có cơ duyên tìm hiểu cặn kẽ hơn ở bản địa Gia Hưng mà tác giả còn có thêm giải thích về nguồn gốc của nhân yêu – do ăn thịt trâu đỏ từ trời rơi xuống. 

Trong không gian truyền thuyết xứ ta, có một nhân vật nhờ nuốt được lông trâu thần mà sở hữu năng lực cái thế – Yết Kiêu. Nhưng thay vì đói máu và “báo đời” như người Lạo đầu bay, Yết Kiêu đã đem tài lặn của mình đục thuyền bắt sống Phạm Nhan – một “tà thần hút máu” khác trong  câu chuyện về Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 2.

 Xem thêm:

Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 3: Từ tín niệm bước ra ánh sáng

Art Director Lê Minh
Artist Lê Lâm
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Ma Cà Rồng Việt Nam
Share