Mặt trăng trên thần điện người Việt – Kỳ 1: Thủy triều và biểu tượng trăng

Tác giả Huyết Vy
Mặt trăng trên thần điện người Việt – Kỳ 1: Thủy triều và biểu tượng trăng

Thuở hoang vu, đất trời cùng tận, chỉ có một ánh Trăng dịu dàng soi rọi đêm trường. Với nông gia, Mặt Trăng tiên báo thủy triều, thời tiết và mùa màng, quyết định sinh kế và sinh cơ đời người. Người xưa cảm nhận và tiếp nhận thần lực vô biên mà Mặt Trăng gieo xuống nhân gian, mang lòng cảm kích mà tôn rước Mặt Trăng lên thần điện của mình.

Vạn năm trước, một con thuyền độc mộc lạc lối, lênh đênh đênh giữa trùng dương u tối. Trên thuyền chỉ độc nhất một chàng ngư dân. Quanh thân anh là đại dương hung hiểm, không gian đen đặc u huyền phủ lấp thân anh, chỉ có một thực thể tròn vành dìu dịu tỏa  sáng trên đầu, đổ xuống đáy nước một dòng lấp lánh bạc. Tộc nhân của anh gọi vòng tròn tỏa sáng đó là Mặt Trăng.

Giữa vời vợi đêm đen, sự hiện diện của Trăng chính là cứu rỗi. Nó là điểm mốc giúp anh nhận biết sự tồn tại cô độc mà hữu hình của bản thân. Nó là ánh sáng thần thánh, quét qua khoảng đất trời tăm tối vô biên, là sợi dây kéo thả con nước dâng hạ, quyết định mẻ cá tôm và an nguy tính mạng tộc nhân những ngày xa khơi kiếm cá. 

Một đêm dài sợ hãi và cô độc, thân anh ngưỡng vọng ánh Trăng, mà hồn anh quyện tan cùng dòng Trăng tự lúc nào. Khi ngày bừng, mang những rúng động mạnh mẽ trong lòng, anh trở thành một tín đồ thành tín của Trăng. Anh dùng cả đời để tôn thờ và sùng kính thần lực vô biên mà Mặt Trăng gieo xuống miền giang hải hoang liêu này.

Thuở hoang tận ấy, không một nhà khoa học nào nói cho anh ngư dân đất Việt hay rằng, tự thân Mặt Trăng không có có khả năng phát sáng. Nó chỉ là tấm gương phản chiếu vẻ huy hoàng của Mặt Trời. Chẳng một ai hay biết, Trăng chỉ là một khối cầu hoang lạnh vô tình, chớ hề tồn tại không khí và sự sống. 

Nơi Trăng, những dãy núi kết cấu hình cầu trũng xuống là tàn tích của bao lần va đập và thương tổn bởi thiên thạch. Những vệt đen loang lổ mà sau này người đời cho là cây đa chú cuội chỉ là miên trường bình nguyên sỏi cát, gọi là biển Trăng. Tinh cầu cằn cỗi này không có thần linh của con người, cũng không vì con người mà soi sáng, độ trì hay trách phạt. Nó chỉ là một khối cầu tròn trịa lạnh lẽo, vĩnh viễn duy trì khoảng cách với địa cầu và con người, theo trật tự của vũ trụ này mà tồn tại, vạn năm khuyết tròn thành luật.

mặt trăng và thủy triều

Nhưng những con người ngước mặt trông trời của vạn năm trước không nhìn Trăng như thế. Với họ, Mặt Trời không ngừng chuyển động tạo nên đêm ngày. Nhưng dù vào buổi nào ngước mặt hình lên, con người vẫn thấy mặt trời tỏa sáng nguyên vành. Sự hiện diện của Trăng lại khác. Hiếm hoi Trăng tròn, đa phần Trăng hiện hữu một vành cong cong như sừng trâu.

Thế rồi cứ qua từng đêm, từng đêm một, Trăng lớn dần lên, dày dần lên thành một vòng tròn vành vạch, tỏa ra ánh bạc dịu dàng, soi sáng núi sông vạn vật. Trăng trở thành nguồn sáng duy nhất của đất trời soi rọi đêm trường. Sau đó Trăng lại lẹm dần có đến khi chỉ còn là một vành mỏng như viền móng tay trước khi lụi hẳn giữa đêm đen. Đất trời tối bưng, lòng người tiếc nhớ. 

Mỗi kì khuyết tròn lại khuyết như thế của Trăng được người xưa gọi là tháng, gồm 29 lần đêm ngày xoay chuyển. Những cư dân nông nghiệp trồng trọt và đánh bắt, sống chết với ruộng đồng và con nước, trong vạn năm mưu sinh đã phát hiện những ảnh hưởng theo quy luật của Trăng đến thời tiết.  Kinh nghiệm dân gian truyền rằng, “Trăng quầng thì hạn, Trăng tán thì mưa”. Trăng thu màu vàng  là điềm báo trúng mùa tằm tơ, Trăng thu tỏa xanh hay lục thì năm đó thiên tai kéo đến, còn Trăng thu sắc cam trong sáng thì giang sơn thái bình thịnh vượng…

chu kỳ mặt trăng

Với tư tưởng duy vật thực nghiệm ngày nay, một ánh Trăng thu gánh trên mình điềm báo vận mệnh quốc gia có lẽ là chuyện không tưởng. Nhưng ở góc nhìn nông gia, ở một quốc gia nông nghiệp, thì Mặt Trăng có thể tiên đoán mùa màng, vốn là tiền đề sống của cư dân trồng lúa. Mà vận mệnh ấm no sống chết của người trồng lúa sẽ quyết định lực tái sản xuất lương thực, vật nuôi, kể cả con người. Không nghi ngờ gì nữa, đó là những trụ cột quyết định vận mệnh của một vùng đất, một quốc gia.

biểu tượng trăng

Vầng Trăng kim cổ mang trong mình năng lực tiên tri, quyết định sinh kế đời người. Nhưng có lẽ không nơi đâu sức mạnh của Trăng len lỏi mạnh mẽ vào từng ngóc ngách nhân sinh như miền giang hải – dầu là với những nông dân châu thổ tiến biển từ lần “chia đôi sơn hà” của cha Long Quân và mẹ Âu Cơ, hay là những ngư dân Nam Đảo từ giã những ngày lênh đênh sóng nước để cập bờ. 

Trăm phương ngàn kế mưu sinh, họ quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn để mở rộng những ruộng lúa nước đến tận vùng duyên hải, đồng thời vẫn miên trường lênh đênh trên những con thuyền đánh cá để khai thác tài nguyên biển. Mọi hoạt động của đời sống đều phụ thuộc và dựa dẫm vào con nước, con người buộc phải quan sát và thấu hiểu không gian sinh tồn của mình – không gian nước. 

Họ phát hiện mực nước không chỉ thay đổi trong một ngày, mà giữa các ngày, các tháng hay các mùa cũng lắm biến chuyển. Nơi nước là không gian sinh tồn, nắm được những tín hiệu không lời của con nước đóng vai trò tiên quyết đối với những mẻ lưới và sinh mệnh. 

Chẳng có bộ phim tài liệu hay cuốn sách nào nói cho anh ngư dân cổ đại biết rằng, lực tương tác hấp dẫn giữa Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất trong quá trình tự thân xoay chuyển và xoay chuyển quanh nhau khiến con nước dâng hạ thành thủy triều.

Anh ngư dân chỉ biết tỉ mẩn quan sát những biến chuyển tế vi quanh mình, có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và sinh cơ của mình. Năm này tháng nọ, anh ta nắm được biến động lên xuống của thủy triều có liên quan mật thiết đến biên độ tròn khuyết của Mặt Trăng.

biểu tượng trăng

Anh dùng đôi mắt tinh tường và bộ óc linh lợi của mình để ghi nhớ rằng, những lúc Trăng là một viền mỏng mới mọc đầu tháng hoặc lặn cuối tháng là những ngày triều xuống. Vào ngày Trăng tròn vành vạch trên đầu cũng là lúc thủy triều dâng cao nhất. Thời gian giữa hai đợt thủy triều này là khoảng 15 ngày, anh gọi là một con nước. Theo biên độ tròn khuyết của Trăng, một tháng có 2 con nước, con nước lên và con nước xuống, quyết định hầu như mọi hoạt động của những con thuyền xa khơi đánh bắt và giao thương. 

Trong vũ trụ quan đầy rẫy thần linh của anh, vạn vật hữu linh. Mỗi tinh cầu, phiến đá, đều phát ra một hiện thể, tàng ẩn linh hồn. Vô số năng lực gần như thần lực. Dầu mạnh yếu lớn nhỏ, hết thảy đều chuyển vần trong khoảng trời đất, tới một mục tiêu bí ẩn vĩ đại mà con người bé nhỏ không thể đoán định. Trong vũ trụ quan ấy, hiển nhiên Mặt Trăng mang thần lực, chi phối thủy triều, là thần chủ của dòng nước, ban phát sinh cơ cho cuộc nhân sinh ít nhiều nương tựa vào nước. 

biểu tượng trăng

Tự thuở hồng hoang ấy, Mặt Trăng thần thánh đã dùng chu kỳ sáng tối vĩnh sinh bất diệt ban cho loài người lịch con nước. Từ đây lịch Trăng trở thành một loại lịch tối quan trọng đối với hoạt động mưu sinh của cư dân lúa nước và ngư dân tựa biển.

Tuy nhiên “Không thể biết được mới là thần. Đem lòng trò dò lòng thần, dò thế nào được.”  Có những ngày ruộng lúa cạn khô, rồi cơn lũ ập đến thình lình không một lời báo. Xa khơi, hải hồ muôn đời dữ dội, trùng điệp tai ương chỉ chực chờ vồ lấy những nhân loại bé mọn dùng cả sinh mệnh để lênh đênh kiếm ăn từ lòng nước.

mặt trăng và thủy triều

Những hiểu biết và tri thức loài người thu nhặt bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu qua hàng thế hệ chẳng bao giờ là đủ trước thiên nhiên bí ẩn và dữ dội. Trước đêm đen tịch mịch, sóng nước mịt mùng, thời tiết bất định, và có khi là tâm tính biến dời theo Trăng trong một cơ thể có 70% là nước, con người không hiểu hết bản chất của những gì đang xảy ra quanh và trong mình, đồng thời ý thức được bản thể bé mọn, thân bất do kỷ. Họ vừa kính sợ vừa đem lòng sùng bái Mặt Trăng – thực thể rọi soi đêm trường, mang trong mình thần lực tiên tri mùa màng cũng như điều khiển dòng nước. 

Thế rồi, như bao biểu tượng tâm linh khác trong lòng xứ sở, Mặt Trăng được tôn rước vào điện thờ trong nhu cầu được thông linh với thần. Những tín đồ nguyên thủy của Trăng nguyện hiến dâng lên thần trọn lòng thành kính và những tốt đẹp nhất để mong nhận lại một sự vị tha, chỉ dẫn hay phù trợ từ thần.

Tuy nhiên, ở xứ sở mà “Tam giáo đồng nguyên” phủ chồng nhiều lớp lên tín ngưỡng dân gian, thì Mặt Trăng hiếm khi dùng nguyên mẫu để bước lên thần điện, mà thường được biểu tượng hóa hay nhân hóa. Soi chiếu qua lăng kính của địa văn hóa, với môi trường sinh thái của không gian cư trú và phương thức khai thác tự nhiên để mưu sinh, sẽ thấy Mặt Trăng hiển hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau trong đời sống tâm linh người Việt.

Để truy vết những dấu chân mà Trăng đọng lại trần gian, có lẽ phải bắt đầu từ tư duy nguyên thủy của những tín đồ đầu tiên. Mà trong suy nghĩ trực quan, có tính liên tưởng phi logic của người cổ đại, những vật có dáng dấp và tính chất tương đồng với Thần sẽ được xem là đại biểu cho Thần. Đây là một kiểu tư duy ma thuật cổ xưa, là đặc trưng của cơ chế sáng tạo nên các biểu tượng trong các nền văn hóa.

Ứng theo lối tư duy ma thuật đó, một vật tương đồng hình dạng và tính chất với Mặt Trăng có thể được đại biểu cho Trăng trong địa hạt tâm linh. Mà trải hết vạn năm thiên cổ, đi hết vạn dặm thế gian thì Mặt Trăng vẫn nguyên một bản chất, khuyết tròn luân liên, soi rọi đêm trường, tiên đoán mùa màng, thao túng con nước. 

biểu tượng trăng

1. Con thuyền chở Trăng

Sức mạnh của Trăng biểu hiện rõ nhất ở miền biển nước trong những lần thủy triều dâng hạ. Đời đời ngóng trông con nước, những người con xem “biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha” hiểu rằng nước biển sẽ đầy vơi cùng những lần vầng Trăng khuyết tròn. Để rồi, dáng Trăng trở thành một chỉ báo quyết định việc ra khơi vào lộng. Mà với dân hải hồ, ngày sinh nước – tức ngày bắt đầu một chu kỳ con nước mới, thường thì nước cạn – là một ngày đặc biệt linh thiêng. Ngày sinh nước luôn là những ngày lẻ theo lịch Trăng, cũng là ngày Trăng khuyết. 

Phải chăng, cơ sở thực tiễn tồn sống cùng tư tưởng “duy tâm” đã in hằn hình tượng Trăng lưỡi liềm đi cùng ngày sinh nước vào tâm thức Việt như một hệ biểu tượng linh thiêng. Trong đôi mắt bái vật của người xưa, mảnh Trăng lưỡi liềm cong cong đã hóa linh thần che chở và phù trợ ngư dân trước sóng gió trùng khơi.

Ý niệm tâm linh này được bộc bạch trong đời sống thế tục bằng cách tái hiện hình ảnh Trăng lưỡi liềm trên thuyền bè – phương tiện mưu sinh tối quan trọng những người “lọc nước lấy cái”. Người lặn lội đi tìm vết Trăng có thể nhận ra chính bản thân dáng thuyền một vành cong cong trên, hay những bộ phận với những chức năng khác nhau nhưng đều ẩn tàng hình ảnh của Trăng trên thuyền.

Giữa triền miên sóng nước, Trăng lưỡi liềm ngự trên giá gác mái chèo của dân đi cá vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), đậu trên mũi thuyền của ngư dân Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Tuy dân đảo ngày nay khi được hỏi đã không thể nói lên ý nghĩa sâu xa hay giá trị sử dụng của hình tượng, nhưng họ vẫn đinh ninh một điều, đây là một biểu tượng đã tồn tại và truyền thừa từ ngàn năm xa xôi, và dứt khoát con thuyền nào cũng phải có.

con thuyền trăng

Tuy thần tích của Trăng chỉ còn là những tàn tích, ẩn hiện trên các bộ phận mang chức năng khác nhau của thuyền bè, nhưng chúng vẫn âm thầm bộc lộ tín niệm mà mình chuyên chở suốt không thời gian. Đó là niềm tin vô hình nhưng hữu tình của dân biển, rằng tinh cầu xa xôi này sẽ điều khiển con nước song hành, chở che cho họ trong những chuyến ra khơi vào lộng bất trắc. Có lẽ tương tự như cách lý giải tín ngưỡng phụng thờ vật tổ, một con thuyền dáng Trăng, một con thuyền chở Trăng, một con thuyền hóa trang thành Trăng sẽ được chia sẻ thần lực của Trăng. Người, thuyền sẽ cùng Trăng tan hòa vào thiên nhiên vũ trụ thần diệu.

Chính niềm tin ấy tiếp thêm sức mạnh để anh ngư dân băng qua nỗi sợ khi phải đối diện với cơn cuồng nộ của biển khơi, giúp anh vững tay chèo sau khi tận kiến đồng tộc trở thành vật hiến sinh cho thần biển. Trong thời khắc sinh tử, chính sức mạnh tinh thần ấy giúp con người không dễ gục ngã trước những trở ngại mà biển nước khắc nghiệt xô đến.

Con thuyền Trăng, con thuyền chở Trăng dong buồm ra khơi, mất hút như thể tan hòa vào sóng nước trùng dương, để rồi một ngày, nó trở về với đong đầy cá tôm, trước niềm hạnh phúc vỡ òa của thân nhân. Những con thuyền luân liên đi về như vầng Trăng luân liên khuyết tròn ấy đã dung dưỡng bao thế hệ ăn đời ở kiếp với biển.

Sau này, cùng sự lớn lên của tộc người, nó phát triển thành những con thuyền giao thương hàng hóa, giao lưu và tích tụ nên nền văn hóa đặc sắc nhưng vẫn đậm sắc ngày nay. Sau này, thuyền Trăng theo một bộ phận ngư dân đi sâu vào đất liền, gác lại mái chèo mà ngự trên mái đình làng Việt, vẫn luôn đồng hành, chia sẻ mọi buồn vui, biến cố của cộng đồng.

biểu tượng mặt trăng
Share