Lê Thái Tổ Cao hoàng đế khi dẹp yên bờ cõi, lên ngôi ở cao, lập trị chính đáng. Cất đặt người tài, chọn hiền đãi sĩ, ban bố chánh lệnh, tái thiết lễ nhạc, tạo lập văn vật, văn hiến. Văn vật văn hiến mạnh, nước nhà mới hùng mạnh vậy. Vả đó những gì của triều đình luôn được khắc hoạ lại, để con dân thời sau có thể mà cảm quan đến những gì đã trải qua. Cái di sản ấy rõ trùm khắp tứ phương, đã để lại một lớp học thuật nghiên cứu cho hậu thế.
Điển hình là khắc họa rồng chầu ở Điện Kính Thiên, biểu trưng quyền lực của bậc Hoàng đế. Thái Tổ ở ngôi cửu ngũ, trải bao phen nếm mật nằm gai, hoà rượu uống cùng quân sĩ mới dựng mối nghiệp lớn, thì loài rồng cũng phải tỏ uy lực cho thoả đáng. Dũng mãnh, lượn mây, vượt lửa như cái chiến trận vừa qua vậy!
Rồng có năm móng, mũi gồ uy lực, mắt lồi oai vệ, tóc bờm lượn dài, sóng lưng hình vây cá, tay rồng vuốt râu đầy trí lực, mưu cao kế hiểm. Trên mình đã xuất hiện mây lửa, uốn lượn thành từng cụm, thứ mây lửa sơ khởi đã góp phần cho hậu triều Lê Trung hưng tạo nên một kiệt tác hùng hồn, thiên biến mây lửa trở nên đặc dị. Khắc hoạ một thời đại binh đao, khói lửa, hiểm hóc, hùng tráng, cái văn vật Mây đao lửa mà hậu triều tạo nên không thể nhầm lẫn với các triều đại nào khác.
Dưới thời Lê Thánh Tông đã bắt đầu tạo ra những ngôi đình làng kiểu mới, một mô thức riêng biệt của một thời kỳ lịch sử, xã hội. Là bệ phóng cho thời sau tiếp tục sử dụng, tạo tác thêm kiến trúc. Đình làng là một kiến trúc lớn, nơi ban bố chánh lệnh triều đình cho dân chúng. Vì thế không thể sơ sài được, mà các hoa văn, mảng chạm cũng phải thực kỳ công vậy.