Mây, Đao và Lửa

Mây, Đao và Lửa

Khơi nguồn

Năm ấy nhà Minh gây mối chiến tranh, trăm họ kinh hoàng, dân chúng sầu khổ. Đốt sách chôn Nho, hoại diệt văn vật. Mang quân đánh trấn thủ, quấy nhiễu chúng dân, vào đất người mà cướp vườn, thu vét cả trâu bò, gia súc, tội ác ấy tày trời.

May thay, Lê Thái Tổ ta hiện thân, trời sanh hào kiệt, nước nhà mượn được tài hùng vũ lược của trời. Tướng văn, tướng võ hoà điệu với nhau, quân lính một lòng, ly gián không nghe, gièm pha không động. Cùng góp sức vì đại nghĩa mà khiến quân Minh kinh hồn bạt vía, vứt giáp chạy dài, hưng chấn cõi Nam. Hiển hách nhứt thống, khoan thứ yên dân, sáng dựng hoàng triều. Cái công nghiệp ấy vẻ vang làm sao! Khí thế làm sao! Thực là:

“Binh uy lẫm liệt, gươm giáo sáng ngời
Chiêng trống động trời xanh, cờ quạt che đất biếc.
Người người dũng tướng, ai nấy anh hùng.
Đồng lòng diệt địch, cùng một chí khí cướp kỳ chém tướng.”

Người xưa có câu: “Trời có bốn mùa, đất có tài nguyên, người có sự cai trị

Lê Thái Tổ Cao hoàng đế khi dẹp yên bờ cõi, lên ngôi ở cao, lập trị chính đáng. Cất đặt người tài, chọn hiền đãi sĩ, ban bố chánh lệnh, tái thiết lễ nhạc, tạo lập văn vật, văn hiến. Văn vật văn hiến mạnh, nước nhà mới hùng mạnh vậy. Vả đó những gì của triều đình luôn được khắc hoạ lại, để con dân thời sau có thể mà cảm quan đến những gì đã trải qua. Cái di sản ấy rõ trùm khắp tứ phương, đã để lại một lớp học thuật nghiên cứu cho hậu thế. 

Điển hình là khắc họa rồng chầu ở Điện Kính Thiên, biểu trưng quyền lực của bậc Hoàng đế. Thái Tổ ở ngôi cửu ngũ, trải bao phen nếm mật nằm gai, hoà rượu uống cùng quân sĩ mới dựng mối nghiệp lớn, thì loài rồng cũng phải tỏ uy lực cho thoả đáng. Dũng mãnh, lượn mây, vượt lửa như cái chiến trận vừa qua vậy!

Rồng có năm móng, mũi gồ uy lực, mắt lồi oai vệ, tóc bờm lượn dài, sóng lưng hình vây cá, tay rồng vuốt râu đầy trí lực, mưu cao kế hiểm. Trên mình đã xuất hiện mây lửa, uốn lượn thành từng cụm, thứ mây lửa sơ khởi đã góp phần cho hậu triều Lê Trung hưng tạo nên một kiệt tác hùng hồn, thiên biến mây lửa trở nên đặc dị. Khắc hoạ một thời đại binh đao, khói lửa, hiểm hóc, hùng tráng, cái văn vật Mây đao lửa mà hậu triều tạo nên không thể nhầm lẫn với các triều đại nào khác. 

Dưới thời Lê Thánh Tông đã bắt đầu tạo ra những ngôi đình làng kiểu mới, một mô thức riêng biệt của một thời kỳ lịch sử, xã hội. Là bệ phóng cho thời sau tiếp tục sử dụng, tạo tác thêm kiến trúc. Đình làng là một kiến trúc lớn, nơi ban bố chánh lệnh triều đình cho dân chúng. Vì thế không thể sơ sài được, mà các hoa văn, mảng chạm cũng phải thực kỳ công vậy.

 

Rồng ở Điện Kính Thiên, bắt đầu xuất hiện dáng dấp của Mây đao lửa (ảnh Dân trí)

Thành hình

Từng nghe: Mặt trời di chuyển, trăng đầy ắt khuyết, âm dương luân chuyển khó lường, nước nhà có thịnh suy, trời đất có tuần mà chẳng nói. Xét xưa nghiệm nay, hết lại bắt đầu. 

Đất Việt bắt nguồn thịnh thế từ Lê Thái Tổ trải qua bao đời nước nhà vẻ vang, vua sáng tôi hiền, lập dựng văn vật, ban hành pháp chế, mở rộng cương thổ. Thời cũng có lúc suy vi, gian hùng tiếm nghịch. Sau lại bắt đầu một thời kỳ tam phân thiên hạ, rạch đôi sơn hà. Mà người đời gọi là, phù Lê diệt Mạc, Trịnh – Nguyễn tranh bá. Đúng là:

Nấu đậu đun cành đậu,
Đậu trong nồi ngồi khóc.
Vốn sanh cùng một gốc,
Sao nỡ đốt thiêu nhau

Tào Thực
Bộ cửa Rồng cùng với Mây đao lửa . Ảnh Hiếu Trần

Từ xưa đến nay, việc thiên hạ quốc gia thường có thương vong, trị loạn. Trịnh, Nguyễn tuy khác họ nhưng cũng chung một dòng máu chảy. Anh em nồi da xáo thịt, hết thảy ấy cũng do mệnh trời. Guồng quay định mệnh đó cũng trải qua hơn 200 năm dai dẳng. Lũy Thầy sừng sững chứng kiến bao nhiêu cuộc chiến loạn. Hùng binh hai nhà đều là bậc hào kiệt, thông bác kim cổ, mưu mô chước lớn, tài năng trùm cả thiên địa, gián tiếp làm cho chiến sự càng kéo dài. 

Vả nên người đời từ đó cũng đục trác đình miếu, đồ thờ, kiệu, vật dụng bằng những thứ liên quan đến cuộc so tài này vậy. Tạo dựng văn vật một cách thiết thực, liên kết chặt chẽ của sự đời, diễn biến phức tạp về chánh sự. Trong đó phần nào cũng gợi nhớ về những ký ức trường kỳ cứu nguy quốc sự của thời đại Lê Thái Tổ. Hoặc những yếu tố có phần tâm linh mà hai nhà chúa đôi lần vẫn xét lấy để trị sự thông qua kinh thư.

Hoạ tiết Mây đao lửa cũng được hình thành rõ ràng, biệt dị nhất thời Lê Trung hưng. Mây xoắn cuộn hoá lửa đao, liên kết bền chặt, ẩn hiện đan xen, vút cao dài bá đạo. Trăm ngàn mũi đao lửa sừng sững, hiên ngang. Áng mây, ngọn lửa như đao mác hùng hồn đục khắc trên bộ cửa, trên hồi, vì nóc, xà nách của đình cùng với những yếu tố thần linh tiên cưỡi rồng, vũ nữ thiên thần. Những thần thú nghê, phượng, rồng, lân đều mang trên mình bộ mây đao lửa đặc dị ấy. Quá đỗi lấy làm kinh ngạc, tán thán bởi tuyệt tác Mây đao lửa được tạo ra.

Mây trời trùm quát, rõ thông vận nước, chở che bậc cao minh hiền sĩ. Thấu thấy những cuộc ly lạc, tiếng thét gầm như sấm rền. Đôi lần che trăng ngời để người đời dụng binh, lênh đênh trôi theo binh sĩ tòng phu, lại nhận lệnh trời mà xét soi thánh chúa, tạo lập mưa móc, vật vật nảy nở.

Nước ta mấy đời thánh chúa dẹp trừ hung đồ, gươm đao đầy đống, vương nghiệp sáng ngời giữa trời cao biển rộng, kẻ thần thuộc phải theo về, ngoại xâm phải bỏ thây. Vung đao chém địch thu tít từng mây.

Đạo trời có âm dương, âm dương hoà thì đạo trời thuận. Đạo người có cương nhu, cương nhu có kiềm chế thì đạo người được đúng. Vũ trụ lập địa thì không thể thiếu lửa. Làm nước nhà hưng thịnh, đốt kẻ tham bạo, sưởi ấm người hiền trí. Đốt pháo, mồi súng, thiêu giặc, trị kẻ ác, răn đe điều bất lương.

Kể những điều trên cũng đã rõ, Mây đao lửa há chẳng phải là hợp thời, dính như keo sơn, đáng là cái văn vật ý nghĩa, tự hào dễ nhận biết, phân biệt đến nước ta lắm sao. 

Xuất ngoại Mây đao lửa

Người dân Đàng ngoài với tài năng điêu luyện, thợ thầy lành nghề, đầu óc tinh khôi đã xuất khẩu đồ gia dụng ra khỏi cõi nhà, đến các nước Châu Âu. Trong quyển Asian Art and the Dutch taste đã xuất hiện hình ảnh chiếc hộp ngà mang hoạ tiết Mây đao lửa cùng với rồng được tạo tác tinh xảo, nghệ thuật tỉ mĩ có niên đại từ thời Lê Trung hưng. (1)

Hộp ngà. Ảnh Trang Nguyễn

Trong Catalog Uit Verre Streken của Guus Röell xuất hiện một bộ chày cối và hộp ngà, “nghi ngờ” là hàng xuất khẩu của người Đàng Ngoài thế kỷ 17 và phía Nam Trung Quốc (2). Nhưng xem ra tường rõ, hoạ tiết có Mây đao lửa này chắc chắn không thể đến từ nước khác được, mà chỉ đến từ thời đại nhà Hậu Lê mà thôi.

Bộ chày cối và tráp. Ảnh Trang Nguyễn

Người xưa có câu: “Trời có nhật nguyệt tinh sao, con người có tổ có tông, cây có cội, sông có nguồn”. Người nước ta, hễ thấy Mây đao lửa chính là thấy Việt Nam vậy. 

Rồng thần ẩn vực thẳm
Mãnh thú lượn non cao.
Cáo chết quay về núi,
Cố hương quên được sao ?

Tào Tháo
Share