Từ địa ngục hàn băng đến tiêu điểm địa cầu – Kỳ 2: Tranh giành nơi băng giá vĩnh cửu

Tác giả La Gia Thịnh
Từ địa ngục hàn băng đến tiêu điểm địa cầu – Kỳ 2: Tranh giành nơi băng giá vĩnh cửu

Vùng đất Nam Cực, ‘đáy của quả địa cầu’ theo đúng nghĩa đen, từ ngàn xưa đã là một thỏi nam châm lạnh lùng, thu hút sự chú ý của những kẻ có máu chinh phục, và khiến bao kẻ đánh đổi mạng sống để chinh phục nó. Đây là câu chuyện của Nam Cực, từ một vùng đất lạnh lẽo chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của cổ nhân, giờ đây đã trở thành châu lục có nhiều dữ liệu phân tích nhất trên bản đồ.

Trong lúc các cường quốc vẫn đang loay hoay để tìm ra cách đi xuyên Nam Cực bằng tàu thuyền, thật may, chúng ta đã có cách khác để nhìn rõ châu lục này hơn, nhờ vào một phát minh đã thay đổi nhân loại mãi mãi – máy bay. 

Năm 1928, chuyến bay xuyên Nam Cực đầu tiên được thực hiện, mở màn cho rất nhiều chuyến bay khác sau đó. Và đương nhiên rồi, mỗi chuyến bay như vậy đã mang về những cái nhìn sâu rộng và chưa từng có về châu lục này, bổ sung vào kho tàng kiến thức của nhân loại. 

Thế nhưng, con người thì vẫn thế, khao khát khám phá và học hỏi của chúng ta luôn đi cùng với lòng tham chiếm đoạt và áp đặt ảnh hưởng. Sau Thế chiến thứ Hai, các cường quốc đã lục tung bản đồ để tìm ra các vùng đất để xác định ảnh hưởng. 

Bản đồ Nam Cực dần xuất hiện những vùng đất được đánh dấu bằng các đường viền có màu sắc khác nhau, thể hiện sự tranh giành ảnh hưởng của các quốc gia. Lúc này, các cường quốc bắt đầu cắm cờ trên Nam Cực, thiết lập các khu căn cứ phục vụ nghiên cứu khoa học, nhưng cũng đồng thời xác lập “địa bàn” chính trị, thể hiện mưu đồ tranh giành lãnh thổ.

Bản đồ thể hiện sự phân chia lãnh thổ tại Nam Cực.
 

Thời gian này cũng là giai đoạn cao trào của chiến tranh lạnh Mỹ và Liên Xô. Hai ông kẹ này không hề bỏ sót một cơ hội nào để thu thập các lãnh thổ mới để lấn át đối thủ. Và đương nhiên rồi, Nam Cực cũng không thể nào nằm ngoài tầm ngắm của Đại bàng Mỹ và Gấu Nga

Để thể hiện tham vọng của mình, Hoa Kỳ đã tung ra một bản đồ, trong đó thể hiện rõ vùng nào tại Nam Cực đã được “nhìn thấy chỉ bởi người Mỹ, chứ không phải ai khác”. Nói cách khác, Mỹ muốn nói rằng ‘ta đến đây trước’, và sẽ dùng những tấm bản đồ kiểu này để đi tranh chấp với các nước khác khi có đụng độ.

Bản đồ do Hoa Kỳ vẽ, vùng màu xám là những nơi ‘chỉ được người Mỹ nhìn thấy.

Nhưng rồi, thật may, vào năm 1959, tại Washington, Hiệp ước Nam Cực (The Antarctic Treaty) ra đời. Khi đó, 12 quốc gia (có kỹ sư và nhà khoa học đang có mặt tại Nam Cực) đã cùng ngồi lại và nhất trí rằng sẽ không nổ súng giành đất tại Nam Cực. Và rồi châu lục băng giá này giờ đây chỉ là một vùng đất hoàn toàn phục vụ cho mục đích phát triển khoa học kỹ thuật, một nước đi có lợi cho tất cả các bên. 

Hiệp ước này đã tạo điều kiện cho hàng loạt các chuyên gia, nhà khoa học từ khắp mọi nơi đổ về Nam Cực, cùng vô số máy móc và thiết bị điện tử tối tân, với mục tiêu không bỏ sót bất kỳ thông tin quý giá nào tại đây. Tuy nhiên, bất chấp tất cả nỗ lực, Nam Cực vẫn sừng sững ở đó, và mãi chỉ là một nơi mà chúng ta có thể hiểu rất ít về nó. 

Lời giải chỉ thật sự xuất hiện khi chúng ta tìm ra cách đưa những vệ tinh ra khỏi lực hút của Trái Đất và bay vào quỹ đạo không gian. Nói cách khác, lúc này chúng ta đã biết cách đưa vào vũ trụ những thiết bị bay có gắn camera, với mục đích quan sát Trái Đất một cách siêu chi tiết nhất. 

Ban đầu, những vệ tinh này chỉ được sử dụng cho mục đích quân sự, để giúp cường quốc nắm rõ các bước đi, sự chuẩn bị bên trong lòng căn cứ kẻ địch. Nhưng bên cạnh đó, vệ tinh đã cung cấp cho chúng ta những hình ảnh rất chi tiết về Trái Đất – hành tinh mà chúng ta đang cư ngụ. 

Nếu như trước đây, những nhà khoa học hay địa lý học chỉ có thể hiểu về Trái Đất thông qua các quan sát bằng mắt thường hay tính toán phức tạp thì giờ đây hình ảnh vệ tinh đã làm điều đó với độ chính xác gần như tuyệt đối. Đó là một bước tiến vĩ đại của loài người. 

Chúng ta không cần phải phỏng đoán và tưởng tượng nữa, giờ đây một kỹ sư ngồi trong căn phòng ấm áp tại Paris hay bãi biển Rio De Janeiro cũng có thể nhìn thấy rõ ràng toàn bộ mọi thông tin về bề mặt cũng như hình dạng của Nam Cực nhờ vào các bức ảnh được gửi về từ vệ tinh. Nói ngắn gọn, chúng ta đã vượt qua chính mình một cách ngoạn mục. 

Cách đây chỉ vài năm thôi, chúng ta còn hiểu rõ về Sao Hỏa hơn Nam Cực, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Lượng thông tin được các vệ tinh gửi về ngày cứ thế tăng lên theo cấp số nhân, đến mức não người không thể nào xử lý nổi. Và rồi, tất cả những thông tin quý giá về Nam Cực, với độ chính xác, tính chi tiết, và sự phức tạp ở mức khó tin đã được thể hiện trong một bản đồ đầy ngạo nghễ.

Siêu bản đồ về Nam Cực.

Đây là bản đồ được thực hiện bởi một dự án có tên REMA (Reference Elevation Model of Antarctica) do hai đại học bang Iowa và Illinois của Mỹ công bố sau nhiều năm tiến hành thu thập dữ liệu về Nam Cực. Theo công bố trên website của REMA, độ phân giải của bản đồ mới là gấp 100 lần bản đồ trước đó, và họ tự tin khẳng định rằng giờ đây châu Nam Cực chính là ‘châu lục có nhiều dữ liệu được thể hiện trên bản đồ nhất thế giới’. 

Đây chính là một thành tựu tuyệt vời của khoa học kỹ thuật. Các chuyên gia đã phát triển một hệ thống dữ liệu được thu thập từ vô số các vệ tinh bay quanh Trái Đất mỗi ngày để tạo nên một kho dữ liệu có dung lượng 150 TB (150 terabytes). Nói một cách dễ hiểu, mọi ngóc ngách dù là nhỏ nhất của Nam Cực cũng đã được phân tích và thể hiện trên bản đồ theo một cách tinh vi và cặn kẽ mà người xưa chỉ có thể dám tưởng tượng ra. 

Chưa dùng lại ở đó, kho dữ liệu này có đầy đủ chi tiết các thông tin bao gồm: độ dày của lớp băng ở những nơi khác nhau, dòng chảy của các tảng băng, tốc độ và mức độ tan chảy của băng, hoạt động địa chất dưới các lớp băng, và hàng tỉ tỉ thứ thông tin khác nữa mà bất cứ ai quan tâm đến Nam Cực và biến đổi khí hậu đều có thể dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu. Và quan trọng hơn, tất cả các số liệu thông tin này luôn được cập nhật liên tục, để cho ra thông tin ở mức độ chính xác gần như tuyệt đối. 

Kết

Có thể thấy, hành trình chinh phục của Nam Cực là câu chuyện về thành công từ những lần vấp ngã của chúng ta, một câu chuyện đầy cảm hứng về sự vượt khó và khao khát chinh phục vô tận của loài người. Và câu chuyện này đã phần nào vạch ra một điều, rằng bản chất của con người là tò mò, ta thèm khát được chinh phục những điều chưa biết, dù cho cái giá phải trả là gì đi nữa. 

Và từ câu chuyện này, ta có thể tự tin khẳng định rằng con người sẽ không dừng lại. Chúng ta sẽ tiếp tục chinh phục những vùng đất mới, đi đến những nơi ổ bên ngoài hành tinh này, theo cách hoàn toàn tương tự – bằng sự tò mò vô hạn và sự trợ giúp đắc lực của khoa học công nghệ. 

Suy cho cùng, chúng ta cần phải làm thế, không phải bởi vì ta muốn thỏa mãn lòng tham được làm chủ những lãnh địa, mà bởi đơn giản chúng ta không bao giờ khuất phục và chấp nhận sự thiếu hiểu biết của mình về thế giới rộng lớn ngoài kia. Mỗi một vùng đất mới được giải mã, mỗi một dung lượng thông tin được thu thập sẽ giúp chúng ta hiểu thêm một ít về mọi thứ xung quanh, về sự kì diệu và phức tạp đầy hấp dẫn của sự sống và vũ trụ.

Chia sẻ câu chuyện này
Share