Nga: Đại hùng phương Bắc

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Nga: Đại hùng phương Bắc

Sự kiện Tổng thống Putin mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” lên Ukraine cho thấy lãnh thổ Nga dễ tổn thương vô cùng. Có rất nhiều lý do để một cuộc xung đột chưa từng thấy bùng phát ở thế kỷ 21, nhưng chung quy lại vẫn vì yếu tố địa chính trị nhạy cảm.

Nga Châu Âu Viễn Đông

Từ Châu Âu tới Viễn Đông

Châu Âu là một vùng đất đẫm máu chiến tranh. Sở dĩ những nước trên châu lục này đánh nhau triền miên như vậy là bởi địa lý “tiếp tay” cho họ làm chuyện đó dễ dàng.

Đồng bằng Bắc Âu trải dài từ Pháp đến Nga hầu như không có một chướng ngại vật đáng kể nào. Nga được dãy Ural như Vạn Lý Trường Thành tự nhiên che chở phía châu Á nên mặt này có thể tạm yên tâm. Tuy nhiên, phần lãnh thổ của Nga ở châu Âu rất trống trải. Nếu một nước phương Tây tấn công, con đường đến thủ đô Moscow vô cùng rộng rãi thoáng mát.

Không núi non, không sa mạc, rất ít sông ngòi, các kinh đô nước Nga hoàn toàn phơi bày và dễ bị tổn thương trước phương Tây. Lịch sử đã chứng minh rằng bất cứ một đội quân nào đó đủ mạnh như Pháp, Đức, Ba Lan cũng đều đánh được tới Moscow cả. Thật sự mà nói có lẽ các Sa hoàng Nga cũng chỉ ước Ukraine là một dãy núi cao để che chắn cho Nga, tiết kiệm được bao nhiêu chi phí quốc phòng.

Nhược điểm chết người này đã được Ivan Hung đế nhận ra từ hồi mới lập quốc. Vì vậy chính sách đối ngoại truyền thống của Nga là tấn công, tấn công và tấn công. Phải lấy công làm thủ, phải bành trướng để tạo ra những mảng đất mênh mông làm “vùng đệm” bảo vệ trái tim Moscow hoặc ít nhất cũng phải tạo ra những chính quyền phụ thuộc bao quanh nước Nga.

Các lãnh đạo Nga xưa nay luôn theo đuổi truyền thống lấy công làm thủ này. Tốc độ mang gươm đi mở cõi của người Nga rất nhanh, rơi vào khoảng 56km/năm, lấn cả sang đất Mãn Châu – quê hương nhà Thanh. Kết quả là lãnh thổ trên đất liền nước Nga phình to hơn mọi quốc gia trên thế giới và cho đến nay thì vẫn là thế.

Bản đồ sự bành trướng của Nga.

Để quản lý hiệu quả đế chế khổng lồ của mình, Nga tạo nên một kỳ quan. Chính là tuyến đường sắt xuyên Siberia dài hơn 9000km.

Đường sắt đi đến đâu, thị trấn và thành phố mọc lên tới đó. Với một nước lớn muốn giãn dân ra rải khắp đế chế thì đường sắt là một lựa chọn hợp lý. Nếu không có đường sắt hoặc giao thông thuận tiện, dân chúng họ thường có xu hướng quy tụ ở các thành phố lớn thôi.

Đường sắt xuyên Siberia là một tuyến đường cực kỳ bá đạo. Nó cho phép Nga -một nước châu Âu – trở thành hàng xóm của cả những nước Viễn Đông như Hàn Quốc và Nhật Bản. Vladivostok là thành phố Nga, nhưng nó nằm trên đất Mãn Châu, nơi phát tích ra nhà Kim và nhà Thanh

Nếu không có tuyến đường sắt Siberia, Nga sẽ không thể giữ được vùng này. Quân lính của họ đâu thể đi xuyên qua Siberia hoang vu được? Cách hay nhất là cho hết lên tàu lửa chở cái vèo từ châu Âu qua châu Á. Tuyến đường sắt này là một trong những nguyên nhân khiến Nhật quyết định đánh Nga vì thấy ông này bành trướng ghê quá. 

Một nước Nga lớn mạnh đồng thời cũng là mối đe dọa của phương Tây. Do đó, Nga và phương Tây luôn phải căng thẳng theo dõi bất kỳ thái độ cà khịa nào của đối phương. Đây là lời nguyền mà mọi Sa Hoàng từ Ivan Hung Đế, Pyotr, Ekaterina, cho đến Stalin, Putin đều đau đầu giải quyết.

Đế quốc Nga sẵn sàng dùng vũ lực để đè bẹp bất cứ kẻ nào chạm tới những vùng “nhạy cảm” đe dọa tới tồn vong của mình. Họ phải triệt tiêu mọi nguy cơ trước khi chúng đến quá gần. Bạn càng tiến sát tới điện Kremlin, nước Nga càng đáp trả dữ dằn. 

Điều này có thể lý giải được thái độ quyết liệt của Putin trong cuộc chiến với Ukraine, khi chúng ta có thể liên hệ nguyên nhân sâu xa từ thời Ivan Hung đế 500 năm trước. Việc những nước lân cận lần lượt gia nhập NATO, tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu, đã khiến con gấu Nga cảm thấy bất an. Nó mặc kệ việc bị thương, sẵn sàng lao vào cắn xé bất cứ mục tiêu nào trong tầm mắt để tự vệ.

Khát khao nằm ngoài biển rộng

Trở ngại địa lý thứ hai: Nga không có một cảng nước ấm nào ra hồn cả. Bạn cứ tưởng tượng hải cảng mà một năm đóng băng mấy tháng như Murmansk hay Vladivostok thì hải quân còn làm ăn gì được nữa. Xui xẻo lại cắm đầu như Titanic. Một quốc gia muốn làm bá chủ thế giới thì hải quân không thể yếu được. Người Nga rất cần một cảng nước ấm.

Crimea đáp ứng điều đó.

Crimea - nơi Nga quyết không bỏ qua.

Năm 2014, cả thế giới bàng hoàng khi Tổng thống Nga Putin quyết định tấn công Ukraine và đoạt lấy Crimea, vùng đất có diện tích lớn tương đương nước Bỉ và bang Maryland của Mỹ. Hành động này khiến phương Tây phát điên, nhưng Putin bất chấp.

Nhìn đi nhìn lại, Nga chỉ còn một lựa chọn khả thi nhất là cảng Sevastopol nằm trên Crimea, vùng đất thuộc lãnh thổ Nga hơn 200 năm, sau đó được nhượng lại cho Ukraine từ 1954.

Có lẽ người Nga nghĩ rằng cả Ukraine và Nga dù sao cũng đều thuộc Liên Xô, mà Liên Xô sẽ chẳng bao giờ sụp đổ.

Có điều Liên Xô không tính được rằng năm 1991 họ tan rã, dẫn tới việc Nga và Ukraine tách ra làm hai quốc gia riêng biệt. Nước đi này Nga đi nhầm và không thể đi lại được. Cũng giống như chuyện đem công thức bom nguyên tử chia sẻ với Trung Quốc để rồi… Trung Quốc bắt tay với Mỹ cùng chống Nga vậy. 

Liên Xô tan rã, các quốc gia lần lượt giành độc lập.

Từ Châu Âu tới Viễn Đông

Đứng dưới góc độ của Nga, việc Ukraine xa rời quỹ đạo cũ của Liên Xô và mong muốn ngả về phương Tây là rất nghiêm trọng. Nếu Ukraine gia nhập NATO thì đúng là nước cờ trí mạng. Đồng nghĩa ước mơ Nga trở thành thế lực đại dương sẽ bị dập tắt tan tành. Bây giờ hoặc không bao giờ, Nga phải hành động gấp trước khi quá muộn. Phải chiếm lại Crimea, dù cái giá có đắt cỡ nào đi nữa.

Putin mạnh tay đưa quân sáp nhập Crimea và lấy về cảng nước ấm Sevastopol. Mặc dù địa thế nơi này chẳng ngon lắm, so với nước Mỹ với đường biển dài vô tận thì đúng là thảm hại, nhưng có còn hơn không. 

Putin mạnh tay đưa quân sáp nhập Crimea và lấy cảng nước ấm Sevastopol.

Dưới góc độ quốc tế, hành động sáp nhập này không thể chấp nhận được, nhất là khi trật tự thế giới cơ bản đã định hình sau Thế chiến thứ Hai. Việc phân chia đất đai cũng nằm trên giấy trắng mực đen đàng hoàng. Bây giờ nếu các nước cứ động binh đánh lẫn nhau với lý do đòi lại đất cũ thì Trái Đất sẽ đại loạn. Chuyện đưa quân vào một nước có chủ quyền rồi chiếm lấy đất đai họ rất khó tin trong thế kỷ 21. Khi cố gắng hoá giải lời nguyền địa lý của mình, Nga lại rước thêm nhiều kẻ thù mới cùng hàng loạt lệnh cấm vận chồng chất.

Nga tiếp tục tấn công và sáp nhập thêm 4 tỉnh của Ukraine.

Việc Nga tiếp tục tấn công và sáp nhập thêm các tỉnh của Ukraine như một giọt nước tràn ly. Putin ước vọng đưa nước Nga trở lại vinh quang thời Sa hoàng và phương Tây cũng không từ bỏ cơ hội này để bao vây Nga. Mâu thuẫn giữa nước Nga và phương Tây sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Giống như trò chơi kéo co, mỗi bên nắm một đầu dây, ai buông trước là ngã đau trước. Liệu thế giới có diệt vong vì thảm họa hạt nhân hay không còn tùy thuộc vào thiện chí giữa các bên.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz

Researcher Hồ Đức 
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share