Tam quốc diễn nghĩa truyền bá sang Đại Việt đã mở ra một góc sân văn học mới. Từ chỗ yêu thích tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, các tác giả trung đại cũng bắt đầu viết các tác phẩm chương hồi lấy chủ đề lịch sử Đại Việt. Tuy vậy, di sản này chưa từng được chú ý đến một cách đúng mức. Chúng ta đã có những gì? Và có thể khai thác gì từ di sản kia?
Dùng chương hồi diễn nghĩa Việt sử
Câu chuyện Tam Quốc đã được đón nhận và yêu thích từ lâu ở Đại Việt. Phạm Ngũ Lão thời nhà Trần làm thơ Thuật hoài đã có nói: “Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”; nghĩa là “thấy thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện của Gia Cát Lượng”. Khi đề tựa cho tập Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Trần Khánh Dư cũng đã sử dụng quan điểm của thiên Bất trận trong sách Khổng Minh binh pháp.
Chúng ta không biết Tam quốc diễn nghĩa đã du nhập vào Đại Việt từ thời điểm nào. Hoan Châu ký có chép lá thư của Tấn quận công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) viết cho tướng Mạc vào năm 1576, trong đó có nhắc đến chi tiết qua năm ải chém sáu tướng để về với Huyền Đức. Đó rõ ràng là văn liệu trích ra từ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Một số nhà nghiên cứu suy đoán Hoan Châu ký được viết sau năm 1696 ít lâu.
Bản thân Hoan Châu ký là một tác phẩm được viết theo cảm hứng tiểu thuyết chương hồi. Nó nói về lịch sử của dòng họ Nguyễn Cảnh trong thời đại nội chiến Nam – Bắc triều, giữa tập đoàn Lê – Trịnh và nhà Mạc. Trong hai thế kỷ 17-18, các văn nhân Đàng Ngoài cũng đem những tác phẩm ăn khách trước kia như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái diễn thành tiểu thuyết chương hồi.
Ở Đàng Trong, năm 1719, Nguyễn Khoa Chiêm cũng soạn Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí. Tác phẩm này nguyên thủy cũng là tiểu thuyết chương hồi. Nhưng hậu thế đã biên tập lại để nó trở thành một cuốn sách có diện mạo gần với sử.
Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ 18, cảm khái về những biến động thời cuộc khi họ Trịnh bị Tây Sơn đánh đổ, và nhà Lê đấu tranh giành lại quyền hành, Ngô Thì Chí cũng bắt tay viết 7 hồi đầu của bộ tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí. Phần cuối của bộ tiểu thuyết được viết tiếp bởi ít nhất hai tác giả, trong đó một người là Ngô Thì Du – người đã viết 7 hồi kế tiếp.
Một hậu duệ khác của dòng họ Ngô là Ngô Giáp Đậu trong những năm 1899-1904 cũng viết về thời đại này dưới góc nhìn của phe chúa Nguyễn, lấy tên là Hoàng Việt long hưng chí. Việc biên soạn tiểu thuyết chương hồi vẫn được tiếp tục trong suốt thế kỷ 20. Nhưng lần này, các tác phẩm được viết bằng chữ Quốc ngữ. Chưa có một thống kê cụ thể số lượng tác phẩm thuộc thể loại này, nhưng chỉ qua những tác phẩm đã biết thì khối lượng cũng đã tính là đồ sộ.
Chỉ nói riêng các tác phẩm thời trung đại, các tác giả đầu tiên đều lựa chọn viết về giai đoạn phân tranh từ khi nhà Mạc nổi lên cho đến khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Vì sao họ lại chọn viết về thời kỳ đó? Và viết về chúng có những thuận lợi gì?
Thời Tam phân và thời Tam Quốc
Cả ba tác giả tiểu thuyết chương hồi đầu tiên của nước Đại Việt đều mang trong mình cảm khái với thời đại. Đối với Nguyễn Cảnh thị – tác giả Hoan Châu ký – đó là ẩn ức về lịch sử gia tộc chưa được hậu thế biết rõ. Với Nguyễn Khoa Chiêm, đó là khát khao muốn ghi lại lịch sử xây dựng chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong. Còn đối với Ngô Thì Chí, đó hẳn là niềm hân hoan buổi đầu khi thấy nhà Lê giành lại thực quyền. Khác với La Quán Trung, cả ba người đều còn sống trong thời đại mà họ phản ánh vào tiểu thuyết. Nhưng thời đại của họ vừa khéo lại có nhiều nét tương đồng với thời đại mà La Quán Trung lựa chọn.
Nhà Lê bắt đầu suy yếu từ thời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực. Đó là Hoàn đế, Linh đế của nước Đại Việt. Cuộc nổi dậy của Trần Cảo khiến vương triều suy vi. Trần Chân dẫn binh từ Sơn Tây về đánh đuổi loạn quân và bắt đầu trở thành quyền thần. Sau khi Trần Chân bị ám sát, các thế lực quân phiệt bắt đầu cát cứ, công thần cũ nắm quân lại đấu đá nhau bên trong kinh kỳ. Nếu Trần Chân là Đổng Trác của nhà Lê thì Mạc Đăng Dung nổi lên với vai trò Tào Tháo. Mạc Đăng Dung kẹp thiên tử nhà Lê để hiệu triệu chư hầu. Bằng trận Quan Độ tại Thăng Long, Mạc Đăng Dung đại phá thế lực của Trịnh Tuy, giành lấy quyền khống chế cả nước, rồi soán ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc.
Hậu duệ nhà Lê chạy sang Ai Lao, dựng cờ phục vị. Sau nhiều đấu tranh quân sự và chính trị, nước Đại Việt bị phân thành ba mảnh. Họ Mạc thua chạy lên Cao Bằng, kéo dài hơi tàn dưới sự bảo trợ của nhà Minh. Người đương thời gọi đó là Đàng Trên. Nguyễn Hoàng được trao quyền kiểm soát hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam, đã biến nơi này thành địa bàn cát cứ. Người đương thời gọi vùng đất đó là Đàng Trong. Chúa Trịnh khống chế vua Lê, quản lý phần đất còn lại. Đó gọi là xứ Đàng Ngoài.
Tình trạng chia ba tuy không phải là chân vạc nhưng cũng đã hình thành thế kiềm chế. Trong bối cảnh như vậy, văn thần võ tướng của ba bên ra sức trổ tài đua trí. Cả ba bên đều có thời gian để biên soạn tài liệu ca ngợi bên mình. Tình trạng cân bằng về mặt sử liệu ấy cho phép xây dựng một câu chuyện cân bằng, có đối trọng. Nhưng lịch sử kể chuyện Tam phân của Đại Việt vẫn chưa phát triển đến trình độ của Tam quốc diễn nghĩa. Vậy nó đã đạt tới trình độ nào rồi?
Tam phân chờ người nhất thống
Lịch sử kể chuyện Tam phân của Đại Việt còn ở trình độ sơ khởi. Nguyễn Cảnh thị, Nguyễn Khoa Chiêm, Ngô Thì Chí, Ngô Giáp Đậu đều lựa chọn một lập trường nhất định để soi chiếu các thế lực còn lại. Do đó, xu hướng ca ngợi một chiều là điều khó tránh khỏi. Nó giống như tình trạng một chiều trong Ngụy thư của Vương Thẩm, Ngô thư của Vi Chiêu và Cố quốc chí của Trần Thọ. Cần có một tác giả tiến hành tổng hợp lại dưới góc nhìn trung dung, để làm nổi bật trí dũng của từng bên. Nói cách khác, tư liệu của ba Đàng bị “tam phân” cần có người gồm thâu nhất thống. Nhất thống để làm gì?
Trong thời đại công nghệ tiên tiến và hội nhập toàn cầu, vốn liếng dân tộc chính là nền tảng để tồn tại. Khi cả thế giới xích lại gần nhau trong một nền văn minh chung nhất, bản sắc dân tộc là thứ duy nhất còn lại để phân biệt ta với người. Trong thời cổ đại, người ta mang phương vật, thổ nghi đi theo các phái đoàn sứ giả tới lân bang. Còn ở thời hiện đại, văn hóa và lịch sử dân tộc sẽ nắm giữ vai trò đó.
Văn hóa và lịch sử vô hình là dòng chảy cuốn theo những vật phẩm hữu hình. Cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, người Việt Nam đã chứng kiến sự thành công của những dòng chảy như vậy. Nhưng chúng đến từ nước ngoài. Thoạt tiên là từ Nhật Bản, rồi đến Hàn Quốc và ngày nay là sự trở lại của Trung Quốc. Trong tương lai, Thái Lan có cơ hội rất lớn. Còn Việt Nam sẽ làm gì giữa những dòng chảy đó? Nhân lúc nhàn rỗi này, bạn thử ngẫm xem.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?