Điều quan trọng phải nhắc đi nhắc lại: Đừng bao giờ thử cố chiếm kinh đô Moscow trừ phi bạn là người Ba Lan.
Phải, tôi đang nói đến Klushino, một trận đánh mà ta thấy rõ sự chênh lệch rất lớn giữa hai bên. Nga nắm trong tay hơn 3 vạn quân, đối đầu với hơn 1000 bộ binh và 5000 Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan vốn đã mệt mỏi do hành quân suốt đêm. Trận đánh long trời lở đất kéo dài 5 tiếng đồng hồ này dẫn đến kết quả là Thịnh vượng chung thương vong chỉ vẻn vẹn 400, còn Nga là 5000. Con đường dẫn đến kinh đô Moscow mở rộng trước mắt. Quả thật mỹ hiệu Thiên thần Chết chóc không hề là hư danh.
Hẳn bạn đã nghĩ phim 300 rất ngầu? Đồng ý rằng các chiến binh Sparta cùng vua Leonidas cản bước vạn quân Ba Tư tại Thermopylae quả thật là một hình ảnh bi tráng. Tuy nhiên, phim ảnh đã cường điệu ít nhiều sự kiện đó. Còn với các Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan, họ đã từng lâm vào tình thế 1 đấu 62 với một kình địch: Hãn quốc Crimea, tàn dư của Kim trướng Hãn quốc thuộc đế chế Mông Cổ xưa.
Tại Hodów, phe Ba Lan – Lithuania có 400 kỵ binh, trong đó gồm 100 Phiêu dực Kỵ binh, đương đầu với khoảng 4 vạn quân Thát Đát, một kèo đấu siêu lệch. Phiêu dực Kỵ binh tử thủ trong vòng 6 giờ đồng hồ liên tục trước các đợt tấn công liên miên như vũ bão của người Thát. Bất chấp đạn dược cạn kiệt, các Phiêu dực Kỵ binh dùng chính mũi tên của người Thát để bắn trả. Họ chiến đấu kiên cường đến mức người Thát cũng phải thất vọng rút lui sau khi nhận được câu thách thức đáp trả lời chiêu hàng:
– Ngon thì đến bắt bọn ta này!
Ngoài hai sự kiện lưu danh sử sách ở trên, Phiêu dực Kỵ binh tham gia rất nhiều trận đánh và thường chiến thắng trong thế áp đảo. Nhiều cường quốc từng là bại tướng dưới tay họ. Ngọn trường thương, lưỡi kiếm nhọn, khẩu súng lục, đôi cánh rực rỡ và chiến thuật thông minh là thứ khiến cho mọi đối thủ đều khiếp đảm khi đụng độ Phiêu dực Kỵ binh. Tuy nhiên, thứ đưa họ lên hàng huyền thoại lại là trận đánh dưới đây.
Ta bước nhanh đến năm định mệnh 1683, cái năm Hồi giáo từng có một cơ hội để đâm một nhát trí mạng vào thẳng trái tim châu Âu. Số là người Hungary phần nhiều theo Tin Lành, nhưng lại do một hoàng đế Cơ Đốc thuộc Thánh chế La Mã cai trị. Họ cực kỳ oán giận nên liên tục chống trả. Một trong những biện pháp cuối cùng là cầu cứu Ottoman. Gã khổng lồ này ngay lập tức hưởng ứng lời kêu gọi. Quân Ottoman từ bốn phương của đế quốc tụ hội đông như kiến và tràn về nước Áo. Dưới sự chỉ huy của tể tướng Kara Mustafa, 20 vạn đại quân Ottoman trang bị tận răng tấn công Vienna. Constantinople đã mất, Buda cũng đã mất, nếu hôm nay Vienna tiếp tục mất, thì ngày mai sẽ là Roma.
Mùa hạ nặng nề lê bước qua cửa ngõ châu Âu, quân Ottoman bao vây dày đặc bên ngoài những bức tường kiên cố của thành Vienna. Đô thành nước Áo dường như sắp thất thủ tới nơi, vận mệnh nó chỉ còn tính bằng ngày. Trong 60 ngày đêm, quân dân Vienna đã cố gắng tử thủ trong kiệt quệ trước binh đoàn xâm lược khổng lồ. Họ bắn tín hiệu cầu cứu lên trời mong được các nước khác ứng cứu nhưng chẳng ai đáp lại. Lúc mọi hy vọng sắp lụi tàn, kỳ tích đã xảy đến.
Sau hai tháng trời chịu đựng, khi Vienna không còn gì để ăn và tường thành sắp sập vì mìn của Ottoman chôn dưới đất, người Ba Lan đã xuất hiện phía đường chân trời. Trong lúc không ai dám tới Áo thì đức vua kiệt hiệt Sobieski quyết định thân chinh ra trận. Trong tay ông là quân đội Cơ Đốc giáo, đặc biệt là quân chủng uy dũng hàng đầu thế giới thời đó – Phiêu dực Kỵ binh.
Trước đại địch, Sobieski không hề nao núng. Nhà vua nhắc lại trận thắng Hodów oanh liệt trước Hãn quốc Crimea năm xưa để thổi bùng lên tinh thần quân sĩ. Từ ngọn đồi cao, những đôi cánh và ngọn trường thương vung lên, các chiến kỵ Ba Lan như thiên binh thần tướng trên trời giáng xuống cứu khổn phò nguy. Với một đội quân ít ỏi hơn gấp nhiều lần, vua Sobieski đã bất chấp hiểm nguy, thân chinh xông vào đội hình Hồi giáo khổng lồ. Như một mũi tên vừa rời khỏi cánh cung, 3000 Phiêu dực Kỵ binh nhắm hướng 15 vạn quân Hồi giáo Ottoman mà xung phong. Mặt đất rung chuyển trong tiếng vó ngựa hùng tráng, đoàn kỵ mã Thiên Chúa giáo với sức mạnh bạt sơn cử đỉnh lao thẳng vào đội hình Hồi giáo, hất tung tất cả trên đường đi.
Các Thiên thần chiến trường như những đôi cánh mang theo niềm tin chiến thắng cho châu Âu. Và ngoạn mục chưa từng thấy, trong vòng nửa giờ đồng hồ, doanh trại người Thổ bị cày xới tan nát. Đế chế Ottoman đại bại trong một trận lội ngược dòng không thể tin được. Họ buộc phải nhả thành Vienna và ngậm ngùi thu quân về nước, quay về nơi họ ra đi. 5 giờ chiều định mệnh ngày 12 tháng 9 năm 1683, Ba Lan là vị cứu tinh của cả thế giới phương Tây.
Vua Sobieski và đoàn kỵ binh Thiên thần xuất hiện ở cửa ngõ đô thành nước Áo là một trong những hình ảnh bi tráng bậc nhất, có thể sánh ngang với quân Rohan giải cứu thành Minas Tirith trong phim Chúa Nhẫn. Đây là một trong những trận đánh mang tính điện ảnh và đẹp mắt hàng đầu lịch sử thế giới. 3 thế kỷ sau trận Vienna, ban nhạc Sabaton đã dành hẳn một bài rock để ca ngợi đoàn thiên binh bất tử:
“Lòng chúng tôi khắc in Hình ảnh ngày tháng Chín Đêm thành Viên thoát nạn Và quân thù gặp hạn
Giông sét và thép lửa xoay vần Thiên binh thần tướng cùng giáng trần Áo giáp bạc và đôi cánh vút bay Cứu tinh đến mang vận mệnh đổi thay
Lòng chúng tôi khắc in Hình ảnh ngày tháng Chín Khi Thiên thần xuất chinh!”
Chia sẻ câu chuyện này
Minh họa nguồn:Józef Brandt,Krzysztof Piasek, Aleksander Karcz, Mariusz Kozikvà Tomasz Jedruszek Họa sĩ 3D: Emre Ekmekci và Pierre Seigne Và một số minh họa nguồn: internet Tác giả Phạm Vĩnh Lộc Thiết kế và dàn trang Trần Văn Hậu