Vieseries Hồ Sơ W

Theo dấu hậu duệ hoàng triều Tây Sơn – Kỳ 1: Vua hải tặc

Tác giả Wong Trần
Theo dấu hậu duệ hoàng triều Tây Sơn – Kỳ 1: Vua hải tặc
Triều đại Tây Sơn sụp đổ. Dòng dõi nhà Tây Sơn đã bị triều Nguyễn tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng có thật vậy không?

Đinh Công Tuyết và cố gắng khôi phục triều đại Tây Sơn 

Mùa hạ năm Nhâm Tuất (1802), đại quân của Nguyễn Ánh chia đường thủy bộ rầm rộ kéo ra Bắc. Chính quyền Tây Sơn ở Bắc Hà sụp đổ nhanh chóng. Quân Nguyễn tiến tới Thăng Long đúng ngày mà Nguyễn Ánh đã dự tính trước – ngày 16 tháng Sáu âm lịch. Hoàng đế Tây Sơn Nguyễn Quang Toản cùng em trai là Thái tể Quang Duy, Nguyên soái Quang Thiệu đều bị quân Nguyễn bắt. Thắng lợi trước triều đại Tây Sơn đã khiến cho Nguyễn Ánh lên tinh thần. Ông ta nhận thấy rằng thời kỳ thực hiện những chính sách rộng rãi để thu phục lòng người đã tới. 

Tháng Bảy cùng năm, Trấn thủ Yên Quảng là Nguyễn Hữu Đạo giải nộp Tư lệ Tây Sơn là Đinh Công Tuyết. Nguyễn Ánh cho rằng Đinh Công Tuyết chỉ là một tướng vô danh, nên ra lệnh phóng thích. Nguyễn Ánh sẽ nhanh chóng hối hận về quyết định này của mình. Người mà ông cho là vô danh đó lại chính là một danh tướng thủy chiến nổi tiếng của Tây Sơn

Năm 1797, Đinh Công Tuyết đã vang danh trong việc đánh dẹp băng hải tặc của Hoàng Trụ, Trần Nhạc trên vùng biển thuộc vịnh Bắc Bộ ngày nay. Chiến công này được chính Thanh Cao Tông (Càn Long) biết đến và khen thưởng. Đinh Công Tuyết cũng là một chiến tướng quan trọng trong chiến dịch Trấn Ninh đầu năm 1802. Mặc dù vậy, những hoạt động của Đinh Công Tuyết chủ yếu là ở phía Bắc, nên cũng không lạ gì về việc Nguyễn Ánh không đánh giá đúng đắn về Đinh Công Tuyết.

Mùa thu năm Quý Hợi (1803) – tức năm Gia Long thứ 2, Đinh Công Tuyết một lần nữa xuất hiện, khuấy động phần biển của hai trấn Yên Quảng, Hải Dương rồi thừa thắng theo đường sông tiến vào nội địa. Lực lượng mà Đinh Công Tuyết dẫn đầu bao gồm chủ yếu là các hải phỉ Tàu ÔThiên Địa Hội. Trong số này có Mạch Hữu Kim, ngoại hiệu là Ô Thạch Nhị, người huyện Hải Khang phủ Lôi Châu nước Thanh. Khoảng năm 1796, Mạch Hữu Kim theo về với triều Tây Sơn, được phong đến chức Thanh Hải đại tướng quân.

Quốc sử di biên nói rằng nhóm Đinh Công Tuyết đã tôn phò “con trai của Đại vương Thiện tên là Long làm chúa”. Chúng ta không biết được gì thêm về nhân vật tên Long này, và Đại vương Thiện cha của ông ta rốt cuộc có lai lịch thế nào. Nhưng bằng vào việc nhóm Đinh Công Tuyết vẫn sử dụng niên hiệu Bảo Hưng của đế Quang Toản, chúng ta có thể nhận ra đây là một hậu duệ của triều đại Tây Sơn. Các hải phỉ này đã được hoàng đế Quang Trung chiêu dụ và trở thành một lực lượng đắc lực của triều đại Tây Sơn trên biển Đông.

Triều Nguyễn huy động lực lượng địa phương của ba trấn Yên Quảng, Hải Dương, Kinh Bắc ra chống cự. Vua Gia Long còn tăng viện thêm bằng lực lượng chính quy do Nguyễn Văn Trương và Lê Chất chỉ huy. Cộng thêm sự giúp đỡ của lực lượng thổ binh tại các tổng, quân triều Nguyễn đánh bại được quân của Đinh Công Tuyết, Mạch Hữu Kim. Tàn quân của họ bỏ chạy ra biển. Từ đó không còn ghi chép gì từ phía triều Nguyễn về số phận của Đinh Công Tuyết cũng như người tên Long mà ông ta tôn phò.

An Nam tam thái tử - thủ lĩnh hải tặc Tề Ngôi

Một năm sau sự kiện này, tức năm 1804, triều đình nhà Thanh gửi chỉ dụ cho Na Ngạn Thành ở Lưỡng Quảng, sai ông này bí mật điều tra về hành tung của bọn hải tặc. Triều đình nhà Thanh phát hiện trong giấy tờ của bọn hải tặc bị bắt có ghi chép xưng hiệu, quan chức và đóng ấn. Những dấu hiệu này cho thấy có một người cầm đầu bọn hải tặc. Họ yêu cầu Na Ngạn Thành tra rõ kẻ đầu sỏ, và bí mật bố trí vây bắt.

Năm 1805, trong một cuộc vây bắt ở Quảng Châu Loan, Na Ngạn Thành thu được một tờ giao ước do bảy thủ lĩnh hải tặc là Trịnh Văn Hiển, Mạch Hữu Kim, Ngô Tri Thanh, Lương Bảo, Trịnh Lưu Đường, Quách Học Hiến, Lý Tương Thanh cùng lập ra. Ở cuối tờ giao ước có dòng chữ “phụng mệnh chúa công truyền dụ” và niên hiệu Thiên Vận năm Ất Sửu (1805). Na Ngạn Thành vẫn chưa xác định rõ vị chúa công mà bảy đầu lĩnh hải tặc nhắc đến là ai.

Cùng năm, phủ Triều Châu phát hiện vụ án của Hoàng Đức Hưng và biết được Hưng là người quản lý tiền bạc trong bang của Trịnh Văn Hiển. Hoàng Đức Hưng khai với Na Ngạn Thành rằng Trịnh Văn Hiển tức là Trịnh Nhất, là em trai của đại hải tặc Trịnh Thất; Mạch Hữu Kim tức là hải tặc Ô Thạch Nhị, Ngô Tri Thanh tức Đông Hải bá, Lương Bảo tức Tổng binh Bảo, Trịnh Lưu Đường tức Trịnh Chí Đồng, Quách Học Hiến tức Á Bà Đái, Lý Tương Thanh tức Kim Cổ Dưỡng. Các hải tặc này “phần lớn là người cũ của Nguyễn Quang Bình” (tức vua Quang Trung). Hoàng Đức Hưng còn khai rằng: 

Từ sau khi con ông ta bị Nguyễn Phúc Ấm (tức Nguyễn Phúc Ánh) thôn tính, có người xưng là An Nam tam thái tử dẫn mấy trăm người Di tóc dài (cách gọi người Việt) trốn qua bang của Trịnh Thất, Ô Thạch Nhị, tuổi tác trên dưới hai mươi. Các đại đầu mục mười phần sùng kính. Các bang bàn bạc muốn phò người đó đoạt lấy An Nam. Mùa đông năm trước từng đem hơn mấy trăm hiệu thuyền cướp theo đường biển kéo tới Biện Sơn, đánh Đông Kinh không thắng, phải lui

Đại Nam thực lục ghi nhận vào tháng Chạp năm Gia Long thứ 3 (1804), giặc biển Tề Ngôi tên là Trạc tự xưng Ninh Hải đại tướng quân, đem hơn 60 thuyền quấy rối châu Vạn Ninh trấn Yên Quảng. Trấn thủ Lê Văn Vịnh dẫn binh dân đi đánh dẹp, chém Trạc. Đó chắc là cuộc tiến công mà Hoàng Đức Hưng nhắc đến. Cũng theo lời khai của Hoàng Đức Hưng, bảy bang hải tặc trong năm nay (tức năm 1805) đã hẹn cùng hai đám hải tặc mạnh của Sái Khiên, Chu Phần ở Phúc Kiến hợp bang. Từ những lời khai ở trên, Na Ngạn Thành kết luận rằng “người trong đơn xưng là chúa công chính là di nghiệt của họ Nguyễn (Tây Sơn), không còn nghi ngờ gì nữa”. 

Tĩnh hải phân ký của Viên Vĩnh Luân cũng có nói đến việc khi Phúc Ảnh (tức Nguyễn Phúc Ánh) chiếm An Nam, Cảnh Thịnh theo bề tôi là Mạch Hữu Kim trốn ra biển, tới chỗ Trịnh Thất và Đông Hải bá (ngoại hiệu của Ngô Tri Thanh – một trong số bảy đầu lĩnh hải tặc). Trịnh Thất đã dẫn Cảnh Thịnh về tập kích An Nam, nhưng bị thua. Trịnh Thất tử trận. Em họ của Trịnh Thất là Trịnh Nhất dẫn Cảnh Thịnh và cháu y là Bang Xương bỏ chạy. Theo Đại Nam thực lục, Trịnh Thất tử trận ở phần biển Vân Đồn vào năm 1802 khi giao chiến với thủy quân Nguyễn trong chiến dịch bình định Bắc Hà.

Kết hợp lời kể của Viên Vĩnh Luân và những thông tin đã biết, ta có thể xác nhận có một hậu duệ của Tây Sơn đã tự xưng là An Nam tam thái tử và chạy sang chỗ Trịnh Nhất (Viên Vĩnh Luân nhầm thành vua Cảnh Thịnh). Người đó chắc hẳn là Long – con trai Đại vương Thiện mà Quốc sử di biên đã nhắc. Sau bại trận năm 1803, Long vẫn còn ở lại với nhóm Trịnh Nhất. Trịnh Nhất đã dùng danh nghĩa của Long để hiệu triệu các lực lượng hải tặc. Trịnh Lưu Đường không lâu sau đầu hàng nhà Thanh. 

Liên minh hải tặc của Trịnh Nhất chia làm sáu kỳ: Trịnh Nhất lãnh đạo hồng kỳ; Ngô Tri Thanh ngoại hiệu là Đông Hải bá lãnh đạo hoàng kỳ, có băng hải tặc của Lý Tông Triều phụ theo; Mạch Hữu Kim ngoại hiệu là Ô Thạch Nhị lãnh đạo lam kỳ, có băng hải tặc của anh trai Kim là Mạch Hữu Quý, em trai Kim là Mạch Hữu Cát phụ theo, phụ sinh ở huyện Hải Khang là Hoàng Hạc làm mưu sĩ; Quách Bà Đái (về sau đổi tên là Học Hiển) lãnh đạo hắc kỳ, có Phùng Dụng Phát, Trương Nhật Cao, Quách Tựu Hỷ phụ theo; Lương Bảo lãnh đạo bạch kỳ; Lý Thượng Thanh (tức Lý Tương Thanh) ngoại hiệu là Hà Mô Dưỡng (còn gọi là Kim Cổ Dưỡng) lãnh đạo thanh kỳ.

Trong những năm 1805 – 1807, Đại Nam thực lục hàng năm đều có ghi một vài lần giặc biển Tề Ngôi khuấy rối hoặc thậm chí tiến đánh các đồn bảo của quân Nguyễn, nhưng đều không đạt được thắng lợi. Viên Vĩnh Luân cho biết ngày 17 tháng Mười năm Gia Khánh thứ 12 (1807), Trịnh Nhất chết chìm trong một cơn bão. Băng hải tặc của ông ta do vợ là Thạch thị (về sau gọi là Trịnh Nhất tẩu) thừa kế. Vai trò của An Nam tam thái tử lẳng lặng biến mất kể từ sau tấu báo của Na Ngạn Thành năm 1805.

Một “di tộc” của vua Cảnh Thịnh

Năm Gia Khánh thứ 11 (1806), Tổng đốc Lưỡng Quảng là Ngô Hùng Quang tâu báo về việc “di tộc của Nguyễn Quang Toản là Nguyễn Như Quyền trốn tránh việc truy bắt, chạy sang nội địa”. Liêm Châu phủ chí cho biết Nguyễn Như Quyền là con trai của Nguyễn Lặc – một bề tôi Tây Sơn. Nguyễn Lặc giao chiến với Nguyễn Phúc Ánh, bị thua chết. Nguyễn Như Quyền trốn tránh nơi hải đảo. Tháng Ba năm đó (1806), Nguyễn Như Quyền chạy sang Liêm Châu xin tị nạn.

Ngô Hùng Quang tâu việc này lên Thanh Nhân Tông (Gia Khánh). Ông ta đề xuất đem Nguyễn Như Quyền giao cho Việt Nam. Tuy nhiên, vua Gia Khánh lại cho rằng làm như vậy thì lại hóa ra “vì thuộc phiên mà bắt kẻ chạy trốn” – nghĩa là một việc mà chỉ kẻ dưới mới làm cho bề trên, nước nhỏ làm cho nước lớn, sẽ mất thể diện. Vua Gia Khánh còn cho biết rằng “Nguyễn Như Quyền chẳng qua cũng chỉ là dư nghiệt của bồi giới của Nguyễn Quang Toản, cũng chẳng phải là chi phái gần gũi”.

Tuy không bắt giao cho Việt Nam, vua Gia Khánh cũng không lưu Nguyễn Như Quyền lại, mà sai Ngô Hùng Quang bảo Như Quyền phải rời thuyền đi ngay, muốn đi đâu thì đi, nhưng không được lưu lại nội địa Trung Quốc. Từ đó về sau không còn tin tức gì về Nguyễn Như Quyền nữa. 

Nguyễn Như Quyền tuy “chẳng phải là chi phái gần gũi”, nhưng cũng được xác nhận là “di tộc của Nguyễn Quang Toản”. Liệu Nguyễn Như Quyền có phải An Nam tam thái tử hay không, điều này vẫn còn chưa rõ. Cả hai đều biến mất không chút dấu vết trong làn nước mờ mịt của biển Đông. Vào lúc nghĩa quân Tây Sơn vừa dựng cờ khởi nghĩa, trong dân gian đã lưu truyền câu sấm:

Hổ tự tây sơn xuất,
Long tòng đông hải lai.

Hổ tướng đã kéo ra từ Tây Sơn, còn người tên Long kia đã có kết cục thế nào nơi Đông Hải?
Chia sẻ câu chuyện này
Share