Sắc màu Đạo giáo tại chùa Chí Lý đất Nha Trang

Tác giả Võ Thủy Tiên
Sắc màu Đạo giáo tại chùa Chí Lý đất Nha Trang

Một lần cùng bạn đi vãng chùa đầu năm, tôi vô tình đến được một ngôi chùa có phối thờ Ngọc Hoàng, Thái thượng lão quân, Quan Thánh Đế Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Nữ Oa, Thiên Y A Na, và công chúa Tiên Dung. Trao đổi trực tiếp, vị trụ trì chùa Chí Lý (Vĩnh Hải) đã vui vẻ hỏi tôi liệu rằng đã thấy chùa nào thờ Ngọc Hoàng như ở đây chưa. Câu hỏi ấy với tôi giống một lời khẳng định hơn, rằng ngôi chùa này nằm trong số những nơi hiếm hoi tại Nha Trang phối thờ Ngọc Hoàng. Tôi hỏi thêm nguyên nhân vì sao Chùa phối thờ nhiều vị thánh trong Đạo giáo như vậy, thì nhận được khá nhiều lời giải thích lý thú:

1. Ngọc Hoàng được phối thờ với tượng Phật ở phần giữa chính điện:​

Với các tín đồ ở đây, Ngọc Hoàng là người cầm cán cân công lý: có công thì thưởng, có tội phải trừ; nói đến Ngọc Hoàng là nói đến giới luật, sự công bằng; thờ Ngài là một cách nhắc nhớ tín đồ sống ngay lành, đừng phạm luật. 

Theo sách Vân Cấp Thất Thiêm – một dạng từ điển Bách Khoa của Đạo giáo được đạo sĩ Trương Quân Phòng thời nhà Tống biên soạn vào khoảng năm 1023, phần Đạo giáo Tam Động tôn Nguyên quyển 3 có chú “Tam đại Thiên Tôn là quá khứ Nguyên thuỷ Thiên Tôn, hiện tại Thái Thượng Ngọc Hoàng Thiên Tôn, vị lai Kim Khuyết Ngọc Thần Thiên Tôn”. 

Cũng theo sách này, Thiên tôn là một thuật ngữ Đạo giáo để biểu thị những vị thần cao quý nhất. Có nhiều vị thần Đạo giáo có tên riêng được gọi kèm theo hai chữ Thiên Tôn như: Ngọc Thanh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn, Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn.

Một ví dụ tìm thấy trong Đại Việt Sử ký Toàn thư về từ Thiên Tôn ở Việt Nam vào tháng 5, năm Nguyên Phong thứ 6 (1256), Trần kỷ, quyển 5, bản kỷ có chú như sau: 

Mùa hạ, tháng 5, sét đánh điện Thiên An, lại đánh cung Thiên Thanh (cung Thái thanh là trung tâm đạo giáo cả thời Lý và Trần), tượng Thiên Tôn gãy mất một ngón tay”

Như vậy, từ Thiên Tôn trong Đại Nam nhất thống chí đã được dùng như cách gọi chung của các vị thần Đạo giáo. Và trong giáo lý Đạo giáo, có khái niệm “Ngọc Hoàng thượng đế” là “Thiên Tôn hiện tại” [1]

chùa Chí Lý
Tranh Ngọc Hoàng Thượng Đế | Nguồn : Internet

2. Ban thờ Quan Thánh Đế Quân và Thái Thượng lão quân bên trái chính điện:

Tục thờ Quan Thánh Đế Quân: Quan Công được phối thờ tại các chùa ở Nha Trang thường gắn với vai trò là vị phúc thần, già lam bồ tát, hộ pháp, thần tài, riêng tại ngôi chùa này, bức tranh Quan Công cầm cuốn sách lại ngụ ý khác. 

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Thơ, Người Hoa và người Minh Hương với văn hoá Hội An, hình Quan Công được hiểu nhiều hơn với vị trí một phúc thần, một vị thần tài và một vị văn xương hơn là vị thần trừ ma đuổi quỷ. Trong Minh Hương Tuỵ Tiên Đường, ở một khán thờ nhỏ, Quan Công được tạo dáng thành hai hình ảnh khác nhau với hai chức năng khác nhau: một quan công mặt đỏ tay cầm nén bạc tượng trưng cho thần tài và một Quan Công mặt nâu hồng tay cầm sách tượng trưng cho lễ nghĩa học tập [2]. Như vậy, bức ảnh Quan Công cầm sách biểu thị tín ngưỡng thờ Quan Công như một văn xương (vị thánh phù hộ việc lễ nghĩa học tập, cho trí tuệ cộng đồng) 

Tục thờ Thái Thượng lão quân: Thái Thượng Lão Quân là một vị thánh thờ tối thượng của Đạo giáo, là một trong Tam Thanh. Trong quan niệm dân gian, Lão Tử là một hoá thân tại trần gian của Thái Thượng Lão quân. Còn trong niềm tin của các tín đồ tại chùa, Thái Thượng Lão Quân chuyên về thuốc, linh dược, luyện đơn, khi tín đồ cần khẩn nguyện về thuốc thang, tìm hiểu khi bệnh tật ốm đau, đền phải qua ngài. Chùa thỉnh thượng Thái Thượng Lão Quân phối thờ hơn mười mấy năm nay. Trước đó, chùa thờ tranh ảnh của ngài.

chùa Chí Lý
Minh họa Quan Công cầm sách | Nguồn : Internet
chùa Chí Lý
Thái Thượng Lão Quân | Nguồn : Internet

3. Ban thờ Thánh Mẫu bên phải chính điện:

Cũng theo thầy trụ trì, trong 36 vị thánh mẫu, Thánh Mẫu Diêu Trì là vị thánh mẫu thứ nhất, thánh mẫu Nữ Oa đội đá vá trời xếp thứ nhì. Tuy nhiên, chùa chỉ thỉnh tượng thờ Nữ Oa, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Y A Na và Tiên Dung dù vẫn cử hành lễ vía thánh mẫu Diêu Trì. 

Tục thờ Cửu Tiên Huyền Nữ: Thầy trụ trì giải thích, tương truyền, xưa kia người dân chỉ biết làm nhà mái ngang, chưa biết làm nhà mái xuồng/nhà hai mái, Cửu Tiên Huyền Nữ đã hiện ra, chống nạnh và chỉ cho dân chúng cách làm nhà hai mái. Cảm tạ thánh nữ đã chỉ dạy, từ đó, người dân thường làm lễ cúng thánh nữ vào dịp gác đòn dông và cúng thượng lương để cầu cho công việc xây cất nhà được suôn sẻ. Đó là lý do Cửu Tiên Huyền Nữ được thờ phụng phổ biến ở miền Trung và miền Nam. 

Đạo giáo ở thế kỷ 17 chiếm vai trò quan trọng. Trong bài tham luận Đạo giáo thời chúa Nguyễn qua nghiên cứu chùa Thiên Tôn tại làng Đâu Kênh, tỉnh Quảng Trị, TS. Onishi Kazuhiko – Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết “tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ, một vị nữ thần quân sự Đạo giáo Trung Quốc bắt đầu phát triển ở Đàng Trong đặc biệt là tại hệ thống pháo đài nằm ở vùng sông Nhật lệ, Quảng Bình [3] (Onishi Kazuhiko, Sđd, 224). 

Tác giả Onishi Kazuhiko nói rằng chúa Hiền dù đã chuyển thủ phủ từ Dinh Cát sang Kim Long ở Huế vẫn quyết định xây dựng chùa Thiên Tôn tại xã Đâu kinh (nay là làng Đâu Kênh) nằm ở vị trí rất gần với xã Ái Tử, tức Dinh Cát, là thủ phủ đầu tiên của Đàng Trong, làm nơi cho binh lính thờ tự các vị thần linh Đạo giáo (nhất là Ngọc Hoàng). Bởi Dinh Cát vẫn chiếm giữ vị trí chiến lược. Số lượng binh lính được ghi nhận tại khu vực Dinh Cát trong Nam Hà Tiệp lục (quyển 3) phần “Quân doanh chiến trận“. Trước năm Nhâm Thìn 1772 (niên hiệu Cảnh Hưng), số lượng binh lính đóng tại khu vực sông Nhật Lệ và Linh Giang là 3.000 người. Riêng Dinh Cát giữ được 600 binh lính. [4] (Sđd, 227). 

Tác giả cũng dẫn trường hợp Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật (1603-1681), một trong những danh tướng thời chúa Nguyễn, trước khi bắt đầu cuộc chiến đấu với lực lượng nhà Trịnh, tướng quân Nguyễn hữu Dật thường xem sao và việc xem sao đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật quân sự lúc bấy giờ. 

Theo Nam triều công nghiệp diễn chí (quyển 5) và Đại nam thực lục tiền biên (quyển 4), đều ghi chép là vào tháng 9, năm Đinh Dậu tức 1657, chép rằng: “Ngày sau, mình đã suy toán là vào năm Quý Hợi, ngày 25, tháng nay, ngôi sao Chẩn gặp mặt trời thì chắc chắn có gió lớn mưa to. Huống chi lại có mây đen trùm lên vị trí của Bắc Đẩu, Cự Môn, có mây trắng trùm lên ngôi cùng của sao Thần thì từ phía Tây Bắc sẽ có mưa to gió lớn và nước lụt ngập tràn“. Như vậy, việc xem sao đã đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật quân sự lúc bấy giờ (225). 

Chính như kể trên, trước khi băng hà, chúa Hiền nằm mơ sao Hoả là hung tinh và sức khoẻ bị suy yếu, nên vua nhờ thái y điều trị và đồng thời lại cho đạo sĩ lập đàn và làm cúng. [5] (226) Từ những phát triển có thể tạm suy luận, tục dâng sao giải hạn, tôn thờ các thần linh Đạo giáo trong đó Cửu Thiên Huyền Nữ tại Bắc Trung Bộ được ghi nhận lần đầu trong tài liệu là từ thế kỷ 17 tại các chiến tuyến (hệ thống pháo đài) tại quanh vùng sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Niềm tin đó vẫn tồn tại trong dân gian và đến thờ hiện đại đã ghi nhận Cửu Thiên Huyền Nữ là vị thần dạy dân xây nhà mái xuồng, không còn là vị thần liên quan đến quân sự và chiến tranh.

Tục thờ Cửu Tiên Huyền Nữ
Tục thờ Cửu Thiên Huyền Nữ

Tục thờ công chúa Tiên Dung: Khám phá thú vị nhất tại ngôi chùa này là nguyên nhân tôn thờ nàng Tiên Dung. Theo thầy trụ trì, Tiên Dung là công chúa, nhưng không nề hà lấy người chài lưới. Vì tin vào sự an bài của trời đất, nàng không những không khinh khi gia cảnh người chồng khốn khó, mà còn hòa nhập vào hoàn cảnh của gia đình chồng mà phò chồng đến khi chồng thành tài. Nàng tận dụng vốn hiểu biết từ những chuyến ngao du bốn bể trước đây để tìm ra công thức muối mắm ngon, cùng chồng phát triển một khu chợ tự do tại bến sông. 

Hôn nhân đôi khi chính là cái nghiệp cái duyên đến sóng đôi. Phụ nữ xuất giá tòng phu, biết yêu thương, đồng lòng sống vuông tròn phò trợ chồng thành tài từ thế mạnh của bản thân vốn là nét đẹp của phụ nữ xưa và nay. Bà là tấm gương sáng để bổn đạo noi theo. Thầy cho biết quanh khu vực này nhiều gia đình làm nghề chài lưới, làm nước mắm, cũng như buôn bản tảo tần ở chợ. Họ nguyện thờ phụng và noi theo gương bà.

Minh họa tượng Công chúa Tiên Dung

Sơ lược về hệ tôn tượng và bố trí ban thờ tại chùa Chí Lý, Vĩnh Hải, Nha Trang:

Bước vào chùa có 2 am nhỏ, thờ 2 Hộ pháp, gác cổng 2 bên. Vào chính điện, bên trái là bức ảnh Quan Công tay cầm sách (Châu Xương, Quan Bình hầu 2 bên), dưới khung ảnh là tượng của Thái Thượng Lão quân (một tay cầm cây phất trần, một tay cầm bình hồ lô đựng linh đan). Bên phải chính điện: trên cùng là tranh Quan Âm Bồ Tát, ở dưới là tượng Nữ Oa ở giữa, 2 ảnh 2 bên là Thiên Y A Na và Tiên Dung. 

Giữa chính điện ở trên cao nhất là Di Đà Tam Thánh đứng: tượng A Di Đà, Đại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát. Kế đến là Tượng Đức Bổn Sư (Thích Ca Mâu Ni Phật), kế đến là Tượng Di Lặc Bồ Tát, kế đến là Phật Địa Tạng, dưới cùng là tượng Ngọc Hoàng (khổ trung) có mũ phủ che mặt đầy tôn kính)

Nói cách khác, ngay khi vào chính điện, phần giữa điện sẽ gặp ở giữa hoa đăng sư, tượng Ngọc Hoàng, tượng Di lặc, tượng Địa Tạng, tượng Bổn sư và Di Đà Tam Thánh. Bên trái là ban thờ Quan Thánh Đế Quân và Thái Thượng Lão Quân, bên phải là ban thờ Quan Âm Bồ Tát và thánh Mẫu: gồm Nữ Oa, Thiên Y Ana và Tiên Dung. Ngoài cùng hai bên là tấm bảng đề dòng chữ lớn Cửu Huyền Thất Tổ (nghĩa là chín chữ Cù Lao, tổ tiên 7 đời). Đây là nơi để các cư sĩ, tăng sĩ thỉnh ông bà về vào các dịp lễ vía quan trọng. 

Hoa đăng sư là một tháp đèn gồm 7 tầng, tầng trên cùng là 1 ngọn đèn dầu đặt trên quả địa cầu màu đỏ bordeaux, 6 tầng đèn bên dưới mỗi tầng gồm nhiều ngọn đèn dầu đặt trên những các que gỗ màu xanh, toả từ thân cây ra như những cánh quạt hình tròn, kích thường các tầng đèn to dần từ cao xuống thấp, nên tầng thứ 2 gồm 5 chiếc đèn dầu, tầng dưới cùng là 12 ngọn. 

Theo vị trụ trì tại đây, hoa đăng sư dùng để tưởng nhớ đến vị tổ khai sáng chùa. Còn Chín chữ cù lao, 7 đời ông bà mình. Chùa khác ký linh, còn chùa mình thì có nơi để thỉnh ông bà mình về, con cháu đi tu hay làm ăn xa đều có thể về nhớ đến. Như vậy, khác với bố cục chung tại các chùa tại Nha Trang, chùa Chí Lý Vĩnh Hải không có khu vực thờ Tổ (các chùa khác thường phối thờ Bồ Đề Đạt Ma và các vị tổ khai sơn của chùa), mà thay bằng ngọn hoa đăng sư. 

Chùa Chí Lý được thành lập năm 1946, đến đời trụ trì hiện tại đã là đời thứ 4. Chùa theo tông phái Mật tông nên các thầy không xuống tóc, chùa là nơi tu hành của các cư sĩ tại gia. Đây thật sự là một địa điểm tâm linh thú vị thuộc khu vực Vĩnh Hải khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang để khách hành hương đến thăm viếng. 

_______________

Viếng chùa ngày 15.2.2024. 

[1] Nguyễn Hoàng – Người mở cõi [Phan Huy Lê – Đỗ Bang, Nhà chính trị quốc gia sự thật, 2023, Đạo giáo thời chúa Nguyễn qua nghiên cứu chùa Thiên Tôn tại làng Đâu Kênh, tỉnh Quảng Trị – TS. Onishi Kazuhiko] 

* Đòn dông là thanh gỗ nằm ở vị trí cao nhất của mái nhà, có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ toàn bộ mái nhà. Lễ gác đòn dông được thực hiện vào ngày lành tháng tốt, khi công trình đã hoàn thiện phần khung cột, mái ngói và các bộ phận khác.

Chia sẻ câu chuyện này
Share