Vieseries Hồ Sơ W

Sầm Nghi Đống tử trận Đống Đa: Truyền thuyết và sự thật

Tác giả Wong Trần
Sầm Nghi Đống tử trận Đống Đa: Truyền thuyết và sự thật

Gò Đống Đa là nơi Thái thú Điền Châu – Sầm Nghi Đống – của đoàn quân xâm lược đã treo cổ tự sát. Nhưng xung quanh câu chuyện này đã phủ lên một làn sương mờ của truyền khẩu. Có điều gì mà ta chưa biết?

Hùng cứ Điền Châu

Ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), hoàng đế Quang Trung tiến vào kinh đô Thăng Long, chiếc áo bào xạm đen vì khói súng. “Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến, trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”, nhưng cũng ở kinh thành hôm ấy còn diễn ra một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược.

Nơi cầu phao sông Nhị, quân Thanh cùng với tàn quân của Lê Chiêu Thống tranh giành, giẫm đạp lên nhau để vượt qua chiếc cầu phao lúc này đã chìm nghỉm dưới sông. Phía Nam kinh thành, ở khu Đống Đa, cuộc chiến đấu vô vọng của tàn quân Điền Châu vẫn còn tiếp diễn.

Đống Đa đã trở thành biểu tượng cho chiến dịch mùa xuân năm đó. Ngày nay, sừng sững trên gò là ngôi miếu Trung Liệt và hàng năm nhân dân vẫn tổ chức giỗ trận Đống Đa. Giờ ta hãy quay ngược lại thời gian để theo dõi diễn biến từ đầu.

Năm 1789, vua Càn Long tiến hành đợt tổng kết thứ nhất những chỉ huy và binh lính tử trận trong chiến dịch xâm lược nước ta. Đứng đầu danh sách ấy là thổ Điền Châu Sầm Nghi Đống, cùng với 30 chỉ huy các cấp và 4.19 binh lính các hạng. Vậy Sầm Nghi Đống là ai?

Sầm Nghi Đống tự là Thiệu Đường, là dòng dõi thổ ty nhiều đời ở Điền Châu (Quảng Tây). Từ thời nhà Minh, họ Sầm đã là dòng tộc địa phương (thổ tộc) lớn nhất Điền Châu. Họ cho rằng tổ tiên của mình chính là danh tướng Sầm Bành thời Hán Quang Vũ đế nhà Đông Hán.

Cuối thời nhà Nguyên, Sầm Bá Nhan (1334 – 1403) làm An phủ Tổng quản của nhà Nguyên, coi giữ Điền Châu. Sầm Bá Nhan đem Điền Châu quy hàng Minh Thái Tổ. Minh Thái Tổ bèn đặt ra phủ Điền Châu, cho Sầm Bá Nhan làm Tri phủ, con cháu được thế tập. Bá Nhan truyền đến đời thứ tư là Sầm Mãnh (1489 – 1526). Sầm Mãnh từng nổi loạn ở Điền Châu, khiến nhà Minh phải đánh dẹp vất vả. Sầm Nghi Đống chính là dòng dõi xa đời của Sầm Mãnh.

Bản đồ Điền Châu trong Quảng Tây thông chí

Cha Sầm Nghi Đống là Sầm Ứng Kì. Năm 1746, Sầm Ứng Kì qua đời, con trưởng là Sầm Lan cũng đã tạ thế từ trước. Sầm Nghi Đống là con thứ, được thế tập chức Tri châu của Điền Châu. 

Năm 1755, Sầm Nghi Đống lập ra Hóa Thành thư viện ở Điền Châu, rồi sau đó cho dựng một số nhà nghĩa học, nhưng những công trình này chủ yếu phục vụ con em quý tộc. Còn nền cai trị của Sầm Nghi Đống đối với dân chúng địa phương lại vô cùng tàn bạo. cho biết:

Thổ quan Điền Châu ở Việt Tây là Sầm Nghi Đống là đời sau của Sầm Mãnh. Ông ta bạo ngược với người thổ vượt hẳn phép thường. Thổ dân tuy có đọc sách, nhưng không cho đi thi, vì sợ họ ra làm quan thì sẽ thoát khỏi sổ thuế. Điền Châu với châu Phụng Nghị của Trấn An cách nhau một con sông. Mỗi khi đến ngày thi ở châu Phụng Nghị, dân Điền nghe tiếng súng chỉ đứng từ xa nhìn than thở thôi.

 

Nếu sinh con gái mà có nhan sắc, thì quan bản xứ liền gọi vào, không cho gả thì không dám hứa với ai. Nếu có chuyện thưa với bản quan, mà bản quan có phán xử không công bằng, thì kẻ bị oan chỉ biết lén lên mộ lão thổ quan khóc lóc. Tuy có lưu quan (quan do triều đình phái đến) tới coi sóc thổ ty, nhưng cũng không dám tố cáo lên trên.

Thiềm Bộc tạp ký, Triệu Dực (1727-1814)
Người Choang Quảng Tây trong Hoàng Thanh Chức Cống Đồ

Trấn An phủ chí cho biết Sầm Nghi Đống “phụng chức, nhờ cần mẫn được việc nên được khen”. Các ghi chép của Khâm định An Nam kỷ lược, Trấn An phủ chíThanh kì hiến loại trưng tuyển biên cho thấy Sầm Nghi Đống là một thế lực thổ ty đắc lực của nhà Thanh. 

Năm 1763, Sầm Nghi Đống giúp nhà Thanh bắt giữ đảng cướp người Dao ở châu Đông Lan, được gia hai cấp. Năm 1766, hậu duệ Mạc Đăng Dung là Mạc Anh đánh phá khu vực Tiểu Trấn An của Quảng Tây và châu Bảo Lạc của nước ta. Tổng đốc Lưỡng Quảng là Dương Đình Chương gửi hịch phái Sầm Nghi Đống đi đánh dẹp. Sầm Nghi Đống bắt được toàn bộ bọn Mạc Anh. 

Những năm 1767 – 1769, nhà Thanh xâm lược Miến Điện. Sầm Nghi Đống bảy lần đưa trâu rượu tới giúp quân nhu cho quân Thanh, được thưởng bảy cái thẻ bài ghi công đầu đẳng (hạng nhất). Năm 1773, người Thượng Lâm là Lục Lý Năng mưu làm việc trái pháp luật. Sầm Nghi Đống có công truy bắt kẻ cầm đầu, nên được ban thưởng chỏm mũ và đai lưng hàng tứ phẩm. Có thể nói Sầm Nghi Đống là một thế lực đáng kể ở vùng biên giới Việt – Thanh.

Từ Điền Châu đến Đống Đa

Năm 1788, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị đang rục rịch động binh kéo vào miền Bắc nước ta. Sầm Nghi Đống đích thân tới phủ Thái Bình gặp Tôn Sĩ Nghị, tình nguyện đem 1500 thổ binh đi theo.

Tôn Sĩ Nghị cho rằng Sầm Nghi Đống với Tri châu Bảo Lạc của nước ta là Nông Phúc Tấn có quen biết cũ; nếu sai Sầm Nghi Đống tới liên hợp với Nông Phúc Tấn, đóng quân ở Cao Bằng, thì “không phải chỉ phòng thủ mà còn có thể thừa cơ tiến lên thu lấy”. Tôn Sĩ Nghị liền phái Sầm Nghi Đống tới cửa ải Tiểu Trấn An để bắt liên lạc với Nông Phúc Tấn.

Tháng Mười năm Mậu Thân (1788), Sầm Nghi Đống đem 1500 thổ binh từ châu Quy Thuận của nước Thanh tiến qua Bảo Lạc, hội với Nông Phúc Tấn, rồi tiến tới trấn doanh Mục Mã của trấn Cao Bằng. Sầm Nghi Đống còn đem cả dân phu người thổ ở Điền Châu để lo việc vận chuyển lương thực.

Ngày 23 tháng Mười cùng năm, khi đã nhận thêm 500 quân tăng viện từ Điền Châu, Sầm Nghi Đống cùng quân của Nông Phúc Tấn nhắm hướng Thăng Long mà tiến. Đi cùng với đạo quân này còn có em trai của Lê Chiêu Thống là Lê Duy Chỉ vốn trước đây trốn tránh ở khu vực xưởng mỏ ở biên giới.

Dọc đường tiến quân, quân Tây Sơn chỉ rút lui. Sầm Nghi Đống truy kích, bắt được hai người lính cùng với các loại đao, thương, cờ, trống. Cánh quân của Sầm Nghi Đống thuận lợi tiến vào Thăng Long mà không có giao tranh gì đáng kể. Tôn Sĩ Nghị bố trí phòng ngự xung quanh kinh thành. Sầm Nghi Đống được cử đóng quân ở khu trại Khương Thượng, phía Nam thành.

Bản đồ chiến trường Đống Đa - Nam Đồng năm 1873. Bên trái đường là am Chúng Sinh (Số 72), bên phải là miếu Điền Châu Thái Thú.

Trại Khương Thượng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Trên bản đồ Hà Nội năm 1873 có vẽ chỗ này là một vùng đồng ruộng với nhiều gò cao, ghi tên là xứ Đống Đa. Con đường đi qua xứ Đống Đa, tới các làng Khương Thượng, Nam Đồng, rồi dẫn thẳng vào khu vực Văn Miếu. Đầu thời Lê Chiêu Thống có mở trường thi võ ở lầu Đống Đa, có lẽ cũng là chỗ này. Hoàn Long huyện chí biên soạn năm 1899 có ghi chép về chiến lũy núi Ốc (Loa Sơn) là nơi trú quân của Sầm Nghi Đống.

Núi Ốc (Loa Sơn) còn gọi là gò Đống Đa, là chiến lũy đóng quân của viên tướng Sầm Nghi Đống nước Thanh ngày trước. Các làng trong huyện ngày nay như Nam Đồng, Thái Hà, Thịnh Quang, Khương Thượng đều nằm trên di chỉ chốn ấy. 

 

Năm Chiêu Thống … ngày 21 tháng 11, quân Thanh đến trấn Kinh Bắc, bắn 9 phát pháo, đội ngũ nghiêm chỉnh tiến vào. Chiều tối đến bờ Bắc sông Nhị Hà, bắc cầu phao trên bến Bồ Đề cho quân lính qua sông, đặt sở chỉ huy tại cung Tây Long bên bờ sông, chia đóng đồn trại từ các cửa ô đô thành đến Ngọc Hồi. Hứa Thế Hanh chỉ huy 4 cánh quân đóng đồn bốt rải rác. Quân của Sầm Nghi Đống đóng ở núi Ốc, đặt pháo lớn bên trong, bên ngoài bí mật chôn địa lôi, phòng bị vững chắc

Hoàn Long huyện chí

Cao Bằng thực lục của người đương thời là Nguyễn Hựu Cung cũng ghi nhận rằng: “Sầm gia ở Điền Châu đem 2000 quân Điền Châu đóng đồn ở hội trường Đống Đa”. Che chở cho Đống Đa còn có các đồn tiền tiêu Gián Khẩu, Hà Hồi và đại đồn Ngọc Hồi. Vì vậy, Sầm Nghi Đống không ngờ rằng khi cuộc tiến công của quân Tây Sơn bắt đầu, vị trí Đống Đa là chỗ trọng yếu bị công kích rất sớm.

Trận Đống Đa đầu năm Kỷ Dậu

Trong khi Tôn Sĩ Nghị bày binh bố trận ở Thăng Long thì tại Tam Điệp, Hoàng đế Quang Trung cũng điều quân phái tướng. Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân sẽ dẫn đạo Tiền quân làm chính binh tiên phong. Đạo Hữu quân do Đại đô đốc Bảo và Đô đốc Long (có chỗ chép là Đô đốc Mưu) chỉ huy. Hoàng đế Quang Trung đem lực lượng kỵ binh và tượng binh của mình phối thuộc vào đạo quân này.

Đại đô đốc Bảo được lệnh đem tượng binh từ Sơn Minh kéo ra Đại Áng, để đánh tập hậu đại đồn Ngọc Hồi của quân Thanh; còn Đô đốc Long thì theo đường Chương Đức kéo ra làng Nhân Mục huyện Thanh Trì, rồi đánh thẳng vào đồn quân Điền Châu. Theo một số nhà nghiên cứu, Đô đốc Long nói ở đây chính là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông, vốn người huyện Chương Đức.

Bản đồ Chiến sự ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu

Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, vào giờ Mão (5 đến 7 giờ sáng) ngày mồng 2 Tết Kỷ Dậu (1789), Lê Chiêu Thống đã tới báo tin quân Tây Sơn vượt sông đánh bại tiền quân nhà Lê. Vì vậy, đích thân Tôn Sĩ Nghị lấy ra 5700 quân, chia làm ba đội tiến xuống phía Nam nghênh chiến. 

Tổng binh Trương Triều Long dẫn các mãnh tướng và 2000 quân tinh nhuệ đi trước; Đề đốc Hứa Thế Hanh dẫn 1500 quân đi kế theo; Tôn Sĩ Nghị dẫn 1200 quân làm hậu ứng. Xung quanh Thăng Long còn một lực lượng tương đối lớn do Tổng binh Thượng Duy Thăng, Phó tướng Hình Đôn Hành, Tham tướng Vương Tuyên và thổ Tri châu Điền Châu là Sầm Nghi Đống chỉ huy.

Trong khi lực lượng chủ lực của Tôn Sĩ Nghị bị hút xuống phía Nam giao chiến với hoàng đế Quang Trung thì lực lượng của Đô đốc Long đã tìm đường tiến tới Khương Thượng. Ngày mồng 5 Tết, trong lúc ở phía Nam, quân Thanh đang chống đỡ cuộc tiến công của quân Tây Sơn ở đồn Ngọc Hồi thì quân Đô đốc Long đã tập kích trại Khương Thượng của Sầm Nghi Đống ở phía Nam Thăng Long. 

Theo Thiên triều văn – tức bài văn tế quân Thanh tử trận trong chiến dịch Kỷ Dậu, trận đánh nổ ra vào giờ Dần (3 đến 5 giờ sáng) ngày mồng 5 Tết. Bài văn tế cho biết:

 

Quý Tỵ giữa ngày mồng 5
Giờ Dần, chính nguyệt, ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi, bại trận tiên phong
Cầu Tương sụt cả xuống sông Bồ Đề

Thiên triều văn
Gò Đống Đa năm 1899. Trên gò đang xây miếu Trung Liệt

Đô đốc Long đem Hữu quân kéo ra Thanh Trì trước. Lúc Bắc Bình vương đang giao chiến với quân Thanh ở Ngọc Hồi, thì sáng sớm hôm đó Long đã đánh Thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng thuộc huyện Quảng Đức. Quân Thanh tan chạy, Long đã kéo vào thành trước rồi.

Hoàng Lê nhất thống chí

Cuộc tiến công của Đô đốc Long đã đánh vỡ hậu phương của quân Thanh. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị sau này, khi thấy tình hình chiến trận ở phía Nam có chiều xấu đi, ông ta dự định tạm lui về Thăng Long để điều động lực lượng còn lại đi chi viện, nhưng khi về đến nơi thì lực lượng đó đã bị điều đi ứng cứu hướng khác rồi. Tôn Sĩ Nghị chỉ còn cách bỏ chạy theo cầu phao sang bờ Bắc. 

Đòn đánh của Đô đốc Long là đòn đánh mang tính điểm huyệt. Cần phải nhanh chóng tấn công vào đầu não chỉ huy của cả quân Thanh lẫn quân Lê Chiêu Thống. Vì vậy, quân đội của Đô đốc Long không đặt nhiệm vụ tiêu diệt hoàn toàn quân Điền Châu ở trại Khương Thượng, mà chỉ đánh mở đường để vượt qua. Việc tiêu diệt nhóm quân này được để lại sau. Trận chiến ở khu vực kéo dài đến tận ngày mồng 6 mới kết liễu:

Điền Châu thái thú đảm đương
Liều mình tử trận chiến trường nên công.
Trận vây ở trong Nam Đồng
Rạng ngày mồng sáu cờ dong lai hàng

Thiên triều văn

Nguyễn Hựu Cung – một nhân chứng đương thời – cho biết:

Đồn quân Điền Châu của họ Sầm cùng quân Tây Sơn giao chiến từ ngày mồng 5 đến tận giờ Mùi (từ 1 đến 3 giờ chiều) ngày mồng 7 mới thua, họ Sầm Điền Châu chết trong trận.

Mộ tổ họ Sầm ở Điền Châu

Cái chết của Sầm Nghi Đống: sự thực và truyền thuyết

Không lâu sau trận chiến này, Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ viết:

Vị quan dũng cảm nhất Trung Hoa có lẽ là Diên Chu Mai Thu [Điền Châu thái thú] chỉ huy độ 1000 người. Khi bị quân Tây Sơn vây chặt, ông vẫn cố thủ đồn ông một cách can đảm tới tận sáng 31 [tức sáng mồng 6 Tết Kỷ Dậu]; cuối cùng thấy không có hy vọng thoát thân, ông liền tự tử, binh lính của ông bị địch giết sạch.

Bùi Dương Lịch – một người cùng thời – về sau có nói rằng: 

Tiền đạo là Sầm Nghi Đống vì vẫn chưa hay biết gì, giữ một cái lũy trơ trọi, cứ liều chết đánh nhau với quân Tây Sơn. Bị tử thương gần hết, Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết ở cung Đống Đa”. Sử gia Nguyễn Thu (1799-1855) cũng cho biết Sầm Nghi Đống “đường cùng, sức kiệt, quân cứu viện không có, bèn thắt cổ bằng chiếc thừng to ở dưới Loa Sơn (Đống Đa).

Tuy nhiên, những truyền khẩu này hoàn toàn không khớp với tài liệu từ các nhân chứng mục kích.

Sau đại bại Tết Kỷ Dậu, vua Càn Long nhà Thanh có ra lệnh điều tra số phận của những tướng lĩnh không thấy trở về, trong đó có cả Sầm Nghi Đống. Đầu tháng Ba năm Kỷ Dậu (1789), Càn Long nhận được báo cáo của Tôn Sĩ Nghị. Trong đó có đoạn:

Sầm Nghi Đống cũng đã sai gia nhân đưa về ấn triện thế tập của y tiến quan [qua cửa Trấn Nam], vì Sầm Nghi Đống bị giặc vây kín không thể nào thoát ra được. Khi thấy trong số những người trở về có cả một số thổ binh, thần liền tận mặt tra hỏi thì họ khai rằng đã chính mắt thấy Sầm Nghi Đống ngồi trên lưng ngựa, hướng về phương Bắc liên tiếp khấu đầu rồi giục ngựa xông thẳng vào địch, sau đó không thấy đâu nữa, chắc là Sầm Nghi Đống đã chết trận rồi.

Báo cáo của Tôn Sĩ Nghị về việc mất tích của Sầm Nghi Đống

Vì số phận của Sầm Nghi Đống vẫn chưa thực sự rõ ràng, vua Càn Long sau này vẫn yêu cầu điều tra chính xác. Các quan nhà Thanh ở Lưỡng Quảng đã sai gia nhân của thổ Điền Châu tên là Phan Thịnh Trung đi sang nước ta dò thám. Ngày 12 tháng Bảy năm Kỷ Dậu (1789), Phan Thịnh Trung trở về Điền Châu, bẩm báo rằng:

Sầm Nghi Đống bị vây ngày mồng 5 tháng Giêng, bị chặt cụt một cánh tay ngã xuống ngựa, lại thêm mấy nhát giáo mà chết. Đó là theo Thông sự châu Văn Uyên Hoàng Đạt Quảng cùng những người nước kia mục kích.

Vào khoảng tháng Ba năm Kỷ Dậu (1789), con thứ của Sầm Nghi Đống là Sầm Huân cho biết số thổ binh chạy thoát được về Điền Châu khoảng 600-700 người. Tính ra đội quân của Sầm Nghi Đống bị tiêu diệt khoảng 65% – 70% quân số. Cánh quân Lưỡng Quảng của Tôn Sĩ Nghị nếu lấy báo cáo số người tử tuất so với quân số qua ải lúc đầu thì bị diệt đến 89.1% quân số.

Ngoài Sầm Nghi Đống, còn có em họ của ông ta là Sầm Nghi Sanh cũng tử trận ở Đống Đa. Sầm Nghi Sanh là con trai của Dương Vạn thổ châu phán Sầm Khiết, ban đầu được tỉnh Trực Lệ thử dùng làm Kinh lịch ở ty Bố Chánh. Về sau, Nghi Sanh lấy cớ có bệnh nên từ chức quay về quê, rồi theo Sầm Nghi Đống tiến đánh nước ta.

Báo cáo của Phúc Khang An về cái chết của Sầm Nghi Đống

Đền Sầm Nghi Đống ở Thăng Long

Theo lời sứ giả nhà Thanh là Thành Lâm vào năm 1789: “Tri châu thổ Điền Châu Sầm Nghi Đống chết rồi, được khách dân Quảng Đông họ Lê đem thi hài về mai táng”. Nguyễn Hựu Cung cho biết Sầm Nghi Đống được “chôn ở ngôi miếu nhỏ cạnh gò Đống Đa”.

Trong quá trình khôi phục bang giao Thanh – Việt, phía nhà Thanh cũng yêu cầu nhà Tây Sơn thành lập miếu thờ các tướng lĩnh cấp cao tử trận trong chiến dịch Kỷ Dậu, bao gồm Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng. Tháng Mười năm Kỷ Dậu (1789), sứ giả nhà Thanh là Thành Lâm cũng đề cập tới dự định đưa hài cốt Sầm Nghi Đống về nước. Trong thư gửi triều đình Tây Sơn, ông ta nói:

Tri châu thổ Điền Châu Sầm Nghi Đống chết rồi, được khách dân Quảng Đông họ Lê đem thi hài về mai táng. Người thông sự họ Đinh biết rõ rằng người này là một trung thần vì nước mà bỏ mình, nay đã được Đại hoàng đế giáng chỉ hỏi đến, nên tước đốc bộ đường [Phúc Khang An] tra xét minh bạch để tâu lên để phủ tuất.

 

Bản đạo phủ đến An Nam đã tìm ra ngọn ngành, đâu nỡ nào để hài cốt bậc trung thần phải chôn nơi đường sá tha hương, nên định khi hồi quan rồi sẽ sai khiến gia nhân chừng 3, 4 người để sang tìm người chôn họ Lê kia, chỉ rõ chỗ ào, rồi chuẩn bị quan tài, lấy xương cốt tìm cách đưa về nội địa.

 

Lại sẽ dụ cho thông sự họ Đinh cùng với gia đình, phu dịch đến trước lo liệu để cho họ Sầm kẻ chết người sống đều cảm kích.

Thư của Thành Lâm về việc thu nhặt hài cốt của Sầm Nghi Đống

Khi sang nước ta tuyên phong, sứ giả Thành Lâm cũng đến đền thờ các tướng lĩnh nhà Thanh tử trận để cúng tế. Thành Lâm cũng đến tế Sầm Nghi Đống. Triều đình Tây Sơn cũng tạo điều kiện cho Thành Lâm đưa hài cốt của Sầm Nghi Đống về an táng. Trấn An phủ chí cho biết mộ Sầm Nghi Đống chôn ở thôn Đường Sát. Thiên triều văn có nhắc đến việc này như sau:

Vua ban bộ sứ tiếp sang
Quan tài phong kín đón đường kéo ra
Con con, cháu cháu hằng hà
Mừng lấy được xác Điền Châu đem về,
Tướng tài can đảm cũng ghê
Làm đền phụng sự tức thì Đống Đa.

Không rõ đền Sầm Nghi Đống thời Tây Sơn dựng ở chỗ nào. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng có bài thơ nổi tiếng vịnh ngôi đền ấy:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

Đình Sầm Công (số 66) ở phía Bắc Hà Nội, nay là ngõ Đào Duy Từ

Sầm Nghi Đống ở quê nhà thì làm hại dân Điền Châu, sang nước ta thì đơn thuần là một tên xâm lược. Vì thế chỉ mới mấy chục năm mà ngôi đền Thái Thú ấy đã không còn ai nhắc đến. 

Năm 1847, Tổng đốc Hà Nội là Đặng Văn Hòa cho thu nhặt các hài cốt còn rải rác bên đường và các ngòi lạch, đem chôn, đắp thành 12 đống. Ông còn xin trích 15 mẫu công điền của hai trại Nam Đồng và Thịnh Quang để làm nghĩa địa, chia một nửa đất đó cho dân cày cấy để làm vốn liếng cúng tế vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười. Đến năm 1851, Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai cho mở đường. Trong quá trình làm đường lại đào được nhiều hài cốt khác, bèn chôn thành đống thứ 13. Tri huyện Thọ Xương là Phan Huy Khiêm nhân đó cho lập một ngôi chùa để lo việc thờ cúng những người trận vong vô thừa nhận, đặt tên là chùa Đồng Quang.

Trong bản đồ Hà Nội năm 1873 có vẽ ở xứ Đống Đa hai ngôi thờ tự. Một bên trái đường gọi là am Chúng Sinh. Ngôi còn lại nằm bên phải đường, phía Nam là nhiều nấm đất nhỏ, có tên là Điền Châu thái thú miếu. Ngoài ra, bản đồ đó còn vẽ một ngôi đình Sầm Công ở phía Bắc thành Thăng Long. Đình Sầm Công đó trước kia nằm ở ngõ Sầm Công, nay là ngõ Đào Duy Từ, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Tương truyền các lái buôn người Trung Quốc sinh sống ở nước ta đã lập ra ngôi đình này. Năm 1899, trên gò Đống Đa khởi công một ngôi đền thờ mới để thờ những người có công bảo vệ đất nước như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Ngôi đền mang tên miếu Trung Liệt vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share