Thấy gì qua câu chuyện kỳ bí về sư Từ Đạo Hạnh?

Tác giả Tường Vân
Thấy gì qua câu chuyện kỳ bí về sư Từ Đạo Hạnh?
sư Từ Đạo Hạnh

Trong Nam Hải dị nhân liệt truyện do Phan Kế Bính soạn, chương Các vị tiên thích có chép một truyện tương đối quái lạ về sư Từ Đạo Hạnh như sau:

Từ Lộ tự là Đạo Hạnh, người làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận, làm thầy cúng ở chùa Tiên Phúc, núi Phật Tích. Khi xưa thân phụ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh làm Tăng quan đô sát triều nhà Lý, thường vào chơi làng An Lãng, mới làm nhà ở đấy, lấy con gái họ Lăng, sinh ra Đạo Hạnh. 

Đạo Hạnh lúc bé hay chơi bời, nhưng vẫn có chí (…) Về sau, Đạo Hạnh thi khoa Bạch liên đỗ Tăng quan. Không bao lâu cha là Từ Vinh dùng tà thuật phản ông Diên Thành hầu, Diên Thành hầu nhờ thầy phù thủy là Đại Điên dùng phép đánh chết, quẳng xuống sông Tô Lịch. Thây ông Từ Vinh trôi qua cầu Yên Quyết, đến bến nhà ông Diên Thành hầu, bỗng nhiên đứng lên trỏ tay vào trong nhà, suốt ngày hôm ấy không đi. Diên Thành hầu mời Đại Điên đến, Đại Điên đến nơi quát rằng:

– Thầy chùa giận không để cách đêm, dù sống dù chết, cũng là một giấc mộng mà thôi!

Nói dứt lời thì thây ngã xuống trôi đi. Từ Đạo Hạnh muốn báo thù cho cha (….) mới vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch liên, để học phép Ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh ‘Đại bi tâm’ và niệm câu thần chú ‘Bà La ni’, cứ tụng mười tám vạn lần mới thôi. 

Một hôm thấy thần báo mộng rằng:

– Đệ tử tức là Tứ Trấn Thiên vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh, cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì, tôi xin vâng lệnh.

Đạo Hạnh biết là đạo pháp của mình đã thành rồi, có thể phục thù được cho cha, mới đến đầu bến sông Yên Quyết, cầm cái gậy ném xuống sông. Nước sông chảy xuôi mà gậy thì trôi ngược, trông tựa con rồng (…)

Đạo Hạnh mới dùng phép tàng hình đến thẳng chỗ Đại Điên ngồi chơi, bảo rằng:

– Mày có nhớ việc ngày trước không?

Đại Điên ngẩng đầu lên trông, không thấy gì, Đạo Hạnh cầm gậy đánh, Đại Điên vì thế thành bệnh mà chết. 

Đạo Hạnh báo xong thù rồi, từ bấy giờ tan hết oán cũ, sạch nhẵn lòng trần, mới đi chơi khắp nơi rừng núi, hỏi tìm ấn chứng (….)

sư Từ Đạo Hạnh
Chùa Láng - nơi đặt tượng của sư Từ Đạo Hạnh

Bấy giờ vua Lý Nhân Tôn chưa có con, có người Thanh Hóa ra tâu rằng:

– Ở ngoài bãi bể, có đứa con giai lên ba tuổi, tự xưng là Hoàng tử, gọi là Giác Hoàng. Nhà vua có những sự gì, y đều biết cả. 

Vua sai sứ đến xem tận nơi, quả nhiên có đứa bé ấy, mới đem về kinh, cho ở trong chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa trẻ ấy thông minh thần dị lắm, muốn nuôi làm con.

Các quan can rằng:

– Nó tuy linh dị, nhưng tất phải thác sinh vào trong cung cấm mới được.

Vua nghe lời, thiết tuần chay to bảy đêm ngày, để cho nó làm phép đầu thai.

Đạo Hạnh nghe chuyện làm vậy, bảo riêng với chị rằng:

– Đây tất là Đại Điên, muốn đầu sinh vào cửa nhà vua để báo thù đây, kẻ kia dùng tà thuật, làm hại người ta đã nhiều, tôi sao nỡ ngồi nhìn mà không cứu, để nó làm càn hay sao?

Mới bảo chị mặc giả nhà sư, cầm giấu vài quả ấn pháp sư, giắt lên mái nhà chỗ đàn chay. Cúng được ba hôm, Giác Hoàng phải bệnh, bảo với người ta rằng:

– Khắp cả thế giới, chỗ nào cũng chăng lưới sắt, không có đường nào mà đầu thai được.

Nói xong thì mất. Vua sai tìm khắp nơi có bùa bèn gì không, thì bắt được mấy quả ấn kết lại, có tên Từ Đạo Hạnh. Vua giận lắm, sai bắt Đạo Hạnh vào lầu Hưng Khánh đánh trượng, rồi hội các quan lại nghị án.

Xảy có Sùng Hiền hầu đi qua, Đạo Hạnh kêu rằng:

– Xin ngài rủ lòng thương mà cứu cho tôi, tôi sẽ xin đầu thai vào cung để báo ơn ấy.

Sùng Hiền hầu gật đầu. Đến lúc hội nghị (….)  Sùng Hiền hầu cười nói rằng:

– Giác Hoàng nếu có thần lực, thì dù Từ Lộ giải chú thế nào cũng không việc gì. Nay vì thế mà phải chết, thì Giác Hoàng còn kém Từ Lộ xa lắm. Tôi thiết tưởng bắt tội hắn, thà rằng cho hắn thác sinh còn hơn, xin bệ hạ nghĩ cho.

Vua nghe lời, tha tội cho Đạo Hạnh, Đạo Hạnh trở ra, vào hầu nhà riêng Sùng Hiền hầu, nhận thấy phu nhân đang tắm, đến sát tận nơi đứng xem. Phu nhân giận lắm, bỗng thấy một đứa trẻ con chạy vào trong thùng tắm, phu nhân kinh hãi, nói chuyện với chồng. Sùng Hiền hầu đã biết rồi, không trách hỏi gì đến. Từ đấy phu nhân có mang.

Đạo Hạnh dặn Sùng Hiền hầu rằng: 

– Khi nào phu nhân sắp ở cữ, thì phải bảo cho tôi biết trước.

Đến khi phu nhân ở cữ, giở dạ đã lâu mà chưa sinh được, Sùng Hiền hầu sai người ruổi mau đến bảo Đạo Hạnh (…)

Giờ Ngọ Đạo Hạnh nhập tịch, đến giờ Mùi thì phu nhân sinh ra đứa con giai, đặt tên là Dương Hoán (…)

Dương Hoán lên hai tuổi, thông minh lắm, vua yêu mến nuôi ở trong cung cho làm con, rồi lập lên làm Hoàng Thái tử. Khi vua mất, Thái tử lên ngôi, tức là vua Thần Tôn, đó là kiếp sau ông Từ Đạo Hạnh. 

Khi xưa Đạo Hạnh mới vào chùa Thiên Phúc, thấy có một vết chân người ở trong hang đá, Đạo Hạnh lấy bàn chân in vào thì vừa bằng nhau, tục truyền hang ấy tức là chỗ Đạo Hạnh lột xác. 

Mỗi năm mùng bảy tháng ba, thiên hạ đến chùa ấy lễ bái đông như hội. Thây Đạo Hạnh còn đến mãi lúc nhà Minh sang cướp quân sĩ đốt mất, về sau dân đấy lại tô tượng để thờ như xưa”.

sư Từ Đạo Hạnh
Tượng vua Lý Thần Tông ( kiếp vua của sư Từ Đạo Hạnh ) đặt tại chùa Thầy

_______________

Đây chỉ là một câu chuyện tập hợp ngẫu nhiên những yếu tố thần bí để tăng thêm vẻ huyền hoặc, hay đằng sau nó còn ẩn chứa một sự thật nào đó đã chìm khuất qua lớp lang chằng chịt của thời gian?

Như chúng ta đều biết, vương triều Lý (1009 – 1225) vốn có tiếng là một vương triều sùng đạo Phật, với ông vua thứ hai mang tên húy Phật Mã (con ngựa của Phật), với vai trò quan yếu của các vị cao tăng trong đời sống chính trị cũng như đời sống sinh hoạt thường ngày, và nhất là việc xây cất chùa chiền thật choáng ngợp: “Xây tường cao ngất, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện của vua” (lời sử gia Lê Văn Hưu). Việc sùng mộ Phật giáo không phải chỉ tới nhà Lý mới bắt đầu, mà đã bắt nguồn từ triều đại Đinh – Tiền Lê trước kia, song tới thời Lý thì phát triển cực thịnh bởi ơn đãi ngộ mà Thái Tổ Lý Công Uẩn dành cho thế lực Phật giáo đã ủng hộ ông lên ngôi. 

Dầu đạo Phật có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội Lý – và vẫn còn rất sâu sắc bền chặt cho tới ngày hôm nay – nhưng điều đó không có nghĩa rằng nó chiếm vị trí độc tôn. Bên cạnh đó còn tồn tại những hư linh u quái của vu thuật, của phép đồng cốt dân gian ảnh hưởng ít nhiều từ Đạo giáo phương Bắc, cũng như lẫn lộn thêm vài dấu vết lờ mờ của Ấn giáo mà tù binh / nô lệ Chàm đem đến. Xã hội nước Nam thời Lý (và thậm chí cả tới những triều đại sau này) không phải một khối thuần nhất về mặt chính trị – văn hóa – tôn giáo trong đó dân tộc Việt là duy nhất, mà thực chất đó là một khối hỗn dung các tộc người cùng sinh sống (tuy không phải lúc nào cũng trong hòa bình) trên một không gian chung, trải dài từ miền sơn cước tới vùng đồng bằng. 

Do đó, việc tiếp xúc cận kề hay hòa trộn văn hóa, tín ngưỡng khác nhau giữa các tộc người là một điều hết sức tự nhiên, giản dị và hợp lý. Nên mới có câu chuyện Phật mẫu Man nương là sự kết hợp giữa đạo Phật buổi ban đầu và tín ngưỡng thờ nhiên thần bản địa; hay chính ở những chi tiết cổ quái mang đậm màu sắc tà thuật trong truyện sư Từ Đạo Hạnh kể trên, dầu đây là ông sư theo Phật có những bài kệ ngộ chân tâm nhuốm màu thiền:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Thử xem bóng nguyệt dòng sông

Ai hay không có, có không là gì?

Trở lại với truyện sư Từ Đạo Hạnh, có thể thấy ngay chi tiết “bấy giờ vua Lý Nhân Tôn chưa có con” đã hé lộ một khoảng trống quyền lực. Tuy chưa phải là khủng hoảng kế vị, song khoảng trống đó đã thu hút khá nhiều phe nhóm “rắp ranh bắn sẻ”, chỉ chờ cơ hội là nắm lấy để phù trợ cho vị thiên tử tương lai thuộc về nhóm mình. Trong đó hẳn có sự tranh chấp dữ dội giữa các hệ phái Phật giáo lẫn các nhóm thực hành vu thuật dân gian mà cha con sư Từ Đạo Hạnh và phù thủy Đại Điên là đại diện, cũng như đằng sau đó là sự tranh cự ngấm ngầm giữa hai người em vua là Diên Thành hầu và Sùng Hiền hầu. Chẳng thế mà cuộc tranh đấu còn kéo dài đến tận… hậu kiếp của các vị thiền sư, với chiến thắng chung cuộc dành cho nhà Sùng Hiền hầu, khi sư Từ Đạo Hạnh giết hẳn Giác Hoàng và đầu thai thành vua Lý Thần Tông sau này. 

Nhân nói về hậu kiếp của Đại Điên, vì sao vị pháp sư này lại hóa ra đứa trẻ linh dị có tên Giác Hoàng (biết-mọi-chuyện-của-vua)? Đó là bởi trước đây truyền rằng chính Đại Điên từng hỗ trợ cho bà phi Ỷ Lan mang thai bằng cách bày cho quan nội thị Nguyễn Bông thuật “đầu thai thác hóa”: nhìn trộm phi tắm mà khiến phi mang thai. Sự việc vỡ lở, vua Thánh Tông sai chém đầu Bông ngay trước cửa chùa Thánh Chúa là nơi Đại Điên tu hành và cũng là nơi bà Ỷ Lan đến cầu tự, vết tích còn lại là “cánh đồng Bông” trong lời ăn tiếng nói dân gian. Đứa trẻ mà bà Ỷ Lan hoài thai về sau chính là vua Nhân Tông, vậy nên không có gì lạ khi Giác Hoàng tỏ rõ ngọn ngành chuyện cung cấm cửu trùng. Sử gia Tạ Chí Đại Trường cho rằng với các địa điểm có thật còn tới ngày nay, cộng thêm lối sống tình dục thời Lý khá phóng khoáng không câu thúc trong vòng lễ giáo như sau này, câu chuyện trên có khả năng cao đã thực sự diễn ra.

Một điểm thú vị trong truyện sư Từ Đạo Hạnh là dấu ấn của ma thuật đen (ma thuật dùng để ám hại người, trái với ma thuật trắng là ma thuật dùng để cứu người) được thể hiện rõ dưới ba dạng thức: trì chú, yểm bùa và đầu thai chuyển kiếp. Việc trì chú Bà La ni mười tám vạn lần của sư Đạo Hạnh cùng việc Tứ Trấn Thiên vương hiện ra phảng phất vẻ màu nhiệm của Phật giáo Tiểu Thừa có pha lẫn vũ trụ quan Ấn giáo. Theo đó toàn thể thế giới chia làm ba cõi: cõi tham dục, cõi hình tướng và cõi vô hình tướng. Tại cõi tham dục có trung tâm là núi Tu Di cao bốn tầng và ngự ở tầng thứ tư là bốn vị Thiên vương cai quản bốn góc, bảo vệ toàn cõi và cai quản Dạ Xoa, La Sát ngự ở ba tầng phía dưới. Việc trì chú này được xếp vào dạng ma thuật đen, bởi mục đích khi sư Đạo Hành tụng không phải để tăng tiến công đức, mà để chuẩn bị cho kế hoạch trả thù sau này. 

Tiếp tới yểm bùa vốn là hình thức phổ biến nhất của thuật phù thủy được sư Đạo Hạnh sử dụng để chăng “thiên la địa võng”, khiến Giác Hoàng mất cửa đầu thai mà phải chịu chết. Khi bị phát hiện và cầm chắc việc không tránh khỏi cái chết, sư Đạo Hạnh đã khôn ngoan cậy nhờ thế lực của Sùng Hiền hầu để che chở, đổi lại là lời hứa sẽ thác sinh vào nhà ông để trả nghĩa, mà ở đây có thể ngầm hiểu là sư Đạo Hạnh hứa thác sinh thành chân mệnh thiên tử. Cũng như thuật pháp mà Đại Điên bày cho bà Ỷ Lan hoài thai, Đạo Hạnh cũng nhìn trộm bà phu nhân Sùng Hiền hầu tắm! Phép thuật thế thân này không khỏi khiến ta nhớ đến chi tiết “thụ thai thần kỳ” vốn xuất hiện dày đặc trong truyện cổ dân gian, trong đó người đàn bà mang thai không qua tiếp xúc trực tiếp với đàn ông mà thông qua đại diện như ướm vào vết chân lạ, việc bước qua người nhau, nuốt phải sao trời, vv… Đây không hẳn là một dạng ma thuật đen, bởi công năng của nó không phải để hại người hay cứu người, nó chỉ là một dạng chuyển tiếp từ niềm tin cổ sơ sang một thực hành vu thuật cao cấp hơn. 

Ngoài chuyện ma thuật, sử gia Tạ Chí Đại Trường cũng cung cấp thêm vài thông tin lý thú về cuộc tranh giành quyền lực này khi ông cho rằng việc vua Thần Tông lên ngôi còn có sự tham gia của tông tộc họ Đỗ, bởi bà phu nhân Sùng Hiền hầu là bà Đỗ thị! Sự xuất hiện của trẻ Giác Hoàng tại vùng biển Thanh Hóa không phải chi tiết ngẫu nhiên, mà nó ám chỉ thế lực vùng Trại so với thế lực vùng Trung châu. 

Trại là tên gọi phân biệt hai châu Hoan – Ái xuất hiện ngay từ thời Lý, chỉ vùng đất nằm cách xa trung tâm vương triều, nơi luôn có những thủ lĩnh địa phương đáng gờm và rất ngang tàng. Sự thắng thế của phe Sùng Hiền hầu đã đẩy xa hơn ảnh hưởng vùng Trại, đồng thời đưa dòng họ Đỗ lên đỉnh quyền lực, với Thái úy Đỗ Anh Vũ phụ tá vua Thần Tông và vua Anh Tông sau này, và đặc biệt là cặp chị em Đỗ Thụy Châu – Đỗ An Di quyền thế nghiêng trời: một người là mẹ đẻ vua Lý Cao Tông, một người làm đến chức Thái sư nhờ ảnh hưởng ngoại thích.

sư Từ Đạo Hạnh

KẾT LUẬN

Có thể thấy rằng ẩn chứa đằng sau một câu chuyện về thân thế sư Từ Đạo Hạnh tưởng như hoàn toàn huyền hoặc, kỳ bí, lại là tầng tầng lớp lớp những mưu đồ quyền lực và cả những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng phong phú biến ảo, hé lộ hình ảnh một vương triều Lý sống động nhưng không xa vời. Cuộc chiến ma phép giữa phù thủy Đại Điên cùng sư Từ Đạo Hạnh, nếu được khai thác hợp lý sẽ là chất liệu tuyệt vời để tạo ra những tác phẩm chuyển thể hấp dẫn về giai đoạn lịch sử này.

_______________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phan Kế Bính, Lê Văn Phúc hiệu chính, Nam Hải dị nhân liệt truyện, Imprimerie Tonkinoise, 1930.
[2]. Kim Sơn – Thiền phái Trúc Lâm, Lê Mạnh Thát dịch, Thiền Uyển Tập Anh, Đại học Vạn Hạnh, 1976.
[3]. Tạ Chí Đại Trường, Bài sử khác cho Việt Nam, Văn Mới. 

Chia sẻ câu chuyện này
sư Từ Đạo Hạnh
Share