Thêm một góc nhìn về truyện Phật mẫu Man nương

Tác giả Tường Vân
Thêm một góc nhìn về truyện Phật mẫu Man nương

Đây là bài viết đính chính cho câu chuyện Phật mẫu Man nương: Một cái nhìn khác cho huyền tích dân gianTrong bài viết trước, dựa vào văn bản trong sách Lĩnh Nam chích quái, người viết đã cho rằng tôn giáo được nhắc tới trong câu chuyện dân gian này là Phật giáo, do nhà tu hành Già-La-Đồ-Lê được cho là một vị sư và tên ngôi chùa Phúc Nghiêm được đề cập tới. 

Tuy nhiên, chi tiết vị Già-La-Đồ-Lê “giỏi phép thuật, nhất là phép đứng một chân” cho thấy ông không thực sự là một vị sư Phật giáo mà có thể là một người theo Ấn giáo (Hindu giáo), bởi “phép đứng một chân” gợi nhắc tới một tư thế đặc trưng trong thực hành Yoga. 

Xét bối cảnh lịch sử vào thời đại đó, cùng với sự phát triển lớn mạnh của đạo Phật và Ấn giáo, có thể đặt ra câu hỏi rằng, ngoài những vị thiền sư Phật giáo, liệu còn có các nhà tu hành Hindu giáo tham gia vào con đường truyền giáo tới vùng Luy Lâu? 

Vì cốt truyện Phật mẫu Man nương thực sự rất khác biệt và có phần lạ lùng so với giáo lý thông thường của đạo Phật (nhà sư có phép thuật, có con với phụ nữ bản địa), nên người viết đặt ra nghi vấn về sự tồn tại của luồng ảnh hưởng Ấn giáo từng có trên vùng đất Giao Châu xưa.

Hơn nữa, một số chi tiết như cây gậy mà Già-La-Đồ-Lê trao cho Man nương hay hòn đá Thạch Quang Phật, như người viết đã phân tích đó là các chi tiết ám chỉ sinh thực khí nam, gắn liền với yếu tố phồn thực trong dân gian. Tuy nhiên, từ hướng tiếp cận này có thể nghĩ thêm rằng, biểu tượng sinh thực khí đó còn là linga, một biểu tượng của thần Shiva – một trong những vị thần tối cao của Hindu giáo. 

Như vậy, có thể thấy rằng câu chuyện về Phật mẫu Man nương còn chứa đựng trong mình nhiều lớp vỏ phủ chồng hơn nữa về sự giao thoa giữa các tôn giáo ngoại lai và tín ngưỡng bản địa. 

 

Về sau này, do Phật giáo lớn mạnh hơn cả, nên dấu vết của tín ngưỡng bản địa cùng Ấn giáo gần như mờ nhòa, chỉ còn lại trong những chi tiết dị thường của truyện Phật mẫu Man nương. Điều này thấy rất rõ khi truyện sử dụng từ ngữ liên quan tới đạo Phật, như thiền sư, Phật mẫu, con Phật, chùa chiền,… song kỳ thực lại không đúng với giáo lý của đạo.

Nói tóm lại, truyện Phật mẫu Man nương không thể hiện chính xác hình ảnh của Phật giáo thời buổi sơ khai tại trung tâm Luy Lâu, dù nơi đây được công nhận là một trong những trung tâm Phật giáo lâu đời nhất vùng Đông Nam Á. Mà câu chuyện còn có thể phức tạp hơn khi ẩn giấu những chi tiết liên quan tới Ấn Độ giáo và tín ngưỡng thờ nhiên thần của người bản địa.

Share