Thủy tiên ngày Tết: Nghề chơi cũng lắm công phu

Tác giả Tường Vân
Thủy tiên ngày Tết: Nghề chơi cũng lắm công phu

“Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh”

(Núi nổi danh không bởi cao, mà bởi có tiên) 

Trong truyện ngắn Ăn Tết thủy tiên của nhà văn Vũ Bằng, một cụ già mê hoa thủy tiên đã âu yếm đặt cho đóa hoa đem dự thi của mình cái tên Tắc Danh, một cái tên vừa tôn lên vẻ đẹp của hoa lại vừa khoe khéo tài học của chủ nhân. Thủy tiên ngày Tết không giống đào thắm mai vàng, người chơi hoa phải một lòng kiên trì bỏ công chăm chút, uốn nắn và gọt tỉa kỹ càng để làm nổi bật cốt cách và sinh khí của nàng tiên bên bờ nước, vậy mới không làm uổng một đời hoa. Chính vì sự cầu kỳ tỉ mỉ ấy mà thường những nhà theo đòi bút nghiên mới chơi thủy tiên vào ngày Tết, không chỉ để thưởng thức lấy vẻ yêu kiều tú lệ của hoa mà còn để di dưỡng tính tình.

Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng xưa kia có người đàn bà họ Diêu, một đêm nằm mộng thấy ngôi sao chủ về số mệnh phụ nữ giáng trần, hóa thành cây hoa cánh trắng đài vàng, hương thơm thoang thoảng, bèn hái lấy mà ăn. Ít lâu sau bà sinh hạ một cô con gái người đẹp như ngọc, lại thông minh dĩnh ngộ, nên mới lấy tên hoa là Thủy Tiên đặt cho con. Còn thần thoại Hy Lạp kể chuyện chàng Narcissus vì quá si mê nhan sắc của mình mà ngã xuống hồ chết đuối, xác hóa thành những cụm thủy tiên vàng óng. Dù là trong truyện kể nào, thủy tiên cũng là loài hoa gắn liền với vẻ đẹp tuyệt thế. 

Quả vậy, thủy tiên làm rung động lòng người chỉ bằng cái nhìn đầu tiên. Những cánh hoa trắng muốt ôm lấy đài hoa vàng rực đã đem đến cho hoa danh xưng mỹ miều kim trản ngân đài tức chén vàng bày trên đĩa ngọc. Vẻ đẹp của thủy tiên không lồ lộ, phát tiết hết anh hoa ra ngoài mà âm thầm giấu kín bên trong củ tròn màu trắng từa tựa như củ hành tây. Nếu để hoa nở tự nhiên, thì lá sẽ đâm lên xum xuê tua tủa như ngọn kiếm xanh biếc, còn hoa mọc tự do không theo lề lối, tuy chẳng phải xấu xí nhưng không gọn gàng thuận mắt. Vậy nên những người thi thư mới dành thời gian để tự mình săn sóc lấy một củ thủy tiên, hồi hộp chờ đợi thành quả âm thầm chậm rãi vươn lên từ bên trong lớp củ bí ẩn kia, như chờ đợi một nàng tiên bé nhỏ mỉm cười thức giấc sau một cơn mơ dài. 

Ban đầu, ngay từ bước chọn củ hoa, người chơi thủy tiên đã phải để ý rất kỹ tới các dấu hiệu. Củ hoa sẽ cho ra những nhành hoa đẹp phải là củ to vừa phải, cầm chắc tay và có lớp vỏ ngoài mỏng xốp. Lý tưởng nhất là những củ già dặn khoảng ba năm tuổi, ở độ tuổi đó tầng đất sâu đã cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho mầm hoa bên trong lớn lên khỏe mạnh, tươi tắn. 

hoa thủy tiên ngày tết

Chọn được củ thủy tiên ưng ý rồi, ta cần làm sạch củ khỏi đất bụi bám ngoài, tước bỏ rễ thừa và lá úa rồi ngâm vào nước trong vòng vài ngày. Nước sẽ rửa trôi nhựa cây và khiến cho củ căng bóng, mượt mà, bắt đầu nhú những mầm non đầu tiên. Khi ấy là lúc thích hợp để gọt tỉa. 

Bởi cấu tạo củ thủy tiên gồm nhiều lớp xếp chồng phong kín chùm lá ở giữa, rồi tới lượt lá lại ôm chặt lấy hoa, nên người chơi hoa phải khéo dùng dao tách từng lớp để làm lộ ra từng tầng lá, tầng hoa. Đây là bước khó nhất mà cũng gây nhiều thích thú, hưng phấn nhất cho người chơi. Có lên được hàng bậc thầy hay không cũng từ bước này mà ra cả. Người giỏi chơi hoa phải là người biết cách tỉa sao cho giò hoa trổ theo đúng ý mình, biết uốn nắn dáng hoa thành nhiều thế đẹp mắt, và tài tình nhất là điều khiển được hoa nở chính xác vào thời điểm giao thừa. 

hoa thủy tiên ngày tết

Bấy lâu do nhiều biến động thời cuộc, thủy tiên bỏ bẵng không được đoái hoài tới bởi chẳng mấy ai còn biết cách chơi, những tưởng thú gọt thủy tiên thanh nhã đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn trên những trang sách hoài niệm. Song vẫn còn đó những người tha thiết với chuyện xưa nếp cũ, nên đã kỳ công tìm tòi, học hỏi để hồi sinh cung cách gọt củ thủy tiên đúng điệu như các “tay chơi” lão luyện Hà thành năm nào. 

Muốn tỉa thủy tiên đúng cách phải thửa riêng một con dao không chuôi, một đầu vát nhọn còn đầu kia có rãnh để tiện “cắt, lượn, khía, tỉa, móc, xén” như lời miêu tả của nhà văn Vũ Bằng. Để không lỡ tay cắt hỏng cả củ hoa, người chơi cần có ít nhất hai, ba con dao tỉa khác nhau về kích cỡ, “con nhỏ nhất lấy lá, con vừa vừa để dùng móng lấy giò, còn con to nhất (nhưng không to hơn cái lá lan) thì để chạm giò cho lá đừng thẳng đườn ra”.  

Khi bắt tay vào gọt thủy tiên, cần nhất là sự kiên trì, chuyên chú, bởi càng gọt sâu vào bên trong, củ hoa càng lộ ra các lớp mỏng mềm. Bất kỳ một sự hấp tấp nào cũng sẽ di hại đến dáng hoa nở sau này. Với những người mới bắt đầu, cách tạo hình đơn giản nhất là hoa thấp – lá cao, cứ tỉ mẩn lách dao bóc tách từng lớp một, phân biệt rõ các giò hoa, giò lá để tránh phạm lỗi không đáng có. Còn người chơi hoa có kinh nghiệm có thể tùy ý quyết định hướng phát triển của hoa và lá thông qua một số kỹ thuật như xén vát chéo để về sau lá mọc uốn cong mềm mại, hay xén vát cạnh từ trên xuống cho lá xoăn tít như bụt ốc. 

Sau khi gọt xong củ thủy tiên, cần trải qua bước thuỷ dưỡng để nuôi thành công một bát hoa đẹp. Để củ hoa trắng trong như ngọc, cần ngâm vào bát nước sạch, lý tưởng nhất là nước giếng hay nước mưa mát lành. Nhưng không chỉ ngâm nước là đã xong, người chơi hoa còn phải nhọc lòng thêm như chăm con mọn, nào là thay nước thường xuyên, nào là đảo củ cho khỏi thâm hay nhiễm nấm, rồi để mắt trông nom tới việc làm sạch các chất nhớt mà củ hoa nhả ra. 

Ngoài ra cũng cần lưu ý kỹ tới nhiệt độ, nếu lạnh quá thì phải đốt thêm hương, chiếu thêm đèn sưởi cho hoa; nếu nóng quá phải để xuống gầm giường, gầm tủ hay cho bát hoa vào chậu nước đá. Cứ thế chịu khó chăm chút, nuôi dưỡng hoa trong vòng một tháng, khi hoa bắt đầu đơm, lá bắt đầu nhú, rễ bắt đầu dài, lại tiếp tục nâng niu, yêu chiều hoa thêm một bực nữa: Xén tỉa lá cho khỏi mọc xiêu vẹo, lấy tăm rẽ hoa cho khỏi mọc sít vào nhau, vệ sinh rễ liên tục để rễ khỏi bụi bẩn,… Đến là mất ăn mất ngủ vì hoa! Chẳng thế mà cụ thân sinh nhà văn Vũ Bằng vốn yêu thủy tiên là thế mà cũng phải than:

Nhưng mà tổn thọ, ông ạ. Không phải bây giờ tôi mới nghĩ thế đâu, chớ đàn ông mà chơi cái giống thủy tiên này, giảm thọ đi mất đến mười năm; mà đàn bà (thày tôi hạ thấp giọng xuống một chút) đàn bà gọt thủy tiên thi thì... mất một lứa đẻ đấy ông Cả ạ!

Đến khi thủy tiên khoe sắc rồi, bao mệt mỏi căng thẳng lúc chăm hoa dường như bay biến hết, chỉ còn lại sự mãn nguyện, sảng khoái vô ngần. Vẻ đẹp của hoa thủy tiên nằm ở tất cả các yếu tố chứ không chỉ mỗi hoa, nên niềm vui của người chơi hoa càng không gì sánh nổi. Một bát hoa đẹp đúng kiểu gồm những bông hoa hàm tiếu, tức nở không quá rộ, chúm chím như những nụ cười duyên, khai hoa phải đúng lúc giao thừa. Lá thủy tiên xanh mướt ôm khéo lấy những đóa hoa, nhánh thì vươn cao thẳng tắp như lưỡi kiếm, nhánh thì uốn lượn cong như râu rồng, xen lẫn với những móng rồng trắng muốt được chủ nhân khéo tỉa từ lớp vỏ còn lại của củ hoa. Củ thủy tiên dẫu đã được tỉa vẫn ngậm nước nên mập mạp, căng bóng, cùng chùm rễ dài mượt không gợn tì ố càng làm tăng thêm vẻ kiều mỵ, thanh tao của loài hoa tiên nữ này. 

hoa thủy tiên ngày tết

Trước đây, người ta còn tổ chức các cuộc thi hoa thủy tiên khá long trọng tại đền Ngọc Sơn hay đền Bạch Mã để chọn ra những bát hoa thần tình nhất. Thế nên việc kén chọn, săn sóc đến từng củ thủy tiên lại càng khó nhọc lắm lắm, nhưng về mặt tinh thần, người chơi hoa lại càng tinh tấn hơn trong việc rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, chú tâm tới từng chi tiết nhỏ, lại mài sắc hơn óc thẩm mỹ cùng sự sáng tạo. Hơn nữa việc thưởng hoa, ngắm hoa, ngẫm nghĩ chọn lấy cho hoa một cái tên ý nghĩa vào ngay dịp đầu xuân năm mới, chẳng phải đó là thái độ vui hưởng với cuộc đời sao?

Đã mượn một tứ thơ để mở đầu bài về hoa, vậy cũng xin khép lại bằng một bài thơ khen ngợi vẻ đẹp không nhiễm bụi trần của loài hoa này:

hoa thủy tiên ngày tết

Tác Giả Tường Vân
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share