Nghe đến đoạn Địa Long là do mãng xà tạo thành, tôi sực nhớ lại người tên Hạo hôm qua liền đem ra hỏi. Quả thực anh Hùng trả lời người ấy sở hữu Địa Long Phù. Cách đặt tên Phù của lục lâm cũng hết sức khó hiểu, sao Long lại ở dưới đất mà Rùa lại ở trên không? Anh Hùng trả lời, ban đầu các Phù này được sử dụng riêng cho một nhánh lục lâm, ví dụ Thiên Hổ chủ về quan sát và tấn công, tựa như trời cao nhìn xuống nhân gian, được đập miễu sử dụng, nên lục lâm gọi là Thiên Hổ. Địa Long là của thả diều, chủ về di chuyển và điều khiển “bồ câu”, mặc cho bồ câu đó là của ai, cho nên mới có chữ Địa.
Không Quy và Hải Phượng gần như thất lạc quá lâu, người sử dụng cũng kín tiếng, thông tin có không nhiều ngoài việc Không Quy là của hàng rong, người sở hữu Phù này gần như bất hoại về thân thể, chịu được gần như mọi đòn tấn công; Hải Phượng là của thông hải, thông tin biết được là quá ít, chỉ nghe nói là có thể đi xuyên tường xuyên núi, lặn biển hoặc bay lên trời. Tôi nghĩ thầm trong đầu, có thể do lâu quá không thấy ai sử dụng nên tin đồn thêu dệt làm mọi chuyện trở nên hư cấu. Tuy nhiên, chuyện Không Quy nghe có vẻ thú vị. Tôi bèn hỏi có khi nào Không Quy có thể bất tử hay không. Anh Hùng lắc đầu, bảo chưa đoán được.
Tôi bỗng muốn im lặng, hút thuốc và uống cà phê, mọi người cũng hiểu tâm lý nên không ai nói gì nữa. Lát sau anh Hùng thấy đã trễ, bèn giục mọi người lên đường. Từ Hòn Đất bọn tôi định đi theo đường Rạch Giá, qua An Biên, Vĩnh Thuận vào ngõ thành phố Cà Mau, quãng đường chừng hơn một trăm năm mươi kilomet. Chạy đến An Biên là đã mười một giờ trưa. Vừa qua thị trấn thì có một vụ tai nạn giao thông làm ùn tắc đường lớn. Người ta bảo nếu muốn qua Vĩnh Thuận thì nên đi đường vòng. Nghĩ thôi cũng đành, xa hơn chẳng là bao.
Chúng tôi men theo con đường nông thôn. Ban đầu còn là đường bê tông, rồi thành đường trải đá, lát sau đến đường đá lởm chởm thì cả hai xe đều lủng bánh. Xung quanh bốn bề đều là đồng lúa với những mái nhà tranh thấp thoáng xa xa, chúng tôi đành thay phiên dắt xe tìm chỗ vá. Đường sình lầy lội, nơi làng xóm hẻo lánh, ngã rẽ nhiều. Chúng tôi đi nhầm đường cụt đến mấy lần, lâu lâu mới có nhà để hỏi thăm, mãi đến đầu giờ chiều mới vào lại đúng đường. Đến tiệm sửa xe, nhìn lại đồng hồ đã là bốn giờ kém. Những chuyện sửa xe thiếu dụng cụ thôi không kể ra đây, chỉ biết đến khi xe chạy được thì đã tối. Anh Hùng thấy thế bèn cho tiền anh thợ sửa xe, nhờ làm giúp một ít cơm với đồ ăn lót dạ. Xong xuôi đâu đây thì đã tối muộn.
Dù đã trễ, ai cũng thấm mệt, nhưng so với cái mệt từng trải qua ở Kiên Lương thì chưa bõ vào đâu, nên cả bọn nhất trí sẽ lên xe đi tiếp. Lát sau, chúng tôi đến một cây cầu đang sửa. Con kênh này khá lớn, không thấy người dân ở gần để hỏi thăm có đường vòng hay không. Mọi thứ như rối tung lên. Giờ chỉ cần chiếc xuồng để qua sông, ánh đèn thị trấn đã lấp ló đằng xa rồi. Đang chưa biết tiến lùi thế nào, từ xa thấy có chiếc vỏ lãi trờ tới như đang thả trôi, bên trên có bóng một người đang chống sào. Anh Hùng bèn lên tiếng gọi thử. Cứ tưởng người đó chống vỏ đi qua luôn, ai dè anh vừa dứt lời đã thấy người kia khua cái sào lên trên không, đẩy vỏ lãi về phía bờ nước chúng tôi đang đứng.
Khi chiếc vỏ lãi cập bờ, tôi mới thấy rõ người thanh niên đang chống chèo. Anh ta khá trẻ, nếu không muốn nói khuôn mặt trông như con nít, ấy vậy mà lại đầy một rổ mụn, còn chưa kể đến chuyện thân hình quá khổ nữa. Bề ngoài là vậy, nhưng theo kinh nghiệm riêng của tôi, những người như thế chơi rất ổn, tính tình luôn thoải mái và hết mình. Vừa chống cái sào tre vào bờ đất đã nghe giọng anh ta oang oang:
– Anh Hùng, anh Hùng Bonsai đúng không? Trời ơi đúng là anh rồi!
Tôi quay sang anh Hùng thấy anh đang ngơ ngác, trừng mắt nhìn về phía chiếc vỏ lãi. Trời đã khuya nên chắc anh không thấy rõ hay sao đó. Lúc nhận ra rồi anh cũng la lên, nghe giọng anh hơi giả lả:
– À, chú em! Lâu lắm rồi mới gặp lại, dạo này sao rồi?
Thì ra là người quen, ai ngờ nghe anh Hùng kêu một tiếng đã quay lại.
Hình như anh thanh niên kia cũng nhận ra được sự bối rối trong giọng nói của anh Hùng, anh ta cười hề hề, đứng chống nạnh bảo:
– Em Thanh đây, anh quên thằng em đi đập miễu chung ở Tây Ninh rồi chứ gì. Mà cũng phải, lần đó anh dẫn nguyên đoàn mười mấy dân đập miễu, anh không nhớ em cũng phải, tại em có làm được trò trống gì đâu…
Anh Hùng cười gượng, nói:
– Không phải đâu Thanh ơi, tại dạo này nhiều chuyện xảy ra quá, đầu óc anh cứ ở đâu đâu…
Thanh chống tay lên cái sào tre:
– Thôi thôi, em hiểu mà. Anh Hùng Bonsai, chủ đề bàn tán sôi nổi trong lục quán, mấy thằng ất ơ lôm côm như em đâu dám bắt bẻ. Vậy thì chị gái xinh đẹp này là Tú Linh nè, em trai tóc dài này là Thạch Sinh nè, còn nhóc này…
Thanh chỉ mặt từng người, đến khi thấy tôi thì khựng lại, vẻ mặt anh pha chút bất ngờ:
– Thiên Hổ… Đúng chưa anh?
Anh Hùng gật đầu, Thanh mới nói tiếp:
– Còn anh Thông thì…
Thanh nói đến đó làm tôi cảm thấy ngượng, không dám đưa mắt nhìn Hùng, anh muốn trả lời sao tôi cũng chấp nhận, nhưng chỉ nghe anh bảo:
– Nó không sao, chỉ cần vài tháng nữa là bình phục hoàn toàn. Mà, mày làm gì ở đây vậy? Giờ là mười một giờ, không lẽ mày đang đập miễu?
– Đúng rồi anh, có người nhờ em đi bắt ma da. Con sông này tháng rồi có bốn người bị kéo giò, chết đuối, giờ có ông nào dám lái đò nữa đâu.
Sinh thốt lên:
– Ma da à? Chà, kèo này ngon nè, tui cũng muốn thấy ma da một lần cho mở mang tầm mắt, đó giờ toàn đập miễu trên đèo trên núi, nghe người ta đồn nhiều rồi. Anh Hùng?
Anh Hùng nghe thằng Sinh nói vậy liền nhìn sang Tú Linh, cô phẩy tay bảo cũng chưa thấy ma da bao giờ, phần tôi thì anh khỏi cần hỏi cũng biết. Tôi chỉ nghe người ta kể, đi tắm sông ban đêm mà bơi ra xa xa, nhón chân đạp lên lớp bùn bên dưới ba lần, miệng đọc: “Da gà, da vịt. Không phải ma da. Bì bõm bì bà. Tới thăm hà bá”. Sau đó thì người đọc phải lặn xuống, lấy ngón trỏ và ngón cái tạo thành vòng tròn như cái kính cận rồi nhìn xung quanh một hồi sẽ thấy được ma da.